Đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 trình Quốc hội, Chính phủ

20:02 | 29/08/2017

1,426 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong buổi hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 - Những vấn đề cần đặt ra” diễn ra tại Đà Nẵng ngày 29/8, có nhiều ý kiến về việc cần sửa đổi Nghị định 67. Các đại biểu, ngư dân dự hội thảo cho rằng nghị định này trong quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều thiếu sót, vướng mắc trong triển khai vốn vay, thiết kế tàu, đào tạo ngư dân...  

Hội thảo diễn ra với sự góp mặt của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, ban, ngành Trung ương và một số ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67.

Tại hội thảo, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, đến ngày 31/7/2017 đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động nhờ các chương trình từ Nghị định 67. Trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất. Về giải ngân nguồn vốn, tính đến ngày 15/7/2017, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 1.005 tàu (880 tàu đóng mới và 125 tàu nâng cấp); số tiền cho vay cam kết là 9.931 tỷ đồng; giải ngân cho vay được 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng.

de xuat sua doi bo sung nghi dinh 67 trinh quoc hoi chinh phu
Toàn cảnh Hội thảo "Sửa đổi Nghị định 67 - Những vấn đề cần đặt ra".

Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Nghị định 67 là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 67 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc như chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng cho thủy sản, vốn vay, thiết kế, thi công, công tác giám sát đóng mới tàu cá, công tác đào tạo nhân lực...

Nêu ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 67, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản, Tổng cục Thủy sản đề xuất, Ngân sách Trung ương cần ưu tiên tập trung đầu tư đồng bộ các hạng mục bao gồm cầu cảng; kè bờ, kè chắn sóng, chắn cát; nạo vét luồng ra vào cảng, vùng nước neo đậu tàu... Ngoài ra còn cần bổ sung hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá và thuyền viên tàu có công suất máy chính từ 400CV trở lên.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) thông tin, Agribank là ngân hàng thương mại hiện chiếm gần 50% tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67 của Chính phủ. Đến nay sau 3 năm triển khai thực hiện, riêng Agribank về cho vay theo NĐ 67 đến 31/7/2017, tổng số vốn cam kết cho vay theo các hợp đồng tín dụng đã ký 4.605 tỷ đồng, dư nợ hiện tại 3.883 tỷ đồng. Nhưng trong thực tế, người vay lúng túng trong việc lập hồ sơ vay vốn, không biết lập phương án kinh doanh, không chứng minh được khả năng tài chính, không chứng minh được nguồn nhân lực đạt trình độ quản lý và vận hành trang thiết bị hiện đại khi chuyển đổi từ phương thức đánh bắt truyền thống sang hiện đại…

de xuat sua doi bo sung nghi dinh 67 trinh quoc hoi chinh phu
Tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 nằm bờ chờ sửa chữa.

Về vấn đề các mẫu thiết kế do Bộ NN&PTNT ban hành, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho rằng, đối với ngư dân, lâu nay chỉ mới sử dụng tàu vỏ gỗ, chưa có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về tàu vỏ thép, nên khi đặt hàng thiết kế mới hoặc điều chỉnh thiết kế mẫu của Bộ, vẫn chưa thể đưa ra đầy đủ các yêu cầu của mình. Do vậy, khi thi công đóng mới, còn nhiều vấn đề nảy sinh cần phải thay đổi về kết cấu vỏ tàu, máy chính đẩy tàu, trang thiết bị, giá thành đầu tư... làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện chính sách. Thời gian tới, cấp ngành Trung ương cần tăng cường công tác khuyến ngư, đào tạo, hướng dẫn thuyền trưởng, thuyền viên kỹ thuật vận hành tàu vỏ thép, kiến thức sử dụng các trang thiết bị hàng hải, khai thác hiện đại, phương pháp bảo quản sản phẩm tiên tiến… để phát huy công năng tàu, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Kết luận hội nghị, ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề xuất Bộ NN&PTNT và các đơn vị liên quan cần khẩn trương xây dựng dự thảo lấy ý kiến về bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị định 67 để trình Quốc hội, Chính phủ.

Thanh Hiếu

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc