Nới thời hạn cho vay ngoại tệ: Phù hợp thực tiễn
Cần điều kiện áp dụng
Theo Thông tư 18, tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép xem xét, quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Khi được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.
![]() |
TS Nguyễn Trí Hiếu |
Đánh giá về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, nên để các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu vay bằng ngoại tệ vì lãi suất thấp. Khi những DN này xuất khẩu hàng hóa sẽ có nguồn ngoại tệ trả lại cho ngân hàng. Thông tư này áp dụng cho các DN không phải DN nhập khẩu, tức là họ không cần ngoại tệ để nhập khẩu, họ mua hàng hóa nguyên vật liệu ở trong nước, chế biến và xuất khẩu. Trên nguyên tắc họ không cần ngoại tệ để sản xuất kinh doanh. Nhưng lợi ở đây là họ vay được ngoại tệ với lãi suất thấp, chi phí của họ sẽ thấp, giá thành thấp, tạo ra cạnh tranh cho hàng xuất khẩu ở Việt Nam. Họ có nguồn ngoại tệ để trả lại cho ngân hàng nên mục đích vay và nguồn trả là phù hợp.
Với Thông tư 18, đây là lần thứ 3 Ngân hàng Nhà nước nới thời hạn cho vay ngắn hạn ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu thanh toán trong nước tới hết năm 2018. |
Tuy nhiên, DN có thể lợi dụng kẽ hở này để vay ngoại tệ, mặc dù họ có đơn đặt hàng từ nước ngoài nhưng bán chủ yếu ở nội địa, đối với những DN này không nên cho vay. Do đó, nên đưa ra điều kiện áp dụng cho những DN có xuất khẩu trên 50% tổng doanh thu thì cho vay. Khi đồng Việt Nam ổn định và lãi suất xuống thấp thì cần rút lại quy định này.
Hỗ trợ DN xuất nhập khẩu
![]() |
Ông Nguyễn Đình Tùng |
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông cho rằng: Ở đây không chỉ xét ở phạm vi Thông tư 18, mà liên quan đến cả một hệ thống từ định hướng, chủ trương, cách vận động chính sách quản lý tiền tệ của Việt Nam. Thông tư 18 cũng là một bộ phận quan trọng trong chính sách chống đôla hóa. Nếu nguồn huy động đầu vào không có thì đương nhiên đầu ra cho vay ngoại tệ cũng phải hạn chế. Nếu xét đơn lẻ ở một thông tư thì có thể có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, nhưng xét tổng thể đồng bộ cả hệ thống quy định chính sách về quản lý tiền tệ chung thì quy định gia hạn ở Thông tư 18 là hoàn toàn hợp lý.
Bên cạnh đó, Thông tư 18 theo hướng giãn thời gian thực hiện. Chủ trương này đáng ra phải thực hiện từ lâu, nhưng để đồng bộ với chính sách chống đôla hóa nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hàng loạt các chính sách, trong đó có chính sách về huy động, mở và sử dụng tài khoản bằng ngoại tệ của người Việt Nam... Nhưng để đảm bảo cho việc phát triển kinh tế thị trường và hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu thì Ngân hàng Nhà nước vẫn gia hạn thời gian áp dụng. Đứng ở góc độ DN cũng phải hình dung sự thay đổi về mặt chính sách cho phù hợp với thực tiễn.
![]() |
Trên thực tế, rất nhiều khách hàng thuộc đối tượng có thể vay bằng ngoại tệ, nhưng họ đã chuyển sang vay bằng tiền Việt Nam đồng. Lý do được đưa ra là ổn định về tỷ giá, mặc dù chi phí lãi suất cao nhưng an toàn, không phải lo về biến động tỷ giá, đặc biệt những khoản vay sử dụng thường xuyên cho hoạt động của DN, những khoản vay từ 12 tháng trở lên… chỉ những khoản vay ngắn hạn hoặc rất ngắn hạn, khách hàng vẫn có thể có sự chênh lệch giữa 2 đồng tiền thì khách hàng mới vay bằng ngoại tệ. Đó là hướng đi hợp lý cho cấu trúc về quản lý của các DN.
Đối với quan điểm gia hạn từng năm một làm khó các nhà đầu tư, chúng ta cần phải nhìn ở một góc nhìn khác sẽ thấy rằng, đây thực chất là tạo điều kiện thêm cho các DN nên sẽ mang tính chất thuận lợi nhiều hơn. “Tóm lại, xét trong ngắn hạn có thể thiệt thòi một chút nhưng dài hạn thì sẽ đảm bảo hơn. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang mở, nếu không quản lý được các vấn đề như ổn định tỷ giá, đồng tiền thì cực kỳ nguy hiểm và càng ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư” - CEO Ngân hàng TMCP Phương Đông nhấn mạnh.
Lãi suất cho vay USD tại các ngân hàng hiện khá ổn định, phổ biến ở mức 2,8-6%/năm, tùy kỳ hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường bằng VND ở mức 6,8-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với kỳ hạn trung và dài hạn |
Xuân Hinh - Mỹ Hạnh
-
Bộ Công Thương công bố Quy hoạch điện VIII điều chỉnh
-
Tiêu thụ vàng của Trung Quốc giảm gần 6% trong quý I/2025
-
Liên minh Trung Quốc - EU bù đắp khoảng trống của Mỹ trong cuộc chiến về khí hậu
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 29/4: Ấn Độ mua lượng kỷ lục dầu pha trộn ESPO của Nga
-
Tin tức kinh tế ngày 28/4: Xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 4/2025 tăng 16,5%