Bản tin Dầu khí Thế giới ngày 17/4/2017

Nhật Bản chuẩn bị thử nghiệm khai thác khí đốt từ băng cháy lần thứ hai

16:25 | 17/04/2017

651 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản cho biết đã bắt đầu chuẩn bị đợt khai thác thử nghiệm thứ hai kể từ năm 2013 khi lần đầu tiên trên thế giới thành công trong việc tách khí đốt từ các mỏ methane hydrate (khí đóng băng hay còn gọi là “băng cháy”) ngoài khơi bờ biển trung tâm nước này.
nhat ban chuan bi thu nghiem khai thac khi dot tu bang chay lan thu hai

METI cho biết sẽ khai thác thử nghiệm tại hai giếng theo chu kỳ từ bốn đến năm tuần. Chính phủ dự kiến chi cho đợt khai thác thử nghiệm này khoảng 20 tỷ yên (180 triệu USD).

Nhật Bản nhập khẩu hầu như toàn bộ nguồn năng lượng và đang có kế hoạch đưa băng cháy vào khai thác thương mại trong khu vực tư nhân giai đoạn 2023-2027, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức và trở ngại cần giải quyết, đại diện METI cho biết.

Nhật Bản là nước nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới và nhu cầu về nguồn khí đốt trong nước ngày càng tăng lên, sau cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima cách đây 6 năm khiến hầu hết các nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch (như LNG và than) tăng đột ngột.

Metan hydrate được hình thành từ một hỗn hợp khí methane và nước dưới điều kiện và áp suất nhất định. Hiện nay chính phủ các nước như Ấn Độ, Canada, Mỹ và Trung Quốc cũng đang xem xét việc khai thác các mỏ hydrate như một nguồn năng lượng thay thế. Năm 2008, Tổng công ty Dầu mỏ, Khí đốt và Kim loại Nhật bản (JOGMEC) đã thực hiện thành công việc khai thác khí methane trên đất liền trong 6 ngày liên tục từ vỉa băng cháy nằm sâu dưới tầng băng vĩnh cửu tại vùng cực bắc thuộc Canada.

Theo một nghiên cứu của Nhật Bản, ước tính trữ lượng methane hydrate ở thác Nankai phía Đông ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương nước này đạt ít nhất 40 nghìn tỷ feet khối, tương đương lượng khí tiêu thụ trong 11 năm của Nhật Bản.

Trung tâm Đào tạo và Thông tin Dầu khí (CPTI) - Viện Dầu khí Việt Nam