Ngân sách kiệt quệ vì giá dầu giảm, Arập Xêút mạnh tay chống tham nhũng

16:16 | 07/11/2017

1,733 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chỉ trong một ngày, 11 hoàng tử, 4 Bộ trưởng đang tại chức và hàng chục cựu Bộ trưởng của Arập Xêút đã bị bắt. Cuộc khủng hoảng giá dầu từ 3 năm qua đã khiến quốc gia Trung Đông giàu có trở nên kiệt quệ. Việc bài trừ tham nhũng là một trong những nét chính trong kế hoạch đại cải tổ Vương quốc Arập Xêút.
ngan sach kiet que vi gia dau giam arap xeut manh tay chong tham nhung
Thái tử Mohammed bin Salman, người đứng đầu ủy ban chống tham nhũng của Arập Xêút

Theo truyền thông Arập Xêút, trong số những nhân vật nặng ký bị bắt ngày 4/11 có Hoàng tử Al Walid ben Talal, nhà tỷ phú doanh nhân đầy thế lực và Hoàng tử Miteb ben Abdalla, Bộ trưởng kinh tế. Đây là hai người con trai của nhà vua quá cố Abdullah.

Vài giờ trước chiến dịch trên, Ryad thông báo thành lập xong Ủy ban chống tham nhũng do Thái tử Mohammed bin Salman, 32 tuổi, dẫn đầu, với nhiệm vụ trừng phạt “những kẻ dựa vào thế lực để biển thủ công quỹ”. Theo giới phân tích, các vụ bắt giữ bất ngờ này là chỉ dấu quan trọng nhất cho thấy Thái tử Mohammed bin Salman giữ lời hứa sẽ cải cách vương quốc, vốn từ lâu nay vẫn bị coi là có nhiều tham nhũng ở cấp cao nhất của chính quyền.

Chỉ ít giờ trước khi có chiến dịch bắt giữ, Vua Salman ra lệnh giải nhiệm Tư lệnh Vệ binh Hoàng gia, Hoàng tử Miteb bin Abdullah, người trước đây từng được coi là có thể được đưa lên trị vì Arập Xêút.

Ông Mohammed bin Salman được phong Thái tử sau khi Quốc vương Salman tước bỏ ngôi vị này từ cháu trai - Mohammed bin Nayef. Thái tử Mohammed bin Salman hiện là người kế vị của Arập Xêút. Được ân sủng đúng vào thời điểm Arập Xêút đang rơi vào khủng hoảng tài chính vì dầu mất giá. Năm 2015, IMF đã đưa ra một báo cáo đáng lo ngại đối với Riyad cho thấy Arập Xêút sẽ hết tiền vào năm 2020. Tăng trưởng kinh tế của Arập Xêút trong quý II/2017 tiếp tục giảm so với các kỳ trước do giá dầu thấp và do việc nước này phải cắt giảm sản lượng dầu để tuân thủ thỏa thuận quốc tế.

Theo báo cáo của Cơ quan thống kê Arập Xêút công bố ngày 1/10/2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vương quốc này trong quý II/2017 giảm xuống còn 2,3% so với mức 3,7% của quý I. Đây là kỳ giảm thứ hai liên tiếp. Nếu xu hướng giảm tiếp tục thì năm 2017 sẽ là năm đầu tiên nền kinh tế của Arập Xêút suy giảm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.

Theo giải thích từ phía của Cơ quan thống kê Arập Xêút, tăng trưởng kinh tế của nước này giảm là do giá dầu vẫn ở mức thấp và trong thời gian qua nước này phải cắt giảm sản lượng dầu khí để tuân thủ thỏa thuận cắt giảm ký kết giữa các nước trong và ngoài OPEC, có hiệu lực từ đầu năm 2016 đến nay. Arập Xêút là quốc gia đứng đầu OPEC, nên việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm là điều kiện để giữ uy tín cho Vương quốc này.

Từ một nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, nhưng đến giữa năm 2014, Arập Xêút đã phải áp dụng hàng loạt các biện pháp tiết kiệm chi tiêu do doanh thu từ dầu mỏ, chiếm hơn 90% tổng thu ngân sách của chính phủ, giảm mạnh do dầu mất giá. Trong 3 năm qua, ngân sách nước này đã bị thâm hụt hơn 200 tỷ USD và dự báo mức thâm hụt ngân sách trong năm 2017 là 53 tỷ USD.

Để bù đắp cho những thiếu hụt này, Ryad đã vay mượn từ các thị trường quốc tế và trong nước, cũng như phải rút khoảng 245 tỷ USD từ nguồn dự trữ ngoại tệ quốc gia.

Trong bối cảnh này, năm 2016, ông Mohammed bin Salman đã công bố "Tầm nhìn 2030" - một kế hoạch dành cho Arập Xêút thời kỳ hậu dầu mỏ. Trọng tâm của kế hoạch trên là tập trung vào các cải cách kinh doanh và đầu tư. Trong đó, tỷ trọng đóng góp của nguồn thu dầu mỏ vào ngân sách sẽ giảm từ 72% xuống còn 16%. Ngoài ra, Arập Xêút cũng đề ra các mục tiêu như giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng cường vai trò của ngành kinh tế tư nhân, và nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động.

Kế hoạch trên sẽ được hỗ trợ bởi một quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, với quy mô 2.000 tỷ USD. Một phần số tiền này đến từ việc phát hành cổ phiếu ra công chúng của Tập đoàn dầu mỏ quốc gia của Arập Xêút là Aramco. Giới chức Arập Xêút tin tưởng với kế hoạch đầy tham vọng này, đến năm 2020, Arập Xêút có thể tồn tại mà không cần dầu mỏ. Cuối tháng 10/2017, Tập đoàn dầu khí Aramco đã xác nhận rằng đợt IPO của Tập đoàn sẽ diễn ra vào nửa sau của năm 2018. Việc bán 5% cổ phần của Aramco là xương sống của kế hoạch "Tầm nhìn 2030". Dự kiến, việc cổ phần hóa trên ​​sẽ đem lại 100 tỷ USD cho vương quốc vùng Vịnh này. Ngoài ra, nhằm đa dạng hóa nền kinh tế trong bối cảnh nguồn tài nguyên dầu lửa cạn dần, Thái tử Mohammed bin Salman cũng đã đưa ra ý tưởng táo bạo đầu tư 500 tỷ USD cho một siêu đặc khu hành chính, rộng hơn 20.000km2 bên bờ Biển Đỏ.

Để thực hiện được kế hoạch trên Arập Xêút cũng sẽ tiến hành tái cấu trúc chính phủ một cách toàn diện và liên tục dựa trên các kế hoạch ưu tiên. Theo đó, vương quốc này bắt đầu nâng cao hình ảnh bộ máy chính phủ bằng cách xóa bỏ Ủy ban tối cao và thay vào đó thành lập Ủy ban chính trị - an ninh và Ủy ban kinh tế phát triển.

Ngoài ra, Arập Xêút dự kiến thành lập công ty cổ phần Quốc phòng - An ninh vào cuối năm 2017, bù đắp sự thiếu hụt lực lượng quốc phòng tại quốc gia. Vương quốc sẽ tổ chức lại và giải quyết vấn đề chi tiêu không hợp lý trong ngành Quốc phòng - An ninh. Bản kế hoạch có đoạn: “Chúng tôi hướng đến việc cắt giảm 50% chi tiêu nhập khẩu thiết bị quân sự bằng phương thức địa phương hóa. Một số ngành sản xuất ít phức tạp đã bắt đầu được triển khai như sản xuất phụ tùng, xe bọc thép và đạn dược cơ bản. Chúng tôi hướng đến mở rộng sản xuất những thiết bị phức tạp và có giá trị cao như máy bay quân sự”.

Th.Long

AFP