Y đức: Lương tâm và trách nhiệm (Bài 1)

07:00 | 19/10/2013

921 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau rất nhiều vụ việc lùm xùm xảy ra trong ngành y suốt thời gian qua, có thể nói nguyên nhân sâu xa là vấn đề y đức. Nó không còn là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh nữa” mà thực sự đã trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội.

Năng lượng Mới số 265

Bài 1: Chết vì... tắc trách

Trong ngành y, tai nạn nghề nghiệp là chuyện khó tránh khi bác sĩ không lường hết diễn biến phức tạp của căn bệnh để rồi tính mạng của bệnh nhân bị đe dọa hoặc tử vong. Còn trong trường hợp vì vô trách nhiệm trong quá trình điều trị của bác sĩ mà dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân: bệnh đã nặng càng nặng hơn, thậm chí tử vong thì không thể coi đó là tai nạn. Và ở góc độ khác bên cạnh chuyên môn thì đây còn được coi là vấn đề y đức.

Lấy tiền bịt miệng

Sự việc xảy ra cách đây khoảng 1 năm, nhưng đến bây giờ đối với nhiều người vẫn là câu chuyện kinh hoàng, đặc biệt là với những người thường xuyên phải đi bệnh viện, như trường hợp của sản phụ Lê Thanh Thủy ở TP Thủ Dầu Một, Bình Dương chỉ vì sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của bác sĩ mà sản phụ sau 1 tuần sinh con đã tử vong tức tưởi. Ngày 2/9/2012, chị Thủy được gia đình chuyển vào Bệnh viện Phụ sản - Nhi Bình Dương, một bệnh viện có thể nói đông bệnh nhân đến điều trị nhất tỉnh Bình Dương để sinh mổ.

Tại đây, bác sĩ Nguyễn Văn Thuận đã phẫu thuật cho chị để lấy ra một bé trai nặng 2,5kg. Đến ngày hôm sau, chị Thủy lên cơn đau bụng và nôn thốc tháo nhưng bác sĩ lại nhận định do vết mổ hoặc co bóp dạ con nên chị mới bị như vậy. 6 ngày sau, tức ngày 8/9, chị Thủy được xuất viện nhưng trong tình trạng bụng vẫn đau lâm râm. Đến tối cùng ngày, vì không chịu được nữa, do đau bụng dữ dội chị lại được gia đình đưa trở lại bệnh viện để cấp cứu. Tuy nhiên, với tình trạng của chị Thủy, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Bình Dương không xử lý được đã phải chuyển chị lên tuyến trên để điều trị. Nhưng đáng tiếc, trên đường chuyển bệnh viện, chị Thủy đã tử vong.

Bé trai 21 tháng tuổi bị Bệnh viện Đa khoa Cam Ranh cắt nhầm bàng quang

Khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng mới phát hiện ra bệnh nhân Lê Thanh Thủy đã bị khâu nhầm ruột vào tử cung nên mới bị nhiễm trùng ổ bụng, gây đau bụng, không tiêu hóa được dẫn đến tử vong. Quá trình khám nghiệm tử thi được kết luận: “Bệnh nhân có dịch ối ở thành bụng, não bình thường, tim có dịch, dạ dày không thủng, thủng ruột, dính tử cung, khâu ruột vào thân tử cung, đâm từ trước ra sau 8cm 3 mũi chỉ”.

Thực sự là một sự cẩu thả, vô trách nhiệm đến mức không thể tưởng tượng được của bác sĩ đến nỗi làm cho bệnh nhân chết vì một nguyên nhân không đáng có!

Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi hỗ trợ 600 triệu đồng cho gia đình nạn nhân, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Bình Dương đã ra điều kiện bằng văn bản rằng: “Gia đình bà Lê Thanh Thủy phải cam kết không nhắc lại chuyện cũ hoặc không có những lời lẽ, hành vi làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện sau khi nhận đủ tiền hỗ trợ”. Hành vi này có khác nào “lấy tiền bịt miệng”!

Sai một li đi một mạng

Tương tự, anh Nguyễn Hoàng Trung, ở thị trấn phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai cũng “mất mạng” vì nguyên nhân “lãng xẹt” vì bác sĩ. Chị Trần Thị Thoa, vợ anh Nguyễn Hoàng Trung, sau cái chết của chồng đã trình bày với Cơ quan Công an khi tiến hành khám nghiệm tử thi: Chiều ngày 14/11/2012, anh Trung bị Vũ Anh Tuấn dùng dao bấm đâm vào phần bụng phía bên trái nên phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bảo Yên. Tiếp nhận bệnh nhân, ca trực hôm đó có: bác sĩ Thắng, Trưởng khoa Ngoại, khám cấp cứu. Sau khi khâu vết thương, kíp trực cho anh Trung về. Khi về nhà, anh Trung thấy đau bụng dữ dội đến nỗi sáng ngày hôm sau trương cứng lên, không chịu được nữa. Anh Trung phải quay lại bệnh viện để cấp cứu. Tại bệnh viện, một lần nữa, anh Trung lại phải lên bàn mổ để xem lại vết thương. Mổ cho anh Trung hôm đó có bác sĩ Giao - Giám đốc Bệnh viện, bác sĩ Thắng - Trưởng khoa Ngoại. Sau 4 giờ phẫu thuật từ 9-13 giờ, ra khỏi phòng mổ các bác sĩ cho biết: Anh Trung bị thủng 2 lỗ ở hai thành ruột non và một lỗ ở thành đại tràng và đã được xử lý xong.

Trước khẳng định như vậy của các bác sĩ, nhất là trong đó lại có Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Ngoại nên gia đình anh Trung không gì yên tâm hơn, chỉ việc dưỡng bệnh cho anh nhằm phục hồi sức khỏe. Thế nhưng đến trưa ngày 22/11, anh Trung nôn ra nhiều máu đen, người mất sức, lả đi. Gia đình anh Trung yêu cầu bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bảo Yên cấp cứu lập tức. Song, lời đề nghị này dường như không được coi trọng khi phải đến tối hôm đó, Bệnh viện Đa khoa Bảo Yên mới cầu cứu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, là bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, khi kíp mổ của Bệnh viện Đa khoa Lào Cai có mặt thì không thể cứu được nữa do anh Trung đã tử vong.

Tiến hành khám nghiệm tử thi, Cơ quan Công an xác định có nhiều bộ phận nội tạng như túi mật, phúc mạc, dạ dày bị hoại tử do việc cấp cứu nạn nhân không triệt để dẫn đến bị hoại tử các bộ phận trong ổ bụng. Còn lãnh đạo Sở Y tế Lào Cai thừa nhận: “Bác sĩ xử lý non nớt, không tiên lượng được và xử lý không hết, đường vào có một mũi dao nhưng có hai vết thủng, bác sĩ đã không kiểm tra để phát hiện được lỗ thủng này để xử lý”.

Cắt nhầm - quên lưu

Những sự việc trên đây có thể nói là nghiêm trọng nhất trong ngành y bởi hậu quả gây ra nặng nề nhất, trái ngược hẳn với mục đích cao cả của ngành y là cứu người. Và điều đáng nói là những vụ việc như vậy xảy ra với mật độ ngày càng nhiều, làm cho ngay cả những cống hiến của thầy thuốc “lương y như từ mẫu” cũng không thể “hóa giải” nổi. Còn những sai sót để rồi khiến cho bệnh nhân phải mang dị tật, di chứng suốt đời thì cũng gần như đếm không xuể. Như mổ nhầm chân trái thành chân phải cho bệnh nhân Hồ Thị Phấn ở Bệnh viện Đa khoa Cai Lậy, Tiền Giang; quên lưu giữ nắp hộp sọ sau khi phẫu thuật cho bệnh nhân Trần Thị Do của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP Hồ Chí Minh; cắt nhầm 2 quả thận của bệnh nhân Hứa Cẩm Tú của Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ; cắt nhầm bàng quang của bé trai Trần Anh Đức của Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh, Khánh Hòa…

Nguyễn Duy

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc