Thiên tai và nhân tai - “tai” nào nghiệt ngã?

07:00 | 05/01/2014

1,332 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng ngày 22/11/2013, trở về từ tâm lũ, ngay trên nghị trường Quốc hội, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải xót xa nói, thiệt hại của đồng bào miền Trung là quá lớn, quá khủng khiếp. Có tới 43 người chết, 4 người mất tích, 70 người bị thương, trên 400 căn nhà bị sập, hàng trăm nghìn căn nhà bị ngập, 400.000 gia cầm chết, 30.000 gia súc chết, diện tích lúa và hoa màu bị ngập trên diện rộng…

Năng lượng Mới số 288

Thiên tai vượt tầm hiểu biết của con người

Trước khi cơn lũ lịch sử ập xuống dải đất miền Trung, siêu bão Haiyan cũng đã “liếm nhẹ” dải đất miền Trung, gây ra tâm lý lo lắng cho hàng triệu người dân. Ơn trời (có người khấn, nhờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp kịp về an nghỉ nơi Vũng Chùa, đứng đầu sóng ngọn gió, trấn yểm Tổ quốc) mà nhân dân miền Trung thoát đại nạn. Trên thực tế, thiên tai thì phải chịu, thiên tai tàn phá trái đất này đã hàng nghìn năm. Thiên tai chẳng chừa ai, chẳng chừa dân tộc, màu da nào cả. Ngay như người bạn Philippines cùng khối ASEAN, mỗi năm phải hứng chịu hàng chục cơn bão lớn nhỏ. Người dân Philippines đi làm khắp thế giới, kiều hối cả trăm tỉ USD cũng chỉ để phục vụ một việc duy nhất - khắc phục thiên tai. Nước mắt Tacloban, Cebu vẫn còn chưa tan sau bão Haiyan…

Hàng vạn đồng bào bị lũ lụt, thiên tai cướp mất nhà cửa mỗi năm

Trong chuyến công du Hà Lan cuối tháng 11/2011, bắt đầu buổi hội đàm với người đồng cấp chủ nhà, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập thẳng vào vấn đề đối phó biến đổi khí hậu. Thủ tướng đề nghị Thủ tướng Hà Lan xem xét và sớm triển khai các biện pháp thiết thực nhằm giúp đỡ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Là quốc gia duyên hải, lại nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, Việt Nam phải đối mặt thường xuyên với bão lũ và nước biển dâng. Theo thống kê, số cơn bão trên Biển Đông ảnh hưởng đến nước ta cũng ngày càng ít đi, nhưng ngược lại số cơn bão mạnh có chiều hướng tăng lên, mùa bão kết thúc muộn, quỹ đạo của bão trở nên dị thường, vượt qua những hiểu biết hiện tại của con người và số cơn bão ảnh hưởng đến khu vực Nam Trung Bộ, Nam Bộ ngày càng gia tăng.

Một nghiên cứu quốc tế đáng tin cậy mới đây dự báo, đến 2020, nếu không có biện pháp thiết thực để đối phó, mỗi năm thiên tai có thể cướp trắng 10% GDP của Việt Nam (18-20 tỉ USD). Nhà nước đã có nhiều giải pháp và bài học kinh nghiệm phòng tránh thiên tai nhưng xem ra đây vẫn là một thách thức lớn! Biến đổi khí hậu là vấn đề hệ trọng của sự phát triển, là thách thức lớn nhất đối với mục tiêu phát triển bền vững, hiểm họa tiềm tàng đối với nhân loại. Thích ứng một cách chủ động, có các biện pháp công trình kết hợp với phi công trình là yêu cầu tất yếu đối với các nước, đặc biệt là nước còn nghèo như Việt Nam.

Nghiên cứu trên đã xem xét trên các hiện tượng thiên tai phổ biến và gây thiệt hại lớn ở nước ta là bão, lũ lụt, lũ quét và hạn hán, dông, lốc… Đối với bão, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, quỹ đạo bão có xu thế dịch chuyển về phía nam rất khó dự báo, xác định chính xác đường đi của bão. Dự báo trong tương lai, số lượng cơn bão có cường độ mạnh sẽ gia tăng. Lũ lụt, úng ngập cùng các hiện tượng tự nhiên khác (nước dâng, trượt lở đất gây tắc tạm thời dòng lũ trên sông…) thường gây hiểm họa lớn. Lũ lụt tự nhiên kết hợp với các tác nhân phi tự nhiên (nạn phá rừng, sử dụng đất không hợp lý, xây dựng các công trình trên sông…) ngày càng có xu hướng gia tăng, gây gia tăng thiệt hại về người và tài sản. Lũ do sự cố hư hỏng các công trình trữ nước, giữ nước, cản trở dòng lũ, ngập lũ do tác động của con người cũng có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn.

Lũ chồng lũ từ các hồ thủy điện, hồ chứa

Trong cơn lũ lịch sử ở miền Trung cách đây 2 tháng, đau đớn thay, thiên tai lại được chính… con người tiếp “sức mạnh” để tàn phá hạ du. Việc xả lũ vô tội vạ, sai quy trình và không thèm ra thông báo của các thủy điện trong khu vực lũ đã nhấn chìm hàng chục vạn căn nhà, đẩy nửa triệu đồng bào vào cảnh màn trời chiếu đất. Cơn lũ “kép” quái ác khiến miền Trung khổ sở, điêu đứng; trong số đó có người đã sớm bị thiệt mạng một cách oan ức, bất ngờ, ngay từ những giờ đầu, khi mới có lũ về. Nhiều người không ngần ngại gọi hành động xả lũ của thủy điện là vô nhân đạo.

Rất nhiều bằng chứng cho thấy, khi lũ nguồn đang dồn về các hệ thống sông, thì vì lo vỡ đập, các thủy điện trong khu vực nhắm mắt mở cửa hồ chứa. Trở về từ rốn lũ, chính Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đau xót nói, người dân trong vùng không kịp trở tay, tất cả bỏ của chạy lấy người, chịu mất sạch tài sản mà cả đời chắt chiu gây dựng nên. Nhưng khi nghe biết rõ việc xả lũ bất ngờ của các công trình thủy điện, bản thân lãnh đạo các địa phương, những người trong số họ từng đặt bút ký phê duyệt dự án thủy điện nhỏ cũng phải bất bình. Thủy điện, vì lợi ích cục bộ, mà coi nhẹ tính mạng và tài sản của hàng vạn người dân trong khu vực, mà mình vốn được tất cả người dân chấp nhận di rời khỏi nơi chôn rau cắt rốn, cưu mang từ ngày chặn dòng, xây đập. Không quá khi điểm mặt thủy điện vô trách nhiệm, mà gọi đó là nhân tai. Thật xót xa!

Trong phiên trả lời bổ sung trên hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, có tới 65% (!?) dự án thủy điện là do địa phương cấp phép. 35% còn lại thuộc EVN và một số doanh nghiệp Nhà nước ngoài EVN quản lý. Dĩ nhiên, quy trình xả lũ được các công ty thủy điện quốc doanh tuân thủ hết sức chặt chẽ. Họ không dám và không thể xả lũ hồ chứa nếu không nhận được sự đồng ý của cấp trên. Tiếc rằng, con số thủy điện vừa và nhỏ của tư nhân lại quá lớn và sau khi nhận được giấy phép nhờ “chạy chọt” thường bất chấp tất cả vì… doanh số.

Trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương, cơ chế đã trao quá nhiều quyền vào tay UBND các tỉnh. Từ khi lập dự án tiền khả thi, vấn đề thiết kế đã bị xem nhẹ. Một cựu quan chức ngành điện không ngần ngại chỉ ra rằng, lỗi hoàn toàn do hạn chế về năng lực thiết kế và tầm nhìn nhiệm kỳ. Bão và lũ vẫn đến và đi; nhưng nỗi đau và bức xúc còn ở lại lâu dài. Họ yên sao được khi 30% các dự án thủy điện chưa được kiểm định, 66% chưa có phương án bảo vệ, 55% chưa có phương án phòng chống lũ lụt… như báo cáo trình ra Quốc hội. Lại có 418 dự án có độ rủi ro cao, đã và sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái phân bố chủ yếu ở các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Đắk Nông, Kon Tum đã được cấp phép xây dựng hoặc “được phép” xây dựng luận chứng kinh tế kỹ thuật rồi chắc chắn cũng được phê duyệt hầu hết nếu không có trận lũ vừa qua. Rất nhiều lãnh đạo cấp cao yêu cầu rà soát, quy trách nhiệm cụ thể cũng như lên phương án đền bù thiệt hại cho người dân. Của cải bị cuốn đi có thể bù được, nhưng mất mát con người thì đền bao nhiêu cho lại. Sau một thời gian, cái trách nhiệm phải giải trình kia cũng sớm trôi theo dòng lũ.

Thủy điện tiếp tay cho thiên tai “vùi dập” đồng bào mình - có lẽ phải lâu lắm những người có lương tri mới nuốt trôi nỗi cay đắng đáng sợ này!?

Lê Tùng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc