“Sống mòn” ở một làng nghề

07:09 | 13/10/2014

1,110 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Làng Thụy Ứng ở xã Hòa Bình, huyện Thường Tín (Hà Nội) có nghề truyền thống chế biến xương, sừng và da trâu bò. Nghề giúp người dân ăn nên làm ra. Thế nhưng ô nhiễm môi trường ở Thụy Ứng đang được báo động.

Năng lượng Mới số 362

Rùng mình ướp muối da trâu

Sáng sớm, mới bước vào đầu thôn Thụy Ứng đã sộc thẳng vào mũi nồng nặc mùi hôi thối từ những đống xương, sừng và da bám đầy máu mỡ trâu, bò trong các ngôi nhà lụp xụp cạnh những con đường nhỏ dẫn quanh làng. Anh Hoàng Anh Tuấn, một người dân trong thôn dẫn chúng tôi về nhà mình. Ngay sát hông nhà anh là một nhà xưởng chế biến xương trâu, bò được bao quanh bởi bức tường cao quá đầu người và một chiếc cổng lúc nào cũng đóng kín, ở ngoài có muốn nhìn vào cũng khó.

Phía sau nhà xưởng là một khu đất trũng, nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Anh Tuấn cho biết, những vũng nước đen kịt, đặc kia là nước muối từ việc ướp, chế biến da, sừng, xương trâu từ các hộ gia đình trong thôn thải ra trong đó có cả cái xưởng ở cạnh nhà anh. Và cái thứ nước thải này chảy ra cống, rồi tràn xuống ruộng làm lúa chết, nhiều gia đình không thể cấy cày được nữa. Chẳng phải chỉ có các gia đình khác không cày cấy được mà cả gia đình anh cũng có hơn 2 sào ruộng nhưng bỏ hoang vì nguồn nước bị ô nhiễm nặng. “Vào mùa đông trời lạnh còn đỡ, chứ những ngày trời nắng kèm theo gió thì mùi không thể nào chịu được. Nhà phải đóng cửa suốt ngày, không khí ngột ngạt. Khổ nhất là nhà nào có trẻ nhỏ”.

“Sống mòn” ở một làng nghề

Cơ sở sơ chế da trâu, bò gây ô nhiễm tại thôn Thụy Ứng

Trong ngôi nhà cấp bốn của cơ sở chế biến da của ông Nguyễn Văn Thông tại Đội 7, chúng tôi chứng kiến cảnh 4-5 người đang hì hục bóc tách những gợn mỡ thừa còn dính trên da, bào mỏng những tấm da trâu, da bò roi rói máu. Sau khi được sơ chế, những tấm da bị quẳng ra một góc rồi người ta tiếp tục rửa lại bằng nước muối, xếp vào kho. Đáng nói, thứ nước sền sệt, ngầu đỏ ấy được xả thẳng xuống các cống rãnh gần đó mà không hề qua một công đoạn xử lý nào.

Theo nhiều người dân thôn Thụy Ứng phản ánh, chủ của những nhà xưởng chế biến da trâu, bò trong thôn họ lại không sống tại thôn nên không hiểu được nỗi khổ, tình cảnh của người dân khi phải hứng chụi cảnh ô nhiễm quá nặng từ nhiều năm nay.

Các cơ sở ngâm, sơ chế và thuộc da trâu, bò đang từng ngày bức tử môi trường sống của người dân. Không khí bị ô nhiễm, rồi mạch nước ngầm cũng bị nhiễm mặn, không thể trồng lúa và hoa màu được.

Trách nhiệm của chính quyền

Ông Đào Văn Chuyển, người dân thôn Thụy Ứng bức xúc: “Môi trường ở làng bị ô nhiễm là vấn đề quá bức xúc đối với người dân Thụy Ứng từ nhiều năm nay. Trời nắng mùi hôi thối nồng nặc, nước thải ô nhiễm quá nặng thấm xuống đất, cây lúa không mọc được, những cánh cửa cổng làm bằng sắt thì bị hoen gỉ, đến tường gạch còn bục ra…”.

Ông Chuyển cho biết, hơn 2 sào ruộng của gia đình ông gần 10 năm nay không cấy được vì nguồn nước bị ô nhiễm quá nặng, nước chảy đến đâu cây lúa chết đến đấy. “Anh đi dọc mấy cái đám ruộng quanh làng ấy, toàn để cỏ mọc um tùm, ai cấy hái gì đâu, đấy là do bị nước muối nó ngấm đấy”.

Bà Nguyễn Thị Sinh, nhà ở cạnh một kho ướp da bức xúc: “Gia đình chúng tôi sống ở đây đã nhiều năm, nhưng từ khi các hộ buôn bán da trâu, da bò này hoạt động thì cuộc sống sinh hoạt bị xáo trộn đủ thứ, từ việc ăn đến việc ngủ”. Chúng tôi thắc mắc ở đây có câu nói rất lạ là: “Nấu canh không cần cho muối” thì được bà Sinh giải thích: “Hầu hết các gia đình ở đây phải dùng nước giếng khoan, lọc tới lần thứ 3 nhưng vẫn không an tâm vì nguồn nước ngầm của làng bị ô nhiễm quá nặng nhưng dù có lọc nhiều lần thì nước vẫn cứ vàng hoe, có vị mặn; đến nấu canh cũng không cần phải bỏ muối là thế”.

“Sống mòn” ở một làng nghề

Ruộng đất của thôn Thụy Ứng bị bỏ hoang bởi đất nhiễm mặn

Ông Nguyễn Văn Sức cùng các hộ dân xóm Phú Cường kiến nghị: “Ô nhiễm môi trường ở làng quê chúng tôi đã bị từ lâu và đến mức báo động vì không thể nào chịu được nữa. Người dân nhiều lần đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi chính quyền xã, thậm chí tiếp xúc cử tri chúng tôi cũng đề xuất vấn đề này rất nhiều, các hộ dân đã đề nghị các cơ quan chức năng huyện Thường Tín sớm di chuyển những cơ sở kinh doanh da trâu ra xa khu dân cư để tránh ô nhiễm môi trường, nhưng hình như chẳng ai quan tâm.

Trao đổi về vấn đề này với ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng thôn Thụy Ứng cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm của làng nghề ngoài lượng bụi gây ra từ các điểm sản xuất trong làng bên cạnh do người thợ mài, dũa, chế biến sừng. Mỗi cơ sở đều có quạt điện công suất lớn để thổi bụi ra môi trường ngoài. Bụi bay vào gây ô nhiễm không khí, bụi xương sừng, da trâu bám lại trong cống rãnh bốc lên mùi hôi thối, ruồi nhặng bám và sinh sôi nảy nở tiềm ẩn nhiều dịch bệnh.

Bên cạnh đó, ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng từ các cơ sở chế biến da trâu, bò. Nước muối ngâm da trâu không hề được xử lý, cứ thế chảy ra các rãnh mương trong làng. Nguồn nước mặn từ muối thấm dần vào đất khiến cho hơn 10ha đất nông nghiệp không thể canh tác được phải bỏ không. Khu vực nào nước mặn ngấm trực tiếp thì cây lúa chết luôn, khu vực lân cận, sự ô nhiễm diễn ra từ từ làm cho cây lúa không ra nổi hạt. Bên cạnh đó, các cơ sở này còn sơ chế luôn mỡ bò”.

Hiện tại hầu hết các hộ gia đình ở Thụy Ứng vẫn sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt. Để có được nước sinh hoạt người dân Thụy Ứng đã phải khoan giếng sâu đến 50-60m nhưng vẫn bị ô nhiễm nặng từ nước thải các xưởng chế biến da trâu, bò. Những hộ dân ở gần các cơ sở chế biến da trâu còn phải bỏ tiền đi mua nước về để nấu ăn”. 

Ông Tuấn Anh bảo: “Các hộ gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Nhiều người trong thôn đã bị mắc bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da, ung thư…, số người chết dưới 50 tuổi ngày một tăng”.

Hằng năm, cũng có đôi lần tuyên truyền về tác hại của ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe. Nhưng dù ông chính quyền thôn đã cũng có những biên pháp hạn chế ô nhiêm như: Rắc vôi bột khử mùi, lọc nước, khơi thông cống rãnh, vệ sinh môi trường… cũng chỉ giảm được phần nào về ô nhiễm, nhưng đây mới chỉ là biện pháp trước mắt. Còn về lâu dài phải có biện pháp xử lý nguồn nước thải, bụi thì chính quyền địa phương còn “lúng túng”.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Bình, cán bộ phụ trách môi trường xã Hòa Bình cho biết thêm: “Nghề làm hàng mỹ nghệ từ sừng trâu, bò là nghề chính của người dân nơi đây, bởi vậy, việc dẹp bỏ là không thể. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi cũng đã có những biện pháp như: Xử lý hành chính đối với các cơ sở buôn bán, chế biến gây ô nhiễm nghiêm trọng; yêu cầu các hộ kinh doanh xây dựng các bể chứa; yêu cầu bồi thường thiệt hại cho các gia đình cấy lúa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tình trạng xả thẳng nước thải ra cống như trên vẫn tồn tại.

Chậm trễ trong việc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường ở Thụy Ứng, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương. Trong khi chờ đợi những động thái tích cực từ phía cơ quan chức năng, gần 4.000 nhân khẩu ở Thụy Ứng hằng ngày vẫn phải âm thầm chịu đựng bầu không khí ô nhiễm ngột ngạt.

Nguyễn Hoan

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc