Ôsin thời hiện đại: Phải có bằng cấp

07:00 | 06/07/2013

1,216 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nếu như cách đây chục năm về trước ôsin được biết đến là người đi ở đợ, làm giúp việc nhà trong gia đình chủ và ít được coi trọng thì ngày nay ôsin là công việc được coi trọng hơn rất nhiều. Đây không chỉ là một nghề nghiệp kiếm ra tiền, mà thời nay, nghề này cũng đòi hỏi cả về bằng cấp và kỹ năng như nhiều nghề khác.

Học để được tăng lương

Khái niệm ôsin xuất hiện tại Việt Nam vào những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ trước, khi bộ phim truyền hình “Ôsin” của Nhật Bản được chiếu trên sóng truyền hình và chiếm trọn tình cảm của người Việt. Trải qua một thời gian dài, dù khái niệm ôsin vẫn giữ nguyên nhưng hiện nay bản chất của công việc này đã hoàn toàn đổi khác.

Trước đây, nhiều người nghĩ ôsin chỉ là người giúp việc trong các gia đình và được trả lương để làm những gì mà gia chủ yêu cầu, vì vậy có thái độ coi thường. Nhưng ngày nay sự thay đổi trong tư duy của những người làm công việc này đã khiến xã hội phải thay đổi hẳn cách nhìn nhận với nghề ôsin. Một trong những yếu tố khiến những ôsin thời hiện đại được coi trọng là việc họ được đào tạo bài bản về kỹ năng công việc của mình.

Tại TP HCM chỉ cần lượn một vòng quanh các trung tâm giới thiệu việc làm hay các cơ sở bảo trợ xã hội là đã có thể tìm được các lớp đào tạo kỹ năng giành cho người giúp việc nhà. Tại những lớp này số lượng học viên đến để được đăng ký ngày càng đông, tỷ lệ thuận với nhu cầu việc làm ngày một nhiều lên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhận thức của người làm công việc này đã thay đổi.

Có chứng chỉ đào tạo ôsin sẽ có nhiều cơ hội khi đi xin việc

Chúng tôi đến Trung tâm Giới thiệu việc làm Phụ nữ TP HCM đúng thời điểm các lớp đào tạo kỹ năng dịch vụ gia đình của trung tâm phát chứng nhận đào tạo cho các học viên. Những học viên ở đây đa phần là chị em có độ tuổi từ 20 trở lên, có người đã từng đi làm ôsin và muốn đi học để được công nhận kỹ năng, cũng có trường hợp đi học vì xác định đây là nghề có thu nhập ổn định và không sợ thất nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Thủy, quê ở Vĩnh Long, học viên của trung tâm cho biết: “Bây giờ làm việc gì cũng cần có bằng cấp nên nhiều gia đình khi tuyển ôsin cũng đòi hỏi người được tuyển phải có kỹ năng và được đào tạo bài bản. Vì vậy nên dù đã có kinh nghiệm làm giúp việc nhà 3 năm nhưng tôi vẫn muốn đi học để nâng cao kỹ năng và có cơ hội nhận mức lương cao hơn”. Theo lời chị thì trong 3 năm giúp việc cho hai gia đình mức lương trung bình cũng chỉ được 3-4 triệu đồng/tháng. Trong khi chỉ cần có giấy chứng nhận đã qua đào tạo kỹ năng giúp việc nhà nhiều bạn bè chị được chủ trả với mức lương 5 triệu đồng/tháng.

Trường hợp của bạn Lê Hồng, 23 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh thì ngược lại, sau nhiều năm đi làm công nhân thời vụ, thu nhập thấp lại kiệt sức vì thường xuyên phải tăng ca, Hồng quyết định theo học lớp dịch vụ giúp việc gia đình tại trung tâm với mong muốn sau khi học xong sẽ tìm cho mình nghề có thu nhập tương đối lại không phải tăng ca như công việc cũ. “Hiện tại đã có gia đình đồng ý thuê em làm việc nhà theo thời gian với 10 giờ một ngày, mỗi giờ được trả 25 ngàn đồng. Trừ phí xăng xe đi lại mỗi tháng tính sơ cũng được 5 triệu tiền dư” - Hồng vui vẻ khoe.

Bà Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Phụ nữ TP HCM cho biết, những chị em được đào tạo qua trường lớp bài bản chắc chắn có thu nhập cao hơn so với các ôsin ở nông thôn lên. Bởi ngoài sự cần cù, chăm chỉ thì kỹ năng làm việc được các gia chủ đặt ra tiêu chí đầu tiên. Vì vậy, ngày càng có nhiều chị em giúp việc gia đình tìm đến với trung tâm để nâng cao kỹ năng.

Yếu thế trước ôsin ngoại

Mặc dù hiện nay, nhu cầu đào tạo kỹ năng giúp việc gia đình đang ngày càng gia tăng, nhưng so với nhiều nước thì kỹ năng của nghề giúp việc gia đình ở nước ta vẫn còn khá non kém. Chính vì điều này nên hiện nay có rất nhiều ôsin nước ngoài đến Việt Nam làm việc. Với việc được đào tạo bài bản từ ngoại ngữ đến các kỹ năng giúp việc nhà, “ôsin ngoại” được đánh giá hơn hẳn ôsin trong nước về mọi mặt. Vì vậy nên không chỉ có phụ nữ Việt Nam xuất ngoại sang Đài Loan, Trung Quốc… làm ôsin, mà hiện nay ngay ở Việt Nam ôsin người nước ngoài cũng đến và làm việc khá nhiều.

Một khóa học kỹ năng giúp việc gia đình dành cho ôsin

Tại một xóm trọ nhỏ nằm trong khu phố 3, phường Thảo Điền (Q.2), chúng tôi có dịp trò chuyện với một ôsin người Philippines đang giúp việc cho các gia đình người nước ngoài tại đây và phần nào hiểu được lý do tại sao những ôsin ngoại quốc lại được các gia chủ trong nước ưu ái đến vậy.

Chị Eva, 50 tuổi, thông thạo tiếng Anh cho biết đã sang Việt Nam làm việc được 3 năm, công việc của chị là làm việc nhà và trông trẻ cho một gia đình người Mỹ. Hằng ngày, hầu hết thời gian chị làm việc tại nhà chủ, tối đến mới về phòng trọ nghỉ ngơi. Vì làm việc chăm chỉ nên chị rất được lòng gia chủ, ngoài lương được trả hằng tháng thì vào những dịp lễ, tết ông bà chủ thường cho thêm tiền và tặng quà nữa, nên chị rất an tâm về công việc tại đây.

“Vì vậy dù công việc bận rộn nhưng hằng tháng tôi có thu nhập ổn định để gửi về cho gia đình của mình nên tôi rất vui. Trước khi sang Việt Nam, những người làm công việc như tôi được học các khóa học với thời gian gần một năm về giúp việc nhà, chăm sóc em bé, sơ cứu, cứu hỏa, một số người còn có thể lái xe và làm những công việc khác mà không nề hà”. Với những kỹ năng này, chủ nhà ưng ý cũng là điều dễ hiểu.

“Thấy công việc ở đây có thu nhập ổn định hơn ở quê nhà nên sau khi sang Việt Nam làm việc được một thời gian tôi đã rủ cả hai em gái của mình qua. Bây giờ, ba chị em gái đã có công việc ổn định và đều làm ôsin giúp việc cho các gia đình người nước ngoài ở Việt Nam” - chị Eva chia sẻ.

Hiện tại chỉ riêng những ôsin người Philippines làm việc tại TP HCM đã lên đến cả trăm người. Hằng ngày họ làm việc cho gia đình chủ và thường cùng nhau tụ họp vào cuối tuần. Nhiều người còn đưa cả chồng con qua sống và làm việc cùng.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, thì nhu cầu giúp việc nhà tại thành phố hiện nay đang có xu hướng tăng nhanh, dao động 9.000-10.000 người/năm. Tuy nhiên, do lực lượng ôsin trong nước mới chỉ có một bộ phận đáp ứng được các kỹ năng nghề, nên số còn lại so với ôsin ngoại thì hoàn toàn bị lép vế.

Thêm vào đó, đội ngũ những người làm nghề này đa phần là người ngoại tỉnh, trình độ học vấn hạn chế, điều kiện đăng ký học và đào tạo kỹ năng cũng không nhiều. Vì vậy, nếu muốn thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá về nghề giúp việc gia đình thì lực lượng ôsin trong nước phải trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng bài bản và ý thức nghề vững chắc. Có được sự đầu tư theo chiều sâu đó thì mức thu nhập tăng lên và những quyền lợi của người lao động cũng được bảo đảm hơn.

Thùy Trang