Muôn nỗi "ôsin" bệnh viện

10:20 | 11/08/2013

880 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Nghề này ngày nào cũng tiếp xúc với bệnh nhân, dễ mắc bệnh lắm. Nhưng ngoài vài sào ruộng và chăn nuôi mấy con lợn, con gà, không làm thêm thì lấy gì mà ăn”, chị Minh - một người làm nghề chăm sóc bệnh nhân thuê đã nhiều năm trong bệnh viện than thở.

>> Nghề... 'ôsin bệnh viện'

Công ty… ghế đá

Khu vực ghế đá trước Phòng Cấp cứu của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô (nay là Bệnh viện Hữu nghị), sáng cũng như chiều hầu như chẳng lúc nào còn trống ghế, tụ tập thường xuyên là những ôsin đang chờ việc.

Các ôsin đang chờ nhận việc chăm sóc người bệnh ở khuôn viên Bệnh viện Hữu Nghị

Khi thấy chúng tôi ngỏ ý muốn tìm người giúp việc, họ nhào đến hỏi: bệnh nhân là nam hay nữ, bao nhiêu tuổi, khoa gì…? Và ra giá ngay lập tức: 250.000/ngày, việc ăn uống sẽ tự túc.

Đang mải mặc cả giá, bỗng chị Sen (quê Hải Dương) vứt bịch hành lý xuống, thở dài: “Tưởng có người thuê bên Bệnh viện Việt - Đức, nào ngờ sang người ta lại không ưng, thế là tối nay lại ngủ vạ vật”.

Tôi thắc mắc thì một người nhanh nhảu đáp hộ: “Thì chăm bệnh nhân sẽ được ăn ngủ đàng hoàng, nếu không có việc thì lại ngủ ở hành lang bệnh viện hay ghế đá này thôi.

Chị Minh (Nam Định) kể: Năm 2006, chồng chị bị tai nạn phải điều trị tại Bệnh viện Việt - Đức, chị đến chăm chồng ở đấy thấy nhiều người làm ôsin kiếm tiền cũng khá nên đã theo luôn nghề này. Chị làm ở đây hơn 6 năm rồi, có nhà kéo nhau lên đây cả thảy gần chục người làm nghề này...

Dạo một vòng Khoa Thần kinh, bỗng nghe vang giai điệu “Nhà em có một vườn cau/ Nhà anh có một vườn trầu…” chúng tôi tưởng cán bộ nhân viên ở khoa sau giờ làm việc, tập hát nhân ngày lễ kỷ niệm gì đó, hóa ra đó là bệnh nhân đang dạy hát cho mấy cô ôsin. Họ say sưa tập hát, thỉnh thoảng lại phì cười vì hát sai nhạc.

Chị Huệ cười hồ hởi: “Ông cụ em trông bệnh cũng nhẹ, thỉnh thoảng lên cơn rối loạn tiền đình tí thôi, ông cụ thích dạy bọn em hát lắm, trông ông em chỉ được 200.000/ ngày, nhưng thấy nhàn mà lại vui”.

Có thời gian rảnh chị Hương lại bỏ đồ ra thêu

Chúng tôi sang Khoa Y học cổ truyền, chị Hương (quê Phú Thọ) nhân lúc rảnh rỗi mang tranh ra thêu thùa. Chị khoe: "Đây là bức thứ 11 của tôi đấy. Tôi đóng khung 4 bức treo ở nhà, còn lại toàn thêu hộ người ta. Vì ở đây thời gian cùng rảnh. Tôi trông cụ ông 79 tuổi rồi, bị tai nạn xe, giờ đã mổ xong đĩa đệm và đang điều trị phục hồi chức năng. Ông không đi lại được nên phải ăn nghỉ, vệ sinh tại giường”.

Nỗi niềm ẩn giấu

Chị Mai, một người nhà bệnh nhân chia sẻ: “Bố tôi bị tai biến rất nặng, mình dìu cứ trĩu cả người, tưởng chừng ngã đổ kềnh cả 2 bố con. Thế mà bác giúp việc ở đây làm nhẹ như không, cứ như y tá chuyên nghiệp vậy. Nhà neo người, lại còn phải đi làm cơ quan, không có dịch vụ này thì gay. Họ làm việc nhiệt tình, cẩn thận, có tâm đức thì gia đình chẳng tiếc gì, sẵn sàng bồi dưỡng thêm cho bác giúp việc”.

Không có người thân thích bên cạnh, đối với bệnh nhân, ôsin như người ruột thịt.

Theo ghi nhận của chúng tôi thấy, những người làm nghề ôsin ở đây làm việc rất đa-zi-năng. Họ có thể làm tất cả những việc liên quan đến vệ sinh thân thể cũng như chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, hầu như tất cả họ đều chưa hề qua lớp đào tạo chuyên nghiệp về nghiệp vụ cũng như cách phòng tránh bệnh truyền nhiễm. Các kinh nghiệm họ có được chủ yếu là do làm lâu ngày thành quen cũng như học lỏm được từ các bác sĩ trong bệnh viện.

Với mức thu nhập khá cao, trừ tiền ăn hằng tháng, những người làm nghề ôsin bệnh viện cũng để ra được trung bình 5-6 triệu đồng. Do đó, một số người lao động tỉnh lẻ kéo nhau về các bệnh viện ở Hà Nội làm “ôsin” ngày một nhiều.

Chúng tôi hỏi: “Ngày lễ, Tết, nhất là gần đến ngày Quốc tế Lao động có được người nhà bệnh nhân bồi dưỡng hoặc tăng tiền công không?”. Chị Minh cho biết: “Làm gì có đâu, chỉ có 10 ngày Tết, từ ngày 25 đến mồng 5 Tết mới có giá 600-700 nghìn/ngày. Còn những ngày khác công xá của chúng tôi vẫn thế mà thôi”.

Anh Du (quê Nam Định) cho biết: "Nghề này kiếm cũng ổn nhưng xa nhà nên cũng lo lắm. Cả hai vợ chồng lên đây lăn lộn kiếm tiền nên gia đình con cái không ai quán xuyến được. Vừa rồi, nhà tôi phải về quê trả nợ cho “cậu con trai” vì tội nghiện chơi điện tử và cờ bạc mang nợ mấy triệu bạc”.

Nói rồi, anh lại thở dài: “Nhưng nhà chỉ có mấy sào ruộng, cả nhà trông vào đó chỉ có mà chết đói. Vì mưu sinh, kiếm sống chúng tôi mới phải trông chờ vào công việc này thôi”. 

Nguyễn Hoan