Xung quanh bài: “Thủy sản ở Hà Nội bị “ăn” kim loại”

Kiểm nghiệm như thế thì… vô tích sự

17:36 | 29/03/2014

2,854 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay sau khi báo Năng lượng Mới số 305 đăng bài: “Thủy sản ở Hà Nội “bị” ăn kim loại?” để cảnh báo tình trạng thủy sản ở các ao hồ Hà Nội nhiễm kim loại nặng thì Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ quan chức năng như Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản “vào cuộc” xác minh ngay thông tin đồng thời đánh giác mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Có thể nói đây là một việc làm đáng hoan nghênh và thể hiện tinh thần trách nhiệm của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, cũng có điều cần bàn trước kết luận mà Cục An toàn vệ sinh thực phẩm công bố mới đây: “Thủy sản được sản xuất, kinh doanh trên thị trường Hà Nội đang được quản lý, kiểm soát và bảo đảm an toàn thực phẩm”.

>> Thủy sản ở Hà Nội bị “ăn” kim loại?

“Phản ứng” nhanh!

Ngày 19/3/2014, tức sau khi báo Năng lượng Mới đăng bài viết nói trên 1 ngày, Cục ATVSTP đã gửi công văn số 486/ATTP-NĐ cho hai cơ quan được yêu cầu kiểm tra thông tin và một số cơ quan báo chí để đăng tải thông tin này. Công văn nói rõ: Chi cục ATVSTP TP Hà Nội triển khai ngay việc phối hợp với Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản lấy mẫu giám sát thủy sản, sản phẩm thủy sản được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội gửi Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia để kiểm nghiệm các chỉ tiêu kim loại nặng (chì, thủy ngân, asen, cacdimi) nhằm xác minh thông tin. Kết quả phải tổng hợp và gửi về Cục trước ngày 30/3/2014.

Và để thực hiện kiểm định này, theo thông tin chính thức đăng tải trên website của Cục ATVSTP (vfa.gov.vn) đồng thời trả lời trên Đài Truyền hình Việt Nam, TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc, Cục ATVSTP, cho biết: đã có 13 mẫu các loại tôm, ốc, cua, trai, hến được lấy tại 6 chợ: Quan Hoa (Cầu Giấy), Cầu Lủ (Định Công), Đô Hội (Thanh Oai), Cầu Diễn (Từ Liêm), Đông Mỹ (Thanh Trì) và Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân) để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy: chỉ 1 mẫu ốc, 1 mẫu trai, 1 mẫu hến có tồn dư asen vượt ngưỡng cho phép 1,6-2,3 lần theo quy định. Như vậy, trên cơ sở kết quả này có thể hiểu là các mẫu thủy sản khác “an toàn”.

Cua được bán ở một chợ tại Hà Nội

Nói một đằng…

Một nghiên cứu khảo sát của trường ĐH Y Hà Nội đã cho thấy nước ở các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Nhuệ ô nhiễm nặng nhất đến mức mất cả khả năng làm sạch tự nhiên vốn có lại là nguồn nước cung cấp cho khu vực nuôi trồng thủy sản ở Hà Nội là Hoàng Mai, Thanh Trì. Trung tâm Quan trắc phân tích tài nguyên môi trường thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hà Nam sau khi phân tích mẫu nước sông Nhuệ tại khu vực này đã kết luận: nước sông Nhuệ ô nhiễm trên mức báo động 3... Đó cũng là lý do vì sao tất cả các mẫu thủy sản ở hồ Yên Sở thuộc quận Hoàng Mai, không có một mẫu nào đạt tiêu chuẩn cho phép và đây cũng là hồ nước bị ô nhiễm nặng nhất trong số 16 hồ khảo sát ở Hà Nội.

(Trích đăng trong bài: Thủy sản ở Hà Nội bị “ăn” kim loại?)

Tuy nhiên, cần phải nói một điều: không hiểu Cục ATVSTP có đọc kỹ bài “Thủy sản Hà Nội bị “ăn” kim loại?” không mà lại tiến hành một xét nghiệm chẳng “ăn nhập” gì với bài. Bởi xuyên suốt trong bài viết nói rất rõ mẫu thủy sản ở các ao, hồ… Hà Nội chứ không phải thủy sản ở các chợ Hà Nội nhiễm kim loại. Như ngay phần mở bài đã viết: “… Có tới 98% mẫu thủy sản ở các ao hồ Hà Nội bị nhiễm kim loại nặng…”. Hay trong bài ở phần “100% mẫu cua không đạt chuẩn” ghi: “… Trong tổng số 240 mẫu thủy sản gồm: cá chim, cá trôi, cá trắm, cá mè, trai, cua, ốc, rô phi lấy từ 16 hồ trên địa bàn Hà Nội thì hầu hết đều nhiễm chì, thủy ngân, asen, nikel…”. Cũng trong phần này có đoạn: “… Trong đó nhiễm độc chì nặng nhất là ốc, cua, trai… do sống ở tầng đáy (ao, hồ…) với nhiều lớp bùn đọng “ngấm” kim loại nặng, chỉ có 25% mẫu nghiên cứu đạt tiêu chuẩn. Còn lại cao gấp từ 150-250% tiêu chuẩn cho phép. Riêng cua thì 100% mẫu không đạt “chuẩn””.

Rất rõ ràng và rành mạch, chưa có chỗ nào, đặc biệt là phần viện dẫn những con số mà bài viết lại không khẳng định đó là “mẫu” và có nguồn gốc từ ao hồ trên địa bàn. Bài viết còn phân tích rõ nguyên nhân vì sao thủy sản ở các ao, hồ… Hà Nội nhiễm kim loại trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết của các nhà khoa học Trường ĐH Y Hà Nội thực hiện. Rằng do nguồn nước ô nhiễm dẫn đến thủy sản ở các khu vực đó bị nhiễm kim loại (Phần: Sông hồ nào cũng ô nhiễm). Và đó cũng là lý do vì sao “tít” bài đặt ra vấn đề phải chăng thủy sản ở Hà Nội bị “ăn” kim loại.

… Làm một nẻo

Thế mà Cục ATVSTP lại cho đi lấy mẫu ở 6 chợ tại Hà Nội để xét nghiệm, lại còn không biết rõ nguồn gốc ở đâu do thông tin chính thức của Cục ATVSTP không đề cập vấn đề này. Trong khi lượng thủy sản đánh bắt ở các ao, hồ… của thủ đô bản thân Cục ATVSTP cũng biết cung cấp không nhiều cho thị trường Hà Nội. Bởi Cục dẫn dụ: “Theo báo cáo của cơ quan chức năng Hà Nội, năng lực thủy sản của Hà Nội là 78.600 tấn/năm chiếm khoảng 37% nhu cầu của Hà Nội”. Nếu không nhiều, thì chắc gì mẫu lấy xét nghiệm của Cục ATVSTP đã là của các ao, hồ ở Hà Nội. Cũng như không thể chắc chắn thủy sản ở những khu vực có nguồn nước ô  nhiễm trên địa bàn không được trộn lẫn vào những ốc, cua, cá ngoài chợ kia để bán.

Một đoạn sông Tô Lịch ở Hà Nội

Cho nên, cái kết luận mà Cục ATVSTP khẳng định trên diễn đàn của mình cũng như trên một số mặt báo là: “Như vậy, có thể thấy thủy sản được sản xuất, kinh doanh trên thị trường Hà Nội đang được quản lý, kiểm soát và bảo đảm an toàn thực phẩm. Thông tin “Thủy sản ở Hà Nội “ăn” kim loại” là chưa chính xác” thì chính là Cục chưa chính xác chứ không phải bài báo! Còn để minh bạch, nghiêm túc, giải đáp đúng vấn đề mà bài viết “Thủy sản ở Hà Nội bị “ăn” kim loại” đã đặt ra, đáng lẽ Cục ATVSTP phải đề nghị các cơ quan chức năng lấy mẫu tôm cua, ốc hến ở  chính  các ao, hồ… trong khu vực Hà Nội, thậm chí trong vòng bán kính 5-7 km hoặc tập trung hơn nữa.

Hà Nội của chúng ta bây giờ rộng lắm. Nếu lấy mấu ở các hồ trên khu vực Ba Vì, hay vùng sâu, vùng xa thì chưa chắc nơi đó đã bị nhiễm kim loại, hoặc hóa chất khác. Nhưng nếu lấy ở Hồ Tây, hoặc các hồ, ao đang nuôi cá ở ven đô, thì lúc đấy mới có thể cho kết quả đúng. Còn với cách làm của Cục ATVSTP, là ra chợ, nhặt mấy mẫu về kiểm nghiệm, thì quả thật, đây chỉ là cách làm đối phó, và làm cho có. Ai dám đảm bảo rằng các loại tôm, cua, cá… được nuôi ở các hồ, ao quanh nội đô Hà Nội không nhiễm kim loại?

Cục ATVSTP hoàn toàn có thể lấy mẫu tại những nơi có nguồn nước chảy vào từ các dòng sông “kim loại” để xét nghiệm và thống kê lượng thủy sản ở những nơi ấy đánh bắt được bao nhiêu, tiêu thụ ở đâu… Trên cơ sở đó đưa ra những biện pháp để cảnh báo, giải quyết những vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Thế mới đúng, mới là “hỏi gì đáp nấy”. Đằng này Cục lại “hỏi một đằng trả lời một nẻo”. Cách làm ấy của Cục ATVSTP  khác nào đẩy người ta đến chỗ nghi ngờ: phải chăng Cục làm cho xong, để “qua mắt” người tiêu dùng cũng như né tránh được trách nhiệm?

Trước khẳng định của TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc, Cục ATVSTP khẳng định trên website của Cục ATVSTP (vfa.gov.vn) rằng: “Các cơ quan chức năng mới là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp thông tin chính thức cho cộng đồng”. Có ý kiến cho rằng: Với vai trò là cơ quan thông tấn, các cơ quan báo chí cũng có trách nhiệm thông tin đến bạn đọc những vấn đề mà họ phát hiện được (Tất nhiên những thông tin đó phải bảo đảm tính pháp lý, tôn chỉ, mục đích của tờ báo…) Còn thẩm định, xác minh, kết luận là nhiệm vụ của cơ quan chức năng. Chẳng phải có rất nhiều sự vụ xảy ra từ trước tới nay, ngành y tế nói chung, Cục ATVSTP nói riêng phải dựa trên nguồn tin của báo chí đó sao? Bởi vậy, khẳng định của TS Lâm Quốc Hùng là chủ quan, phiến diện, duy ý chí!


 Hoàng Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc