Dân Thủ đô "nhờn luật" và trách nhiệm của người đứng đầu!

11:04 | 19/06/2015

2,344 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều chuyên gia đã cùng Báo Năng lượng Mới - PetroTimes mổ xẻ nguyên nhân của nạn "mất dạy", vô văn hóa và nhờn luật của một bộ phận người dân Thủ đô. Ở góc nhìn của một Đại biểu Quốc hội, ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Bên cạnh yếu tố giáo dục, có một phần nguyên nhân xuất phát từ người đứng đầu.

ĐBQH Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

 

 

PV: Trước đây, cứ nhắc tới Hà Nội là người ta nghĩ ngay đến nơi tụ hội của những tinh hoa, nhưng giờ đây, nó thay bằng một từ “ô hợp”. Thưa ông, có sai không khi nói: Hà Nội bây giờ quá nhuộm nhoạm và người Hà Nội thì đang đánh mất dần những tinh hoa?

ĐBQH Lê Như Tiến: Tôi đã đọc được nhiều cuốn sách về người Hà Nội của các nhà Hà Nội học như: Vĩnh Phúc, Tô Hoài, nữ nhà báo Mai Thục… viết về tinh hoa Hà Nội thì họ đều viết người Hà Nội ngày xưa thanh lịch, thuần khiết.

Thế nhưng, Hà Nội bây giờ khác quá, nó thể hiện trong nhiều mặt. Đơn cử, chúng ta nói ra đường tham gia giao thông thì phải có văn hóa gọi là "văn hóa giao thông". Nhưng "văn hóa giao thông" của người Hà Nội không chuẩn mực, khi cứ đèn đỏ thì vượt, đường cấm thì đi, còi inh ỏi khắp nơi, thậm chí là đi xe máy đánh võng, lượn lách, không đội mũ bảo hiểm, đèo 3, 4 người...

Còn ở công sở, Hà Nội là trung tâm của sự phát triển, hội tụ nhiều cơ quan hành chính, sự nghiệp nhưng khi chúng ta hô hào "văn hóa công sở" rồi đặt câu hỏi: Công sở Hà Nội đã chuẩn mực chưa? Thì câu trả lời là chưa. Vẫn có những hành vi nói tục, nói xấu đồng nghiệp, đi muộn, về sớm …

Một bộ phận người dân sống ở Hà Nội đã lâu rồi người ta quên mất cách giao tiếp lễ phép đơn giản như: có “dạ”, có “thưa". Nên nhớ, trước đây nó là những câu cửa miệng thường nhật của người Hà Nội.

Rồi “văn hóa nhường nhịn", việc phải biết nhường nhịn người khác, nhất là với người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em… phải trở thành hành vi thường trực. Thế nhưng bây giờ thì không những không nhường mà còn xô đẩy, thậm chí nói xúc phạm đến họ. Rồi thì văn hóa trong học đường, văn hóa bệnh viện, văn hóa nơi công cộng… Tất cả đang rất nhộm nhoạm.

PV: Nguyên nhân ở đây là gì thưa ông?

ĐBQH Lê Như Tiến: Nó là hậu quả của quá trình lâu dài, mà giáo dục là nguyên nhân cốt yếu. Trong khi các phần tử nhỏ nhất là gia đình không còn giữ được lối sống xưa: Ông bà, cha mẹ tập trung dạy dỗ con cái từ thuở còn thơ thì bây giờ, phần đông quá bận rộn với miếng cơm manh áo, chạy đua kinh tế thị trường, chạy đua với đồng tiền bát gạo… mà xao nhãng.

Nhà trường thì cũng tương tự, thi nhau nhồi nhét kiến thức để thi cử lấy thành tích, còn cái gọi là "tiên học lễ, hậu học văn" thì bỏ bê. Tình trạng chung cho thấy, việc dạy các môn như kiểu giáo dục công dân đang rất có vấn đề. Thay vì, tìm cách dạy cho học sinh hiểu, để thẩm thấu những bài học giá trị về đạo đức, thì các thầy cô chỉ bận nhồi nhét kiến thức vĩ mô.

Còn ngoài xã hội, khi kinh tế thị trường phát triển, văn hóa không theo kịp dẫn đến sự tụt hậu về văn hóa. Cũng phải hiểu cho Hà Nội, kinh tế thị trường phát triển dẫn đến sự giao thoa chuyển dịch lao động. Khi tất cả các tầng lớp lao động dồn về Hà Nội, mang theo tất cả tập tục, hành vi, cách ứng xử của rất nhiều vùng miền, rất nhiều tầng lớp khác nhau thì tất yếu nó sẽ làm cho Hà Nội hỗn độn hơn và phức tạp hơn.

Đó còn chưa kể, trong sự hội nhập quốc tế còn có sự du nhập của "văn hóa ngoại lai".

PV: Phải chăng những luồng "văn hóa ngoại lai" đó cũng khiến việc thực thi pháp luật ở Thủ đô chưa được nghiêm túc?

ĐBQH Lê Như Tiến: Điều này đúng. Chúng ta có rất nhiều luật và văn bản dưới luật thậm chí là Bộ quy tắc quy định lối sống người Hà Nội, thế nhưng việc thực thi chưa nghiêm, cộng với sự vô lối của một bộ phận người Hà Nội khiến tất cả gần như vô hiệu. Thực ra thì luật pháp nói chung của ta vẫn còn theo kiểu: “Trong cái lý còn cái tình” nên người dân vẫn “nhờn luật” là đương nhiên.

Từ cái "nhờn luật" đó để nhìn nhận một thực tế, một bộ phận người dân đang rất “vô trách nhiệm” với cuộc sống của mình.

Trước nay, có rất nhiều các hiện tượng xã hội phản văn hóa. Lẽ ra trong cộng đồng, xã hội phải có những phản ứng mạnh mẽ để lên án, thậm chí là tẩy chay, nhìn các hiện tượng phi văn hóa bằng ánh mắt khinh bỉ… Để những người có hành vi xấu tự phải biết xấu hổ với hành động đó. Thế nhưng, điều này ít có. Cộng đồng đã không tẩy chay lại còn có hiện tượng cổ súy. Vậy là tự thân mỗi cá nhân đều không ý thức được trách nhiệm của mình. Như vậy, bao giờ tự thân chúng ta mới tự phát triển?

Hãy nhìn Singapore, khi đến thủ đô của họ, chúng ta thấy nếp sống văn minh, không có hiện tượng xả rác, hay văng tục, chửi bậy… Camera họ gắn khắp nơi, khi người nào mắc sai phạm, họ xử lý nghiêm, thậm chí là đánh đòn để người dân tự thấy đó là hành vi đáng xấu hổ mà thay đổi. Điều này rất đáng học tập.

PV: Vậy theo ông thì làm thế nào để Hà Nội khắc phục được những hạn chế này?

ĐBQH Lê Như Tiến: Chắc chắn là phải đưa tất cả vào khuôn phép. Khi không còn có thể “bảo ban” thì luật pháp nghiêm minh là điều cần thiết. Cần có những quy định cụ thể riêng cho Hà Nội, anh nào không thực hiện được thì sẽ bị loại bỏ.

Bên cạnh đó thì giáo dục tuyên truyền. Một nhà giáo dục học của Xô Viết đã nói: "Gương mẫu là cha đẻ của giáo dục". Chỉ cần sự gương mẫu của ông bà, cha mẹ, thầy cô chính là tấm gương sáng để thế hệ sau học tập.

Còn trong một tập thể thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu. Người ta nói: "Gieo nhân nào, gặp quả nấy". Nếu anh gieo một hành vi thiếu văn hóa, nhất lại là người đứng đầu thì anh sẽ gặp phải cả một tập thể… thiếu văn hóa.

Và trên hết, để Thủ đô của chúng ta "đẹp" hơn, văn hóa hơn thì bên cạnh các chế tài, những người đứng đầu, những công chức Thủ đô phải là tấm gương cho người dân noi theo.

 

Huyền Anh

(Năng lượng Mới)