Cuộc chiến bản quyền báo điện tử - một năm nhìn lại

06:11 | 30/01/2014

1,820 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghị định 72 được ban hành vào tháng 9 năm 2013 được đánh giá như là “phần thưởng” cho nỗ lực không biết mệt mỏi chống lại nạn ăn cắp bản quyền của Báo Năng lượng Mới - PetroTimes và các tờ báo chính thống. Cuối năm 2013, trong phiên chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng nhấn mạnh đến việc sẽ sửa đổi Luật Báo chí để bảo vệ tốt hơn nữa công sức của những người làm báo chân chính.

Cùng nhìn lại cuộc chiến bản quyền báo điện tử mà Năng lượng Mới - PetroTimes theo đuổi trong suốt năm 2013.

Năm 2013 ghi dấu một năm cải thiện mạnh mẽ về vấn đề bản quyền trên báo điện tử

Báo chí vẫn hướng công chúng vào lẽ phải, vào những điều tốt đẹp, nhân văn, tránh xa thói hư tật xấu nhưng đôi khi lại “quên” đi lẽ phải của chính mình. Năm 2013 được xem là năm mà cả làng báo điện tử Việt Nam như bừng tỉnh, đoàn kết để tạo cuộc “cách mạng” về bản quyền, mài sắc ngòi bút, làm tốt hơn sứ mệnh phục vụ độc giả.

Đầu năm 2012 đến đầu năm 2013 có thể xem là thời điểm phát triển “cực thịnh” của các trang tin điện tử. Các trang tin cứ ra đời nhan nhản, mỗi ngày mở mắt, vào mạng, độc giả lại gặp một vài trang tin tổng hợp mới. Bên cạnh những trang tin ra đời với mục đích “tử tế” thì cũng có không ít trang tin ra đời chỉ nhăm nhăm “sốc, sex, sến” để câu view.

Chưa bao giờ trong làng báo lại tồn tại nỗi ấm ức kiểu: Bài của mình bị ăn cắp mà không biết vì sao, không biết ai ăn cắp. Rồi trang mạng càng “lưu manh” thì lợi nhuận quảng cáo đổ về càng nhiều. Doanh nghiệp cũng điêu đứng vì ra rả trên mạng các thông tin bị bóp méo, cắt gọt, thêm thắt, đánh đấm, hạ thấp uy tín doanh nghiệp mà không biết kêu ai…

Độc giả cũng hoa mắt trước rừng trang tin, tờ nào cũng tưởng là “báo chí” thật. Đến người làm nghề còn không phân biệt nổi thì độc giả chẳng biết đâu mà lần. Việc các trang tin ra đời ồ ạt và không quản lý nổi, có thể nói đã làm nhiễu loạn thị trường báo chí, truyền thông.

Điều đau đớn nhất với làng báo không phải là mất lợi nhuận quảng cáo, mất uy tín mà ngay trong làng báo đã tự phân hóa và đẻ ra một kiểu làm báo salon, chộp giật để “đua đòi” với các trang tin. Làng báo ngày càng vắng đi những bài viết sắc sảo, những cây bút chịu khó tìm tòi cái mới, chịu đi, chịu viết… Báo chí chính thống tự làm phai mờ chức phận phục vụ độc giả của mình.

Nhiều tờ báo cũng đã lên tiếng nhưng chưa quyết liệt và chưa có được sự đồng thanh đủ lớn. Đúng vào thời điểm mà làng báo thấy cần phải lên tiếng, những người làm báo PetroTimes đã cùng với các đồng nghiệp ở Tuổi trẻ, Dân trí, VTC News, Giáo dục Việt Nam… có những động thái mạnh mẽ nhất. Không chỉ lên tiếng trên phương diện dư luận, PetroTimes cùng với các báo chính thống đã gửi kiến nghị lên cơ quan quản lý, phối hợp với các văn phòng luật sư để sẵn sàng cho một cuộc chiến pháp lý về bản quyền ở tòa án dân sự.

Các tờ báo cũng nhận được sự hưởng ứng, phối hợp từ cơ quan quản lý như Cục Báo chí, Cục Quản lý Phát thanh - Truyền hình và Internet (Bộ Thông tin & Truyền thông) và những thủ đoạn đánh cắp mồ hôi công sức của người làm báo đã được mang ra mổ xẻ.

Đầu tiên là việc chỉ mặt vạch tên những kẻ chuyên “ăn cắp” thông tin, công sức lao động của những người làm báo. Đó là các trang mạng tinmoi.vn, tin247.com, tindantri.com, 24h.com.vn, Vietbao.vn.

Ông Hà Minh Huệ - Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với việc đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng cho người làm báo

Những ai đã từng chứng kiến hoặc tham gia tác nghiệp đưa tin, viết bài sẽ hiểu lao động báo chí thực sự là một loại hình lao động nặng nhọc, vừa đòi hỏi công sức, vừa đòi hỏi đầu tư chất xám rất cao. Làng báo Việt Nam có hàng ngàn phóng viên rải khắp các vùng miền trong cả nước, từ biên cương hiểm trở đến hải đảo xa xôi, thậm chí là ra cả nước ngoài. Có những bài viết thực hiện nhanh để đáp ứng yêu cầu thời sự, nhưng cũng có những bài phóng sự, điều tra công phu có khi phải thực hiện cả tháng trời.

Ở các tòa soạn báo, đặc biệt là báo điện tử luôn phải duy trì một hệ thống máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất, duy trì một đội ngũ phóng viên, biên tập viên, biên dịch viên khá lớn. Công sức lao động của tập thể những người làm báo qua mỗi tác phẩm báo chí, mỗi tin bài quả thực không nhỏ chút nào.

Trong khi các trang web tổng hợp tin như tinmoi.vn, tin247, 24h.com.vn, Vietbao.vn… càng ngày càng giàu lên thì các cơ quan báo chí ngày càng nghèo xuống. Đơn giản là trên lưng những người làm báo đã xuất hiện những vật ký sinh, ngang nhiên chiếm đoạt công sức.

Đã rất nhiều lần, các báo điện tử lớn ở Việt Nam như Dân trí, VnExpress, VietNamNet… yêu cầu các trang tổng hợp tin phải dừng ngay việc ăn cắp thông tin, nhưng cũng chỉ được vài ngày là “ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”, sự việc lại tái diễn.

Thực trạng này đã diễn ra từ rất nhiều năm qua và chưa có cơ quan báo chí nào lên tiếng một cách quyết liệt, phần vì một số cơ quan báo chí đang có rất nhiều ngộ nhận và lầm tưởng quanh sự việc này. Kể cả một số trang tổng hợp chấp nhận chia sẻ view thì cũng không thể có chuyện một người thò tay vào túi người khác trộm một xấp tiền rồi “bo” lại cho gia chủ vài tờ bạc vụn như một cách gột rửa tội ăn cắp. Có chăng, hành động “bo” lại này chỉ là để cho người bị đánh cắp “nguôi giận” và bớt chú ý hơn.

Với tinmoi.com hay tin247, tinmoi.vn, tindantri.com, 24h.com.vn, Vietbao.vn, lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện các tờ báo trá hình hoạt động không có giấy phép xuất bản, không có tổng biên tập, không có đội ngũ phóng viên, biên tập viên mà chỉ đơn thuần đi “chôm chỉa”. Và đương nhiên là không chịu trách nhiệm về thông tin của mình. Một loại hình báo chí vô trách nhiệm và độc giả trở thành những “con lừa” bị chăn dắt không hơn không kém.

Trong cuộc chiến bản quyền báo điện tử, đã có lúc, đâu đó trong làng báo cũng có tư tưởng “xét lại”. Ngay từ đầu, nhiều tờ báo đã chọn cách “im lặng”, “ngại va chạm” dù quyền lợi của mình bị xâm hại. Nhiều tờ báo thì đành “ngậm hột thị” vì trót bắt tay làm ăn với những trang tin ăn cắp.

Lý giải điều này, nhà báo Nguyễn Như Phong, Tổng biên tập Năng lượng Mới và PetroTimes, người thắp lửa cho cuộc chiến bản quyền báo điện tử cho rằng: “Trên thực tế, có nhiều tờ báo băn khoăn vì họ cho rằng, ngay trong làng báo cũng có hiện tượng các báo sử dụng lại thông tin của các đồng nghiệp khác, nên khó có thể kết tội các trang tin tổng hợp”.

“Dù có chuyện đó đi chăng nữa, dù sao, anh em phóng viên cũng phải vất vả khi đi tác nghiệp, nên có thể thông cảm cho nhau. Nhưng những trang tin điện tử, chỉ ngồi nhà copy bài, được hưởng thành quả trên mồ hôi của anh em mới cần đưa ra xử lý. Họ ăn cắp, xào xáo bài được bấy lâu nay là bởi vì những nhà báo chân chính cũng… hèn. Không dám lên tiếng vì lẽ phải”.

Đồng tình với quan điểm này, Tổng biên tập Báo Dân trí, nhà báo Phạm Huy Hoàn nhấn mạnh: “Không thể dừng cuộc chiến đòi công bằng cho các báo điện tử. Dừng lại thì có thể có lợi cho tờ báo của mình nhưng là sự thiệt hại với công sức của anh em một loạt các báo điện tử khác”.

Cuộc chiến bản quyền báo điện tử không chỉ sục sôi trong làng báo, nhiều cơ quan chức năng đã lên tiếng ủng hộ cuộc chiến này. Nhà báo Hà Minh Huệ - Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã hoan nghênh PetroTimes và khẳng định Hội Nhà báo sẽ đứng bên cạnh PetroTimes trong cuộc chiến bảo vệ quyền lợi hành nghề hợp pháp người làm báo.

Ông Tô Văn Long, Trưởng phòng Quyền tác giả - Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, ông Trần Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cũng lên tiếng thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với những đòi hỏi chính đáng của người cầm bút.

Ngày 1-9-2013, Nghị định 72 của Chính phủ về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng chính thức có hiệu lực như một phần thưởng xứng đáng tiếp sức cho cuộc đấu tranh của những người làm báo chân chính. Đây là hành lang pháp lý minh bạch, kích thích sự phát triển cởi mở và lành mạnh của Internet. Nghị định 72 đã siết chặt và cảnh báo những trang thông tin điện tử “trá hình” báo điện tử.

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 20-11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tiếp tục đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Báo chí để có chế tài tốt hơn nữa trong việc quản lý thông tin trên Internet. Như vậy cũng có nghĩa là cuộc chiến bản quyền báo điện tử khởi xướng trong năm 2013 vẫn chưa khép lại và những người làm báo chân chính có quyền hy vọng sẽ được hưởng thành quả xứng đáng hơn nữa từ mồ hôi, sức lao động của chính mình.­­­

 

Hoàng Thắng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc