"Của rẻ là của ôi"
Năng lượng Mới số 322
Ung thư vì… áo lót
Năm ngoái, chắc nhiều chị em phụ nữ không quên vụ áo lót Trung Quốc có chất lạ. Tưởng rằng sau vụ ấy, người ta phải “cạch” đến già không bao giờ sử dụng loại áo lót mang từ bên kia biên giới sang với giá tiền rẻ hơn… bèo. Ấy thế mà, gần đây khảo sát tại các chợ, đặc biệt là những chợ dành cho sinh viên, người có thu nhập thấp như chợ đêm, Đồng Xuân, chợ Ngã Tư Sở hay các chợ ở khu vực nông thôn… vẫn đầy rẫy loại áo được coi là có tác dụng “nâng ngực” một cách hiệu quả đó. Chủ cửa hàng bán đồ lót ở ngõ Gia Ngư, ở quận Hoàn Kiếm nói: “Áo này vẫn bán đắt như… “tôm tươi”, thậm chí nhiều hôm không có hàng mà bán do giá thành rẻ, chỉ vài chục nghìn đồng/chiếc, lại có tác dụng tôn cao bộ ngực phụ nữ, giúp họ ăn mặc quần áo đẹp hơn. Nên bao nhiêu người mua”. Ở các chợ nhỏ, chợ đêm, chợ chuyên dành cho sinh viên theo chủ các sạp hàng thì số lượng hàng tiêu thụ còn nhiều hơn nữa do giá hợp với túi tiền của người tiêu dùng.
Một nữ công nhân ở trọ tại bãi Nghĩa Tân, Hà Nội “bật mí”: Mặc dù có nghe phong thanh chuyện độc hại nhưng bất chấp chị vẫn mua áo lót có đệm nước vì vừa rẻ tiền vừa làm cho ngực đẹp hơn, chưa kể đến hình thức ren, thêu khá đẹp. “Nếu cùng loại đó mà của hãng nổi tiếng phải 700 nghìn đồng/chiếc, nghĩa là đắt hơn 100 lần so với chiếc áo tôi mua”, chị so sánh. Do nhu cầu vẫn nhiều như vậy nên tại các khu vực chuyên bán áo lót, loại áo rẻ tiền của Trung Quốc bày bán ngồn ngộn, phải chiếm 90% số lượng hàng trong cửa hàng. Ngay cả 10% còn lại cũng là hàng của Trung Quốc nhưng chất lượng được coi là tốt hơn so với loại áo rẻ tiền.
Cầm những chiếc áo rẻ tiền của Trung Quốc nhất là những áo đệm mút, đệm nước, phải nói rằng không hề thua kém so với những áo có thương hiệu của các hãng Trium, Vera… Thậm chí, hình thức đôi khi còn bắt mắt hơn do được “trang trí” kỳ công hơn bởi ren, đính đá… Còn chỗ đệm mút hay nước nắn vào đó có cảm giác như nắn quả bóng bay có nước. Nếu bóp chặt thì đệm nước ở trong áo không vỡ hoặc chảy ra được. Nhưng trong quá trình mặc, nhất là khi áo đã cũ, người mặc sẽ thấy phần ngực của mình như bôi một lớp dầu nhờn. Theo TS Vũ Đức Lợi, Trưởng phòng Hóa phân tích thuộc Viện Hóa học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam thì đây chính là dầu khoáng có nguồn gốc từ dầu mỏ. Khi vào cơ thể, dầu khoáng này đọng lại ở gan, lấy đi hầu hết các vitamin trong gan và có khả năng làm giảm chức năng phổi, gây một số dạng viêm phổi. Bởi thế bị cấm trong lĩnh vực dược. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn mà TS Vũ Đức Lợi cho biết là trong quá trình kiểm nghiệm, ông cùng các đồng nghiệp đã phát hiện trong dầu khoáng có trong áo lót có chứa chất phát quang polycyclic aromantic hydrocarbon (PHA), một chất rất nguy hiểm gây ung thư cao và rối loạn nội tiết dẫn đến vô sinh. Chất này được kiểm soát chặt chẽ trong y tế và thực phẩm.
Quần áo Trung Quốc bán tại Việt Nam
Vô sinh vì quần Jean
Cùng với áo lót thì quần áo dành cho cả trẻ em và người lớn của Trung Quốc nhiều đến nỗi “trên là trời dưới là quần áo Trung Quốc”, ngập tràn khắp thị trường từ thành phố đến chợ quê, ngay cả những hàng được coi là “Made in Vietnam” xuất khẩu thì phần lớn cũng là hàng Trung Quốc làm “nhái”. Giá tiền chỉ từ vài chục nghìn đồng đến hơn 200 nghìn đồng/chiếc, tùy từng loại dành cho con trẻ hay người lớn, quần hay áo, chất liệu… Tổ chức Hòa bình xanh Đông Á (Green Peace) vào năm ngoái đã công bố chính thức quần áo trẻ em do Trung Quốc sản xuất có chứa chất gây rối loạn hormone và hóa chất độc hại với hệ sinh sản. Cụ thể sau khi thu gom một số hàng may mặc trẻ em tại 2 thành phố sản xuất lớn là Trị Lý ở tỉnh Triết Giang và Thạch Sư ở tỉnh Phúc Kiến từ tháng 6-10-2013, Tổ chức Hòa bình xanh đã tiến hành xét nghiệm 85 mặt hàng may mặc và phát hiện 50% số mẫu hàng chứa chất NPE, một chất gây rối loạn hormone; 90% mẫu dương tính với antimon, cũng là loại chất độc hại, gây tổn hại sức khỏe của người sử dụng và đặc biệt là chất phthalate - ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh sản cũng được phát hiện trong mẫu quần áo này. Ông Lee Chih An, một trong những người đứng đầu Tổ chức Hòa bình xanh cho biết, 98% hàng may mặc dành cho trẻ em ở 2 thành phố mà Tổ chức Hòa bình xanh đã điều tra được bán rộng rãi ở khắp Trung Quốc và hầu hết các quốc gia trên khắp thế giới. Trong đó Việt Nam chiếm một thị phần không nhỏ.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên hàng may mặc trẻ em của Trung Quốc bị một tổ chức nước ngoài phát hiện hóa chất độc hại trong quần áo mà trước đó, hồi đầu năm 2013, ngay cơ quan chức năng của Trung Quốc - Tổng cục Giám sát chất lượng Trung Quốc cũng đã phát hiện quần áo đồng phục học sinh có hóa chất độc hại - dùng để nhuộm vải nguyên liệu may đồng phục. Hay Hiệp hội Người tiêu dùng Bắc Kinh cảnh báo vào tháng 6-2013: “38% quần áo trẻ em không đạt tiêu chuẩn chất lượng”. Lại còn cả quần Jean của Trung Quốc cũng phát hiện chứa hàm lượng lớn chất gây ung thư có trong thuốc nhuộm azo và benzidine, khiến cho cơ quan chức năng của Australia phải thu hồi 120 nghìn mặt hàng, trong đó chủ yếu là quần Jean của Trung Quốc để tiêu hủy.
Dậy thì sớm vì… đồ chơi
Không chỉ quần áo, mà đồ chơi của Trung Quốc có thể nói cũng chiếm tới 90% thị trường Việt Nam, “bao phủ” hầu khắp các chợ đồ, cửa hàng đồ chơi ở trong nước. Nếu so với các đồ chơi được bày bán trong hệ thống cửa hàng của Toy Kingdom thì đồ chơi của Trung Quốc phong phú hơn về chủng loại nhưng giá thành thì chỉ bằng… “móng tay”. Thế nhưng đồ chơi của Trung Quốc ẩn chứa nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Như thú nhún, một đồ chơi rất được trẻ em yêu thích, lại bị Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học & Công nghệ phát hiện chứa hàm lượng phthalate cao đến mức có thể gây dậy thì sớm và nữ tính hóa ở bé trai, gây vô sinh cho trẻ. Hay như đồ chơi được gọi là “bom thối” của Trung Quốc chỉ 3 nghìn đồng/gói, được bán đầy rẫy trước các cổng trường học, đã làm cho 34 học sinh ở Trường tiểu học Chu Văn An, ở thị trấn Đức An, tỉnh Đắk Nông phải đi cấp cứu bệnh viện do bị co giật, khó thở, ngất xỉu. Trong đó có 20 em bị nặng phải truyền nước, 5 em khó thở phải sử dụng bình ôxy. Tìm hiểu thì hóa ra đây là gói hóa chất có chứa bicarbonate, acid citric có thể gây nổ và dẫn đến các hiện tượng nôn mửa, tức ngực, mẩn ngứa toàn thân… nếu hít phải hơi này.
Bởi vậy, trước chất lượng của các loại hàng hóa trên đây, một điều thấy rõ là phải thay đổi cách tiêu dùng cũng như quan niệm: chuộng hình thức hơn chất lượng. Nếu không sẽ rước họa vào thân do muôn đời không sai rằng “tiền nào của nấy”!
Tác hại của phthalate trong thú nhún: có thể gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormon của cơ thể. Đối với trẻ em, nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng là rất cao. Ngoài ra chất dibutylphtalate (DBP) và DOP (Dioctyl phthalate) có trong nhựa dẻo có tác dụng giống như hormon nữ, vì thế rất có hại cho nam giới và đặc biệt là ở trẻ em khi cơ quan sinh dục chưa hoàn chỉnh. Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em gái có nguy cơ dậy thì quá sớm... NPE là hợp chất hữu cơ tổng hợp, được sử dụng nhiều trong sản xuất nhựa, dệt… Tác hại của nó là làm cho các sinh vật ngớ ngẩn, mất tỉnh táo, gây rối loạn khả năng sinh sản phá bằng cách làm vỡ các hormone chức năng trong cơ thể sống, phá hủy tuyến nội tiết… Nếu thải ra môi trường, NPE phân rã thành các chất rất độc hại ảnh hưởng đến môi trường sống… |
Nguyễn Anh