“Công nghệ” biến dầu thải thành dầu… xịn!

06:38 | 04/10/2013

4,085 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dầu nhờn thải từ các phương tiện giao thông và máy sản xuất công nghiệp là một trong những chất thải công nghiệp độc hại cho môi trường. Trong dầu thải có rất nhiều tạp chất như chì, kẽm và một số hóa chất khác có thể gây ung thư, bệnh nguy hiểm. Thế nhưng, loại chất thải này đang được một bộ phận người dân Hà Nội đi thu gom ở các cửa hàng sửa chữa ôtô, xe máy với giá vài nghìn đồng một lít rồi “phù phép” thành các loại dầu có thương hiệu trên thị trường.

Cả làng hành nghề thu gom dầu thải

Thời gian qua, câu chuyện “hóa phép” dầu nhờn thải thành dầu thương phẩm, giả nhãn mác của các hãng sản xuất có tên tuổi rồi tung ra thị trường đã khiến dư luận xôn xao bàn tán. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã thực hiện một cuộc điều tra về hành trình của chất thải công nghiệp nguy hại này.

Qua tìm hiểu cho thấy, để có nguyên liệu tái chế dầu nhờn thải thành dầu nhờn thương phẩm, các cơ sở tái chế có hẳn một đội ngũ chuyên đi mua gom dầu nhờn thải với giá rẻ từ các cửa hàng sửa chữa xe máy, ôtô trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Số dầu nhờn được tập kết lại thành khối lượng lớn rồi tái chế bằng cách thủ công, đổ vào từng nồi lớn, đun sôi, sau đó cho  thêm vào các chất phụ gia như nhựa thông, mỡ bò nhằm tạo màu, độ nhờn cùng với axít giúp làm sạch và loại bỏ tạp chất… Khi phần cặn lắng xuống, dầu sạch được hút ra, đóng vào từng thùng phuy loại 200 lít rồi đưa đi tiêu thụ.

Những chiếc can nhựa chứa được gần 100 lít dầu nhờn thải mỗi ngày mà anh Mạnh đi thu gom

Các cơ sở tái chế dầu thải này đều sử dụng những công nghệ lạc hậu, không an toàn và ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường. Sau quá trình tái chế, dầu nhờn thải biến thành các sản phẩm dầu nhờn thương phẩm, hoàn toàn không bảo đảm các tiêu chuẩn hóa lý, được đóng chai, giả nhãn hiệu của các nhà sản xuất lớn để tung ra thị trường. Trong quá trình tái chế, không ít dầu nhờn thải rơi vãi và ngấm sâu xuống mạch nước ngầm, đồng thời tạo ra không ít lượng khí thải, khói độc và các chất thải phát sinh ra từ quá trình chế biến, tác động tiêu cực đến môi trường. Các lò tái chế dầu nhờn thải này tập trung phần lớn tại các huyện ngoại thành Hà Nội như: Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất…

Một trong những người hành nghề đi thu gom dầu nhờn thải lâu năm trên địa bàn Hà Nội là anh N.N. Mạnh (ở Hoài Đức, Hà Nội). Sáng nào anh cũng chở lỉnh kỉnh những chiếc can nhựa sau xe rồi tiến thẳng vào nội thành để thu gom dầu nhờn thải. Điểm dừng chân đầu tiên của anh Mạnh là đường Xuân La - Xuân Đỉnh. Nhiều quán sửa chữa xe máy trên đường Xuân Đỉnh đã quá quen thuộc với vị khách mua dầu nhờn thải này nên anh cũng chẳng cần phải hỏi han mà tiến thẳng đến chỗ để chiếc thùng chứa dầu nhờn thải, tự chắt sang can của mình rồi trả tiền theo số lít với giá cả như những lần mua trước.

Anh Mạnh cho biết, hiện nay ở xã anh có khoảng gần 100 hộ gia đình đi thu gom dầu nhờn thải. Anh kể: “Quá trình đô thị hóa, ruộng đất của người dân thôn Yên Lăng nói riêng, xã An Khánh nói chung bị thu hồi để xây dựng chung cư, dân mất đất, không có việc làm, nghề đi thu gom dầu nhờn thải là nguồn thu chủ yếu nuôi sống hàng nghìn con người trong xã”.

Cũng là người có thâm niên trong cái nghề này, N.V. Chính (ở xã Vân Côn, huyện Hoài Đức) lại lựa chọn cho mình khu vực các huyện lân cận để thu gom. Theo lời anh Chính, ở các vùng nông thôn ngoại thành tuy hơi xa nhưng ít người đi thu gom, hàng lại nhiều mà giá cả cũng thấp hơn ở nội thành. “Trước kia tôi đi thu ở nội thành Hà Nội, ngày nào mua được nhiều lắm cũng chỉ khoảng 100 lít/ngày. Bây giờ đi xa một chút, chỉ buổi sáng cũng được cả trăm lít. Hiện nay, bình quân giá ở nội thành khoảng 6.000 đồng/lít. Nhưng ở những vùng ven giá mua chỉ 4.500-5.000 đồng/lít” - anh Chính cho biết.

Theo chân những người hằng ngày rong ruổi trên các tuyến đường cùng với chiếc xe máy dính đầy dầu nhờn để thu gom thì sau khi thu mua họ đưa về xã An Khánh hoặc xã Vân Côn để bán lại cho các chủ thu gom với giá 6.500-7.000 đồng/lít, tùy vào chất lượng dầu. Như vậy, mỗi lít dầu thải thu mua được, những người hành nghề này cũng kiếm được khoảng 2.000 đồng/lít. Như lời anh Mạnh kể: “Mỗi một ngày đi thu gom dầu thải tôi đều mua được đầy 4 chiếc can nhựa mang theo là 80 lít, về làng tôi bán cho chủ thu gom cũng kiếm được khoảng 160.000 đồng/ngày”.

Công nghệ chưng cất thời nguyên thủy

Sau nhiều ngày đeo bám, cuối cùng chúng tôi cũng lần ra được một địa điểm tái chế dầu nhờn thải. Đó là một lò thu gom, tái chế của một người đàn ông tên Hưng, nằm giữa cánh đồng thuộc xã Vân Côn. Lò có diện tích hơn 300m2, gồm một ngôi nhà cấp bốn, khu thu mua, lò đun và nơi chứa dầu nhờn thành phẩm. Trong vai người đi thu mua dầu nhờn tái chế về đổ cho các cửa hàng sửa chữa xe máy, tôi được một thanh niên đang làm việc tại đây cho hay, ở đây không bán lẻ mà bán từng phuy sắt loại 200 lít, giao cho các mối quen. Nếu mua phải mua ít nhất một thùng phuy trở lên. Dầu nhờn sau khi tái chế được bán với giá 30.000 đồng/lít.

Lò tái chế dầu nhờn thải của Hưng nằm giữa cánh đồng thuộc xã Vân Côn

Người thanh niên này còn quảng cáo thêm: “Dầu nhờn ở chỗ khác khi tái chế chỉ cho thêm có một chút hóa chất làm trong và một chút mỡ bò đã bán 35.000 đồng/lít rồi anh ạ”. Lân la dăm ba câu chuyện, nam thanh niên này buột miệng nói ra bí quyết tái chế của lò đang sử dụng. Theo đó, dầu nhờn thải gom về được đổ vào một bể chứa lớn, khi đã đủ mẻ nấu sẽ cho vào nồi chuyên dụng để tái chế. Công đoạn đầu tiên là bơm dầu lên một lò chưng cất, tiếp tục đun sôi đến mức hóa hơi. Hơi dầu được dẫn qua một hệ thống ống dẫn chuyển tới bồn làm lạnh. Tại đây, hơi dầu được ngưng tụ thành một dung dịch sậm màu. Dung dịch này được bơm vào các bể rồi sục axít vào để tẩy màu. Tiếp đến sẽ đổ bột than hoạt tính nghiền mịn để làm ngưng tụ tạp chất lẫn trong nhờn thải xuống đáy nồi. Cuối cùng, để cho giống dầu nhờn sạch về màu và độ nhờn, cần cho thêm nhựa thông và mỡ bò công nghiệp. Sản phẩm cuối cùng thu được là một thứ chất lỏng có màu vàng sậm, hăng hắc. Đó chính là dầu nhờn thành phẩm.

Chỉ với vài dụng cụ thô sơ thời nguyên thủy nhưng xưởng tái chế dầu nhờn thải của Hưng mỗi ngày tái chế được khoảng 800-1.000 lít dầu nhờn thành phẩm. Cứ 1 lít dầu nhờn thải sau quá trình tái chế còn 0,8 lít dầu thành phẩm. Chỉ tính nhẩm cũng có thể thấy lợi nhuận của việc tái chế dầu nhờn thải này, trừ hết các khoản chi phí, mỗi 100 lít dầu, lò của Hưng cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng.

Cách xưởng nấu dầu nhờn của Hưng gần 2 cây số là địa phận xã An Khánh. Nơi đây từ lâu đã được coi là địa điểm thu mua, tái chế dầu nhờn thải lớn nhất miền Bắc, đặc biệt là thôn Yên Lăng. Trên những con đường, ngõ ngách của thôn này, đâu đâu cũng bắt gặp những chiếc thùng phuy với những vết loang lổ của dầu luyn, chất cao 2-3 tầng như những bức tường thành bao vây lấy những ngôi nhà của người dân.

Qua tìm hiểu được biết, hiện thôn Yên Lăng có gần 20 cơ sở thu gom, tái chế dầu nhờn thải với công suất cả chục nghìn lít mỗi ngày. Các cơ sở tái chế ở đây không dùng axít để tách các tạp chất mà dùng bột cao lanh để tách các hạt kim loại, bụi bẩn lơ lửng trong dầu nhờn và dùng chất xúc tác của nhà máy lọc dầu để tái chế dầu nhờn. Tất cả các công đoạn đều diễn ra thủ công. Sau khi được đun nấu, chưng cất, loại dầu nhờn này cũng có màu vàng, độ đậm đặc, độ sánh chẳng khác là bao so với những loại dầu nhờn “xịn” bán trên thị trường. Và giá bán cho các đầu nậu dao động 30-35.000 đồng/lít.

Liên hệ với chính quyền xã An Khánh, chúng tôi có dịp đi cùng lực lượng công an xã và cán bộ tài nguyên môi trường và vệ sinh môi trường xã An Khánh đến các lò tái chế này. Tuy nhiên, các chủ lò đều phủ nhận việc nấu và chỉ nhận thu gom rồi bán thẳng cho con buôn, nhưng ai cũng hãi hùng khi chứng kiến cảnh tượng ngổn ngang, loang lổ chất thải đen kịt trên nền đất.

Để tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện là hàng giả, loại dầu nhờn tái chế được con buôn phân phối chủ yếu về vùng sâu, vùng xa. Và loại dầu nhờn này khi dùng cho động cơ thì tuổi thọ chỉ bằng 1/3 so với dầu nhờn chính hãng. Tuy nhiên, do lợi nhuận chênh lệch cao giữa dầu nhờn thải và dầu nhờn chính hãng, rất nhiều chủ các cửa hàng sửa chữa xe máy, trung tâm bảo dưỡng sẵn sàng nhập loại dầu này bán cho khách hàng.

Theo lời của một thợ sửa chữa xe máy tên Tuấn (ở thôn Nhân Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm), dầu nhờn chính hãng của các nhà sản xuất có tên tuổi thì giá rất cao nên mỗi chai dầu chỉ được lãi vài nghìn đồng. Còn với loại dầu tái chế này thì giá rất rẻ với giá nhập vào là 38-40.000 đồng một chai có dung tích 0,8 lít và bán cho khách là 85.000 đồng, còn dầu nhờn chính hãng nhập vào 80.000 đồng và bán cũng chỉ được lời 5.000 đồng. Cũng theo thợ sửa chữa xe máy này thì bản thân anh ta cũng nhập cả hai loại (dầu nhờn chính hãng và dầu tái chế). Khi có khách vào quán yêu cầu thay dầu thì tùy cơ ứng biến, với khách vãng lai thì sẽ dùng dầu nhờn tái chế thay cho khách nhưng vẫn thu giá dầu nhờn của hãng sản xuất. Còn khách quen biết thì bắt buộc phải thay dầu nhờn xịn.

Trước mối nguy hại đối với động cơ này, Tiến sĩ Đào Quốc Tuy - Trưởng bộ môn Công nghệ hữu cơ - hóa dầu (Khoa Công nghệ hóa, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Quá trình vận hành, các bộ phận máy sinh ra rất nhiều các hạt nhỏ kim loại, muội cácbon điôxít, tạp chất bụi bẩn. Do vậy việc tái chế dầu nhờn thải bằng phương pháp thủ công, không qua kiểm định sẽ còn tồn dư nhiều hạt kim loại, tạp chất… để sử dụng cho các loại máy công nghiệp như ôtô, xe máy là vô cùng nguy hại. Bởi chỉ cần dùng loại dầu nhờn này một thời gian ngắn, các loại máy sẽ nhanh bị hỏng động cơ”. “Không ít loại dầu nhờn thải sau khi tái chế được tung ra thị trường, trong thành phần của chúng vẫn còn tồn dư lượng lớn axít, lưu huỳnh và đây được xem là nguyên nhân chính gây bào mòn máy móc, ngoài ra các lớp gioăng, đệm cao su có trong máy cũng sẽ bị trương nở, dẫn đến hư hại rất nhanh”.

Thiết nghĩ, nếu không có cửa hàng sửa chữa xe đồng lõa thì không thể nào người ta làm và tiêu thụ được dầu nhờn giả. Đạo đức kinh doanh là quan trọng hơn cả vì người sử dụng không có nhiều kiến thức để phân biệt được thật giả, chất lượng tốt hay xấu. Nhiều năm qua, các địa phương cùng quản lý thị trường đã bắt cả trăm vụ từ nấu cho đến vận chuyển dầu nhờn giả, tuy nhiên vẫn không thể nào dẹp hết.

Minh Nguyễn