Bệnh nhân liệu còn tin bệnh viện?

05:00 | 16/09/2013

684 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi những phát ngôn của TS. Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức về những khó khăn và nghịch lý khi áp dụng Thông tư 01 về đấu thầu mua thuốc còn chưa kịp nguội thì Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế liền đó đã công bố một tin chấn động: Bệnh viện Việt - Đức nhập thuốc đắt gấp 5 lần giá kê khai. Lại nữa, vừa mới đây thôi, Bệnh viện Thanh Nhàn bị phát giác việc nhập thuốc không sát thực tế để rồi kê đơn thuốc mất an toàn. Chuyện gì đang xảy ra vậy?

Năng lượng Mới số 255

Ngỡ ngàng giá thuốc

Trong khi nhiều cơ sở y tế dù chính thức và không chính thức đồng loạt cho rằng, Thông tư 01 quy định về phương thức đấu thầu mua thuốc của Bộ Y tế đang gián tiếp tiếp tay cho thuốc rẻ, thuốc kém chất lượng tràn vào bệnh viện thì mới đây nhất lại đùng đùng xuất hiện thông tin gây sốc: Nhà thuốc Bệnh viện Việt - Đức nhập thuốc đắt gấp 5 lần giá kê khai. Đó là thông tin vừa được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế công bố trong kết quả kiểm tra xác suất 74 loại thuốc trong số 400 mặt hàng đang bán tại nhà thuốc Bệnh viện Việt - Đức. Theo kết quả này, có 25 loại giá nhập cao hơn giá bán buôn kê khai, có trường hợp cao hơn tới gần 5 lần.

Nhiều người ngỡ ngàng khi thuốc Spoxin giá kê khai 2.500 đồng, trong khi giá nhà thuốc bệnh viện nhập vào là 14.000 đồng. Hay thuốc Azilide giá kê khai có chưa đến 3.000 đồng, nhưng giá nhà thuốc nhập vào là 12,500 đồng…

 Giá thuốc tăng, bệnh nhân luôn là người gánh chịu - Ảnh minh họa

Phát biểu sau khi thông tin kết quả kiểm tra công bố, TS. Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức cho biết: “Kết quả kiểm tra vào cuối tháng 6 cũng phát hiện một số mặt hàng có giá cao hơn bên ngoài. Song bệnh viện không kiểm tra được thực tế giấy tờ của các công ty cung ứng thuốc. Có lẽ thuốc nhập thế này nhưng họ có biện pháp nào đấy đẩy cao hơn, nên mới có chuyện giá thuốc nhà thuốc bệnh viện mua vào cao hơn giá nhập khẩu. Tôi đã chấn chỉnh việc này và nói rõ nếu công ty nào còn làm như thế thì sẽ cắt, không nhập nữa”.

Dư luận đang đặt câu hỏi rằng, có phải trước đó Ban Giám đốc bệnh viện này không hề biết gì về việc giá thuốc cao hơn gấp nhiều lần như vậy? Giá thuốc ngất ngưởng so với giá thực tế, người bệnh là đối tượng duy nhất phải hứng chịu, phải mua thuốc với giá cắt cổ mà không hề hay biết. Nguồn lợi “khủng” thu được từ mức độ chênh giá như vậy sẽ về túi những ai? Việc nhập thuốc, mua thuốc có phải là “thuận mua, vừa bán” hay còn những nhập nhèm “tay trong, tay ngoài” nào khác?

Việc các doanh nghiệp vô tình hay cố ý mua thuốc vào với giá cao hơn nhiều lần để bán cho bệnh nhân thực chất là hình thức rút tiền trong túi bệnh nhân. Đáng lẽ họ chỉ phải trả một con số thấp hơn nhiều so với con số mà họ đang phải trả. Việc ấy chỉ đơn thuần cần “chấn chỉnh” hay cần một biện pháp mạnh mẽ, thẳng tay hơn nữa để làm gương?

Kinh doanh người bệnh

Câu chuyện về những viên thuốc cùng hệ lụy quanh nó dường như đã trở nên nóng nhất trong những ngày qua. Để giải quyết hậu quả sau khi thu lợi,  nhằm giải phóng “thuốc tồn kho”, hậu quả của việc dự trù thuốc không sát với thực tế, lãnh đạo bệnh viện Thanh Nhàn đã chỉ định các bác sĩ kê đơn phóng tay, gấp nhiều lần so với quy định.

Quá bức xúc, một số CBCNV khoa Dược của Bệnh viện Thanh Nhàn phản ánh rằng, bệnh viện này đã dự trù thuốc không sát với thực tế dẫn đến tình trạng có loại thuốc không đủ dùng, có loại thuốc lại quá thừa. Cụ thể, thuốc corticoid dạng tiêm truyền, mặc dù nhu cầu sử dụng lên tới 1.100 lọ/tháng, nhưng luôn “hết” và không có thuốc thay thế. Điều này khiến người bệnh thường xuyên phải đi mua thuốc ở bên ngoài. Trong khi đó, có đến 272 loại thuốc được nhập về ồ ạt dẫn tới tồn kho gần 20 tỉ đồng tiền thuốc trong năm 2012. Đến đầu năm 2013, Ban Giám đốc bệnh viện phải “vận động” các khoa kê đơn “vô tội vạ” cho bệnh nhân với số lượng vượt quá quy định nhằm “giải phóng thuốc tồn kho”. Điều nguy hiểm nằm ở tình tiết này và vụ việc cũng đã được thanh tra Sở Y tế xác thực.

Không chỉ dừng lại ở đó, hoạt động cung ứng, đấu thầu thuốc cũng có nhiều vấn đề bất thường. Bệnh viện tự ý làm trái quy định mua biệt dược (thuốc đặc trị) nằm ngoài tại danh mục thuốc, Hội đồng thuốc và điều trị đã họp và thông qua. Hơn nữa, lại mua với giá trúng thầu cao hơn giá tại các địa phương và bệnh viện khác, với số tiền chênh lệch hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ để xảy ra tình trạng “thuốc thừa, thuốc thiếu” mà ngay cả hoạt động cung ứng, đấu thầu thuốc tại bệnh viện này cũng “có vấn đề”. Cụ thể, ngày 1/11/2011, Hội đồng thuốc và điều trị Bệnh viện Thanh Nhàn đã họp và thông qua danh mục thuốc (DMT) mua năm 2012, khoa Dược đã tập hợp và trình Giám đốc Bệnh viện ngày 10/11/2011. Thế nhưng, bệnh viện không thực hiện theo DMT đã được Hội đồng thuốc thông qua ngày 1/11/2011 mà lại tự ý mua thuốc theo tên biệt dược (chỉ định thầu).

Chỉ tính riêng 05/27 loại thuốc trong DMT mua theo tên biệt dược (chỉ định thầu) là các thuốc khoa Dược không nhận được đề nghị được sử dụng của các khoa lâm sàng trong bệnh viện, chưa bao giờ được sử dụng tại Bệnh viện Thanh Nhàn và không có bất cứ thành viên khoa Dược nào trong Hội đồng Thuốc và Điều trị biết và tham gia. Hệ quả là với số lượng mua năm 2012 của Bệnh viện Thanh Nhàn (35.766 lọ), số tiền chênh lệch cao hơn so với kết quả trúng thầu của Bắc Giang là: 518.607.000đồng và so với kết quả trúng thầu của Bạch Mai: 709.597.440đồng. Như vậy có nghĩa là giá trúng thầu của Bệnh viện Thanh Nhàn 82.000đ/lọ, thì giá kế hoạch ít nhất cũng phải là 82.000đ/lọ.

Đây là một số tiền rất lớn mà cơ quan chức năng cần quy trách nhiệm rõ ràng. Câu hỏi là, không chỉ một mặt hàng thuốc Rigofin 1g mà toàn bộ các thuốc trong DMT mua theo tên Biệt Dược được Bệnh viện Thanh Nhàn xác định giá kế hoạch trên cơ sở nào? Số tiền thực chênh lệch với kết quả trúng thầu của các cơ sở y tế công lập khác là bao nhiêu? Ai phải chịu trách nhiệm trong việc này? Có sự thông đồng với nhà thầu không?

Những vụ việc trên liên tiếp xảy ra một lần nữa cho thấy việc quản lý thuốc, quản lý giá thuốc hiện còn quá lỏng lẻo và có nhiều bất cập, qua đó tạo nhiều cơ hội để những cá nhân trục lợi. Đau xót hơn là những người làm trong ngành y lại sẵn sàng bỏ qua sức khỏe và tính mạng của người bệnh để có được những khoản lợi bất chính không chỉ từ tiền phong bì, tiền khám mà trên từng viên thuốc, ống dịch… Và người bệnh liệu có còn tin bệnh viện?

Minh Tiến