Bất lực trước “ma đá”

07:15 | 19/10/2014

1,497 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không chỉ hủy hoại sức khỏe, nhanh chóng giết chết người sử dụng trong thời gian ngắn, ma túy đá còn đẩy nhiều người đi vào con đường phạm tội. Hàng loạt vụ án giết người man rợ trong thời gian gần đây do những con nghiện ngáo đá gây ra đã cho thấy tác hại khủng khiếp của loại ma túy này.Vấn đề người “ngáo đá” gây án đang được nhìn nhận một cách chung chung mà chưa có một biện pháp đối phó hay xử lý nào chuyên biệt.

Hậu quả khôn lường

Ra tù vì tội hiếp dâm đã hơn 1 năm, anh N.M.K (36 tuổi, quê Thanh Hóa, đang làm lao động tự do tại TP HCM) chưa hết cảm giác hãi sợ khi nhớ lại lần ngáo đá hồi năm 2006, khiến không làm chủ được bản thân, có hành vi đồi bại với người phụ nữ bán tạp hóa gần nhà. Anh kể, sống xa nhà, thiếu sự quản lý của gia đình nên nghe bạn bè rủ rê chơi hàng đá.

“Chơi đến lần thứ 2 thì người tôi như muốn nhảy cẫng lên, cảm giác hưng phấn vô cùng, dục vọng trỗi dậy. Đầu óc lúc đó cứ xoay vòng, đến lúc tỉnh táo lại mới biết mình đã làm chuyện đồi bại với chị chủ nhà bán tạp hóa bên cạnh. Với tôi, ma túy là kẻ thù suốt cuộc đời này” - anh K nói.

Bất lực trước “ma đá”

Một thanh niên Hải Phòng ngáo đá, sau khi đâm trọng thương một phụ nữ thì leo lên nóc nhà “cố thủ”

Cho đến bây giờ, sau khi đã ra tù và quay lại cuộc sống bình thường, anh vẫn không hiểu vì sao “ma đá” có thể điều khiển và khiến anh gây nên tội lỗi.

Trên thực tế, tại TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng… số vụ án gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra liên quan đến ma túy đá không phải hiếm, thậm chí đang gia tăng đến mức báo động. Tuy nhiên, rất nhiều cơ quan chức năng, đơn vị liên quan, chính quyền địa phương cho rằng đây chỉ là những vụ án cá biệt, chưa đặc biệt quan tâm đến tác hại và hệ lụy kéo theo của ma túy đá.

Một vụ việc nổi cộm nhất mới đây đó là ngày 1-10, người dân quận 1, TP HCM phát hiện một thi thể phụ nữ bị chặt thành 3 phần, mất đầu được giấu trong túi rác. Ngay lập tức công an đã vào cuộc và tìm ra hung thủ của vụ giết người dã man này là Đặng Văn Tuấn (44 tuổi) và nạn nhân là B.T.H (41 tuổi).

Theo lời khai của hung thủ, chiều 28-9 Tuấn và chị H có dùng ma túy đá tại một căn nhà nằm trong hẻm TK53 đường Trần Đình Xu (phường Cầu Kho, quận 1). Sau khi dùng xong ma túy đá, hai người có xảy ra cãi vã và Tuấn đã khóa trái cửa, dùng gậy đập liên tục vào đầu và người chị H. Chưa hả giận, sau khi chị H bất tỉnh, Tuấn tiếp tục bóp cổ chị H cho đến chết.

Hung thủ ở cùng với xác nhạn nhân trong 3 ngày liên tiếp. Khi đã hồi tỉnh, lại ngửi thấy mùi hôi thối của xác bốc lên, lo sợ hàng xóm phát hiện, Tuấn đã kéo nạn nhân vào nhà vệ sinh, cắt xác thành 3 phần. Sau đó, Tuấn cho toàn bộ phần cơ thể nạn nhân vào trong túi ni lông vứt ra ngoài đường. Riêng đầu nạn nhân, Tuấn đem đi chôn ở bãi đất trống.

Đây là một trong rất nhiều vụ án thương tâm do người ngáo đá gây ra khiến dư luận lo ngại. Không chỉ giết chết người sử dụng, sai khiến người nghiện cầm dao kéo “mổ, xẻ”, giết người, ma túy đá còn đẩy người sử dụng đi vào nhiều con đường phạm tội khác nhau.

Đánh giá như thế nào về mức độ sử dụng ma túy đá của giới trẻ Việt Nam hiện nay, Đại tá Phạm Văn Chình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (C47 - Bộ Công an) cho hay: ma túy đá vào Việt Nam năm 2014 tăng nhiều so với những năm trước, đặc biệt là 6 tháng đầu năm nay. Các cơ quan chức năng đã bắt được số lượng tăng vượt trội. Loại ma túy này chủ yếu từ Trung Quốc, qua các cửa khẩu Móng Cái, Lạng Sơn, gần đây là Hà Khẩu (Lào Cai).

“Ma túy tổng hợp nói chung, ma túy đá nói riêng, hiện nay một bộ phận dân chơi rất ưa chuộng. Họ cho rằng, sử dụng loại ma túy này là sành điệu, đẳng cấp và không nghiện. Tuy nhiên, nhận thức như vậy là rất nguy hiểm. Thực chất, tác hại của “ma túy đá” cực lớn. Nếu sử dụng nhiều lần sẽ gây nghiện và một khi đã nghiện thì vô cùng khó cai” - Đại tá Chình nói.

Lý giải về việc nhiều trường hợp ngáo đá lại gây án kinh hoàng, Đại tá Phạm Văn Chình cho rằng: Ma túy đá ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, gây cho con người ảo giác hoang tưởng. Từ ảo giác đó, người “phê” luôn nghĩ rằng, có người đuổi đánh, chém giết mình. Vì vậy, những đối tượng này thường xuất hiện tư tưởng theo kiểu tự vệ, “chủ động” tấn công lại những người xung quanh mình. Vì vậy mà gần đây, rất nhiều đối tượng ngáo đá đã phạm tội, thậm chí phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như ở Ninh Thuận, Hải Phòng, Quảng Ninh...

Trẻ hóa con nghiện

Hiện nay, ma túy đá được người ở độ tuổi dưới 30 sử dụng là chính. Trong đó, có các em học sinh cấp 2, cấp 3, sinh viên, trẻ em lang thang cơ nhỡ, gái mại dâm, gái vũ trường... thường hay sử dụng nhất. Ma túy đá còn được giới trẻ gọi là “thuốc điên”, “ma túy điên”.

Bất lực trước “ma đá”

Lực lượng chức năng chuyển thi thể nạn nhân bị đối tượng ngáo đá Đặng Văn Tuấn sát hại

Trong các cuộc hội thảo với các nhà khoa học, nhiều bạn trẻ vẫn nhận thức rằng, ma túy đá không nguy hiểm hoặc ít nguy hiểm, không nghiện. Tuy nhiên, như các nhà khoa học, bác sĩ trong lĩnh vực tâm thần phân tích, sử dụng ma túy đá lâu ngày, luôn tạo ra tâm lý không ổn định, trầm cảm... thì đó chính là nghiện, chứ không phải là không nghiện. Thống kê tại Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện Thanh Đa (TP HCM) cho thấy, kể từ năm 2005 đến 2013, số lượng người đi cai nghiện do sử dụng ma tổng hợp tăng dần mỗi năm. Trong vòng 10 năm, trung tâm tiếp nhận khoảng 1.200 người tới cai nghiện, riêng 6 tháng đầu năm 2014 trung tâm đã tiếp nhận 178 người cai nghiện ma túy đá, chiếm 26,77% số người cai nghiện ma túy nói chung tại trung tâm. Thống kê này còn cho thấy, phần lớn người nghiện ma túy tổng hợp đều có vấn đề về tâm thần.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ngái (Trung tâm Tư vấn và điều trị cai nghiện Đức Thanh Tâm) cũng cho rằng, ma túy đá tác động lên người sử dụng là rất mạnh, gây ra những ảo giác, rối loạn ý thức và hành vi có thể khiến người bệnh không còn nhận ra người xung quanh, có khi coi họ là kẻ thù dẫn tới hành động bạo lực, nguy hiểm hơn là gây hại cho sức khỏe và tính mạng người đó.

“Ma túy đá gây tổn thương rất lớn đến não bộ, sử dụng lâu ngày khiến người nghiện bị hoang tưởng, thường xuyên bị ảo giác, ảo thị, ảo thanh, ám ảnh, rối loạn tâm thần ngay cả khi đã ngưng sử dụng”, bác sĩ Ngái nói.

Cùng trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng công tác quản lý người lang thang sử dụng ma túy thời gian qua vẫn bỏ ngỏ. Theo quy định, người lang thang, không nơi cư trú ổn định mà nghiện ma túy, cơ quan chức năng phải thẩm tra xác minh để xác định nơi cư trú của họ, rồi mới đưa vào cơ sở cai nghiện tập trung. Trong khi chờ xác minh, người lang thang sử dụng ma túy phải giao cho tổ chức xã hội quản lý. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xác định được “tổ chức xã hội” là tổ chức nào.

“Vấn nạn người ngáo đá gây án đã đến mức báo động, theo tôi, chính quyền các cấp nên kiên quyết hơn với đối tượng nghiện ma túy, quản lý chặt chẽ mọi hành vi, sinh hoạt của họ nếu họ sống, cai nghiện tại địa phương. Hoặc áp dụng biện pháp bắt buộc cai nghiện, tập trung họ vào một nơi cho họ lao động, tập thể dục và cai nghiện như giai đoạn trước từng làm”, LS Tiến nói thêm.

Theo nghiên cứu, chất methamphetamine có trong ma túy tổng hợp đi vào một phần của não, nơi làm phát sinh bệnh tâm thần phân liệt. Người nghiện “đá” có thể có các biểu hiện suy kiệt, mắc bệnh kết hợp, lú lẫn, hoang tưởng, cáu gắt, trầm cảm và loạn thần. Họ không cần ngủ, không cần ăn, không có một niềm vui gì ngoài ma túy đá. Gương mặt hầu như không còn biết thể hiện cảm xúc, không nói hoặc nói nhiều không dừng lại được.

Ma túy đá cũng khó từ bỏ như các loại chất gây nghiện khác như heroin, cần sa, hay cả rượu… Hiện chưa có thuốc đặc trị cho nghiện ma túy đá nên quá trình điều trị đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thảo Phượng


 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc