Ảnh báo chí Việt Nam: Dàn dựng, hời hợt và thiếu thông tin

16:32 | 27/03/2013

1,807 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Một thực tế đáng buồn là ở Việt Nam có gần 1.000 báo, tạp chí; hơn 14.000 nhà báo, phóng viên; trong đó có hàng trăm phóng viên ảnh chuyên nghiệp, nghiệp dư nhưng chỉ có duy nhất 1 lần được nhận giải báo chí thế giới – đó là bộ ảnh đoạt giải nhất World Press Photo 2012 của Nguyễn Thanh Hải.

Sáng 27/3 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo nhằm phân tích thực trạng và đưa ra giải pháp về tác nghiệp ảnh báo chí tại Việt Nam.

Lỗi do đâu?

Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến đưa ra một thực trạng: Việt Nam có 90 triệu dân, tốc độ phát triển kinh tế thuộc loại cao, một đất nước thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, một đất nước hàng ngày xuất hiện hàng ngàn hành động tốt cần biểu dương ca ngợi và trăm việc xấu cần phê phán, cảnh báo. Nhưng hãy bày cùng lúc những bức ảnh có trên các báo và tạp chí trong một ngày và tìm thấy ở đó bao nhiêu sự kiện thật, sự kiện lớn có sức tác động tới độc giả?

Nhiếp ảnh gia Vũ Huyến còn chỉ ra rằng, ở Việt Nam lúc này, chiếc máy ảnh kỹ thuật số tiện nghi đã khiến người chụp lười suy nghĩ, thiếu đắn đo khi chụp hình. Hơn nữa, công nghệ trên máy tính có thể biến một tấm ảnh chưa đẹp thành bức ảnh hoàn hảo. Và theo ông, phóng viên ảnh phải có mặt tại nơi xảy ra sự kiện, khác biệt với loại hình báo chí khác như báo viết, phát thanh – có thể qua lời kể nhân vật mà cũng có tác phẩm báo chí.

Các nhà báo chia sẻ tại hội thảo

Là người từng giảng dạy lâu năm tại các trường đại học, nhiếp ảnh gia Vũ Huyến cũng chỉ ra là hiện nay mô hình đào tạo phóng viên ảnh đang có vấn đề: “Chưa có nơi nào lại xếp ảnh báo chí và báo ảnh thuộc báo in như ở Việt Nam”. Trên thế giới, muốn đào tạo được một phóng viên ảnh cần thời gian trên 10 năm và rất tốn kém, nhưng ở Việt Nam, chỉ sau 4 năm ngồi trên ghế giảng đường đại học, ra trường trang bị cái máy ảnh là có thể tác nghiệp được. Thực trạng này ở Việt Nam, thế giới rất “kinh ngạc”.

Nhà báo Việt Văn (báo Lao Động) thì ngắn gọn: “Ảnh báo chí Việt Nam có tính dàn dựng, hời hợt và thiếu thông tin”. Nhà báo đưa ra một câu chuyện ở tờ Newsweek là độc giả đã từng kiện tờ báo này vì đăng ảnh một nghi can với góc chụp từ trên cao và cố tình tăng tương phản sáng tối cho mặt nghi can có vẻ dữ tợn hơn. “Việc sắp xếp, dàn dựng trong ảnh báo chí, ngoại trừ ảnh chân dung là tuyệt đối cấm” - nhà báo Việt Văn chia sẻ.

Với nhà báo Nguyễn Huy Khâm, hãng tin Reuters thì thấy, ảnh báo chí ở nước ta đang bị “sân khấu hóa” – tức đối tượng chụp bị tác động của phóng viên ảnh nên nội dung ảnh không được khách quan. Một thực trạng nữa được nhà báo Huy Khâm nhận định là nhiều ảnh dùng trên báo mang tính hình thức, đưa lên cho gọi là có.

Tác quyền ảnh báo chí chưa được quan tâm

Tại hội thảo, các ý kiến khác cũng nhận định ngoài việc ảnh sử dụng trên mặt báo còn nhiều vấn đề cần khắc phục thì vấn đề tác quyền cũng cần được quan tâm.

Nhà báo Quang Hiếu (báo Tuổi trẻ) đưa ra 6 kiểu vi phạm tác quyền ảnh là: lấy tự động, chôm nguyên con, chôm có gia công, xào nấu, chôm của chôm và lấy báo mạng đăng báo giấy. Nếu một tờ báo điện tử lấy lại tin bài của báo khác một cách thường xuyên mà không xin phép thì tờ báo bị lấy có quyền yêu cầu chấm dứt việc đó. Nhưng với ảnh báo chí, nhiều khi các báo chỉ lấy 1 ảnh ở một thời gian nhất định nên để quản lý việc “ăn cắp bản quyền” ảnh báo chí cũng đang gặp nan giải.

Một trong những bức ảnh đạt giải World Press Photo 2012 của Nguyễn Thanh Hải.

Những kiểu vi phạm tác quyền ảnh báo chí rất đa dạng và ngày càng trở nên biến tướng mà nguyên nhân là do tác giả chụp ảnh đó. Một số thực trạng như tác giả gửi ảnh cho nhiều báo, mượn ảnh của nhau, lấy ảnh cũ xào lại, gửi ảnh cho báo khác dù đã ký tên khác; chỉnh sửa ảnh… Những kiểu vi phạm tác quyền này là thường xuyên trong hệ thống báo chí Việt Nam và chưa có cơ chế nào quy định và xử lý.

Đi tìm giải pháp

Nhà báo Việt Văn đưa ra giải pháp cho vấn đề ảnh báo chí Việt Nam yếu chính là phải có thầy giỏi. Người thầy phải là nhà báo hoạt động trong lĩnh vực ảnh báo chí để có thể vừa truyền dạy kỹ năng báo chí, vừa truyền dạy con mắt ảnh, chứ không phải là thợ ảnh.

Về phía tòa soạn báo chí, ngoại trừ một số tờ báo lớn đã chú trọng ảnh báo chí, nhiều tòa soạn khác nên thay đổi quan niệm, phải coi tác phẩm ảnh báo chí thực sự tương đương giá trị như một tác phẩm bài viết. Không coi nhẹ ảnh báo chí như ảnh minh họa, trang trí.

Theo nhà báo Huy Khâm (Reuters), phóng viên ảnh phải luôn khắc ghi một chữ “think” – tức là phải suy nghĩ về góc ảnh, màu sắc, chất lượng và phải luôn đặt trách nhiệm cao trong tác nghiệp ảnh báo chí.

Đ.Chính

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc