Nỗi buồn của... âm nhạc “tử tế”!

07:00 | 02/09/2013

859 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không phải ngẫu nhiên mà khái niệm âm nhạc “tử tế” và nhạc thị trường lại được đạt lên bàn cân, phân định ranh giới rạch ròi như hiện tại. Là bởi, âm nhạc thị trường ngày càng lấn át dòng nhạc “chính thống” một cách áp đảo.

Đã có ý kiến cho rằng: Nền nhạc Việt đang đi đúng quỹ đạo của nó, có nghĩa là nó đáp ứng đúng thị hiếu của người “tiêu dùng” là nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí ngày càng cao của người Việt. Đương nhiên, nhu cầu giải trí cao kéo theo dòng nhạc thị trường phát triển, đó cũng là điều khó tránh.

Nhận định này đúng, bởi không riêng gì nghệ thuật, bất cứ ngành nghề nào sinh ra cũng là để phục vụ nhu cầu. Nhưng trước sự phát triển một cách ồ ạt của nhạc thị trường theo hướng ngày càng dễ dãi, rẻ tiền thì việc tìm chỗ đứng cho những gì thuộc về nghệ thuật lại đang trở nên mông lung. Nhiều nghệ sĩ đã nói nhiều, nói mãi, nói đến phát chán rồi... nhưng không thay đổi được gì thì đành chấp nhận buông xuôi rằng: Cứ để nó như vậy, bởi sẽ đến một lúc nào đó nhạc “tử tế” lại sẽ tìm được vị trí của mình, bởi nhạc “ăn xổi”, chóng lên ngôi thì cũng chóng tàn! Vậy nên, không thay đổi được gì thì đành để nó phát triển... “tự nhiên”.

Nhạc thị trường sẽ rớt dần và đến một lúc nào đó nghệ thuật sẽ lên ngôi?

Có lẽ, cũng cần thông cảm với sự phó mặc này bởi đó là hệ quả tất yếu khi có quá nhiều thứ khiến các nhà làm nhạc chân chính phải đau đầu. Trước thực trạng âm nhạc với nhu cầu giải trí ngày càng cao, kéo theo đó là sự phát triển mạnh mẽ của Internet và công nghệ số. Cộng thêm công tác quản lý âm nhạc còn quá nhiều yếu kém khi tình trạng in lậu, làm ẩu, in sai và “đánh cắp” nhạc tràn lan đã và đang xảy ra vô cùng nhức nhối thì đúng là nhạc Việt đang đứng trước tình thế hỗn mang.

Việc làm sao để “âm nhạc tử tế” sống được và làm thế nào để sống được với âm nhạc tử tế là điều mà bất cứ người nghệ sĩ nào đau đáu với nghề cũng đều phải trăn trở!

Câu chuyện ở Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả nhạc Việt Nam (VCPMC) là ví dụ sinh động cho sự lấn át của dòng nhạc thị trường. Bởi, với bảng danh sách kê khai nhuận bút được chi trả theo quý đến các nhạc sĩ đã có sự chênh lệch rõ ràng giữa nhuận bút của những nhạc sĩ “gạo cội” với những nhạc sĩ sáng tác theo dòng nhạc thị trường.

Theo nguyên lý “đòi tiền” tác quyền của Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thì nhuận bút tác giả được chi trả dựa trên số lần ca khúc của họ được sử dụng trong các chương trình âm nhạc ở sân khấu biểu diễn, khách sạn, nhà hàng, nhạc chuông, nhạc chờ, sản xuất băng đĩa... Căn cứ vào những nguồn thu đó, tác phẩm của ai được sử dụng nhiều thì đương nhiên sẽ được nhiều... nhuận bút.

Điều đáng buồn là khi các nghệ sĩ đã thành “gạo cuội”, nhuận bút thay vì chỉ từ tiền triệu đến chục triệu/năm thì những tên tuổi mà người ta vẫn gọi là theo dòng nhạc thị trường có thể lên đến cả trăm triệu đồng/năm. Sự chênh lệch này, bất cứ nhạc sĩ nào cầm đồng nhuận bút cũng phải ngậm ngùi, bởi nó đã phản ánh đúng nhu cầu thụ hưởng âm nhạc của công chúng hiện tại. Và việc các tên tuổi thuộc dạng “cây đa, cây đề” cũng chịu sự tác động của thị trường là việc đương nhiên.

Chính vì sự khó sống được với âm nhạc chính thống, âm nhạc tử tế nên buộc các nghệ sĩ phải bươn chải. Đã có tình trạng sáng tác theo đơn đặt hàng hay người làm nhạc tử tế phải sống dựa vào các gameshow, các chương trình làm nhạc quảng cáo... Mà ngay chính bản thân họ cũng phải thừa nhận, vì sản xuất nhanh, sản xuất nhiều nên họ không có đủ thời gian và công sức để chăm chút cho đứa con tinh thần của mình. Điều này, vô tình đem đến những sản phẩm cũng đậm chất thương mại, sản sinh ra những sản phẩm nhanh nổi, nhưng cũng chóng chìm.

Sinh viên thanh nhạc được đào tạo chuyên nghiệp ra trường rất ít người đi được đến cuối con đường

Đối với ca sĩ cũng không sáng sủa hơn. Việc có quá nhiều khó khăn thì lựa chọn cho mình con đường âm nhạc vị nghệ thuật cũng vấp phải những băn khoăn. Là một người đã nhiều năm gắn bó với công việc giảng dạy thế hệ trẻ, NSND Trung Kiên đã từng phải sốt ruột cho học trò của mình, bởi: Ca sĩ theo dòng nhạc chính thống, phải học tập và rèn luyện đến cả chục năm trời. Nhưng ngay sau khi bước ra khỏi cổng trường, đã rất ít người bám trụ và sống được với nghề, mà ở đây không phải họ không có năng lực. Thay vào đó, rất nhiều những ca sĩ trẻ đang dễ dàng được nổi chỉ bằng những gameshow truyền hình. Dẫn chứng về điều này, ông cũng công nhận rằng, nó thuộc về tài năng, nhưng con đường đến với âm nhạc nhất khoát phải là con đường dài, nên vấn đề học thuật là điều phải trau dồi ở một người nghệ sĩ.

Gian lan của “người trẻ” trên con đường này là thế, nhưng khi bước vào rồi còn lắm nan giải hơn. Các ca sĩ ngày càng dè dặt hơn trong việc cho ra đời những sản phẩm nặng về nghệ thuật. Bởi ngoài việc “ăn cắp” bản quyền có thể xảy ra bất cứ lúc nào, cộng với sự hoành hành của những album đậm chất giải trí, thậm chí là nhạc “bẩn” thì thật khó để cho ra đời đứa con tinh thần trong một môi trường nhuộm nhoạm đến thế.

Vậy nên, tìm chỗ đứng cho âm nhạc tử tế phát triển đã là niềm mong mỏi bấy lâu của biết bao con người. Nhưng quả thực, để cải thiện được tình trạng này thì ngoài sự nỗ lực của người làm nghề vẫn cần phải có sự chung tay của đối tượng thưởng thức mà ở đây là khán giả.

Đúng như ca sĩ Hoàng Bách đã từng mong muốn: “Mọi thứ được đặt đúng vị trí của nó, âm nhạc tử tế sẽ được đánh giá đúng hơn, cao hơn. Những người làm âm nhạc tử tế sẽ kiếm được nhiều tiền”. Có lẽ là câu trả lời chính xác nhất cho việc, âm nhạc tử tế có thắng được dòng nhạc thị trường hay không? Nhưng để tìm câu trả lời thì vẫn còn nhiều lắm những bộn bề.

Và như nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 dù có tin tưởng: Nhạc thị trường sẽ rớt dần và tới một giai đoạn nào đó, nghệ thuật sẽ lên ngôi. Nhạc thị trường tự động phát sinh rồi sẽ tự động chết bởi những gì không hay sẽ không tồn tại. Thế nhưng, điều đáng buồn là chính ông cũng tin tưởng trong sự mơ hồ, bởi không biết rằng, đời mình sẽ được chứng kiến điều thần kỳ này hay phải đợi đến đời con, đời cháu?!

Huy An