Hiện tượng Hồi quang phản chiếu

09:26 | 05/07/2012

20,872 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những người bị đẩy tới chân tường thường làm được những điều kỳ diệu.

Ngọn nến khi chỉ còn một cục sáp nhỏ vô định hình mới là lúc nó cháy sáng rực rỡ nhất. Nó bốc cháy bằng toàn bộ phần thân thể còn sót lại của mình, tạo thành một ngọn lửa vút cao và có độ nóng khủng khiếp trước khi tắt phụt và hoàn toàn chìm vào bóng đêm tịch mịch. Con người cũng vậy, trước giây phút đối mặt với sinh – tử, con người thường trở nên khỏe mạnh và minh mẫn lạ thường. Người xưa đã quan sát thấy hiện tượng đó và gọi nó bằng cái tên – Hồi quang phản chiếu.

"Hồi quang phản chiếu” trong đạo Phật

Với những Phật tử, cụm từ “Hồi quang phản chiếu” không quá lạ lẫm, bởi cụm từ này bắt nguồn từ kinh Phật, chữ “hồi” là quay lại, “quang” là ánh sáng, “phản” là trở lại, “chiếu” là soi sáng. Như vậy, “Hồi quang phản chiếu” là quay ánh sáng trở lại, soi rọi chính mình.

Trong kinh Lăng Nghiêm, khi Đức Phật đưa tay lên hỏi ngài A-nan thấy không, ngài A-nan trả lời thấy. Rồi Phật để tay xuống hỏi ngài A-nan thấy không, ngài A-nan trả lời không thấy. Ngay đó Phật liền quở là quên mình theo vật. Tất cả chúng ta từ người trí thức cho tới kẻ bình dân, suốt ngày ai cũng phóng sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đuổi theo sáu trần bên ngoài, luôn luôn phân tích, chia chẻ, tìm hiểu. Cứ thấy hình sắc thì phân tích đẹp – xấu, nghe âm thanh cũng phân tích tiếng hay – dở v.v… Đối diện với tất cả cảnh giới bên ngoài, đều đem hết khả năng soi sáng của mình phân tích, chia chẻ sự vật. Càng phân tích, chia chẻ nhiều chừng nào thì càng quên mình nhiều chừng ấy.

Do đó mắt vừa thấy hình tướng thì nói thấy, khi hình tướng mất đi thì nói không thấy. Đó là chúng ta phóng ánh sáng của mình đuổi theo vật, hay nói cách khác là “Phóng quang chiếu ngoại”, đem cái tri giác hiểu biết của mình phóng ra ngoài để phân tích, chia chẻ sự vật. Vì vậy khi có sự vật thì tưởng như có mình, khi mất sự vật tưởng như mất mình. Đó là một mê lầm rất đáng thương.

Như vậy “Hồi quang phản chiếu” nghĩa là soi ánh sáng trở lại mình. Thay vì trước kia ta phóng ánh sáng ấy theo sáu trần, bây giờ dừng lại, nhớ sáu ánh sáng đó hiện hữu nơi sáu căn của mình, không theo sáu trần nữa, đó là hồi quang. Hồi quang tức là nhớ lại mình chớ không có gì lạ. Các thiền sư luôn nhắc chúng ta phải “Hồi quang phản chiếu”, quay lại mình nhớ mình, chớ đừng nhớ cảnh.

Hiện tượng “Hồi quang phản chiếu” với con người

Hiện tượng “Hồi quang phản chiếu” đối với con người vẫn luôn là một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp. Theo Lương y Nguyễn Viết Kết (Trung tâm Nghiên cứu và Chăm sóc sức khỏe), hiện tượng này có thể được lý giải như sau:

Một số người bệnh trạng thái nặng, bệnh lâu ngày, cơ thể quá suy yếu đột nhiên tinh thần tỉnh táo, thân thể tự nhiên khỏe mạnh, hoặc nói cười sảng khoái, muốn ăn uống, gò má đỏ là dấu hiệu chính khí muốn thoát, bệnh tình nguy hiểm, đây là hiện tượng bừng tỉnh trước khi chết. Y học cổ truyền gọi là hiện tượng “Hồi quang phản chiếu” hoặc “Giả thần”. Cũng như ngọn đèn trước khi tắt, ánh lửa tự nhiên rực sáng, hiện tượng người bệnh tự nhiên đột tỉnh cũng như thế. Thông thường người bệnh rơi vào trường hợp này thì khoảng hai tiếng đồng hồ sau sẽ chết.

Hoặc, hiện tượng này được lý giải như sau: Sự chết là bước bào một đời sống mới, các sinh lực từ trước vẫn hướng ra ngoài thì nay quay vào trong, linh hồn từ từ rút khỏi thể xác bằng một bí huyệt trên đỉnh đầu. Do đó, hai chân từ từ lạnh dần, rồi đến tay và sau cùng là trái tim.

Lúc này, người chết thấy rất an tĩnh, nhẹ nhàng không còn bị ảnh hưởng của vật chất. Khi linh hồn rút lên óc, nhiều người lúc sắp chết, hoặc tưởng rằng sắp chết, bỗng thấy cả cuộc đời họ hiện ra trước mắt, đầy chi tiết và tuần tự như một cuốn phim; nhưng cuốn phim của cả cuộc đời có thể chỉ kéo dài khoảng 2 phút. Hiện tượng này chính là “Hồi quang phản chiếu” (Memory projection).

Đây là một giây phút hết sức quan trọng vì nó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cõi bên kia. Sợi dây từ điện liên hệ giữa thể xác và thể phách sẽ đứt hẳn. Đây là lúc người chết hoàn toàn hôn mê, vô ý thức để linh hồn rút khỏi thể phách và thể vía, bắt đầu lo bảo vệ sự sống của nó bằng cách sắp xếp lại từng lớp nguyên tử, lớp nặng bọc ngoài và lớp thanh nhẹ ở trong. Sự thu xếp này ấn định cõi giới nào vong linh sẽ đến.

Vương Tâm