Điện ảnh đu dây!?

11:16 | 02/07/2013

706 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những vấn đề mang tính cấp bách của nền điện ảnh nước nhà liên quan đến kỹ thuật, con người, cơ chế quản lý kiểm duyệt… cần phải được quan tâm nhiều hơn là việc mơ về “hàng đầu Đông Nam Á”.

Mục tiêu của hội thảo “Đề án chiến lược phát triển Điện ảnh VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” vừa diễn ra tại Hà Nội và TP HCM đặt ra như sau: Đến năm 2020 phấn đấu đưa điện ảnh Việt Nam lên hàng đầu Đông Nam Á, đến năm 2030 được thừa nhận ở châu Á”. Mục tiêu này khiến dư luận và cả những người làm phim ảnh cũng phải thốt lên rằng: đó là những mục tiêu không tưởng, thậm chí là quá viển vông!

Nghe có vẻ chua xót, nhưng xin khẳng định đó không phải là ý nghĩ của những con người bi quan về điện ảnh nước nhà! Bởi thực tế nền điện ảnh nước ta đang còn tồn tại quá nhiều yếu kém chưa tìm ra hướng giải quyết thì lấy cơ sở gì để nghĩ đến những thành tựu xa hơn!?

Phim 'thảm họa" ngày càng tăng về số lượng và mức độ

Vấn đề của điện ảnh Việt hiện tại là gì? Đầu tiên phải nói đến đó là yếu tố con người, yếu tố quan trọng nhất mang tính quyết định của một nền điện ảnh. Một vị đạo diễn nổi tiếng có thâm niên trong làng điện ảnh Việt chia sẻ trên báo chí rằng: “Nhân lực trống trải kinh hoàng. Tôi không nhìn thấy thế hệ mới, làn sóng điện ảnh mới. Chỉ lốm đốm, lốm đốm. Một cánh én không làm nên mùa xuân”.

Có lẽ hơi mâu thuẫn bởi người ta hay thấy dàn đạo diễn, diễn viên của ta không hề thiếu về số lượng. Tuy nhiên thực tế thì vẫn thiếu, thiếu ở đây đúng hơn là “thiếu khi thừa”, nghĩa là số lượng thì nhiều nhưng người có chuyên môn và trình độ đảm bảo thì rất ít. Diễn viên trẻ của ta rất đông nhưng những diễn viên được đào tạo bài bản, có kỹ thuật tốt, gắn bó với nghề có thể đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó những diễn viên tay ngang, không có nhiều khả năng diễn xuất nhưng có chút sắc vóc thì lại liên tiếp được mời vào các vai quan trọng! Chính điều này đã trở thành một “quả tạ”, kéo chất lượng phim ảnh đi xuống, làm con tàu điện ảnh Việt tiến lên phía trước càng ì ạch hơn bao giờ!  

Về đạo diễn, nếu như đối với các đạo diễn Việt kiều thì các phim liên tiếp bị mang tiếng là đạo, là nhảm và bị cấm chiếu vì bạo lực, vì sex thì bản thân các đạo diễn trong nước cũng không khá hơn là mấy. Những năm gần đây năm nào điện ảnh cũng có những phim bị xếp vào hàng “thảm họa”, với số lượng mỗi năm một nhiều. Những “Cảm hứng hoàn hảo” của đạo diễn Nguyễn Lê Dũng, hay đạo diễn Võ Tấn Bình với phim thảm họa “Nàng men chàng bóng”. Rồi trong năm 2012, đạo diễn Lê Hoàng, đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng đốt hàng tỷ đồng từ tiền ngân sách để làm ra 2 phim “thảm họa” là “Cát nóng” và “Đam mê”…

Còn về công nghệ thì điện ảnh Việt Nam cũng đang rất lạc hậu. Vừa qua có bài báo ta thán rằng: “Đến thời nào rồi mà còn lồng tiếng cho phim?!” Bởi trên thế giới các nhà làm phim đã làm phim theo công nghệ thu tiếng trực tiếp từ rất lâu nhưng hiện tại, làm phim bằng công nghệ lồng tiếng vẫn là chính ở Việt Nam.

Đặc biệt, trong Hội thảo phát triển điện ảnh vừa qua, các nhà làm phim cũng nói nhiều về chuyện phim nhựa hay kỹ thuật số. Với sự phát triển của công nghệ số, định dạng kỹ thuật số đang là xu hướng toàn cầu trong sản xuất phim; thể loại phim với định dạng 35 ly đã thu hẹp và chỉ còn dành cho những bộ phim kinh điển. Nhưng tại Việt Nam, phim nhựa 35 ly vẫn là phổ biến… Đó cũng chính là trở ngại đặc biệt của các phim Việt khi “đem chuông đi đánh xứ người” vì chất lượng hình ảnh, âm thanh quay bằng phim 35 ly thua xa phim quay bằng công nghệ kỹ thuật số.

Khâu kiểm duyệt phim cũng cần phải xem xét, phải có những tiêu chí rõ ràng

Kế đến đó là khâu kiểm duyệt phim, một khâu đặc biệt quan trọng nhưng chưa có những quy định hay tiêu chí gì rõ ràng. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng những phim thuộc hàng nhảm, chạy theo doanh thu thì vẫn ùn ùn kéo nhau ra rạp, trong khi đó nhiều phim mang sáng tạo, nghệ thuật thì bị cấm đoán.

Thật khó có thể hình dung ra điều gì đang tồn tại trong khâu kiểm duyệt phim ảnh hiện tại sau những gì đã diễn ra. “Thằng bụi đời” của Chalie Nguyễn gặp rắc rối to vì nó quá bạo lực, vì nó ăn nói thô tục, vì… rất bụi đời. Hay với “Cánh đồng bất tận”, có lần chị Nguyễn Ngọc Tư phải bị kiểm điểm vì có ai đó không chấp nhận nổi cái cảnh “đĩ vè vè bên lều thợ gặt”…

Thực tế, điện ảnh Việt đang tồn tại nhiều hạn chế cần phải sớm tìm ra giải pháp khắc phục. Vì thế, thay vì mơ ước xa xôi, đề án phát triển điện ảnh Việt giai đoạn đến 2010 – 2030 nên chăng phải bắt đầu từ những thực tế, mang tính khả thi. Bởi một khi điện ảnh Việt chưa chiếm lĩnh được thị trường Việt, khi điện ảnh Việt còn trong tình trạng thua phim ngoại ngay trên sân nhà thì cái đích trở thành nền điện ảnh hàng đầu Đông Nam Á hay châu Á trong vòng 5, 10 năm nữa xem ra khác nào chuyện điện ảnh Việt đang… đu dây!

 Hoàng Lãm