Báu vật nhà Mạc ở Cổ Trai

08:37 | 04/04/2012

1,540 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lâu nay ít ai biết đến vị Hoàng đế Mạc Đăng Dung, người sáng nghiệp Mạc triều còn được gọi là Mạc Thái Tổ. Sau bao biến cố thăng trầm, triều Mạc được ghi nhận vào năm 2004, Bộ Văn hóa Thông tin đã công nhận và trao bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cho từ đường họ Mạc ở Cổ Trai (Kiến Thụy, Hải Phòng).

418 năm đằng đẵng, “báu vật” của vị hoàng đế này còn sót lại là đao, bia đá và nhiều chứng tích được tìm thấy. Xung quanh những câu chuyện lịch sử, có nhiều điều bí ẩn đến nay chưa tìm ra được lời giải thích.

Năm Đinh Hợi (1527), Vua Lê Cung Hoàng hạ chiếu nhường ngôi cho Mạc Đăng Dung. Chiếu nhường ngôi có đoạn viết: “…Thái sư An Hưng Vương Mạc Đăng Dung là người trí đức, tư chất thông minh, đủ tài văn võ. Bên ngoài đánh dẹp bốn phương đều phục, bên trong trị nước thiên hạ yên vui, công đức rất lớn lao, trời, người đều quy phục. Nay theo lẽ trời, lòng người mong đợi, nên phải nhường ngôi”.

Mạc Đăng Dung (1483-1541) lên ngôi, lập nên triều Mạc, lấy niên hiệu là Minh Đức. Trị vì đất nước đến cuối năm 1529, thì ông nhường ngôi cho con cả là Mạc Đăng Doanh, lên làm Thái Thượng Hoàng. Ông về nơi sinh thành, xây dựng Dương Kinh (kinh đô thứ hai của triều Mạc đầu tiên của Việt Nam) để mở trường dạy học lấy tên là Trường Quốc gia học, an hưởng tuổi già.

Thanh đao của Mạc Đăng Dung hiện được thờ tại khu tưởng niệm Vương Triều Mạc

Khi làm võ tướng, Mạc Đăng Dung sử dụng thanh đại long đao xông pha trận mạc. Với Định Nam Đao, ông từng bách chiến bách thắng trong các cuộc dẹp loạn: Cù Khắc Xương, Trần Công Vụ, Lê Quảng Độ, dẹp loạn Thần Thăng ở Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nguyễn Hoằng Dụ ở Thanh Hóa… Sau khi ông băng hà, đại long đao được thờ ở Thái miếu (Thăng Long), sau rước về thờ ở lăng miếu Cổ Trai.

Hiện nay được biết ở châu Á chỉ còn hai binh khí được lưu thờ và xem là vật Thái Bảo: Một là thanh đao của Tống Thái Tổ (Bắc Tống – Trung Quốc) và thứ hai là thanh long đao của Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) đang được lưu thờ tại khu tưởng niệm Vương triều Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng). Xét về công trạng, lịch sử và nhiều người cho rằng triều Mạc là phản nghịch. Qua thời gian, đến nay công trạng của vị Hoàng đế này được ghi nhận và trả lại uy danh một thời lừng lẫy.

Theo hợp biên thế phả Mạc tộc, tháng 11 năm Nhâm Thìn (1592), tướng nhà Lê là Trịnh Tùng đem quân đánh chiếm Thăng Long. Mạc Đăng Thận (cháu 4 đời của Mạc Đăng Dung), người trông coi tổ đường, lăng mộ ở Cổ Trai đã biết đại cục không thể cứu vãn được. Vì vậy ông đã ngụy trang lăng mộ rồi nhanh chóng giả làm người buôn rời cứ Đồ Sơn, giong thuyền xuôi về hướng nam cùng với vợ đem theo thanh “Định Nam Đao” của Mạc Thái Tổ.

Ông Mạc Như Thiết kể lại chuyện trục vớt những tấm bia đá

Đại long đao của Mạc Thái Tổ dài 2,55m, cân nặng 25,6kg (đã gõ hết han gỉ), lưỡi đao dài 0,95m, cán đao dài 1,60m, bằng sắt rỗng. Một hình đầu rồng bằng đồng thau che kín phần cuối lưỡi đao tiếp vào cán đao thay thế cho khâu đao. Chỗ hình đầu rồng có “cá” chốt chặt lưỡi đao vào cán đao.

Lênh đênh trên biển, vượt bao gian khó cực nhọc, lo giữ thần khí bảo đao, quyết không để điều gì sơ sảy. Bỗng một đêm, chính phi mơ thấy một lão thần, ngự trên áng mây lành chỉ về phía vùng chân sóng, dạy rằng: “Thiên thủy khả dĩ dung thân” tức là vùng chân nước này có thể trú nghiệp. Tỉnh giấc bà thưa lại với thân vương. Ông đã cho thân tín dò xét, rồi đích thân thẩm địa, thấy có thể dừng chân, bèn lệnh cho đoàn thuyền dừng lại ở cửa Lạn Môn thuộc phủ Thiên Trường, xứ Sơn Nam Hạ. Ngài chọn khu Cồn Kiên, Cồn Lau, sau gọi là Kiên Lao khẩn hoang trú nghiệp.

Để mai danh ẩn tích, ông đổi họ Mạc thành họ Phạm, giữ lại bộ thảo đầu của chữ Mạc (xưa viết chữ Hán) và lấy tên là Đình Trú để con cháu đời sau ghi nhớ tín hiệu, khi có cơ hội nhận ra nhau.

Trải qua 4 đời ở Kiên Lao, dòng họ Phạm gốc Mạc có sự phân chi. Cụ Phạm Công An – trưởng nam ở lại Kiên Lao trông coi mộ phần Tiên tổ. Thứ nam, cụ Phạm Công Úc được giao mang thanh Bảo đao về định cư ở Ngọc Tỉnh. Người thứ ba là cụ Phạm Đình Tú được mang theo phả đồng đi lập ấp vùng đất Hoành Tây, phủ Thiên Trường. Đại long đao của Mạc Thái Tổ về đất Thiên Trường được lưu thờ ở từ đường chi họ Phạm gốc Mạc tại thôn Ngọc Tỉnh.

Từ đấy, linh ứng của Bảo đao “Định Nam” loan truyền khắp bốn phương, hư hư thực thực. Đã không ít lần kẻ gian dòm ngó, muốn đánh cắp nhưng đều bất thành. Dưới triều Minh Mạng, Đại long đao bị thất lạc. Mãi đến năm 1938, họ Phạm (Mạc) ở Ngọc Tỉnh trùng tu từ đường, đào hồ bán nguyệt để tích phúc cho thế đất và chi họ đã tìm lại được Đại bảo đao “Định Nam” sau hơn 100 năm ẩn mình trong đất. Đại long đao đã bị gỉ sét ăn mòn nhiều chỗ cả phần lưỡi thép và cán đao.

Nhân dân xã Ngọc Tỉnh kể lại rằng: Nhiều lần người ta thường thấy hiện tượng lạ kỳ, nơi vị trí gò đất chôn thanh đao bỗng nhiên phát hỏa. Lửa tự nhiên bốc cháy rồi phút chốc lại vụt tắt, thoắt ẩn thoắt hiện. Có lần lửa bén cả vào rơm rạ, giấy trên mái nhà gần đó..!? Nhưng lạ thay, từ khi con cháu họ Phạm (Mạc) tìm thấy Bảo đao chính nơi phát hỏa rồi rước về thờ ở từ đường thì tuyệt nhiên từ đó đến nay hiện tượng này không còn nhìn thấy nữa. Chuyện lạ ấy nay nhiều người còn kể lại cho nhau nghe và cái tên gọi “Gò Con Hỏa” xuất phát từ đó.

Năm 2004, đúng vào thời điểm từ đường họ Mạc ở Cổ Trai (Kiến Thụy, Hải Phòng) được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận và trao bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Biết vậy, ông Mạc Như Thiết (trưởng chi họ Mạc ở Cổ Trai – trông coi từ đường họ Mạc) bắt đầu có ý định cất công đi thu thập và tìm tòi tất cả những di sản liên quan đến triều Mạc.

Lư hương bốc cháy dưới mưa

Cũng trong thời gian ấy dân làng tại xã Ngũ Đoan phát hiện thạch bia lồ dưới lòng mương Trại Lăng trong khi nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng. Tin phát hiện được bia đá quý liên quan đến triều Mạc ở đất Cổ Trai nhanh chóng được sự quan tâm của chính quyền nơi đây. Được sự đồng ý của UBND thành phố Hải Phòng, huyện Kiến Thụy đã quyết định tổ chức khai quật tấm bia đá này.

Trước khi tiến hành trục vớt thạch bia, đoàn công tác đã kết hợp với chính quyền xã Ngũ Đoan và đại diện dòng họ Mạc ở Cổ Trai tổ chức dâng lễ kính báo tại từ đường họ Mạc. Ông Mạc Như Thiết (Trưởng chi họ Mạc ở Cổ Trai – trông coi từ đường họ Mạc) kể lại: “Nhiều lần mắc cáp, dùng ôtô có cần cẩu để kéo thạch bia lên nhưng đều không thành. Bia đá chẳng hề nhúc nhích. Dây cáp lớn và chắc chắn như thế nhưng lần nào cũng bị đứt tung”. Đúng lúc đó, nhiều người nói rằng: Tấm bia đá này là thần khí của triều Mạc, do thổ thần coi giữ, muốn vớt lên thì phải làm lễ xin phép với thần linh.

Như có linh ứng, ông Phạm Văn Đới khi đó nguyên là Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy có mặt để điều hành cuộc khai quật này bèn cử người đi sắm lễ rồi tự mình cẩn trọng tạ lễ thắp hương. Kính lễ, kỳ lạ thay, vẫn xe ôtô ấy, vẫn dây cáp đứt nối lại ấy đã kéo được tấm bia đá lên phăng phăng, nhẹ bẫng. Rồi việc di chuyển bia đá về từ đường họ Mạc cũng mọi bề thuận lợi. Khi khảo cứu bia đá, rất nhiều nhà khoa học ở Viện Hán Nôm đã về in dập mộc bản. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa thấy bản dịch nào chuyển về. Tuy nhiên, qua một số chữ sót lại còn rõ nét, nhiều nhà nghiên cứu và các nhà khoa học đã khẳng định với ông Mạc Như Thiết rằng, tấm bia này ghi chuyện quân lương. Như vậy, nội dung bia phù hợp với nơi cất giấu tấm bia, khu vực đã từng là kho dự trữ quân lương của triều Mạc. Khai quật thêm người ta còn tìm thấy 1 con rùa đội bia nhưng bia đã bị vỡ vụn. Một chiếc bồn đá được cho là dùng để đựng nước tắm của vua chúa và các cung nữ ngày xưa. Tấm bia lớn cao hơn 2m, rộng hơn 1,5m, nặng chừng 2 tấn. Theo nhiều giả định, những tấm bia đá trên là loại đá thạch anh, xanh và óng ánh trông rất đẹp.

Ngọc Nguyễn – Hữu Hậu

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.