THẾ GIỚI 24H: Truyền thông Mỹ “tức tối” về thái độ của Trung Quốc

06:00 | 29/05/2015

1,667 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Báo chí Mỹ yêu cầu chính quyền Washington đáp trả sự khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông. Vụ bê bối ở FIFA tiếp tục nổ lớn với những bằng chứng khui ra từ nội gián của FBI. Đó là những tin tức quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Vào lúc Trung Quốc không ngần ngại dùng cả lời nói lẫn hành động cụ thể chống lại việc Mỹ can dự vào tình hình Biển Đông, The Washington Post, một tờ báo có uy tín hàng đầu tại Mỹ, đã công khai biểu lộ thái độ bất bình, và lên tiếng kêu gọi chính quyền Mỹ phải có phản ứng đáp trả cụ thể trước các hành vi của Bắc Kinh bị tờ báo gọi là “khiêu khích nguy hiểm”.

Nguyên do trực tiếp khiến tờ báo này phẫn nộ là sự kiện xảy ra vào tuần trước, khi một chiếc máy bay do thám của Mỹ, trong lúc bay trên Biển Đông gần các bãi ngầm ở vùng Trường Sa mà Trung Quốc đang bồi đắp phi pháp, đã bị Hải quân Trung Quốc cảnh cáo đến 8 lần. Không những thế, ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng đả kích phía Mỹ, tố cáo một hành vi “vô trách nhiệm và rất nguy hiểm”.

Theo tờ báo, các hoạt động của Mỹ hoàn toàn hợp pháp và hợp tình, hợp lý. Chiếc máy bay do thám Mỹ nằm trong các nỗ lực của Washington nhằm đánh động dư luận về những hành động khiêu khích nguy hiểm của Trung Quốc, khi cho ồ ạt xây dựng một cách phi pháp hạ tầng cơ sở ở Biển Đông, nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền của họ.

Theo tác giả bài báo, Trung Quốc đã lấn lướt các láng giềng bằng cách xây dựng nhanh chóng nào là đường băng, bến cảng, nào là các hạ tầng cơ sở khác tại một trong những vùng biển nhạy cảm nhất châu Á – với những đòi hỏi chủ quyền chồng chéo lên nhau. Điểm nguy hại được nhấn mạnh là nguy cơ Trung Quốc tìm cách giới hạn lưu thông trên không và trên biển qua khu vực gần các cơ sở mà họ đang hoàn tất ở Biển Đông.

Đối với The Washington Post, có thể là không thể nào ngăn chặn được các công việc mà Trung Quốc đang tiến hành ở Biển Đông, nhưng điều quan trọng là cần phải dứt khoát tố cáo và bác bỏ mưu toan của Trung Quốc muốn hạn chế tự do lưu thông, tại một vùng biển mà họ đòi chủ quyền đến 80% diện tích, dựa theo một tấm bản đồ 9 đường gián đoạn mơ hồ có từ thập niên 1940.

Ở một khu vực là đường qua lại của tàu bè quốc tế, Trung Quốc lại muốn loại tàu thuyền và máy bay quốc tế ra khỏi một vùng rộng 200 hải lý chung quanh các vùng tranh chấp, rộng hơn gấp bội so với 12 hải lý mà Mỹ công nhận.

Đối với The Washington Post, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông thiếu cơ sở chính đáng, nhưng Bắc Kinh lại từ chối sự trung gian hòa giải của quốc tế, hay tích cực đàm phán một Bộ Quy tắc Ứng xử với các láng giềng. Trung Quốc cũng bác bỏ những phản đối của Mỹ liên quan đến hành động bồi đắp đảo nhân tạo.

Thậm chí, như Hoàn cầu Thời báo đã huênh hoang, Trung Quốc đang trong thế chủ động, và một khi các công trình tại Biển Đông hoàn tất, thì sự can thiệp của Mỹ sẽ trở nên vô nghĩa!

Trong tình đó đó, tờ báo Mỹ cho rằng Mỹ phải xúc tiến kế hoạch cho máy bay bay qua khu vực mà Trung Quốc cho là của họ trên Biển Đông, hay cho chiến hạm tiến gần các vùng này. Đó là các biện pháp nhằm cho thấy rõ là Mỹ bác bỏ các đòi hỏi của Trung Quốc.

Đối với The Washington Post, thái độ cứng rắn của Mỹ sẽ động viên các quốc gia châu Á còn ngần ngại trong việc đoàn kết chống lại các yêu sách chủ quyền và hành vi áp đặt thô bạo của Trung Quốc. Một trong những lợi thế mà Washington có thể khai thác là cho dù rất muốn thiết lập quyền bá chủ trong khu vực, nhưng Trung Quốc vẫn tránh gây xung đột lớn với các nước láng giềng và với Mỹ. Trong quá khứ, Bắc Kinh đã từng phải rút lui chiến thuật khi hành vi hung hăng trên biển của họ đã gặp phải sự kháng cự.

Như đáp lại lời kêu gọi của truyền thông Mỹ, ngày 28/5, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter yêu cầu Trung Quốc ngưng ngay những hoạt động xây đảo nhân tạo và quân sự hoá những bãi cạn ở Biển Đông. Ông nói thêm rằng những hành động của Bắc Kinh trong vùng biển có tranh chấp này “không phù hợp” với các chuẩn mực quốc tế.

Mỹ gài nội gián vào FIFA

Việc bóng đá không phải là môn thể thao hàng đầu của Mỹ nhưng tư pháp nước này đã hốt “một mẻ lớn” các quan chức của FIFA đang gây ra những ngờ vực.

Theo giới quan sát, sự kiện Mỹ không được FIFA bầu chọn tổ chức World Cup 2022 mà lại trao cho Qatar là động lực khiến tư pháp Mỹ phải vào cuộc. Thất vọng cộng thêm mối nghi ngờ có bê bối trong tiến trình bầu chọn đã làm cho Mỹ phải nhanh chóng điều tra.

Hai World Cup tới đây, tại Nga năm 2018 và Qatar năm 2022 được quyết định cùng một lúc. Vấn đề là hai quyết định này đang bị điều tra tại Thụy sĩ và FIFA bị nghi ngờ có hành động mờ ám “rửa tiền và quản lý bất chính”.

Theo báo chí Mỹ, tư pháp nước này đã để ý FIFA từ nhiều năm rồi. Mọi việc bắt đầu từ cuối năm 2011, khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã thuyết phục được Chuck Blazer làm nội gián, cung cấp thông tin. Ông Chuck Blazer là ủy viên Ban chấp hành FIFA từ năm 1996 đến 2013 và làm việc ngay tại trụ sở của Liên đoàn bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Caribê (CONCACAF).

Vụ bê bối bị vỡ lở nhờ vào việc Chuck Blazer làm nội gián cho FBI trong 2 năm, nhưng nhân vật này không có gì đáng để ca ngợi. Trong vòng 21 năm làm việc tại CONCACAF, Chuck Blazer đã từng nổi tiếng là “Ngài 10%”, tức là nhận hối lộ mỗi khi liên đoàn ký hợp đồng với đối tác bên ngoài. Bị nghi ngờ không khai thuế hơn 15 triệu USD, ông ta chấp nhận làm việc cho cảnh sát Mỹ để tránh phải ngồi tù.

Trong giai đoạn từ 2011 đến 2013, Chuck Blazer đã mang theo một micro được cài trong chùm chìa khóa và đã ghi âm hàng trăm cuộc nói chuyện. Tất cả được đưa vào hồ sơ điều tra tư pháp do biện lý New York, bà Loretta Lynch phụ trách.

Nhờ vậy, 9 ủy viên Ban chấp hành và 5 đối tác của FIFA đã chính thức bị truy tố với tội danh tham nhũng, trong việc lựa chọn nước tổ chức World Cup, các quyền tiếp thị, quảng cáo và truyền hình.

Mặc dù hợp tác với FBI, Chuck Blazer vẫn phải đối mặt với nhiều tội danh khác. Theo thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ, được công bố ngày 27/5, Chuck Blazer bị truy tố với các tội lừa đảo qua thư điện tử, tống tiền, rửa tiền và trốn thuế và có thể bị kết án tới 10 năm tù. Với hy vọng được giảm án, Chuck Blazer đã thừa nhận các tội danh, hoàn trả cho cơ quan thuế vụ 2 triệu USD và chấp nhận trả một khoản tiền phạt.

Còn một vấn đề nghiêm trọng nữa là lý do tại sao Nga và Qatar được quyền tổ chức World Cup 2018 và 2022? Chính những người đi gây áp lực hành lang cho Qatar đã khai ra những bê bối của FIFA.

Cựu thẩm phán Mỹ Michael Garcia được FIFA trao trách nhiệm điều tra. Kết quả hai năm điều tra không được công bố nhưng một số nhân vật lãnh đạo trong FIFA tuyên bố “các nguyên tắc bầu chọn (Nga và Qatar) không bị vi phạm” theo kết luận của bản báo cáo.

Thế nhưng, sau khi thẩm phán Michael Garcia hết nhiệm kỳ, ông lập tức cải chính: “Bản báo cáo của ông bị giới lãnh đạo FIFA diễn dịch sai trái và bóp méo”. Chắc chắn là kết quả điều tra này sẽ được nhắc đến trong những ngày tới và nếu đúng là có tham ô thì liệu chuyện gì sẽ xảy ra cho World Cup 2018 và 2022?

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 28/5 lên tiếng chỉ trích Mỹ khi truy tố các quan chức của FIFA về tội tham nhũng. Ông Putin cho rằng vụ việc cho thấy Mỹ mưu toan áp đặt quyền tài phán của mình sang nước khác. Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Thể thao Liên bang Nga, ông Vitaly Mutko tuyên bố Nga không có nguy cơ mất quyền đăng cai World Cup 2018, những gì đang xảy ra xung quanh FIFA không phải là vấn đề đối với Nga.

Hình ảnh ấn tượng

 

THẾ GIỚI 24H: Truyền thông Mỹ “tức tối” về thái độ của Trung Quốc

Bong bóng với hình chân dung của những nhà lãnh đạo khối G7 trước nhà thờ Frauenkirche ở Đức

G.K

Năng lượng Mới