50 năm sau vụ ám sát hai tổng thống Kennedy và Ngô Đình Diệm:

John F. Kennedy và lá bài Việt Nam (Kỳ cuối)

07:00 | 05/12/2013

2,526 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm không chỉ nhằm thay một chính thể bù nhìn dám thách thức Washington mà còn tạo bước chuẩn bị cho cuộc rút quân Mỹ từng phần, một khi chính quyền Sài Gòn mới hình thành và ổn định.

Năng lượng Mới số 279

Kỳ cuối: Tại sao cái chết của Diệm và Kennedy kéo dài cuộc chiến Việt Nam?

Kế hoạch gì bị phá sản?

Việc lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm không chỉ nhằm thay một chính thể bù nhìn dám thách thức Washington mà còn tạo bước chuẩn bị cho cuộc rút quân Mỹ từng phần, một khi chính quyền Sài Gòn mới hình thành và ổn định. Đó là chiến thuật then chốt của Nội các Kennedy trong kế hoạch hạ bệ anh em Diệm - Nhu. Tại hội nghị Honolulu ngày 14/11/1963, Kennedy nói rằng quân đội Mỹ sẽ rút khoảng “vài trăm người trước cuối năm 1963”. Cũng tại Honolulu, Cabot Lodge đề nghị Washington nên lợi dụng giai đoạn chính quyền Sài Gòn ổn định sau vụ đảo chính Tổng thống Diệm để rút bớt quân Mỹ.

Đứng trước 45 viên chức cấp cao Chính phủ Mỹ, Cabot Lodge khẳng định tình hình chính trị Nam Việt Nam “đầy hy vọng”. Tiếp đó, tại Sài Gòn, ngày 15/11/1963, tướng Charles Timmes - Chỉ huy trưởng Nhóm cố vấn và hỗ trợ quân sự Hoa Kỳ (MAAG) - thông báo đợt đầu tiên gồm 1.000 lính Mỹ sẽ được rút khỏi Nam Việt Nam đầu tháng 12/1963. Kế hoạch được tổng hợp thành Bản ghi nhớ hành động an ninh quốc gia 273 (NSAM 273), với nội dung chính rằng Mỹ sẽ chuyển sang chính sách “hỗ trợ Nam Việt Nam và khu vực Mekong về kinh tế, xã hội, giáo dục và thông tin”, chứ không phải quân sự. Tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam còn là lá bài quan trọng trong chiến thuật tái tranh cử của Kennedy. Tuy nhiên, mưu sự bất thành. Ngày 22/11/1963, Kennedy bị ám sát.

Cái chết của hai Tổng thống Kennedy và Diệm đã đẩy nhanh cục diện chiến trường Việt Nam (trong ảnh là Ngoại trưởng Dean Rusk, Tổng thống Lyndon B. Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng McNamara)

Sự khác biệt trong chính sách Việt Nam giữa John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson bắt đầu thể hiện chỉ hai ngày sau khi Kennedy bị giết, khi tân Tổng thống Johnson thảo luận vấn đề Việt Nam lần đầu tiên với nhóm cố vấn an ninh quốc gia. Việt Nam thật ra chưa là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của tân Nội các Johnson nhưng sự có mặt của Cabot Lodge tại Washington đúng thời điểm đó đã dẫn đến việc tổ chức phiên họp bất thường, với báo cáo Cabot Lodge về diễn biến mới nhất tại Nam Việt Nam.

Sau khi các cố vấn ra khỏi phòng, Johnson ngồi lại một mình. Tùy viên tổng thống Bill Moyers vào, thấy Tổng thống gác chân lên thùng rác, nhấm ly Scotch. Lắc đá trong ly, Johnson nói: “Bọn Trung Cộng hẳn nghĩ rằng cái chết Kennedy sẽ khiến chúng ta mất dũng khí…” và “những anh bạn ở Kremlin hẳn cũng đang suy đoán đường đi nước bước sắp tới của chúng ta”. “Vậy ngài sẽ làm gì?” - Moyers hỏi. “Tôi nói với họ (nhóm cố vấn an ninh và Đại sứ Cabot Lodge) rằng, tôi sẽ không để Việt Nam đi theo con đường Trung Cộng. Tôi nói với họ hãy quay lại Việt Nam và thông báo với tướng lĩnh VNCH rằng, Lyndon B. Johnson cam kết giữ lời. Nhưng mà, lạy Chúa, tôi muốn họ đừng húc nhau nữa, hãy lăn vào rừng và tiêu diệt Việt cộng. Và tôi muốn họ để tôi yên vì tôi còn quá nhiều chuyện lớn hơn phải làm” - Johnson trả lời. Sự thay đổi chính sách Việt Nam thể hiện rõ hơn khi Johnson quyết định thay ghế đại sứ VNCH. Đánh giá Cabot Lodge làm việc không hiệu quả và để rò rỉ thông tin Mỹ dính líu vụ lật đổ Tổng thống Diệm, Johnson cũng bác bỏ nhận xét lạc quan của Cabot Lodge về tương lai chính trị Nam Việt Nam. Thay Cabot Lodge bằng tướng Maxwell Taylor (tháng 7/1964), Johnson đã cho thấy rõ chủ trương quân sự hóa chính sách Việt Nam của mình.

Trước khi hất Cabot Lodge khỏi ghế đại sứ Sài Gòn, Nội các Johnson cũng hiệu chỉnh NSAM 273. Do cố vấn an ninh quốc gia McGeorge Bundy soạn (theo công thức rút quân từng bước của Kennedy), NSAM 273 bản hiệu chỉnh (được Johnson chuẩn y ngày 26/11/1963) mang nội dung tăng cường mức độ quân sự tấn công Bắc Việt trong đó có chiến dịch mật phá rối đối phương. Chiến dịch, mật danh OPLAN 34A, gửi đến Nhà Trắng giữa tháng 12/1963, đã được Johnson chuẩn y không đầy một tháng sau và không hề thông báo Quốc hội (OPLAN 34A tạo ra kịch bản “cuộc khủng hoảng Vịnh Bắc bộ” vào tháng 8/1964).

Sau chuyến thị sát Nam Việt Nam cuối tháng 12/1963, McNamara kết luận rằng, cuộc chiến Việt Nam không thể chiến thắng nếu Mỹ không bứt phá trong leo thang quân sự. Chính quyền Tổng thống Diệm đã cung cấp toàn báo cáo sai sự thật. Kỳ tích Ấp chiến lược thực chất thất bại. Việt cộng không những không bị đè bẹp mà còn tăng mức độ hoạt động sát Sài Gòn. Cuối năm 1963, Hà Nội đưa gần 40.000 cán bộ và bộ đội vào Nam Việt Nam, hầu hết là người miền Nam tập kết ra Bắc. Tình hình khu vực Mekong xuống dốc đến mức ban cố vấn quân sự Mỹ phải bổ sung hơn 300 chuyên gia quân sự - sĩ quan Mỹ hỗ trợ VNCH. Tuy nhiên, McNamara không nhắc đến tinh thần xuống dốc của lính Mỹ. Trước khi tử trận đầu năm 1964, Đại úy không quân Edwin Shank đã viết loạt thư cho vợ. Trong một đoạn trích đăng trên Newsweek, Edwin Shank kể rằng Việt cộng được huấn luyện tốt, có tinh thần chiến đấu cao; rằng “vài đứa trong bọn anh bị ngăn, nếu không, bọn anh đã có thể nện vỡ đầu thằng đần đó (McNamara)”… Tuy nhiên, “thằng đần” tiếp tục yêu cầu thực hiện chiến dịch tình báo nhằm vào Bắc Việt, tất cả được tiến hành “với sức ép tối đa và rủi ro tối thiểu”…

Nếu Kennedy (và Diệm) không bị ám sát…

Nếu không bị ám sát, liệu Kennedy có theo đuổi chính sách rút quân dần khỏi Nam Việt Nam? Theo Robert Kennedy (em của Tổng thống Kennedy), John F. Kennedy sẽ không bao giờ rút khỏi Việt Nam chừng nào Mỹ chưa chiến thắng. Khó có thể biết chính xác Robert Kennedy nói đúng hay không. Với John F. Kennedy, Việt Nam là cuộc chiến quan trọng. Ở tư cách dân biểu, Kennedy từng đến Nam Việt Nam và trở thành bạn thân Edmund Gullion, viên chức cấp cao thuộc Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn. Kennedy từng ủng hộ đưa ông Diệm lên ghế lãnh đạo Nam Việt Nam và chỉ đánh giá lại cái nhìn tích cực về ông Diệm khi nghe Edmund Gullion nhận xét ông Diệm là dân Công giáo, không đại diện đa số công chúng Việt Nam và ông Diệm cũng không có năng lực trong cuộc đối đầu cộng sản.

Nhận xét Edmund Gullion ảnh hưởng ít nhiều chính sách Việt Nam trong suốt những ngày Kennedy ngồi ghế tổng thống. Khả năng lãnh đạo kém của ông Diệm đã củng cố đánh giá Edmund Gullion nhưng cùng lúc ông Diệm được ủng hộ từ một số nhân vật then chốt trong Nội các Kennedy, những người tin rằng chỉ có thể bảo vệ ông Diệm bằng quân sự mới tránh khỏi nguy cơ cộng sản lấn chiếm Đông Dương. Chính sách Việt Nam không dứt khoát của Kennedy thời điểm đó là sự mạo hiểm nhiều rủi ro, gián tiếp khuyến khích phe diều hâu tin rằng cửa vẫn còn để ngỏ cho giải pháp tăng cường quân sự, ở giai đoạn mà Kennedy còn chủ trương duy trì viện trợ hơn là tăng tốc cỗ máy chiến tranh. Trước khi mọi chuyện xấu nhất xảy ra, Kennedy hy vọng rằng hàng ngàn cố vấn cũng như chuyên gia huấn luyện Mỹ đã đủ thời giờ nâng cấp khả năng chiến đấu cho lực lượng quân đội VNCH để họ có thể tự kiểm soát tình hình và từ đó Mỹ bắt đầu giảm dần sự hiện diện. Vấn đề chính yếu ở chỗ Kennedy dường như không có sẵn kịch bản trong trường hợp quân đội VNCH bất lực và yếu kém. Khi đó, Kennedy chỉ có thể dùng một trong hai chọn lựa: chấp nhận thua cuộc trong trò chơi chính trị Đông Dương hoặc buộc phải tung lính chiến đấu Mỹ vào Việt Nam.

Ở tuổi 43 và trở thành người trẻ nhất đắc cử tổng thống trong lịch sử Mỹ, Kennedy muốn chứng minh mình là người thông minh và tinh tế trong phong cách làm chính trị. Sẵn sàng đóng dấu ấn vào trang sử đương đại, Kennedy - cựu sinh viên chính trị học tốt nghiệp Harvard - chấp nhận tất cả thách thức toàn cầu ở một thế giới chính trị lưỡng cực (tư bản và cộng sản) đầy phức tạp và nguy hiểm. Cùng lúc, từng nếm mùi chiến tranh thời Thế chiến II và gần như luôn nằm lòng lời nhắc nhở của Edmund Gullion, Kennedy cũng nghĩ việc đổ quân bộ vào Việt Nam không là giải pháp tối ưu.

Kennedy tin rằng vấn đề Việt Nam tùy thuộc việc đóng cửa biên giới Lào (cùng biên giới Campuchia và Bắc Việt); lập chính phủ trung lập không cộng sản tại Lào; hỗ trợ cải cách kinh tế - xã hội - chính trị Nam Việt Nam; thiết lập chính sách chống cộng đối với khu vực Đông Nam Á dựa vào hợp tác từ Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO)… Tuy nhiên, với quan điểm diều hâu, McNamara lại cho rằng nắm đấm quân sự mới là giải pháp của tất cả giải pháp. Việc Ngoại trưởng Dean Rusk tập trung chính sách ngoại giao tại Mỹ Latinh và châu Âu đã tạo khoảng trống cho McNamara vùng vẫy và McNamara đã biến đối sách Việt Nam thành một phép tính số học.

Khi một cố vấn Nhà Trắng bày tỏ nghi ngờ khả năng chiến thắng cuộc chiến Việt Nam, McNamara bốp lại: “Dữ liệu của ông đâu? Đưa đây để tôi cho nó vào máy tính. Tôi cần dữ liệu chứ không cần bài thơ của ông”. Và không chỉ McNamara. Hai tuần trước khi Kennedy tổ chức lễ đăng quang, Walt Rostow - Giáo sư kinh tế học Viện Công nghệ Massachusetts, người trở thành một trong những cố vấn có sức ảnh hưởng quan trọng nhất Nội các Kennedy - cảnh báo Dean Rusk rằng Nội các Eisenhower quá chú tâm mối đe dọa vũ khí hạt nhân (từ Liên Xô) mà không có phương thuốc nào dành cho thách thức cực kỳ nguy hiểm trong cuộc chiến du kích cộng sản ngày càng bành trướng tại Đông Dương. Để trừ được “căn bệnh”, Rostow đề xuất một phản ứng đa tầng cấp, từ viện trợ kinh tế, chi viện súng ống đến cả gửi quân tham chiến. Và đó là một phần trong những lý do khiến 17.000 chuyên gia quân sự và lính Mỹ có mặt tại Việt Nam đầu thập niên 60 của thế kỷ trước…

Bi kịch trung tâm Kennedy nằm ở quyết định xuất phát từ những ý kiến cố vấn sai lầm trong việc lật tổng thống Diệm (nhằm tạo điều kiện cho bước đầu tiên rút quân Mỹ). Khi phác họa kế hoạch xóa sổ Tổng thống Diệm, Nội các Kennedy không ngờ rằng vụ đảo chính có thể dẫn đến cái chết của ông Diệm, khiến tình hình Sài Gòn càng hỗn loạn. Không ai biết chính xác Kennedy giải quyết bước tiếp theo cho đối sách Việt Nam như thế nào thời “hậu triều Ngô”, nếu ông còn sống. Chỉ có thể kết luận rằng cái chết bất ngờ của Kennedy, trong chừng mực nào đó, đã khai tử cho một triển vọng, dù mờ nhạt, về việc Mỹ rút quân từng bước khỏi Việt Nam. Di sản Kennedy bốc hơi cực nhanh thời Tổng thống kế nhiệm Johnson, người muốn chiến thắng sớm chừng nào tốt chừng đó, bằng chương trình leo thang toàn diện...

>> John F. Kennedy và lá bài Việt Nam (Kỳ 2)

>> John F. Kennedy và lá bài Việt Nam (Kỳ 1)

Cao Minh
 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc