4 năm vụ bắt cóc con tin tại Philippines:

Đằng sau việc tưởng niệm các nạn nhân

07:00 | 24/08/2014

516 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 23-8, Philippines tưởng niệm 4 năm ngày xảy ra vụ bắt cóc con tin đẫm máu tại Manila, khiến 8 người chết. Chính quyền thành phố Manila lấy ngày 23-8 là “Ngày cầu nguyện” để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ bắt cóc 4 năm trước.

Động thái này diễn ra sau khi nhà chức trách Manila và Hongkong đạt được tiếng nói chung trong việc xin lỗi và bồi thường. Bởi trước đó (12-2), tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn thông tin của Tân Hoa xã khi có bài lên án Tổng thống Philippines Benigno Aquino "thiếu tôn trọng" gia đình các nạn nhân khi tiếp tục từ chối đưa ra lời xin lỗi về thất bại của Manila trong chiến dịch giải cứu con tin bất thành khiến 8 người thiệt mạng. 

Tân Hoa xã cảnh báo, Manila sẽ phải đối mặt với các biện pháp "trừng phạt nặng" hơn nếu không đáp ứng các yêu cầu đưa ra. Giới truyền thông Trung Quốc còn gọi Manila là "trung tâm bắt cóc của châu Á" và Philippines là một quốc gia thất bại bởi năng lực của Tổng thống Benigno Aquino. Thượng tuần tháng 2, chính quyền Hongkong đã quyết định bãi bỏ ưu đãi quyền miễn thị thực cho quan chức và nhà ngoại giao Philippines khi nhập cảnh vào đặc khu này. 

Đằng sau việc tưởng niệm các nạn nhân

4 tháng trước (23-4), Chính quyền Hongkong (Trung Quốc) đã dỡ bỏ lệnh cấm đi lại đối với người Philippines sau khi Manila đưa ra lời xin lỗi và đồng ý trả khoản bồi thường cho các nạn nhân trong vụ bắt cóc con tin hôm 23-8-2010. Thị trưởng Manila Joseph Estrada cùng đặc phái viên của Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã tới Hongkong gặp Trưởng đặc khu hành chính Hongkong Lương Chấn Anh để giải quyết những bất đồng xung quanh vấn đề kể trên. Theo đó, Philippines đã đồng ý với 4 yêu cầu mà các nạn nhân sống sót và thân nhân những người thiệt mạng trong vụ bắt cóc con tin đưa ra. Tổng thống Benigno Aquino từng cho rằng, cái chết của các nạn nhân là do lỗi của kẻ bắt cóc và từ chối xin lỗi.

Đằng sau việc tưởng niệm các nạn nhân

Giới truyền thông Hongkong cho rằng, cảnh sát Philippines thiếu chuyên nghiệp, thiếu kế hoạch tác chiến khiến cho những người chứng kiến phải tức giận và đau buồn. Nếu họ hành động khác, thảm kịch có thể sẽ tránh được. Được biết, một quan chức ngoại giao cao cấp của Trung Quốc từng nỗ lực tham gia vào việc thuyết phục kẻ bắt giữ con tin trả tự do cho những du khách còn lại. Theo Tân Hoa xã, vụ bắt cóc 25 con tin (22 người Hongkong, 3 người Philippines) đã kết thúc sau 14 giờ căng thẳng với nhiều câu hỏi để lại. Tuy hung thủ là cựu Đại uý cảnh sát, nguyên thanh tra cảnh sát cấp cao Rolando Mendoza, nhưng điều đó không phải là nguyên nhân khiến cảnh sát đặc nhiệm Philippines phải mất 2 lần tấn công mới giải cứu được con tin.

Tổng thống Benigno Aquino từng thừa nhận, vụ việc kể trên đã bộc lộ rõ những điểm yếu của lực lượng an ninh và cảnh sát Philippines trong việc đối phó với những tình huống bắt cóc, nhưng cũng cho rằng, việc giới truyền thông vào cuộc quá sớm đã khiến hung thủ có điều kiện “làm càn”. Kẻ bắt cóc được quyền nói trên sóng phát thanh và theo dõi trực tiếp truyền hình qua hệ thống tivi trên xe buýt. Đây là điều kiện để hắn biết chiến thuật của cảnh sát. Khi đó, người đứng đầu lực lượng cảnh sát thủ đô Manila Leocadio Santiago cũng thừa nhận, cảnh sát đã mắc phải một số sai lầm khiến nhiều người bị thiệt mạng.

Đằng sau việc tưởng niệm các nạn nhân

 

Phát biểu trên truyền hình địa phương, Cảnh sát trưởng Leocadio Santiago cho biết, có một số sai lầm trong việc sử dụng chiến thuật. Bộ trưởng Nội vụ Philippines khi đó là ông Jesse Robredo đã thừa nhận những yếu kém của lực lượng đặc nhiệm trong việc giải quyết vụ bắt cóc con tin - không được đào tạo thỏa đáng và trang bị đầy đủ các phương tiện để tác chiến. Một trong những sai lầm lớn được nêu ra, đó là sau khi cảnh sát đặc nhiệm bắn thủng lốp xe và dùng búa tạ đập vỡ cửa kính để giải thoát con tin, nhưng họ lại nhận lệnh phải chờ để đàm phán. Vụ bắt cóc kết thúc sau hơn 10 giờ đàm phán bất thành buộc cảnh sát phải xịt hơi cay vào trong chiếc ôtô và bắn hạ hung thủ.

Theo tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 11-10-2010 của Tổng thống Benigno Aquino, Giám đốc Cảnh sát Manila Rodolfo Magtibay, Cảnh sát trưởng Leocadio Santiago, sỹ quan phụ trách đàm phán Orlando Yebra và Trưởng ban Kiểm tra các đơn vị tác chiến và vũ khí đặc biệt Santiago Pascual đều bị xử lý vì có liên quan tới vụ bắt cóc và giải cứu con tin hôm 23-8-2010. Ngoài 4 quan chức kể trên, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Jesus Verzosa và Thứ trưởng Nội vụ Rico Puno cũng bị khiển trách. Cũng theo yêu cầu của Tổng thống Benigno Aquino, cơ quan chức năng còn truy cứu trách nhiệm đối với Thị trưởng Manila Alfreo Lim và Phó Thị trưởng Ombudsman Emilio Gonzales về tội quản lý kém và thiếu trách nhiệm.

Chiều 25-8-2010, di hài của 8 du khách Hongkong bị thiệt mạng trong vụ bắt cóc con tin tại Philippines cùng những người sống sót đã được đưa về Hongkong trên chuyến máy bay mang số hiệu CX2903 của hãng hàng không Cathay Pacific. Phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm và chia buồn tại sân bay, Trưởng đặc khu hành chính Hongkong khi đó là ông Tăng Âm Quyền đã yêu cầu Manila nhanh chóng cung cấp kết quả điều tra chi tiết vụ bắt cóc và giải cứu con tin. Sau khi vụ việc xảy ra, Tổng thống Benigno Aquino đã cử đặc sứ đến Bắc Kinh để báo cáo về vụ giải cứu con tin với nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, trước khi tới Hongkong cung cấp thông tin về vụ việc này với nhà cầm quyền tại đây

Đông Ngàn - Phù Lưu