Con đường điện hạt nhân chông gai của Ấn Độ

19:00 | 04/12/2012

1,038 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thảm họa tại Nhà máy Điện hạt nhân Daiichi - Fukushima của Nhật Bản năm 2011 đã khiến nhiều quốc gia quay lưng với năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế và dân số đông thứ 2 thế giới đã thúc đẩy Ấn Độ ồ ạt mở rộng chương trình hạt nhân, mở đầu là việc đưa Nhà máy Điện hạt nhân Kudankulam vào vận hành dự kiến vào cuối năm nay, bất chấp những lo ngại về công nghệ và sự phản đối sôi sục từ một bộ phận dân chúng.

Biểu tượng của độc lập

Nhà vật lý học thiên tài và Chủ tịch Ủy ban Năng lượng hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ Homi Jehangir Bhabha đã thai nghén kế hoạch phát triển ngành Năng lượng hạt nhân của nước nhà, với việc thành lập Viện Nghiên cứu Năng lượng nguyên tử từ năm 1944, trước cả khi Ấn Độ giành độc lập. Thủ tướng Jawaharlal Nehru hết sức ủng hộ việc phát triển kỹ thuật hạt nhân ở Ấn Độ.

Vị Thủ tướng huyền thoại từng tuyên bố: “Chúng tôi phát triển năng lượng hạt nhân không vì mục đích chiến tranh, mà vì mục đích hòa bình. Nhưng nếu bị buộc phải sử dụng nó vì mục đích nào khác thì chúng tôi cũng sẽ dùng”. Kể từ đó, năng lượng hạt nhân được coi như là một biểu tượng của độc lập ở đất nước sông Hằng và luôn được ưu tiên trong hoạch định chính sách của New Dehli.

Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Kudankulam đã bị trì hoãn nhiều năm do người dân chưa đồng thuận

Năm 1974, các lò phản ứng hạt nhân trong nước đã cung cấp Plutonium cho vụ thử quả bom nguyên tử đầu tiên của Ấn Độ, sau Bắc Kinh 10 năm. Mặc dù gặp nhiều rắc rối và khó khăn do bị cấm vận vì vụ thử này và vì từ chối ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân nhưng Ấn Độ vẫn âm thầm nghiên cứu, phát triển chương trình hạt nhân của mình. Đến năm 1998, sau một vụ thử hạt nhân nữa, Ấn Độ nghiễm nhiên được liệt vào danh sách các cường quốc hạt nhân của thế giới.

Ngay sau đó, Pakistan – “kẻ thù truyền kiếp” của Ấn Độ cũng tiến hành một vụ thử hạt nhân trong cuộc chạy đua năng lượng hạt nhân ở tiểu lục địa Nam Á. Do vậy, trên thực tế, năng lượng nguyên tử đối với Ấn Độ không chỉ đóng vai trò về kinh tế, mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng. Tuy nhiên, cho đến giờ, với 20 lò phản ứng hạt nhân, điện hạt nhân mới chỉ đóng góp khoảng 4% vào sản lượng điện của Ấn Độ - một con số rất khiêm tốn so với nhu cầu của nền kinh tế đang tăng trưởng nóng hơn 8%/năm và hơn 40% dân số thiếu điện.

Gập ghềnh Kudankulam

Lịch sử công nghệ hạt nhân của Ấn Độ đã ghi dấu đau thương bởi vụ tai nạn nghiêm trọng hồi tháng 3/1993 ở Nhà máy Narora trên bờ sông Ganges – khi đó, ngọn lửa bùng lên sau khi một cánh quạt gãy rời khỏi turbine hơi nước đang quay với tốc độ cao. Tai nạn đó làm cho nhà máy bị mất điện và cũng giống như ở Fukushima, khiến lò phản ứng quá nóng (do hệ thống làm mát ngừng hoạt động) và các thanh nhiên liệu suýt bị nóng chảy trước khi có điện trở lại.

Tuy theo các chuyên gia, công nghệ mới hiện tại có thể giúp tránh được những tai nạn kiểu này nhưng  việc triển khai các dự án hợp tác hạt nhân dân sự của Ấn Độ vẫn gặp phải  rào cản lớn do sự thiếu lòng tin và chống đối từ dân chúng. Vụ phản đối Nhà máy Điện hạt nhân Kudankulam là một ví dụ.

Nhà máy này được xây dựng theo thỏa thuận ngày 20/11/1988 và văn kiện bổ sung ngày 21/6/1998 giữa bên đặt hàng là Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Ấn Độ và đối tác thực hiện là Tập đoàn Nga Atomstroiexport. Năm 2002, Atomstroiexport đã bắt đầu xây dựng 2 lò phản ứng đầu tiên. Tuy nhiên, dự án đã bị nhiều lần bị hoãn lại vì vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân. Tới ngày 9/8/2012, Hội đồng Điều tiết năng lượng nguyên tử Ấn Độ mới chấp nhận và cho phép việc nạp nhiên liệu vào lò phản ứng. Dự kiến, lò phản ứng số 1 sẽ sẵn sàng khởi động vào cuối năm 2012 và sau đó sẽ là lò số 2, dự kiến sẽ cung cấp 2GW điện để giúp giải tỏa phần nào “cơn khát” năng lượng của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á.

Không dừng lại ở Kudankulam, Ấn Độ đang có kế hoạch đến năm 2020 sẽ tăng công suất điện hạt nhân thêm 20GW, tức tăng tỷ lệ thành phần điện hạt nhân trong tổng nhu cầu điện năng quốc gia từ 4% hiện nay lên 9% trong vòng 25 năm tới và đạt khoảng 25% vào năm 2050. Để đạt được tham vọng đó, Ấn Độ có kế hoạch xây mới 30 lò phản ứng và mời gọi nhiều nước chuyển giao công nghệ, thiết bị và nhiên liệu cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Các hợp đồng liên quan nhà máy điện hạt nhân mà Ấn Độ đã ký kết ước tính đến 150 tỉ USD.

Đầu tháng 11/2012 vừa qua, chính phủ Ấn Độ và Australia đã kết thúc quá trình thương thảo để các nhà xuất khẩu của Canada - nước có uranium chất lượng cao và trữ lượng lớn cung cấp uranium cho Ấn Độ. Trước đó, Ấn Độ bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự với Australia, nước có trữ lượng uranium chiếm 40% của thế giới.

Bên cạnh đó, Ấn Độ đang đẩy mạnh công cuộc nghiên cứu vốn đã được nhà vật lý thiên tài Homi Jehangir Bhabha thai nghén cả nửa thế kỷ trước về công nghệ tách chiết và công nghệ lò phản ứng sử dụng loại nhiên liệu thorium –  một nguồn nguyên liệu mà Ấn Độ có trữ lượng rất dồi dào và an toàn hơn uranium. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng gần như đơn độc trên hành trình này bởi ngay như ở một số quốc gia phát triển đã đi vào thực tế với các dự án cải tạo các lò phản ứng hạt nhân sẵn có nhằm thí nghiệm sử dụng thorium thay thế cho uranium như Mỹ, Anh, Canada, Đức và Hà Lan, kết quả đạt được rất khiêm tốn và có nước đã từ bỏ dự án này, như Đức.

Ông R K Shinha, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng hạt nhân Ấn Độ mới đây cho biết,  “các nhà khoa học Ấn Độ đã nghiên cứu và phát triển rất kỹ công nghệ Lò phản ứng Nước nặng Tiên tiến (AHWR), làm cơ sở kỹ thuật cho việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới sử dụng nhiên liệu thorium”. Ước tính, Ấn Độ phải mất 6 tháng để tìm được địa điểm phù hợp xây dựng lò phản ứng thorium. Ngoài ra, sau khi đã tìm được địa điểm phù hợp, Ấn Độ sẽ phải mất thêm 18 tháng nữa để đánh giá ảnh hưởng của lò phản ứng thorium lên môi trường xung quanh.

Dự kiến, đến năm 2017, Ấn Độ sẽ có lò phản ứng thorium đầu tiên. Theo nhật báo Deccan Herald (Ấn Độ), giai đoạn đầu, lò phản ứng thorium sẽ cần tới 52 tấn nhiên liệu thorium để khởi động, tuy nhiên sau đấy sẽ chỉ cần 4,7 tấn mỗi năm để duy trì hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc Ấn Độ có thể sử dụng tiết kiệm trữ lượng thorium của quốc gia này trong hàng trăm năm tới. Và một khi Ấn Độ xây dựng  thành công các lò phản ứng thorium thì đây không chỉ là tin vui với riêng Ấn Độ, mà nó sẽ mở ra cả một thời đại phát triển mới cho ngành năng lượng hạt nhân toàn cầu.

Minh Châu (tổng hợp)