Chiến dịch chống tham nhũng ở Thổ Nhĩ Kỳ

07:00 | 29/12/2013

774 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 50 người, gồm nhiều bộ trưởng và con em của họ, vừa bị bắt hoặc liên đới trong chiến dịch truy quét tham nhũng quy mô lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đáng nói là Thủ tướng Thổ lại không chỉ đạo vụ này và còn cho đây là hành động do một liên minh hắc ám giật dây hòng làm suy yếu chính phủ.

Năng lượng Mới số 286

Ngày 17/12, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỹ đã tiến hành bắt nóng 52 người bị tố cáo liên quan tới hành vi hối lộ và nhận hối lộ, rửa tiền. Điều đáng nói là trong số những người bị bắt giữ có đến 3 người con của các vị bộ trưởng đương chức trong chính quyền, một số quan chức cấp cao trong chính quyền, một doanh nhân và một thị trưởng thành phố.

Đây là kết quả của 3 cuộc điều tra khác nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc điều tra đầu tiên nhắm vào doanh nhân Reza Zarrab với cáo buộc tổ chức và điều hành một đường dây tội phạm. Ông Zarrab được cho là đã hối lộ các quan chức Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để nhắm mắt làm ngơ các giao dịch chuyển tiền trái phép và để xin nhập quốc tịch Thổ cho người thân và đồng bọn trong đường dây tội phạm. Cuộc điều tra thứ hai nhắm vào Abdullad Oguz Bayraktar, con trai của Bộ trưởng Môi trường và Phát triển đô thị Erdogan Bayraktar. Bayraktar bị cáo buộc thiết lập đường dây tội phạm và nhận hối lộ của một công ty xây dựng lớn để cho phép công ty này triển khai các dự án trên các khu đất do Bộ Môi trường và Phát triển đô thị quản lý. 22 người đã bị bắt liên quan đến vụ án này. Cuộc điều tra thứ 3 là để làm sáng tỏ những cáo buộc liên quan đến việc Mustafa Demir, Thị trưởng thành phố Fatih đã nhận hối lộ để cho phép triển khai những dự án xây dựng trên các phần đất bị cấm xây dựng của thành phố Fatih.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ dùng vòi rồng để giải tán người biểu tình chống chính quyền ở Istanbul, ngày 22/12

Vấn đề nghiêm trọng ở đây là, các cuộc điều tra chống tham nhũng hối lộ lại được thực hiện đồng loạt nhắm và các quan chức và doanh nhân có liên quan đến chính phủ và đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (AKP) của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan. Và nhân vật chủ trì cả 3 cuộc điều tra trên là công tố viên Zekeriya Oz ở Istanbul. Tại sao Zekeriya Oz lại muốn làm suy yếu chính phủ của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan? Bởi vì Zekeriya Oz là người ủng hộ Fetullah Gulen nhiệt thành nhất. Như vậy, mọi câu trả lời nằm ở cái tên Fetullah Gulen, một giáo sĩ Hồi giáo sống tại Mỹ, nhưng lại gây ảnh hưởng mạnh tới cảnh sát và tòa án ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là người sáng lập phong trào Gulen, có ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn bành trướng, lan rộng sang Trung Á và nhiều nơi khác trên thế giới.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, thế lực của phong trào này rất mạnh, nhiều khi lấn át cả quyền lực của thủ tướng. Từ một phong trào xã hội, một làn sóng tư tưởng tôn giáo, họ có mặt khắp nơi, không chỉ trong các trường học mang tên người sáng lập ra phong trào, mà còn xuất hiện dày đặc trong bộ máy nhà nước, trong lực lượng quân đội, cảnh sát. Gulen bắt đầu đặt nền móng đầu tiên cho Phong trào Gulen vào năm 1978, với việc thành lập trung tâm học tập đầu tiên. Tính từ khi ngôi trường mang tên Gulen đầu tiên ra đời đến nay đã có hơn 1.000 ngôi trường Gulen được thành lập tại hơn 140 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ là 300 và ở Mỹ là 100 ngôi trường như thế. Các hoạt động giảng dạy của những ngôi trường này được đánh giá là “chỉ hướng đến cái tốt, cái thiện”, không phải thuộc dạng thuyết giáo bạo lực như các trường học Hồi giáo của thành phần cực đoan. Nhưng Phong trào Gulen không chỉ có hoạt động giáo dục, hay đối thoại liên tôn giáo và tranh luận xã hội. Phần quan trọng của phong trào Gulen chính là những dính líu đến chính trị trong nước. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, những người theo phong trào Gulen hiện đang được xem là đã tạo ra một kiểu “nhà nước bên trong nhà nước”.

Những người theo Gulen hiện diện không chỉ trong bộ máy hành chính, trong các cơ quan Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mà còn trong tất cả các cơ quan quyền lực nhất như Quốc hội, quân đội, cảnh sát, tòa án… Họ chối bỏ những lời cáo buộc rằng, họ nắm quyền kiểm soát lực lượng cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng giới ngoại giao nước ngoài ở Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, “đó là điều không cần bàn cãi”, tức là hiển nhiên đúng.

Ảnh hưởng của phong trào Gulen trong hệ thống tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ khiến cho thế lực của phong trào này không ai dám thách thức. Những chiêu trò gian manh, xảo trá, kể cả trò bẩn đều có thể được sử dụng chỉ nhằm mục đích giành ưu thế, đẩy những kẻ chống đối, những người chỉ trích vào con đường “tuyệt lộ”.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cảnh cáo các đối thủ rằng ông sẽ "bẻ tay họ”

Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan biết tất cả những chuyện làm sai trái của phong trào Gulen, nhưng ngay bản thân ông cũng muốn lợi dụng thế lực của phong trào Gulen để phục vụ mục đích thâu tóm quyền lực cho riêng mình nên đã ngầm ủng hộ nó. Thế nhưng, khi đạt mục đích khống chế được lực lượng thế tục, Thủ tướng Erdogan không còn thấy phong trào Gulen cần thiết nữa, thì cũng là lúc quan hệ giữa 2 bên bắt đầu xấu đi. Vụ đại án tham nhũng nhắm vào người của Thủ tướng Erdogan được cho là sự trả đũa vụ Erdogan gần đây quyết tâm muốn dẹp bỏ các trung tâm luyện thi đại học do phong trào Gulen duy trì nhằm giúp cho học sinh có điều kiện thi vào các trường đại học. Trước đó vài tháng, Gulen đã cảnh cáo Erdogan nếu cứ tiếp tục động đến các lợi ích của Gulen, nhưng Erdogan đã không đếm xỉa tới.

Đó là những diễn biến bề chìm của vụ việc. Còn vụ phanh phui các quan chức tham nhũng đang khiến chính quyền Thủ tướng Erdogan lao đao. Ngày 25/12, ba bộ trưởng trong nội các của Thủ tướng Erdogan đã từ chức. Đó là Bộ trưởng Kinh tế Zafer Caglayan, Bộ trưởng Nội vụ Muammer Guler và Bộ trưởng Môi trường Erdogan Bayraktar. Họ buộc phải từ chức, vì con của họ này nằm trong số 22 người bị bắt từ ngày 17/12, trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng. Trong khi ấy, phe đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ mấy tuần qua liên tục tổ chức biểu tình đòi chính phủ của Thủ tướng Erdogan phải từ chức. Các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã diễn ra làm ít nhất 6 người thiệt mạng và 8.000 người bị thương trong 3 tuần qua.

Trước tình hình này, Thủ tướng Erdogan đã cảnh cáo các đối thủ của ông là ông sẽ “bẻ tay họ” nếu họ lợi dụng vụ tai tiếng tham nhũng ngày càng lan rộng để gây tổn hại cho quyền cai trị của ông. Ông Erdogan cũng lên tiếng bác bỏ các cuộc điều tra tham nhũng và cho đó là một mưu toan của những người mà ông gọi là “những liên minh hắc ám” và hứa sẽ phanh phui âm mưu của những người này.

Ông Erdogan đã ứng phó với cuộc điều tra tham nhũng bằng cách tiến hành một cuộc thanh trừng trong lực lượng cảnh sát và đã cách chức những giới chức cảnh sát hợp tác với cuộc điều tra mà không có sự cho phép của thượng cấp. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ hôm 18/12 cho biết 5 quan chức cảnh sát cấp cao của nước này bị cách chức, trong đó có những người phụ trách lĩnh vực chống tội phạm có tổ chức, buôn lậu, tội phạm tài chính, tham nhũng. Mới nhất, ngày 22/12, 25 chỉ huy cảnh sát cấp cao ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sa thải. Tờ Todays Zaman của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 22/12 đưa tin, cảnh sát trưởng Hakan Yuksekdag thuộc đơn vị Chống buôn lậu và tội phạm có tổ chức của Sở Cảnh sát Ankara đã tự sát. Vụ việc xảy ra chỉ một ngày sau khi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sa thải 14 quan chức cấp cao thuộc Sở Cảnh sát Ankara với cáo buộc họ liên quan đến hàng loạt vụ hối lộ, tham nhũng.

Giành chiến thắng trong cả 3 cuộc tổng tuyển cử tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Erdogan đã ở trên đỉnh cao quyền lực trong suốt hơn một thập niên mà hầu như không gặp bất kỳ trở ngại nào. Tuy nhiên, điều kỳ diệu này khó có thể lặp lại lần thứ tư trong kỳ bầu cử diễn ra vào năm 2014 khi bất ổn xã hội tại đất nước hơn 67 triệu dân này đang có dấu hiệu gia tăng và sự chia rẽ ngày càng khoét sâu trong nội bộ đảng AKP cầm quyền.

Hùng Phan (tổng hợp)