Sự thật buồn ở “phố ông Đồ” 4

07:00 | 12/02/2014

9,738 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không đâu phải trái, trắng đen, chữ nghĩa lẫn lộn như ở cái chợ chữ này. Và cũng chẳng ở đâu người ta lại thể hiện cái cảm thụ văn hóa bát nháo, nông cạn như ở chốn này.

Năng lượng Mới số 295

Phố ông Đồ” mọc lên tự phát cách nay có lẽ cũng sắp được gần chục năm. Khởi đầu chỉ có mươi, mười lăm người đến viết chữ, hay nói một cách chính xác là đến bán chữ lấy tiền. Thế rồi, cho đến nay, “phố ông Đồ” đã “quy tụ” có đến hơn 100 ông “Đồ già, Đồ trẻ”. Có những người là “Đồ thật” bởi họ học cao, hiểu rộng, biết nhiều, có giao du với các nhà thư pháp Trung Quốc, Nhật Bản, họ thông kim bác cổ và họ hiểu tường tận gốc tích, ý nghĩa của từng chữ mà người dân hay đến xin, mua. Nhưng cũng có những ông Đồ chữ nghĩa lỗ mỗ, số từ có thể viết được có lẽ không đến 50. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có chữ Nhẫn, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Tâm, Đức; rồi Phúc, Lộc, Thọ, Trường; rồi Hanh thông, Phong thuận vũ hòa…

Theo thời gian, theo đà đi lên của “phú quý sinh lễ nghĩa”, “phố ông Đồ” ngày càng sầm uất, được các phương tiện truyền thông, các nhà quản lý văn hóa vội vàng tung hô, gán cho đủ mỹ từ. Nào là “nét đẹp truyền thống văn hóa của người Hà thành”, nào là “thể hiện tinh thần hiếu học”, nào là “một địa điểm văn hóa đáng đến nhất trong  những ngày xuân ở Hà Nội”…

Trẻ con đến chợ chữ mua... chữ?

Tôi năm nào cũng mất khá nhiều thời gian lê la ở cái chợ chữ này, đàm đạo chuyện văn chương chữ nghĩa với các ông “Đồ già” cũng như “Đồ trẻ”; được chứng kiến cảnh người đến xin chữ, mua chữ… và mới cay đắng nhận ra một điều rằng, cái “phố ông Đồ” này, cái chợ chữ này là thể hiện đỉnh cao cho sự mạt vận của văn hóa chữ nghĩa.

Ngày mồng Hai tết, tôi ra chợ chữ và ngồi với một nhà thư pháp nổi tiếng của Việt Nam - người được coi là đứng đầu trong nhóm “Nhị thập bát tú” - CLB Những nhà thư pháp trẻ - người đã từng đi triển lãm thư pháp tại Trung Quốc, Hàn Quốc, thậm chí sang tận cả Mỹ. Anh cũng là người đã giúp Báo Năng lượng Mới tổ chức thành công buổi triển lãm “Thư pháp về thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại Văn Miếu và Tòa nhà Viện Dầu khí hồi năm trước. Đây cũng là người có gương mặt hơi kỳ dị bởi răng của anh nhuộm đen nhánh như hạt na và quầy thư pháp của anh cũng được đặt một cái tên chẳng giống ai - “Răng Đen”. Anh tên là Việt, hay còn có biệt danh là Việt “răng đen”.

Điều mà tôi thấy ấm lòng nhất ở đây là rất nhiều người, trong đó già có, trẻ có, khi gặp anh đều cung kính gọi là “thầy”. Anh tới đây ngồi viết chữ để kiếm tiền thì ít mà chủ yếu là có nơi để đàm đạo, giao du với những người am hiểu và muốn hiểu chữ Hán. Việt khá “chảnh” chữ theo cách riêng của mình. Ai đến xin, anh viết cho nhưng không bao giờ ra giá rằng bao nhiêu tiền. Người ta đưa bao nhiêu cũng được. Thậm chí, kể cả cái phong bao lì xì đỏ rực trong đó chỉ có 10 nghìn. Nhưng, ai đó khi đến mà lại mặc cả là bao nhiêu tiền thì lập tức sẽ bị anh từ chối, đại loại kiểu: “Xin lỗi, tôi đang không có hứng”.

Với Việt, viết chữ là một thú chơi tao nhã. Người bậc dưới thì anh cho chữ, người ngang vai phải lứa thì anh tặng chữ và người bề trên thì anh kính biếu. Giống như một số nhà thư pháp trong CLB Thư pháp “Nhị thập bát tú” - Việt đến “phố ông Đồ” không nhằm mục đích kiếm tiền. Cũng chính vì thế mà ở đây có những ông Đồ “say khướt suốt ngày”, rồi khi đã ngấm men thì múa bút cho chữ.

Ông Đồ già

Tôi đang ngồi đàm đạo chữ nghĩa với anh Việt thì có một cặp vợ chồng dắt theo một đứa bé khoảng 7, 8 tuổi tới quán chữ. Dường như ông bố cũng đã biết danh tiếng của Việt cho nên rất trân trọng nói với cậu bé: “Con muốn chữ gì nói bác viết cho. Đây là người viết chữ Hán giỏi nhất Việt Nam”. Anh Việt vội vàng xua tay: “Ông đừng nói thế tổn thọ tôi. Chỉ nên coi tôi là người biết viết thư pháp vậy thôi”. Rồi Việt hỏi cháu bé: “Nào, cháu trai, muốn chữ gì bác viết cho”. Với vẻ mặt “lạnh như đít bom”, cậu bé nói luôn: “Bác viết cho cháu chữ Tiền”. Cố nén vẻ ngạc nhiên, Việt bình tĩnh hỏi lại: “Sao cháu không viết chữ Học giỏi, Hiếu thảo mà lại muốn viết chữ Tiền?”. Thằng bé quả quyết: “Cháu chỉ thích Tiền thôi”. Mẹ thằng bé ngồi bên cạnh đế luôn vào: “Tiền là Tiên, là Phật mà anh. Anh cứ viết cho nó chữ Tiền. Thời buổi này không có tiền thì không nên người được”. Việt ngẫm nghĩ một lát rồi lấy một tờ giấy hồng điều ra. Anh hỏi lại cháu bé: “Cháu đánh vần chữ Tiền cho bác nghe xem nào”. Thằng bé đọc dõng dạc “Tờ iên tiên huyền tiền”. Việt cười và nói: “Vậy thì ta sẽ viết cho cháu hai chữ Tiên Huyền”.

Anh vung bút viết hai chữ “Tiên Huyền” chỉ một nét, không hề nhấc bút lên khỏi mặt giấy. Nhìn chữ đúng là “rồng bay phượng múa”. Tuy nhiên, anh không đóng dấu lạc khoản, cũng không ghi tên trên bức thư pháp viết cho thằng bé. Ông bố lấy một chiếc phong bao lì xì ra nói với Việt: “Năm sớm, em mừng tuổi anh”. Cặp vợ chồng lại dắt con đi. Việt đưa chiếc phong bao cho tôi, mở ra xem, trong đó có 50 nghìn.

Lang thang ở “chợ chữ” này, tôi mới hiểu được mánh khóe kiếm tiền của các “thầy Đồ” cũng như trình độ chữ nghĩa của nhiều “thầy”.

Ông Đồ già

Ở đây có một nghịch lý là dân ta thì cứ thấy ông nào râu dài, tóc bạc, mặc áo the, đội khăn xếp thì coi đó là những ông Đồ “đích thực”. Mà trong số những ông Đồ có vẻ mặt “Đồ” đấy thì có đến ba phần tư là chữ nghĩa lởm khởm, viết chữ Hán theo kiểu thư pháp “menu” (thực đơn) - nghĩa là đặt bên cạnh độ vài chục chữ Hán mẫu, ai muốn viết chữ gì thì nhìn vào đó mà viết theo. Thế nên mới có chuyện  - một ông Đồ nom cực kỳ đáng kính, khi có một sinh viên đến xin chữ “Đăng khoa”, ông ngẫm nghĩ một lúc, lật đi lật lại cái “menu” chữ Hán mà không tìm ra được cái chữ theo yêu cầu này. Ông ngẫm nghĩ một lát, thấm bút lông vào nghiên mực rồi mà cứ chần chừ không nhấc bút lên được. Anh chàng sinh viên thắc mắc: “Sao ông nghĩ lâu thế ạ?”.

Ông Đồ giương mục kỉnh nhìn anh sinh viên: “Muốn viết chữ đẹp là phải ngưng thần tụ khí, là phải dồn ý chí nội lực vào ngòi bút chứ không thể viết theo kiểu chữ Quốc ngữ của các cậu được. Cậu làm tôi mất cả hứng”. Nghe ông nói như thế, mọi người xung quanh đều im bặt để ông “ngưng thần tụ khí”. Rồi ông vung bút viết chữ “Tâm” to tướng. Anh chàng sinh viên ngơ ngác hỏi: “Ông ơi, cháu xin chữ “Đăng khoa” cơ mà. Nhưng sao đây lại là chữ “Tâm” ạ”.

Ông “Đồ” nhìn anh sinh viên bằng một con mắt tỏ rõ sự chán nản, rồi cao giọng: “Người ta làm gì cũng phải xuất phát từ cái tâm. Muốn đăng khoa, đỗ đạt gì thì cũng phải học giỏi. Mà không có tâm thì làm sao mà học được. Hiểu chữ Hán là phải hiểu như vậy”. Anh chàng sinh viên kia dường đã “ngộ” ra, liền vui vẻ đưa cho ông “Đồ” 200 nghìn. Nghe ông giảng giải cho anh chàng sinh viên như vậy, quả thực tôi không nhịn được cười.

Rồi không ít thầy đồ lại “Việt hóa” chữ Hán. Học trò đến xin chữ “Đăng khoa” thì ông bảo luôn: “Các cậu lằng nhằng lắm. Sao cứ phải sính chữ Hán làm gì. Tôi cho chữ Đỗ, đủ nghĩa luôn cả Đăng khoa”.

Thật khốn khổ cho những người đến đây mua chữ. Người mua thì đã chẳng hiểu về chữ. Người bán thì cũng chẳng mấy người am tường ngữ nghĩa, điển tích của nhiều chữ mà đa phần giảng giải theo cách hiểu, cách nghĩ của thị dân.

Họa sĩ Nguyễn Trần Thái, chỉ viết đẹp được khi có... rượu

Thế mới có câu chuyện như giai thoại rằng: Ở chợ chữ, có một “ông Đồ” tên là T., tướng mạo rất đẹp, nom thực là đáng nể và bên ngoài quán, ông in những tấm ảnh chụp ông với một số quan chức. Nhìn “thầy đồ” đáng kính như vậy, lại có những bức ảnh PR đầy tin cậy như thế, nên người đến mua chữ của ông lúc nào cũng đông. Rất nhiều thầy đồ trẻ ở đó hiểu hơn ai hết trình độ chữ Hán của “ông Đồ” này. Và thế là, nhân lúc vắng người, một anh chàng thư sinh đến tán tụng rằng: “Ông có khuôn mặt đẹp quá. Mặt ông tròn như mặt trăng, chữ ông viết đúng là rồng bay phượng múa mà lại nghiêm cẩn…”. Dĩ nhiên, “ông Đồ T.” này phởn chí, nở hết hai cánh mũi.

Rồi với dáng vẻ khiêm nhường, anh ta rụt rè: “Con cũng mới học chữ Hán được hơn chục năm nay. Chữ nghĩa chưa đáng là bao nhưng con xin phép thầy, cho con được tặng thầy mấy chữ”. Trước lời lẽ cung kính như vậy thì không ai nỡ từ chối. Và thế là anh chàng thư sinh kia vung bút viết: “T… diện như nguyệt luân” - nghĩa là mặt ông T. tròn và sáng như mặt trăng. Thật là lễ phép. Thật là cung kính và hết sức ý tứ. Ông T. sướng lắm, trân trọng treo lên. Bởi một thầy đồ như ông, được một kẻ hậu sinh ca tụng là mặt sáng, đẹp như mặt trăng thì còn gì hơn nữa.

Được mấy ngày, lại có một gã thư sinh khác, nách cắp chai rượu đến quán và ngất ngưởng nói: “Ông có học chữ Hán không?”. Ông T. trợn mắt nhìn gã thư sinh. Nhưng ông chưa kịp nói gì thì gã lại thủng thẳng nói tiếp: “Nếu ông có học chữ Hán tử tế thì tại sao ông lại treo cái chữ kia”. Ông T. cao giọng giảng giải cho anh ta. Anh chàng thư sinh cười sằng sặc mà bảo rằng: “Ông thử ghép chữ Nguyệt và Luân lại xem nó ra chữ gì. Nếu theo chữ Nôm thì ghép lại nó là chữ chỉ “cái” của đàn bà đấy!”. Lúc này, “ông Đồ” T. mới sững người, đỏ mặt. Còn gã thư sinh thì ngất ngưởng cắp nách chai rượu dạo bước tới quán chữ khác.

Có ra lê la ở chợ chữ mới thấy rằng, dân mình bây giờ mê tín một cách thảm hại. Và nguy hại hơn là họ nhồi vào đầu con trẻ cái gọi là “văn hiến”, “mua chữ”, “cho chữ” đấy là những chữ “Đỗ đạt”, “Đăng khoa”, “Hiếu”, “Học giỏi”… Ừ thì cứ cho rằng, xin chữ đầu năm là thể hiện sự mong muốn của mình nhưng than ôi, trẻ con mới nứt mắt mà đã hy vọng nhờ có cái thứ chữ “Thánh hiền” này mà lại học giỏi được, thông minh, hiếu thảo được thì quả là kỳ lạ. Bên ngoài thì như vậy, còn bên trong Văn Miếu, học trò đua nhau sờ đầu rùa, rồi nhét tiền vào miệng rùa và cũng sì sụp khấn vái trước tượng Đức Khổng Tử. Mà kỳ thực, hỏi ra, có cháu học trò còn nhầm Đức Khổng Tử với tôn sư Chu Văn An hoặc tưởng rằng - Đức Khổng Tử là người Việt Nam!

Ứng Hòa Dã Phu và Bách Xuân Đề (100 chữ xuân qua các thời kỳ)

Ra chợ chữ lại thấy thêm một nỗi buồn nữa. Ấy là các thầy Đồ viết chữ Hán bằng bút lông của Tàu chính hiệu, bằng mực của Tàu chế ra và viết trên giấy cũng lại nhập của Trung Quốc. Không biết cứ sau một vụ Xuân, một vụ tết, người ta tiêu thụ bao nhiêu giấy, bao nhiêu mực cho Trung Quốc ở đây. Tuyệt nhiên không nhìn thấy một sản phẩm nào là của Việt Nam tại chốn chợ chữ này cả. Nhiều doanh nhân Việt Nam hay khoe là chế tạo được những thứ này thứ khác nhưng có đến tờ giấy viết thư pháp mà cũng không làm nổi, phải đi nhập và góp phần làm giàu cho Trung Quốc thì còn nói gì nữa.

Cũng lại nhân chuyện này, phải nói thêm về giới doanh nhân Việt. Bấy lâu nay, chúng ta cứ tự hào, vỗ ngực khen các doanh nhân nào là sáng tạo, nào là cần cù, chịu khó, nào là tâm - tài, nhưng than ôi, thử hỏi xem ngành công nghiệp Việt Nam đã làm được những gì? Đến tờ giấy để viết thư pháp cũng không sản xuất được; một năm sản xuất cả trăm tỉ USD xuất khẩu nhưng không làm ra được sợi chỉ, mảnh vải, thậm chí cái kim, cái cúc áo, cúc quần cũng phải đi nhập. Hóa ra Việt Nam là một công xưởng gia công vĩ đại. Còn cái gọi là nội lực của chúng ta thì có lẽ chỉ là con số 0.

Ở chợ chữ này, đúng là vì nằm giáp tường Văn Miếu cho nên lượng người đến rất đông. Tuy nhiên, từ ngày chợ chữ tự mọc ra, các cơ quan có trách nhiệm, quản lý văn hóa, trật tự đô thị không nghĩ ra được cách gì để quy hoạch lại cái chợ chữ này cho có văn hóa, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, vừa đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè và tạo điều kiện cho người bán chữ cũng như mua chữ. Tết con Ngựa này, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội nghĩ ra “sáng kiến” dồn các ông Đồ ra khu vực hồ Văn trước cửa Văn Miếu và “nhốt” các ông Đồ chung với bãi giữ xe. Được vài ngày, thấy vắng quá, các ông Đồ liền hè nhau ra “tái chiếm” vỉa hè phố Văn Miếu. Và thế là, hậu quả - những ông Đồ nào nghiêm chỉnh chấp hành đi ra hồ Văn ngồi viết chữ thì lâm vào cảnh đìu hiu, vắng khách, còn những ông Đồ nào nhanh chân chiếm được vỉa hè thì đúng là “cười như địa chủ được mùa”.

Nhà thư pháp "Răng đen"

Muốn kiếm tiền ở chợ chữ này trong khoảng hai chục ngày trước và sau tết xem ra cũng dễ.

Thứ nhất, phải có “bộ dạng ông Đồ”. Nghĩa là tuổi tác cũng phải kha khá, tóc dài, râu bạc và có bộ mặt nom cũng phải “cổ kính”.

Thứ hai, ít ra cũng phải “lận lưng chút vốn liếng” chừng mươi chữ Hán. Những chữ thông dụng nhất thì cố mà nhập tâm để viết cho đúng. Còn những chữ ít phổ biến hơn thì đã có “phao”, cẩn thận hơn thì sắm thêm một bộ Từ điển thư pháp cho chắc ăn.

Không đâu phải trái, trắng đen, chữ nghĩa lẫn lộn như ở cái chợ chữ này. Và cũng chẳng ở đâu người ta lại thể hiện cái cảm thụ văn hóa bát nháo, nông cạn như ở chốn này.

Đây mới là bi kịch cho Thủ đô thanh lịch. Và không hiểu những người có trách nhiệm quản lý về mặt văn hóa có nghĩ đến chuyện phải thay đổi, phải quy hoạch quản lý cái chợ chữ này làm sao để người dân biết được những ông Đồ nào là Đồ thật, Đồ nào là… Đồ đểu hay không?!

Nhà văn Nguyễn Như Phong