Khai bút đầu Xuân ngày nào đẹp, xin chữ nào hay?

07:00 | 05/02/2022

432 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo truyền thống xưa, các trí thức sẽ tiến hành nghi thức khai bút đầu năm vào sau thời khắc giao thừa, khi trời đất vừa chuyển mình bước sang năm mới. Ngày nay phong tục này đã có những thay đổi, việc khai bút không nhất thiết tiến hành ngay thời khắc sau giao thừa nữa mà tính vào những ngày đầu năm mới.

Tục khai bút và đi xin chữ đầu xuân bắt đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII, được gắn liền với hình ảnh người thầy giáo Chu Văn An đã về Chí Linh (Hải Dương) để mở lớp dạy học.

Khai bút đầu Xuân ngày nào đẹp, xin chữ nào hay?
Xin chữ tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám Tết Nhâm Dần 2022

Từ đó đến nay, vào dịp Tết, học trò đến thăm thầy cô giáo, khi ra về thường được thầy cô giáo tự tay viết tặng cho một chữ mang ý nghĩa nhắn gửi lẽ sống cho người đó. Ai nhận được chữ cũng đều cảm thấy hết sức may mắn và trân trọng.

Từ đó về sau, tục khai bút được lưu truyền không những biểu trưng cho sự hiếu học mà còn thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, sự thành kính của học trò đối với người thầy của mình.

Khai bút đầu Xuân ngày nào đẹp, xin chữ nào hay?
Ông Đồ viết chữ trên đường phố Hà Nội xưa

Khai bút đầu năm không phải nghi lễ bắt buộc phải thực hiện trong ngày Tết nhưng trong tiềm thức người Việt, nó đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống, được giữ gìn cho đến tận ngày nay.

Theo truyền thống xưa, các trí thức sẽ tiến hành nghi thức khai bút đầu năm vào sau thời khắc giao thừa, khi trời đất vừa chuyển mình bước sang năm mới. Ngày nay phong tục này đã có những thay đổi, việc khai bút không nhất thiết tiến hành ngay thời khắc sau giao thừa nữa mà tính vào những ngày đầu năm mới.

Việc khai bút đầu năm nên chọn thời điểm ban ngày, khi trời đất sáng sủa, có ánh nắng chiếu rọi. Người khai bút nên chọn những câu chữ ý nghĩa thể hiện ước vọng của bản thân. Tuyệt đối không nên bỏ dở khai bút giữa chừng.

Khai bút đầu Xuân ngày nào đẹp, xin chữ nào hay?
Người dân Thủ đô xếp hàng xin chữ đầu năm

Ví dụ như ngày mùng 4 Tết Xuân Nhâm Dân năm nay được xem là ngày Lập xuân 2022, ngày khởi đầu của chu kỳ 4 mùa trong năm nên rất phù hợp để thực hiện nghi thức khai bút. Là ngày Mậu Tý, tháng Nhâm Dần, năm Nhâm Dần: Thanh Long Hoàng đạo, thuộc Tiết Lập xuân, Trực Khai (Tốt mọi việc trừ động thổ, an táng)

Giờ tốt khai bút: Nhâm Tý (23h-1h), Quý Sửu (1h-3h), Ất Mão (5h-7h), Mậu Ngọ (11h-13h), Canh Thân (15h-17h), Tân Dậu (17h-19h).

Hay mùng 5 Tết (tức 5/2/2022 Dương lịch) cũng là ngày tốt để khai bút đầu Xuân. Là ngày Minh Đường Hoàng đạo, thuộc Tiết Lập xuân, Trực Bế (Tốt cho các việc đắp đập, ngăn nước, xây vá những chỗ sụt lở, lấp hố rãnh)

Giờ tốt khai bút: Bính Dần (3h-5h), Đinh Mão (5h-7h), Kỷ Tỵ (9h-11h), Nhâm Thân (15h-17h), Giáp Tuất (19h-21h), Ất Hợi (21h-23h)

Các em học sinh có thể thực hiện khai bút đầu xuân với nhiều câu chữ ý nghĩa.

Theo tục lệ xưa, các nhà nho, ông đồ thường khai bút bằng cách viết thư pháp những chữ, câu đối giàu ý nghĩa tốt đẹp lên tờ giấy đỏ với hàm ý chỉ sự may mắn, thịnh vượng. Tuy nhiên, ngày nay, trí thức và học sinh có thể khai bút trên những tờ giấy sạch đẹp, viết lên đó những câu đối, câu thơ, danh ngôn, lời chúc giàu ý nghĩa để dành tặng cho người thân, bạn bè,….

Một số câu đối ý nghĩa có thể dùng khai bút đầu năm 2022

“Niên niên như ý xuân/ Tuế tuế bình an nhật” (Năm năm xuân như ý / Tuổi tuổi ngày bình an)

“Môn đa khách đáo thiên tài đáo/ Gia hữu nhân lai vạn vật lai” (Cửa nhiều khách đến nhiều tiền đến / Nhà có người vào lắm vật vào

“Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ/ Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường” (Trời thêm năm tháng, tuổi thêm thọ/ Xuân khắp đất trời, phúc khắp nhà)

“Phúc sinh lễ nghĩa gia đường thịnh/ Lộc tiến vinh hoa phú quý xuân” (Phúc đem lễ nghĩa trong nhà thịnh/ Lộc nảy vinh hoa phú quý xuân)

“Tết trong nhà, Tết ra ngoài phố/ Lộc trên trời, lộc xuống nhân gian”

Một số câu danh ngôn ý nghĩa để khai bút:

"Bạn không cần một năm mới để thay đổi. Bạn chỉ cần một ngày thứ hai. Hãy thực hiện những thay đổi cuộc đời mình trong tuần lễ này."

"Một người lạc quan thức đến nửa đêm để đón giao thừa. Người bi quan thức để chắc chắn rằng năm cũ đã qua." - Bill Vaughn

"Mục tiêu của năm mới không phải là chúng ta cần có một năm mới. Cái chính là ta phải có một tâm hồn mới." - G. K. Chesterton

Khai bút bằng những câu chúc Tết ngắn gọn, giàu ý nghĩa

Vạn sự như ý; An khang thịnh vượng; Đại phú đại quý; Phát tài phát lộc;Công thành danh toại; Phúc lộc an khang; Ngũ phúc lâm môn; Tấn tài tấn lộc; Mã đáo thành công; Xuân vinh hoa, tết phú quý...

Một số chữ thông dụng nên xin trong năm mới Nhâm Dần 2022

Chữ "Lộc" biểu trưng cho tài lộc: Những người xin chữ này muốn có một năm làm ăn phát tài, phát lộc. Mọi người tặng nhau chữ lộc như là lời chúc may mắn, thành đạt tới người nhận. Vì vậy chữ lộc được rất nhiều người lựa chọn xin vào đầu năm để treo trong nhà.

Chữ "Phúc" tượng trưng cho hạnh phúc, may mắn, sung sướng, thể hiện mong muốn có một cuộc sống ấm no hạnh phúc cho gia chủ. Đã từ lâu chữ phúc đã là biểu tượng phổ biến được trang trí trong nhà của người dân Việt.

Chữ "Thọ" biểu tượng cho sự sống lâu trăm tuổi, người xin chữ này thường mong muốn có một cuộc sống ấm no, mạnh khỏe, tránh được tai ương. Chữ thọ thường được các bạn trẻ xin về để chúc thọ ông bà, cha mẹ với mong muốn gia đình mạnh khỏe, sung túc, và thể hiện lòng thành kính với bậc bề trên.

Chữ "Tâm" với hàm ý chỉ sự yên bình, Tâm mang một ý nghĩa Phật giáo sâu sắc trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Muốn con người tu dưỡng đạo đức để cho tâm được thanh tịnh, xóa hết dục vọng, ích kỷ, hận thù, để có một cuộc sống thanh thản, yên bình.

Chữ "Đức" để răn dạy bản thân là biểu trưng cho đạo đức của con người, nét đẹp của con người. Người xin chữ đức vốn để răn dạy chính bản thân mình cần phải sống thực với chính bản thân mình, làm đúng theo lương tâm mình để tâm hồn được thanh thản.

Chữ "Tài" biểu trưng cho tài năng, là khả năng làm được một việc chất lượng nào đó, thể hiện mong muốn thành đạt trong cuộc sống của người xin chữ, chữ tài cũng là lời chúc thành đạt của những người muốn xin chữ này để đem tặng.

Chữ "An" tượng trưng cho bình an, chữ An tượng trưng cho sự bình an, với mong muốn một cuộc sống an lành, hạnh phúc. Chữ An là loại chữ được xin nhiều nhất để treo trong nhà. Từ xưa, không chỉ là được xin trong ngày Tết, mà chữ An đã là biểu tượng thường được thêu lên tranh để làm vật trang trí trong nhà của nhiều gia đình.

Chữ "Nhẫn" là độ lượng, là sự khoan dung hay nói rộng ra, nhẫn là biểu tượng cho bản lĩnh con người. Nhiều người xin chữ Nhẫn về treo trong nhà với ngụ ý tự răn chính bản thân mình phải biết nhẫn nhịn để giữ hòa khí trong gia đình, làng xóm, để có một cuộc sống yên ấm.

Chữ "Hiếu" là loại chữ phổ biến được xin đầu năm, người xin chữ thường dùng để tặng ông bà, cha mẹ, để thể hiện sự biết ơn về công ơn sinh thành, nuôi dưỡng khó nhọc của ông bà, cha mẹ, đồng thời cũng thể hiện tấm lòng quan tâm, chăm sóc của con cháu.

Minh Châu