“Nghệ thuật” diệt… chuột đồng

07:00 | 12/01/2014

4,337 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi dân nhậu coi món thịt chuột là khoái khẩu thì mấy năm gần đây thịt chuột đồng đã trở thành món đặc sản, khó có thể kiếm được mà chén. Và nghề săn chuột đồng, trước vẫn được coi là công việc ất ơ nhất nay lại là nghề “hot”, có người kiếm cả chục triệu đồng/tháng. Chúng tôi đã về xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng để “cười ra nước mắt” khi chứng kiến cảnh “no ấm nhờ chuột”!

Năng lượng Mới số 288

Kỳ lạ một thứ nghề

Chúng tôi tìm về xã Kiến Quốc khi vụ mùa vừa mới đi qua, dưới nền ruộng còn lổn nhổn những gốc rạ bàng bạc vì gió hanh. Thời điểm này là chính vụ săn chuột và nói không ngoa, Kiến Quốc là địa phương đứng đầu trong phong trào “diệt chuột” của cả nước. Người dân mua được xe máy tay ga, mua được tivi màn hình mỏng, thậm chí xây được nhà mái bằng cũng từ... chuột. Âu cũng là chuyện hiếm xưa nay.

So với thời gian trước, cánh đồng ở xã Kiến Quốc thì ngày càng thu hẹp lại bởi đất thì vẫn thế mà người thì ngày càng đông. Người ta đang lấn cả ra ruộng để xây nhà, trồng cây bởi người nông dân cũng bắt đầu thở dài trước cây lúa, củ khoai. Chẳng phải vụ gặt nhưng cánh đồng vẫn lô nhô người, tiếng người hô hoán, cười nói cứ rộn rã sau những bờ xôi ruộng mật.

Tôi giật bắn mình bởi tiếng hô thất thanh: “Bắt lấy, bắt lấy nó!”. Sau đó là một bóng người vọt ra sau gò đất, rồi hùng hục chạy miết. Theo sau người đó là 4 người nữa, họ tỏa ra các hướng rồi bất ngờ quây tụ lại một chỗ để… bật vồ. Cả đám bò lăn bò toài dưới gốc rạ, húc cả đầu vào nhau. Họ bất giác cười sằng sặc rồi phủi quần áo đứng dậy. Con chuột đầu đàn béo kễnh bụng bị tóm gọn giãy giụa trên tay. Có người móng chân đã tứa máu.

Ông Bình đang đặt rọ lưới vào cửa hang chuột

Đội trưởng đội săn chuột ấy là ông Đào Văn Bình, 49 tuổi, hai cẳng tay ông đen bóng như tre ngâm. Nghỉ tay phì phèo điếu thuốc lá, ông kể rằng, ông đi săn chuột từ năm 15 tuổi, tính đến nay ông đã có 34 năm trong nghề. Bà con trong làng phong cho ông danh hiệu “Kiện tướng bắt chuột” bởi sau mấy chục năm đào bới, chỉ cần nhìn vết đất là biết được trong hang nhiều chuột hay ít. “Ngày tôi còn bé, người ta ăn thịt chuột cũng chỉ vì thèm thịt quá, tôi đi bắt chuột cũng chỉ vì miếng ăn. Nhưng đến giờ, món thịt chuột bỗng biến thành đặc sản, tôi may mà có nghề này nên cũng có đồng ra đồng vào”.

Đội săn của ông Bình có cả thảy 5 người, mỗi người được bố trí một nhiệm vụ. Đồ nghề của người đi săn chuột phải đầy đủ 8 thứ bao gồm: thuổng, móng, vịt (lồng đựng), vợt lưới, liềm, cuốc, thùng nước và lưới quây. Tùy từng địa hình mà người ta sử dụng những đồ nghề ấy với những công dụng khác nhau.

Chúng tôi dừng lại ở một gò đất nham nhở những thân cây sắn còn lại sau vụ thu hoạch. Vết chân chuột đồng chi chít trên nền đất ẩm. Ông Bình lặng lẽ lật cỏ xem cửa hang rồi đặt vợt lưới vào những nơi khả nghi nhất. Ông chọn hang “chủ” rồi ra sức dùng thuổng đào đất. Mấy cục đất nhỏ, nhẵn thín từ trong cửa hang khẽ lăn ra.

Ba người phục kích vòng ngoài nín thở chờ đợi. “Soạt”, lũ chuột đồng thấy động chạy túa ra rồi chui tọt vào vợt lưới đã đặt sẵn. Đội săn chuột tỏa ra các hướng để... vồ đám chuột thoát ra từ các cửa hang khác. Họ chạy roàn roạt dưới nền ruộng khô rồi vồ, chộp ở đủ mọi tư thế. Một tay cầm chuột còn tay kia tiếp tục vồ. Cánh đồng rộng mênh mông, lũ chuột không có chỗ nào ẩn nấp nên đành chạy lòng vòng. 4 “thợ săn” cũng hùng hục chạy theo sau. Một cảnh rượt đuổi nhốn nháo trong tiếng hò hét vang trời.

“Còn con đầu đàn, mọi người im lặng không nó chạy mất”, ông Bình vừa hét vừa giơ tay ra hiệu cho đám người xung quanh. Ông khệ nệ xách một thùng nước, đổ từ từ xuống chân gò rồi lắng tai nghe. Có tiếng động đậy rí rách trong bụi cỏ. Bất thần, một chú chuột lao ra ngoài. Ông bật người, lao theo như thủ môn cứu bóng. Lỡ đà, ông lăn một vòng rồi lồm cồm bò dậy, mặt mũi bê bết những bùn, tay giơ lên một con chuột to sụ, béo kễnh bụng… hỉ hả!

Mọi người xung quanh ồ lên một tiếng rồi tới tấp chạy lại xem. Ông Bình tóm chặt gáy con chuột đang giãy trên tay, run run nói: “Tôi phục bắt con này cả tuần nay rồi. Nó ranh lắm, lùa hang này nó chạy sang hang khác”. Con chuột đen xì, to như con mèo, nặng dễ đến 0,5kg. Ông Bình ngoặt đầu nó lại, dùng thuổng nện đánh “pắc” một cái. Đôi răng cửa trắng ởn của nó bay ra ngoài. Đến lúc này con chuột đầu đàn đành phải nằm im cùng đám đệ tử của nó ở trong lồng.

“Chuột đầu đàn thường rất hung hãn, chúng mà cắn thì buốt tận óc. Không cẩn thận nhiễm trùng thối cả ngón tay”, ông nhanh tay vừa buộc lại cửa lồng vừa nói. Mấy chục năm săn bắt chuột, đã không ít lần ông Bình nếm trái đắng. Có lần, ông đào toang cả một chân gò để săn con chuột đầu đàn. Con này là con chuột già, lông vàng óng trông như con chó con. Đã nhiều lần ông trông thấy nó vọt khỏi hang mà không làm gì được. Nó rất khôn, đổ nước vào hang nó không sợ, hun khói nó cũng không ra. Chỉ còn cách duy nhất: đợi nó vào hang cụt rồi…  đào vào tận cuối hang mới bắt được. “Con chuột rơi vào đường cùng phi ra “đợp” cho tôi một phát vào cổ tay, máu lênh láng, đau buốt lên tận óc. Tôi bị nhiễm trùng sốt hầm hập ngay đêm đó, phải tiêm kháng sinh cả tuần mới khỏi”, ông Bình kể.

Săn chuột cũng lắm công phu

Nghề săn chuột đồng cũng thật kỳ công, người săn chuột nếu không có kinh nghiệm thì có khi đi săn cả buổi cũng chỉ xách lồng về tay không. Nghe cánh thợ săn kể chuyện, tôi chợt nghĩ rằng, có lẽ phải dùng từ “binh pháp săn chuột đồng” để nói về phương pháp của những nhóm thợ săn.

Ông Bình và các thành viên trong đội săn của mình bắt đầu quây lưới từ khắp các cửa hang, dưới nền một gò đất cao, chi chít tổ mối. Họ tăm cửa hang và ghim rọ vào đó. Lưới được quây lên, chuột chạy ra cứ luẩn quẩn trong đó, không con nào thoát được.

Anh Phạm Năng Minh, một thành viên trong đội săn nói: “Ở địa hình như thế này, nếu phán đoán sai hướng hang, chuột đua nhau chạy ra ngoài khu vực quây lưới phi xuống đám bèo thì công lao coi như công cốc. Chúng tôi phải “tăm” kỹ cửa hang để biết được hệ thống hang của nó, bọn này cũng ma quái lắm, nhiều ngõ ngách như vậy, ấy mà có khi đó chỉ là hang một cửa. “Chiêu” này thì chỉ có cánh thợ săn chuyên nghiệp mới biết được”.

Thịt chuột vàng ngậy sau khi thui rơm

Săn chuột ở những đồng xa, thợ săn phải dậy từ 4 giờ. Đến khoảng 13 giờ, cho dù được ít được nhiều, tất cả các nhóm săn phải thu lượm đồ nghề để về chế biến thịt chuột cho kịp buổi chợ. Công việc chế biến này phụ thuộc vào đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ.

Ở đây tôi được biết bà Vượng - vợ ông Bình có thâm niên làm lông chuột đã mấy chục năm. Bà kể: “Lông chuột gần giống như lông vịt, rất khó vặt nên phải có bí quyết. Thịt chuột có ngon hay không là do người làm lông. Nước sôi phải vừa đủ độ thì thịt chuột không hôi và bị tróc da”. Cách chế biến thịt chuột là bí quyết được rút ra qua nhiều năm làm nghề. Nước làm lông chuột phải pha cùng với tro rơm đồng. Trước khi làm lông, con chuột phải còn sống thì thịt mới thơm ngon. Chuột được làm sạch sẽ, bỏ hết đầu, chân, đuôi và gan ruột rồi cho vào nồi luộc một nửa. Một nửa còn lại là thịt sống để cho thực khách tùy ý chế biến.

Bà Vượng cho chuột vào mẹt, vội vã đem ra chợ. Cả một góc chợ Kiến Quốc đã trắng màu thịt chuột. Món ăn này đã trở thành đặc sản không chỉ với người dân trong vùng mà nhiều người ở vùng lân cận cũng tìm đến mua. Những ngày mưa, thợ săn không săn được nhiều, thịt chuột trở thành “hàng hiếm” với giá khoảng 80.000 đồng/kg.

Thịt chuột được chế biến thành nhiều món khác nhau như luộc ép lá chanh, giả cầy, rang, nấu đông, ăn lẩu… Trong đó món nấu giả cầy ăn kèm với bánh mỳ được người dân cho là món ăn ngon nhất.

Anh Đào Văn Viên, 34 tuổi, một người dân xã Kiến Quốc cho biết: Vào mùa chuột, khách ở các xã lân cận sang chợ Kiến Quốc mua rất đông. Món thịt chuột trở thành một món rất sang trên bàn nhậu. Từ xưa tới giờ, tôi chưa thấy ai ăn thịt chuột bị ngộ độc hay mang bệnh cả.

Vào mùa săn chuột, bất kể là tay săn chuyên nghiệp hay nghiệp dư, đi lao động tứ xứ lại trở về làng gia nhập vào đội quân hùng hậu này. Thời điểm cao trào, xã Kiến Quốc có khoảng 150 người, chia làm nhiều nhóm đi săn chuột khắp hang cùng ngõ hẻm. Họ đem cả cơm nắm, nước uống rồi cứ thế mải miết đi như dân du mục.

Những tai nạn có một không hai

Họ cứ đi như thế hết cánh đồng ở huyện Kiến Thụy rồi tìm sang các huyện lân cận như Thủy Nguyên, An Lão để săn. Ông Minh phả khói thuốc lào trắng xóa rồi chậm rãi kể: “Cũng vì kiếm miếng cơm mà anh em chúng tôi phải lang thang làm cái nghề mạt hạng này. Có nhiều chuyện hãi hùng lắm chú ơi”.

Cách đây khoảng hai năm, ông Minh một mình đạp xe, vác thuổng sang cánh đồng huyện Thủy Nguyên. Trưa đó, cánh đồng vắng tanh không một bóng người. Nhìn chân gò đất bóng láng, rõ ràng là con chuột rất to. Ông mừng húm rồi ra sức đào tìm cửa hang. Nhát thuổng thứ hai thục xuống kêu “kịch” một tiếng, ông tưởng đánh thuổng phải đá nên bới đất ra xem. Ai ngờ đó là một cái mả hoang và thứ ông tưởng là đá thì ra là… một cái sọ người. Ông buông thuổng, vất cả lồng chuột mà chạy bán sống, bán chết.

Ở chợ Kiến Quốc, thịt chuột đã thành đặc sản

Trong nhóm của ông Minh có anh Nguyễn Đức Huy, sinh năm 1983 trẻ nhất. Nhà Huy nghèo, bố mất sớm, nên mới 10 tuổi Huy đã vác thuổng theo người lớn đi săn chuột. Biệt hiệu Huy “chuột” cũng là do bạn bè đặt cho. Đến giờ, độ “sát chuột” của Huy cũng không kém gì các “cây đa, cây đề” trong làng. Một bận, ham con chuột to, Huy nhoài người vồ chẳng may ngã úp mặt vào tảng đá. Quay ra, miệng cậu đầy máu, gãy mất hai cái răng cửa.

Huy nói vui: “Mình đã bẻ răng cửa hàng vạn con chuột, giờ chúng bẻ lại hai cái răng cửa của mình. Thế là hòa”.

Thế nhưng, những điều đó đều không nguy hiểm bằng khi dân săn chuột “săn” nhầm phải rắn độc. Hồi mới vào nghề, đào hăng quá, ông Bình bị một con rắn cạp nong mổ vào bắp chân. May sao ông nhanh trí xé tay áo, buộc chặt bắp chân lại không cho máu lưu thông. Sau đó, ông vội lê vào làng, hỏi thăm nhà thầy thuốc để chữa trị. Ông thoát chết nhưng rồi từ đó, nỗi ám ảnh về rắn độc cứ đeo đẳng ông mãi.

Chuột thì ở đâu mà chẳng có, cánh đồng nào sau vụ gặt cũng nhiều chuột, nhưng săn chuột trở thành một nghề, mang lại thu nhập chính cho người dân như ở xã Kiến Quốc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mùa săn chuột chỉ diễn ra chóng vánh trong vài tháng cuối năm. Khi đó, lúa vừa gặt xong, ban đêm chuột ra khỏi hang tìm ăn những hạt thóc còn vương lại trên đồng nên con nào con nấy béo mượt lông, thịt thơm ngậy. Khi người ta đã làm đất ải, nước đổ đồng rồi thì thịt chuột ăn rất hôi. Mùa săn chuột cũng kết thúc từ đó.

Giá thịt chuột cũng dao động trong khoảng 50.000-80.000 đồng/kg. Mỗi mùa săn cật lực, không bị gãy chân tay hay ốm đau gì ông Bình cũng kiếm được vài chục triệu đồng. Với gia đình ông, món tiền đó quả là rất lớn và trở thành nguồn thu nhập chính. “Nghề đào chuột là nghề gia truyền của nhà tôi đó chú. Ông nội tôi xưa kia cũng sống nhờ nghề đào chuột, bố tôi cũng thế. Tôi nuôi hai con tốt nghiệp đại học cũng nhờ cả vào cái nghề chẳng lấy gì làm vẻ vang này”, ông Bình nói giọng tự hào.

Ông Đào Xuân Oong - Chủ tịch xã Kiến Quốc nói: “Tôi có người họ hàng từ Hà Nội về chơi. Hỏi có ăn thịt chuột không, ông này trợn mắt lắc đầu nguầy nguậy. Tôi bí mật chặt thịt chuột thành từng miếng nhỏ rồi bày ra đĩa đãi khách. Khách ăn khen ngon tấm tắc. Tôi nói ra, người khách trách mắng vài câu nhẹ nhàng rồi “nghiền” luôn thịt chuột từ đó”.

Ông Oong khẳng định: “Săn chuột ở Kiến Quốc trở thành một nghề cũng bởi vì người dân có bí quyết trong việc chế biến thịt chuột. Nó đã làm tăng thêm thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Xã Kiến Quốc có diện tích đất nông nghiệp ít, nghề nuôi trồng thủy, hải sản hạn chế. UBND xã có chủ trương khuyến khích phong trào diệt chuột bảo vệ mùa màng, cung cấp thực phẩm cho bà con. Bên cạnh đó, UBND xã cũng tuyên truyền đến những người dân tham gia bắt chuột phải bảo vệ bờ vùng bờ thửa, tránh tình trạng đào bới làm hỏng mương nước nội đồng. Hiện tại, xã đã thành lập các đội diệt chuột ở các thôn, tuyên truyền vận động bà con bảo đảm giữ gìn an ninh khi tham gia bắt chuột.

 “Nghề này cực lắm, cố nốt mùa này, con út nhà tôi tốt nghiệp ra trường nữa là nghỉ. Ông nhà tôi sức khỏe yếu rồi, có đêm về nằm mơ cứ la hét liên hồi: Bắt lấy nó, bắt lấy nó. Ông ấy khua khoắng chân tay, còn đấm cả vào mặt tôi”, bà Vượng cười, nét nhăn hằn lên mặt.

Phóng sự của Vũ Minh Tiến