Xử lý nợ xấu: VAMC cần thời gian!

11:03 | 07/08/2013

726 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo giới chuyên gia, những thách thức mà Công ty Quản lý tài sản Quốc gia (VAMC) sẽ phải đối diện trong xử lý nợ xấu là không hề nhỏ. Nếu không có một hành lang pháp lý đủ mạnh và sự minh bạch của các tổ chức tín dụng trong việc phân loại nợ xấu thì chắc chắn những nỗ lực giải quyết nợ xấu của VAMC sẽ lại đi vào bế tắc. Điều này cũng là nguyên nhân giải thích vì sao sau 2 tuần chính thức thành lập, VAMC chưa thể bắt tay xử lý nợ xấu!

Tín dụng phản ứng đầy tích vực trước sự ra đời của VAMC.

Đòn bẩy tăng trưởng

Phải nói rằng, sự ra đời của VAMC đang được đặt rất nhiều kỳ vọng, đặc biệt là khi mô hình này đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới a. Và thực tế cho thấy, VAMC đã tạo ra những hiệu ứng đầy tích cực trên thị trường. Theo ghi nhận của PV, ngay sau ngày VAMC chính thức ra mắt, thị trường chứng khoán đón nhận những phiên tăng điểm liên tiếp của các mã cổ phiếu ngân hàng và công ty chứng khoán. Đáng chú ý, bức tranh tăng trưởng tín dụng cũng có chuyển biến rõ rệt khi các tổ chức tín dụng lên tiếng khẳng định xin được tăng hạn mức tín dụng – điều mà có lẽ cách đó không lâu người ta chỉ dám nhắc tới trong “giấc mơ”. Ví như Ngân hàng Nam Á xin tăng room tín dụng từ 9% lên tới 30%; Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển nhà TP Hồ Chí Minh xin nới room lên 20% thay vì 12% như chỉ tiêu được rao trước đó; Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín cũng xin nới tín dụng từ 12% lên 16%...

Đây có thể xem là một tín hiệu rất đáng mừng đối với nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh, 6 tháng đầu năm 2013, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng chỉ dừng ở mức 3%, một con số quá khiêm tốn so với mục tiêu 12% cho năm 2013 được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trước đó. Động thái này cũng cho thấy một điều, nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực rõ rệt và đặc biệt là bài toán tồn kho của nền kinh tế cũng đã được khơi thông phần nào.

Nhận định này cũng được Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7/2013 khi thông tin rằng: Nền kinh tế đã có những chuyển biến đầy tích cực và đặc biệt, tồn kho của nền kinh tế đã trở lại mức bình thường, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh sôi động hơn… Hay như số liệu thống kê của Bộ Tài chính cũng cho thấy, tính đến 30/6/2013, số doanh nghiệp thành lập mới của nền kinh tế là 40.523, trong khi số doanh nghiệp ngừng hoạt động là 24.931 doanh nghiệp.

Đó là thực tế rất đáng mừng đang diễn ra trong nền kinh tế và rất nhiều chuyên gia tin rằng, khi VAMC chính thức bắt tay vào xử lý nợ xấu sẽ “hâm nóng” hoạt động của các tổ chức tín dụng, ngân hàng và dòng tiền trong nền kinh tế sẽ lưu thông. Chúng ta hoàn có thể kỳ vọng vào VAMC bởi thực tế mô hình này đã thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á năm 1997. Có thể kể đến thành công của 1 AMC ( Asset management company - công ty quản lý tài sản) là Danaharta của Malaysia.

Theo đó, cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Ấ năm 1997 đã khiến Malaysia bị ảnh hưởng nặng nề. Đồng Ringgit thời đó mất tới sấp xỉ 50% giá trị. Nợ xấu đang từ mức 2% vọt lên 11.4% vào tháng 8/1998. Trước tình hình đó, Chính phủ Malaysia đã lập ra 3 tổ chức để giảm nợ xấu, trong đó có công ty quản lý tài sản Danaharta. Với những chính sách đặc thù và đặc biệt như bổ nhiệm lãnh đạo ở các tổ chức có nợ xấu, mua lại tài sản của các tổ chức tài chính, phát hành trái phiếu trực tiếp để đổi lấy khoản nợ xấu… Danaharta đã đóng góp đáng kể vào việc phục hồi kinh tế của Malaysia, đưa đất nước này trở thành một điểm sáng trong cuộc khủng hoảng năm 2008 cho đến nay.

Thành công của Danaharta có thể xem là cơ sở để chúng ta tin rằng, VAMC sẽ hoàn thành tốt vai trò xử lý nợ xấu của mình!

Thách thức còn ở phía trước

Trở lại câu chuyện của VAMC có thể thấy, nếu hoàn thành được mục tiêu xử lý 70.000 tỉ nợ xấu từ giờ đến cuối năm, có thể khẳng định ngay VAMC là sự thành công hiếm có trên thế giới, trở thành " tấm gương" cho nhiều nền kinh tế noi theo. VAMC mua nợ của các ngân hàng thương mại với giá trị sổ sách, trả ngược lại bằng một loại trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Nhà nước không phải bỏ một khoản ngân sách khổng lồ nhằm giải quyết "cục máu đông" kia, mà nợ xấu vẫn được giải quyết gọn gàng.

Trên lý thuyết là như vậy, nhưng ngay trước khi ra đời, các chuyên gia kinh tế đã đặt rất nhiều câu hỏi hoài nghi về VAMC.

Trước hết, vốn điều lệ chỉ 500 tỉ đồng, công ty này sẽ phải giải quyết mục tiêu 70.000 tỉ đồng trong sáu tháng cuối năm. Bỏ qua thúc ép về thời gian, thì khoản “đầu tư” lớn gấp 140 lần vốn điều lệ thực sự là điều gây lo ngại. Tất cả các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính đều phải tuân thủ quy định về an toàn vốn. Cụ thể tỉ lệ này ở Việt Nam là 9%. Có nghĩa, nếu tổng tài sản “có” của ngân hàng là 100 tỉ, thì ít nhất họ phải sẵn sàng 9 tỉ đồng vốn tự có.

Tỉ lệ này trên lý thuyết của VAMC sẽ chỉ là 0.7%, một con số quá thấp và quá rủi ro nếu so với quy định của Việt Nam, xa hơn là thế giới với tỉ lệ trung bình khoảng 12%. Nếu giảm bớt mục tiêu xử lý xuống còn 50.000 tỉ đồng, thì đòn bẩy tài chính của VAMC sẽ là 100/1, tỉ lệ cao gấp 5 lần mức “cực kỳ nguy hiểm” vẫn áp vào các tổ chức tín dụng (20/1). Dẫu biết Chính phủ và Ngân hàng nhà nước sẽ “chống lưng” cho VAMC, nhưng điều này sẽ khó giảm bớt những lo âu cho các tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu đặc biệt của Công ty quản lý tài sản quốc gia phát hành.

Một điều khiến nhiều người lo ngại chính là tỉ lệ chiết khấu của Ngân hàng Nhà nước cho trái phiếu của VAMC. Với những thông tin rò rỉ cùng với dự thảo hoạt động của công ty Quản lý tài sản Quốc gia, tỉ lệ này sẽ là 40%. Nếu ngân hàng cầm trái phiếu có giá trị 10 tỉ đồng đến Ngân hàng nhà nước, họ sẽ nhận lại được 4 tỉ đồng, sau khi trích lập các khoản dự phòng, tiền thực đưa vào hệ thống của ngân hàng còn lại khoảng 3,2 tỉ đồng, xấp xỉ một phần ba khoản nợ mà họ nắm giữ. Mà cầm được hơn 3 tỉ này cũng không hề dễ dàng: phải có ít nhất 65% khoản nợ được đảm bảo bằng bất động sản. Các ngân hàng một lần nữa thất vọng.

Lý do tỉ lệ này theo công bố cao nhất chỉ là 50%, lên tới 65% theo các ngân hàng đã là nợ tốt, không việc gì phải bán lại cho VAMC, vừa thiệt về tiền, lại gián tiếp thú nhận về yếu kém trong quản lý nợ. Có khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”, không chừng bị sự kiểm soát đặc biệt của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước. Đó là còn chưa kể đến việc ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng sẽ phải lên giải trình việc sử dụng mấy tỉ đồng ít ỏi kia. Vì vậy, các ngân hàng thương mại thà ôm nợ giấu vào ngăn kéo, không dại gì “ đầu thú”  là “khách hàng lớn” của VAMC.

Như vậy, muốn thu được nợ, VAMC, Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính sẽ phải tăng mức chiết khấu đi cùng với việc nới lỏng các quy định. Đến đây lại xảy ra trường hợp, các ngân hàng thi nhau đi bán nợ cho công ty này. Quả bóng lại được đẩy sang cho Ngân hàng nhà nước. Họ có sẵn sàng bơm đến 5 tỉ USD ( theo một số chuyên gia kinh tế nhận định ) ra ngoài thị trường ? Tiền được bơm ra đi kèm với một loạt lo ngại như lạm phát và lại một lần nữa là nợ xấu. Các ngân hàng cầm tiền rồi cũng còn dám cho vay ra nữa không, khi mà dòng vốn họ giữ hiện giờ vẫn chưa còn đang bế tắc. Có ai dám khẳng định là ngân hàng sẽ không dùng tiền để mua vàng? Đến lúc đó thì thật sự đã đến đường cùng cho nền kinh tế. Đây lại là một vòng luẩn quẩn rất khó tìm ra được câu trả lời thỏa đáng.

Hiện giờ mới chỉ có ngân hàng ACB tuyên bố sẽ bán lại nợ cho VAMC. Là lời phát biểu lúc “cao hứng” hay không còn phải chờ xem, bởi lẽ bán bao nhiêu nợ, loại nợ gì và thời gian như thế nào thì ACB vẫn chưa khẳng định cụ thể.

Dẫu biết VAMC không phải “cây đũa thần” xử lý nợ xấu như lời Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nhưng với tình hình hiện giờ, “cây kiếm”  VAMC vẫn chỉ “nằm im thở khẽ” chưa thể phát huy tác dụng. Bản thân VAMC không có khả nặng tự mình giải quyết khoản nợ xấu khổng lồ đang tồn đọng trong nền kinh tế. Đó là trách nhiệm của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ tài chính, nhanh chóng tạo một hành lang pháp lý đủ mạnh và minh bạch nhằm giúp công ty Quản lý tài sản quốc gia có một cơ chế để thực hiện nhiệm vụ của mình. Việc gấp rút cần làm ngay không phải thúc ép VAMC xử lý 70.000 tỉ nợ xấu, mà tạo tiền đề để công ty bắt tay vào công việc chưa hề định hình.

Bảo Sơn