Bảo hiểm hộ chung cư: Rẻ sao không mua?

14:57 | 25/06/2014

7,360 lượt xem
|
Trong danh mục sản phẩm của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm hộ chung cư đã sẵn sàng. Tuy nhiên, không nhiều người dân quan tâm, dù đã có Quy định bắt buộc các chủ căn hộ chung cư phải mua loại hình bảo hiểm tối thiểu này…

Rủi ro rình rập

Sáng 23/6/2014, chung cư Copac Square trên đường Tôn Đản (Q.4, TP HCM) bốc cháy từ tầng 22 khiến hàng trăm người đang làm việc và sinh sống tại đây tháo chạy xuống đất. Chưa có con số ước tính về thiệt hại, nhưng vụ cháy lại một lần nữa rấy lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ cháy nổ luôn rình rập tại các khu chung cư.

Trao đổi với ông Vũ Minh Hải, Phó TGĐ Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), được biết trước các rủi ro (cháy nổ, giông bão, nước vỡ từ hệ thống, trộm cắp…) tại các khu chung cư, người dân có thể đăng ký bảo hiểm gia đình và người trước các rủi ro tương tự.

Hiện trường vụ cháy tại chung cư Copac

Ở chung cư, nguồn lửa chính có thể phát sinh từ: bếp gas, bếp điện… Bản thân rủi ro từ các nguồn lửa nói trên không cao, tuy nhiên khi kết hợp với yếu tố ý thức và nhận thức kém của con người về công tác PCCC thì các nguồn lửa nói trên trở nên rất nguy hiểm.

Vụ cháy tại khu Copac Square Sài Gòn vừa qua cũng được làm rõ là do sự cố bình gas tại một căn hộ ở tầng 22. Với cuộc sống hiện đại ngày nay thì việc sử dụng các đồ dùng điện trong nhà là điều tất yếu và có thể nói là thiết bị điện được lắp đặt đến mọi nơi, mọi ngóc ngách trong nhà.

Bắt buộc cũng không mua

Theo thông tư 214/2013/TTLT-BTC-BCA của Liên Bộ Tài chính, Bộ Công an thì đối với cơ sở trong đó có nhiều hộ như nhà tập thể, nhà chung cư, các chủ hộ bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy, nổ. Cụ thể, trường hợp xác định được người là chủ sở hữu cơ sở hoặc người được chủ sở hữu giao quản lý hoặc người đại diện chung phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Từng hộ, cá nhân có trách nhiệm nộp phí bảo hiểm cho người đại diện. Trường hợp không xác định được người đại diện thì từng hộ, cá nhân trong cơ sở đó có thể trực tiếp mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

“Thực tế hiện nay hầu như các chung cư chưa mua bảo hiểm, nguyên nhân chính là do người dân chưa ý thức được các rủi ro cháy nổ nên không quan tâm đến việc mua bảo hiểm hoặc tiết kiệm chi phí”, Phó tổng giám đốc BIC Vũ Minh Hải chia sẻ theo thực tế.

Các tòa chung cư mặc dù đã được mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho phần xây dựng tức là phần khung của toà nhà, tuy nhiên tài sản của dân cư trong toà nhà lại vẫn chưa được bảo vệ. Trong trường hợp này, để tự bảo vệ mình, các hộ gia đình hoàn toàn có thể lựa chọn mua sản phẩm bảo hiểm cho các tài sản bên trong căn hộ. Hiện các sản phẩm bảo hiểm này tương đối phổ biến trên thị trường và đã được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm triển khai. Có những doanh nghiệp bảo hiểm chào mời nhiều gói sản phẩm, với giá chỉ 10.000 đồng/tháng, khá rẻ so với thu nhập của người dân. Phạm vi bảo hiểm rộng, có bảo hiểm cho tài sản có bên trong mỗi căn hộ chung cư, bao gồm từ đồ gỗ, các thiết bị điện dân dụng, đến quần áo, tư trang, đồ trang sức của cá nhân mà không phải liệt kê danh sách khi mua.

Theo tìm hiểu của người viết, người dân cũng có thể lựa chọn điều khoản mở rộng bảo hiểm cho cả trách nhiệm đối với bên thứ ba, bảo hiểm mất tiền thuê nhà và bảo hiểm tai nạn, là những rủi ro luôn gắn liền với thiệt hại mà người dân phải gánh chịu khi có sự cố xảy ra.

Lê Tùng