Vì sao sau Tết công sở vắng hoe còn chùa chiền đông nghịt?

11:37 | 16/02/2014

2,622 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong dòng người đổ về các lễ hội người ta không lạ lẫm gì khi bắt gặp công chức cùng hàng loạt xe công đi vãn cảnh. Đến tận rằm tháng Giêng nhưng nhiều cơ quan, công sở vẫn chưa mặn mà với công việc.

Từ thời xa xưa, cha ông đã có câu: “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, ấy thế mà trong xã hội hiện nay, đó vẫn là thói quen không dễ bỏ. Thế nên mới có chuyện, hết kỳ nghỉ Tết mà công sở vẫn vắng hoe, cơ quan đìu hiu bởi từ sếp đến nhân viên đổ xô đi chùa cầu may hay hí hửng du xuân trẩy hội.

Cảnh thường gặp ở các dịch vụ công sau ngày Tết (ảnh tư liệu).

Trao đổi với PetroTimes về vấn đề này, GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam cho rằng: Nếu có chơi quanh năm cũng không hết lễ hội. Điều đó hoàn toàn chẳng có gì là đáng ngạc nhiên. Bởi, theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước có khoảng gần 8.000 lễ hội, trong đó chủ yếu là lễ hội dân gian với số lượng hơn 7.000. Nếu tính đủ số lễ hội trong cả nước như thống kê trên và chia đều cho 365 ngày trong năm, người Việt có trung bình hơn 20 lễ hội/ngày.

“Tuy nhiên đây là một thói quen đã trở nên lỗi thời trong xã hội hiện đại nhưng vẫn đang kéo dài trở thành thói xấu của người Việt. Chính thói ăn chơi dông dài này đặc biệt là quan chức đã kéo theo không ít hệ lụy và trở thành rào cản đối với sự phát triển xã hội”, GS Thịnh nhấn mạnh.

GS Ngô Đức Thịnh cho rằng muốn quán triệt việc công chức bỏ việc đi chùa chiền trước tiên cần chấn chỉnh từ tâm lý.

Bên cạnh đó, theo nhu cầu của cuộc sống hiện đại, một số lễ hội mới pha trộn giữa truyền thống và hiện đại đã được ra đời và phát triển khá mạnh mẽ.. Không khó để nhận thấy, trên khắp các miền đất nước, đều nhộn nhịp với loại hình lễ hội này. Từ lễ hội bánh Tét tại TP Hồ Chí Minh, lễ hội hoa Đà Lạt (Lâm Đồng), lễ hội du lịch văn hóa Sa Pa (Lào Cai), đến lễ hội cà phê hay ngày hội bánh dân gian Nam bộ... Thậm chí, nhân dịp đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, năm 2014 sẽ có thêm lễ hội đờn ca tài tử diễn ra tại Bạc Liêu.

Chia sẻ với PetroTimes, PGS. TS Lê Quý Đức (Viện Văn hóa và Phát triển) phân tích: Thói quen ăn chơi tháng giêng của người Việt bắt nguồn từ tập quán sản xuất nông nghiệp có từ hàng ngàn năm trước. Tuy nhiên, qua thời gian, quan niệm này đã không còn hoàn toàn đúng. Trong xã hội hiện đại, xã hội công nghiệp, nhịp độ cuộc sống đang vô cùng khẩn trương, quan niệm trên đang trở thành một thói quen xấu, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.

Theo PGS.TS Lê Quý Đức, việc cán bộ, công chức đi vãn cảnh, du xuân trong giờ làm cũng là một dạng của tham nhũng.

Theo PGS Lê Quý Đức, ngày đầu năm, không khó để nhận ra, tại khá nhiều cơ quan, công sở, hương vị Tết vẫn còn đang rất tưng bừng. Họ thường sử dụng thời gian này để gặp gỡ đầu xuân, chúc tụng nhau, tranh thủ giờ làm việc để đi lễ chùa, lễ hội, thăm hỏi người thân, bạn bè… Thậm chí, không ít cán bộ trong trạng thái mặt đỏ gay, lúc nào cũng ngà ngà hơi men vì nhậu nhẹt. Nhiều cơ quan, văn phòng chuẩn bị sẵn rượu và đồ ăn nhanh để các sếp cùng nhân viên chúc tụng nhau. Công việc cứ diễn ra từ từ, thủng thẳng từ sáng cho đến hết ngày, tinh thần hăng hái trong công việc bị giảm sút đáng kể.

Tại không ít cơ quan, đơn vị, những ngày làm việc sau Tết thường được lui lại đến cả tiếng, thậm chí vài tiếng đồng hồ. Một số cán bộ, nhân viên thậm chí đi muộn về sớm. Người có mặt đúng lịch, đúng giờ giấc quy định của cơ quan, thì ngày làm việc đầu tiên của năm mới cũng chỉ có mặt để “đánh trống ghi tên”, mắt trước mắt sau rồi “chuồn”. Một số lượng lớn trong số những người này tranh thủ đi lễ, đi chùa. Đây cũng chính là lý do để giải thích vì sao cứ lễ hội, chùa chiền đầu năm lại đông đến mức kinh khủng như vậy.

Chùa Đồng (Yên Tử - Quảng Ninh) trên đỉnh non thiêng luôn chật kín khánh hành hương chen lấn nhau hành lễ, cầu may dù tiết trời đầu xuân lạnh giá.

Trong khi các cơ quan, công sở vắng vẻ thì tại hầu hết các đền, chùa, khu di tích nổi tiếng như: Phủ Tây Hồ, Chùa Hương (Hà Nội) chùa Tây Thiên (Vĩnh Phúc), chùa Yên Tử (Quảng Ninh)... nơi nào cũng đông nghịt người đến lễ bái. Đã hết kỳ nghỉ Tết nguyên đán cả tuần nhưng, nhưng tại các đền, chùa người đi lễ đông như mở hội. Một người dân sống cạnh chùa Hương cho biết: “Đầu năm mọi người thường dâng sao giải hạn, phải đi đăng ký với nhà đền, nhà chùa cho kịp thời gian. Rồi từ cách ăn mặc, đi xe của họ cũng dễ nhận thấy rất nhiều nhân viên công sở. Người thì lấy cớ ra ngoài có việc, người thì tranh thủ đi lễ chùa lấy lộc…”.

Bàn về tình trạng công chức lơ là công việc trong dịp đầu năm, một cán bộ Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) giải thích: Tình trạng đó, có phần bắt nguồn từ tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi...”. Hơn nữa, trong thời điểm hiện nay, một số hủ tục lại được khôi phục và nở rộ hơn trước, như: đi lễ, chùa quá nhiều; xem bói, tướng số, tử vi đầu năm; giải hạn... Đặc biệt, một bộ phận cán bộ, công chức cũng đam mê chuyện này.

Thế nhưng, nguyên nhân quan trọng nhất là, hiện bộ máy hành chính vẫn chưa thay đổi, vẫn có sức ỳ lớn, trách nhiệm công chức chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, mỗi cơ quan, đơn vị thực hiện kế hoạch hằng năm vẫn còn cảm tính, quy chế hoạt động không nghiêm, khiến guồng máy làm việc công sở vận hành chậm.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ra công văn yêu cầu công chức không sử dụng xe công làm việc riêng, hoặc đi lễ hội, đền chùa (ảnh tư liệu).

Cũng lý giải cho thói quen đi lễ đầu năm của không ít cán bộ, công chức, nhiều chuyên gia khác nhận định: “Nguyên nhân chính xuất phát từ tình trạng thừa quá nhiều biên chế tại các cơ sở công quyền. Nhiều công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, sống cảnh “đời thừa” tại công sở là minh chứng cho điều đó. Họ quan niệm rằng, vắng cô thì chợ vẫn đông, vắng các nhân viên đi chùa chiền lễ lạt thì công việc ở nhà cũng vẫn chạy. Thế nên họ mới thoải mái trốn việc đi du xuân như vậy”.

Thêm một thực tế khác đó là một bộ phận không nhỏ quan chức với tâm lý dâng lễ vật càng to lên thánh thần thì sẽ xin được càng nhiều lộc. Họ nghĩ rằng, phải đến tận nơi cúng lễ, khấn vái nhiều thì thánh thần mới nhìn được mặt, nhớ được tên mà phù hộ cho một năm phát tài.

Một sự thật hiển nhiên là khi con người chẳng còn biết tin vào cái gì thì chỉ còn biết gửi hết niềm tin vào những giấc mơ hư ảo. Từ tiền tài, bổng lộc, bằng cấp, sức khỏe cho đến tình duyên, đều trông cậy vào “một phép lạ nhiệm màu” từ trên trời rơi xuống. Mục đích vật chất, vị lợi, cầu xin thánh thần phù hộ cho đủ thứ cần thiết thực dụng đã biến cửa đền chùa thành một nơi phàm tục nhất. Nơi con người mong có thật nhiều lợi lộc mà chẳng cần làm gì.

Không chỉ đại đa số người dân, người lao động đặt niềm tin vào đền thiêng, chùa chiền mà giật mình khi ngày nay không ít công chức chọn đây là điểm gửi gắm niềm tin. Trước đây, báo chí cũng đã nhiều lần phản ánh có hiện tượng quan chức lấy xe công đi vãn cảnh, chùa chiền ngay trong giờ hành chính. Thậm chí nhiều người đi du xuân chỉ mang mục đích vui chơi “xem cho biết”.

Nhiều người đến với lễ hội không xuất phát từ cái tâm trong sáng. Họ sắm sanh lễ thật to đến lễ hội chỉ hòng cầu tài, cầu lộc, cầu danh. Lại có người kinh tế còn khó khăn cũng đi hết đền này, chùa nọ để cầu khấn, bỏ bê công việc làm ăn. Có đi lễ hội mới thấy sự lãng phí tiền của cho việc đốt vàng mã, nhang đèn, thời gian, công sức. Tết nguyên đán vừa qua nghỉ dài với thời gian tám ngày, vậy mà những ngày đầu đến công sở một số cán bộ công chức xem ra còn uể oải vì hơi hướng Tết chưa hết. Có cơ quan vừa làm được vài ngày đã lên lịch đi lễ chùa.

Bàn về thực trạng là hiện nay rất nhiều quan chức đặt niềm tin vào thần thánh, họ sính lễ và vung tay chi tiền chốn linh thiêng để cầu tài lộc, GS Ngô Đức Thịnh cũng cho rằng: “Tôi thấy họ đã đi quá đà, đó là mê tín chứ không phải tín ngưỡng. Đấy là chưa kể việc họ dùng xe công, tiền ngân sách để vung tay chi tiền nơi cửa phật. Còn không ít cán bộ hành chính của những cơ quan công quyền buộc phải đến làm việc cũng cố tranh thủ từng giờ từng phút du xuân kẻo thiệt. Ngày xưa quan niệm của cha ông ta khác lắm họ thể hiện cái tâm khi đến chùa chiền chứ không phải qua vật chất. Không như ngày nay, quan niệm của mọi người là để ít tiền lên bàn thờ mới thể hiện lòng thành kính với Phật.

Hay mọi người quan niệm cứ cầu lộc, cầu phúc, cầu may mắn bằng ít tiền lễ và xoa tay vào tượng là đạt được lời cầu. Đó là hành động phải tội, thiếu đi sự tôn kính đối với nhà Phật, mà lại mất đi sự tôn nghiêm, ảnh hưởng đến mỹ thuật của pho tượng. Không phải cứ cầu cúng thật nhiều tiền vàng thì sẽ nhận lại được nhiều như thế. Giá trị vật chất không tồn tại trong các không gian linh thiêng”.

Thảo Phượng