Vì một nền giáo dục đại học tự chủ

07:00 | 23/06/2013

1,946 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mùa tuyển sinh đại học năm nay các trường ngành thời thượng đã giảm sức nóng, tuy nhiên liệu các trường đại học dân lập có vất vả trong khâu tuyển sinh như các năm trước và liệu các trường tư có “phá sản” như phỏng đoán của nhiều người không? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, một trong những trường đại học dân lập uy tín và chất lượng ở Việt Nam hiện nay.

PV: Thưa bà, trước thực trạng khó khăn của đại học dân lập hiện nay bà có suy nghĩ gì?

TS Bùi Trân Phượng: Rất nhức đầu. Nói chung, trong hoàn cảnh đất nước ta hiện nay làm nghề gì cũng khó chứ không riêng nghề giáo. Những năm gần đây ngành giáo dục chịu áp lực rất nặng từ công việc, cơ quan quản lý đến dư luận xã hội.

PV: Thời gian qua, các phương tiện truyền thông nói nhiều về đại học dân lập khát thí sinh trong các mùa tuyển sinh. Vậy quan điểm của bà thế nào?

TS Bùi Trân Phượng: Vấn đề này tôi đã nói nhiều lần rồi. Đơn giản là định kiến xã hội rất nặng nề trong chuyện trường công - trường tư, chuyện học phí thấp - học phí cao… Có báo hỏi tôi nghĩ về khủng hoảng trường tư thì tôi nói là khủng hoảng cả ngành giáo dục chứ đâu riêng gì trường tư. Bây giờ chúng ta thử hỏi có bậc phụ huynh nào yên tâm với ngành giáo dục của nước nhà hiện nay không, từ mầm non đến đại học chứ không chỉ riêng trường tư. Ngay trong ngành giáo dục mà lãnh đạo cấp cao nhất nói là phải “cải cách căn bản và toàn diện ngành giáo dục” thì đúng là khủng hoảng rồi. Trong tình trạng như vậy thì các gia đình có đủ thông tin và điều kiện cho con học trường tư hoặc đi du học đâu có là điều lạ.

TS Bùi Trân Phượng

PV: Bà có nghĩ rằng có sự hiểu biết sai lệch về trường dân lập?

TS Bùi Trân Phượng: Hiểu sai lệch hay hiểu chưa đầy đủ lúc nào chẳng có, về bất cứ vấn đề gì, nhưng không nhiều như người ta tưởng. Tôi không biết ở miền Bắc thì sao chứ ở miền Nam người ta biết về trường tư từ lâu lắm rồi nên không có gì phải băn khoăn cả. Vấn đề là các bậc phụ huynh có điều kiện để cho con đi học không và có ngành học thí sinh muốn hay không chứ không phải ai cũng nghĩ trường tư là không tốt. Hiện nay truyền thông đang thiên lệch chứ không nói tiếng nói của số đông đâu. Thực tế học ở Trường Hoa Sen đóng học phí không thấp, học không dễ và sinh viên cũng không thể ăn gian. Rất nhiều thử thách đó nhưng vì sao người ta chọn Hoa Sen trong khi họ vẫn có chọn lựa khác, thành công hay thất bại thì phụ huynh và sinh viên thấy; chứ nói cho con đi học trường tư có sang gì đâu. Chọn Hoa Sen có lẽ vì họ tin vào giá trị của nó chứ không phải ai cũng định kiến.

Còn trong trường công cũng có trường tốt và không tốt, trường tư cũng có trường tốt và không tốt. Đối với tôi chỉ nên phân biệt chất lượng các trường thôi, không nên phân biệt công - tư, trường lớn - nhỏ, trường mới thành lập - trường lâu năm… càng không nên phân biệt trường đại học nghiên cứu và đại học thực hành - cụm từ này lần đầu tiên tôi nghe ở Việt Nam. Sự dán nhãn này không nói lên thực chất của vấn đề. Thực tế đa dạng, còn chúng ta đang dán nhãn nên làm cho thực tế nó biến dạng đi thôi. Chứ không nên nói hoài chuyện khủng hoảng trường tư, vì đó là tránh né chuyện lớn và toàn diện, tổng thể hơn.

PV: Qua đợt nộp hồ sơ mùa tuyển sinh đại học năm nay, rất nhiều thí sinh chọn ngành theo dự báo khi các trường địa phương ngày càng hút thí sinh và các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng giảm hồ sơ trong khi các ngành sư phạm, kỹ thuật, khoa học xã hội nhân văn tăng trở lại. Bà có cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng, thưa bà?

TS Bùi Trân Phượng: Nó chỉ đáng mừng nếu dự báo là đáng tin cậy; nhưng hiện tại dữ liệu thường chưa có nguồn gốc rõ ràng, phân tích thường chủ quan, cạn cợt, nên dự báo cũng chưa đủ để hướng dẫn thí sinh một cách thuyết phục. Thí sinh tưởng an toàn hơn khi theo dự báo, nhưng thực tế vẫn đầy bất trắc.

PV: Là thành viên trong hiệp hội trường ngoài công lập có lẽ bà hiểu rất rõ về những khó khăn mà trường các đại học dân lập ở nước ta đang gặp phải?

TS Bùi Trân Phượng: Đúng vậy, tôi sinh hoạt trong hiệp hội trường tư thì tôi hiểu vấn đề của trường tư hơn. Và không có nơi nào mà đại học tư thục khó khăn như ở Việt Nam. Vì đại học tư thục ở các nước khác, ví như Mỹ vẫn có thể được nhà nước cấp đất đai cùng với nhiều trách nhiệm khác của nhà nước đối với trường tư. Còn trường công ở ta cũng có những khó khăn riêng vì bản thân tôi từng làm ở trường công 17 năm nên tôi hiểu khá rõ.

PV: Tôi từng gặp một vài vị lãnh đạo đại học công lập họ cũng than phiền về sự khó khăn mà họ gặp phải, trong đó có vấn đề học phí quá thấp.

TS Bùi Trân Phượng: Đúng. Mức học phí ở trường công hiện nay quá thấp, thu vào thấp nên khó xoay sở. Dù họ có muốn làm tốt cũng rất khó. Tài trợ của Nhà nước không đủ bù đắp đối với nhiều trường, chưa nói là họ thiếu quyền tự chủ.

PV: Tuy nhiên, mặt bằng chung hiện nay ở nước ta thì nhiều trường tư khác cũng thu học phí cao nhưng chất lượng không cao?

TS Bùi Trân Phượng: Tôi tin ngày càng có nhiều trường tư chất lượng sẽ cao lên. Vì qua sự sàng lọc thì nhiều trường sẽ làm căn cơ, lâu dài, bài bản chứ không thể ăn xổi ở thì như lâu nay được. Vấn đề là quản lý Nhà nước có thiết lập được cơ chế sàng lọc bên cạnh sự sàng lọc tự nhiên không. Nói vậy thì tôi cũng đặt lại vấn đề là liệu rằng, bây giờ trường công chất lượng thấp có không. Tôi đoán chắc rằng cũng nhiều, trên những phương diện khác nhau. Vì ngay cả những trường công có lực lớn, có sự hỗ trợ lớn của Nhà nước vẫn còn những mặt chưa dám yên tâm.

TS Bùi Trân Phượng trao bằng tốt nghiệp cho các tân khoa tốt nghiệp xuất sắc ĐH Hoa Sen

PV: Tự chủ đại học lâu nay chúng ta vẫn nói tới nhưng dường như trên thực tế là một khoảng cách khá xa?

TS Bùi Trân Phượng: Đại học đúng nghĩa là phải tự chủ, từ cổ đến kim đều như vậy hết. Tôi hiểu ở nước ta nó khó khăn để ra đời đại học tự chủ vì ngoài lý do chính trị - xã hội còn có lý do truyền thống và lý do lịch sử. Đó là những điều mà tôi đã phát biểu tại buổi nhận giải thưởng Phan Châu Trinh vừa rồi, có người nói tôi to gan mới nói như thế. Nhưng tôi nghĩ rằng, mình chỉ nói theo suy nghĩ của người làm khoa học chứ không công kích hay nhắm vào ai hết, mà khoa học thì phải an nhiên, tỉnh táo và lý trí. Cái nghĩa hiện đại của đại học là bắt nguồn từ châu Âu, sau đó Hoa Kỳ làm cho nó phát triển vượt bậc, với tầm vóc khác và tính tự chủ cao hơn.

Đại học được định nghĩa là độc lập với thần quyền và thế quyền. Với phương Tây là độc lập với Thiên Chúa giáo. Pháp gọi là giáo dục thế tục; sau cuộc cách mạng năm 1789 từng bước toàn bộ nền giáo dục cộng hòa đều thoát ly thần quyền để thành thế tục. Còn ngay từ trước đó đại học là bậc học cao nên nó hưởng cái quyền độc lập tương đối trước các bậc học thấp hơn. Do đó, đại học đúng nghĩa nó phải tự chủ, độc lập với thế quyền và thần quyền. Đó không phải là một sáng kiến của ai, lựa chọn của ai mà là sự kiện hiển nhiên. Không như thế thì người ta không gọi là đại học.

PV: Liệu các đại học trên thế giới đều độc lập với thế quyền và thần quyền?

TS Bùi Trân Phượng: Nói một cách tỉnh táo thì bản thân tôi cũng không tin các trường đại học trên thế giới, kể cả Mỹ là hoàn toàn độc lập với thế quyền đâu. Chẳng hạn Nhà nước của họ có những đơn đặt hàng lớn, rót tiền lớn cho nghiên cứu; doanh nghiệp rót tiền lớn cho nghiên cứu thì liệu đại học có giữ vững sự độc lập của mình không? Chưa kể nhiều áp lực đa dạng khác. Đó vẫn là cuộc đấu tranh hằng ngày, hằng giờ chứ không phải đương nhiên có. Tuy nhiên, nếu không có tự chủ ở mức căn bản thì không có không gian cho tư duy, cho khoa học và sáng tạo. Nhà nước ở các quốc gia có truyền thống đại học hiểu điều đó. Và ngày càng có nhiều quốc gia buộc phải hiểu vậy, dù thích hay không. Đại học ở Mỹ và châu Âu bây giờ cũng đang đối diện nhiều thách thức trước đồng tiền vì đào tạo đại học là tốn kém; mà trong xã hội ngày nay nó không còn chỉ dành cho tầng lớp trên, không còn là đào tạo tinh hoa như trước. Nó buộc phải đại chúng hóa, cả vì lợi ích và áp lực của các cá nhân, cả vì lợi ích của xã hội.

Thế nhưng làm gì có thứ đại học nhanh, nhiều, tốt, rẻ được nên muốn tốt thì Nhà nước phải đầu tư nhiều để làm đại học hoặc có ai đó để tài trợ, còn không thì xã hội phải góp tay vào. Có nghĩa là phải thu học phí hay tìm tài chính từ nguồn khác, đơn giản chỉ vậy thôi. Như các nước ở phương Tây đã có nhiều thế kỷ xây dựng bài bản, ngay cả bà hiệu trưởng Trường ĐH Harvard ở tư thế lừng lẫy như thế nhưng chắc cũng không khỏi phải đấu tranh để giữ tính độc lập của đại học đối với các thế lực tiền bạc hay thế lực khác. Hiện nay không có hiệu trưởng đại học nào trên thế giới được bình yên nhưng ít nhất ở những quốc gia có nền tảng đại học lâu đời thì họ dựa được trên nhiều nguồn lực tích lũy, kể cả quyền tự chủ được pháp luật và công luận bảo vệ. Qua đó để thấy rằng, làm giáo dục ở đâu cũng khó. Nhưng mình so với người ta thì trùng điệp khó khăn, muôn khó vạn khó.

PV: Trở lại vấn đề chất lượng giáo dục đại học ở nước ta hiện nay. Hiện vẫn có ý kiến cho rằng, việc ngành giáo dục áp dụng học chế tín chỉ là chưa đúng thời điểm. Bà nghĩ sao về điều này?

TS Bùi Trân Phượng: Tôi không nghĩ là chưa đúng thời điểm mà là do cách làm từ trên xuống và làm đồng loạt như thế chưa phải là cách làm phù hợp. Trường chúng tôi chọn học chế tín chỉ ngay từ đầu. Trước khi chuyển thành đại học, chúng tôi dành thời gian nghiên cứu về vấn đề này, mời chuyên gia nước ngoài về huấn luyện cho giảng viên để người ta thực sự hiểu thế nào là học chế tín chỉ rồi mới áp dụng. Chúng tôi làm bài bản, kiên trì đeo đuổi và từ khi thực hiện đến giờ vẫn phải tiếp tục cải thiện nhiều điều.

PV: Qua quá trình thực hiện học chế tín chỉ, bà thấy kết quả như thế nào?

TS Bùi Trân Phượng: Tôi thấy ổn. Tuy nhiên, những năm đầu cả giảng viên và sinh viên chưa quen với hình thức này nên gặp không ít khó khăn. Tôi từng nghe có người nói không áp dụng học chế tín chỉ được vì thiếu giảng đường rộng. Không phải, cái chính là họ chưa hiểu rõ thế nào là học chế tín chỉ. Qua thực tế tôi thấy sinh viên bắt theo cái mới có phần nhanh hơn giảng viên. Thay đổi quan điểm của sinh viên thì ít khó khăn hơn, ít lực cản hơn là thay đổi giảng viên. Lúc đầu nhiều sinh viên kêu ca là em thấy thầy cô có giảng gì đâu nhưng thực ra việc giảng viên giúp sinh viên nêu vấn đề, cùng sinh viên phân tích, bình luận, tổng kết thì khó hơn rất nhiều so với một giáo án soạn sẵn và mang đi “giảng” khắp nơi.

PV: Học tín chỉ thì phải có nguồn tài liệu nhiều, đa dạng, phong phú, trong khi nguồn tài liệu tham khảo trong nước đang rất thiếu thì làm sao để Trường ĐH Hoa Sen khắc phục được điều này, thưa bà?

TS Bùi Trân Phượng: Tôi có thể khẳng định rằng, cái khó lớn nhất không phải ở cơ sở vật chất vì với mức học phí hiện tại chúng tôi có thể mua sách, kể cả sách gốc từ nhà xuất bản Mỹ để vào thư viện. Ngoài ra còn có nguồn tài liệu điện tử.  Nhưng còn sinh viên, giảng viên có đọc không và đọc như thế nào, dùng thế nào đó mới là cuộc “chiến đấu lâu dài và gian khổ”. Sau một thời gian áp dụng học chế tín chỉ tôi thấy rằng, yếu tố quyết định là giảng viên chứ không phải sinh viên. Do bản thân giảng viên khi đi học không được đào tạo như vậy nên tôi từng nói ở một diễn đàn giáo dục là làm giáo dục với đội ngũ giảng viên được đào tạo mấy chục năm trở lại đây là một thách thức cực kỳ lớn. Vì thế trường chúng tôi ưu tiên tuyển giảng viên tốt nghiệp từ nước ngoài.

Giảng đường đại học

PV: Nói như thế liệu ĐH Hoa Sen có đang vọng ngoại?

TS Bùi Trân Phượng: Không, đó không phải là sự vọng ngoại vì trong khi nhiều trường ở nước ta thích xưng là trường quốc tế, còn chúng tôi luôn nói mình là đại học Việt Nam nhưng khi tuyển dụng giảng viên thì ưu tiên các giảng viên được đào tạo tử tế từ các trường đại học nước ngoài. Chúng tôi không câu nệ họ học từ nước lớn - nước nhỏ, nước gần nước xa, nhưng thường họ cũng có nền tảng tối thiểu; tất nhiên phải luôn cẩn trọng về uy tín thực chất của trường nơi họ được đào tạo.

PV: Là một đại học tư thục thành công ở Việt Nam hiện nay, với tất cả kinh phí là tự túc từ nguồn thu học phí. Ngoài ra, nhà trường có nhận được sự hỗ trợ nào khác từ bên ngoài?

TS Bùi Trân Phượng: Chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ từ nước ngoài về chuyên gia, thông qua trao đổi học thuật hơn là tài chính và càng ngày thì các nước càng không có phương tiện hỗ trợ tài chính cho mình. Nên một số người không hiểu thì nói học phí Hoa Sen cao còn người nào hiểu thì nói học phí Hoa Sen không cao với chất lượng mà chúng tôi cung ứng cho người học.

PV: Được tặng giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh, bà có thấy đó vừa là danh hiệu vừa là trách nhiệm quá lớn?

TS Bùi Trân Phượng: Chắc chắn, đó là trách nhiệm rất lớn. Nói chung những người trao giải thưởng không thành kiến đại học công - đại học tư là điều rất cảm kích. Giải thưởng này đặt trên vai không chỉ riêng tôi mà cả Trường Hoa Sen trách nhiệm rất nặng nề. Mặc dù trước đây chúng tôi cũng ý thức rõ sứ mệnh của mình. Chúng tôi thành lập “Câu lạc bộ FACE” vì một nền giáo dục sạch đã có sự hưởng ứng từ nhiều trường là điều rất đáng mừng. Qua đó thấy rằng đặt vấn đề giá trị thực không phải là “lạc đề” trong bối cảnh thực tế. Còn lâu nay, nhiều người làm điều gian lận mà không bị trừng phạt thì người ta vẫn làm. Nếu chính sách hợp lý thì sẽ làm cho cỏ dại bớt đi lúa tốt mọc lên còn chính sách không hợp lý thì ngược lại. Ở tầm vĩ mô là vấn đề điều hành và trách nhiệm của Nhà nước. Nhưng nhiệm vụ của chúng tôi ở cấp trường là làm giáo dục từ bên dưới.

PV: Sau này, nếu có nhiều người nói TS Bùi Trân Phượng là một trong những nhà cải cách giáo dục Việt Nam, bà nghĩ sao?

TS Bùi Trân Phượng: Tôi không quan tâm điều đó lắm. Mỗi người chỉ làm những gì trong khả năng có thể của mình. Khi gặp khó khăn tôi tự động viên mình vượt qua bằng niềm tin là tôi không làm gì trái với mục tiêu ích nước lợi dân. Tôi không cảm thấy những người làm giáo dục như chúng tôi đang ngáng đường của ai hay tranh chấp với ai nên chúng tôi vẫn kiên trì, không nao núng. Chỉ mong qua thời gian rồi sẽ càng có nhiều người hiểu và đồng tình.

PV: Cảm ơn bà!

Bà Bùi Trân Phượng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học Đại học Lyon II - Pháp (2008), tham gia nhiều diễn đàn cũng như cho tổ chức nhiều chương trình giao lưu, tọa đàm giữa sinh viên với văn nghệ sĩ, trí thức tại Đại học Hoa Sen. Đại học Hoa Sen cũng là nơi có Ban Tu thư với hoạt động xuất bản (gồm nhiều tủ sách) hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. Bà được trao giải thưởng của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh cho sự nghiệp văn hóa và giáo dục tháng 3/2013 vừa qua.


Thiên Thanh (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc