Từ vụ tàu Trung Quốc cắt cáp của tàu Bình Minh 02: Nhớ về một bài hát xưa

14:00 | 03/12/2012

2,021 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Qua vụ tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp, tôi bỗng nhớ về một bài hát xưa...

Những người công nhân Trung Quốc trên công trường Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau hát mừng năm mới 2011

Tôi thực sự bàng hoàng. Tôi thực sự không tài nào hiểu nổi. Ấy là khi nghe “hung tin” về việc 3 chiếc tàu Hải giám Trung Quốc xông vào lãnh hải Việt Nam rồi cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02. Những tưởng đó là việc làm có thể do nhầm lẫn gì đó của chỉ huy 3 con tàu trên, nhưng không. Lời tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du đã cho thấy, đây là việc làm có tính toán, có chủ đích và thực sự họ muốn bá quyền ở biển Đông.

Và bỗng tôi nhớ về một bài hát.

Đó là bài “Việt Nam – Trung Hoa” của cố nhạc sĩ tài danh Đỗ Nhuận.

Thế hệ học sinh phổ thông chúng tôi, vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, có lẽ hầu hết đều biết, đều thuộc bài hát này. Lời ca đến giờ tôi vẫn chưa quên:

“Việt Nam – Trung Hoa

Núi liền núi, sông liền sông

Chung một biển Đông mối tình hữu nghị sáng như vừng đông

Bên sông tắm cùng một dòng

Anh nhìn sang đấy, tôi nhìn sang đây

Sớm sớm chung nghe tiếng gà gáy cùng

A a… Chung một ý, chung một lòng

Đường ta đi  rực màu cờ cách mạng

A a… Nhân dân ta ca muôn năm.

Hồ Chí Minh – Mao Trạch Đông”.

Thật khó bài hát nào ca ngợi tình hữu nghị giữa hai quốc gia lại có thể hay hơn thế.

Rồi rời mái trường, chúng tôi ra mặt trận đánh Mỹ .

Súng AK khoác vai có cả súng Trung Quốc;

Mũ đội trên đầu có mũ cối Trung Quốc;

Quần áo, võng, màn, tấm nilon che mưa… cũng phần nhiều là của Trung Quốc;

Biđông đựng nước, bát tráng men ăn cơm, thuốc cá nhân… cũng hầu hết của Trung Quốc;

Lương khô 702, thịt  lợn kho… cũng của Trung Quốc;

Và chúng tôi hành quân cũng trên những chiếc xe Giải Phóng của Trung Quốc.

Nói một cách không ngoa thì có lẽ trừ đôi đũa và chiếc rút dép là chúng tôi tự làm, còn tất cả quân trang, quân dụng… phần lớn là của Trung Quốc.

Khi cuộc kháng chiến  chống Mỹ cứu nước thắng lợi, Đảng, Chính phủ và nhân dân ta cũng đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam trong nhiều năm tháng.

Nhưng rồi vì những bất đồng, những mâu thuẫn mà quan hệ hai nước đã có những lúc “đụng bát đụng chén”. Bài hát ấy không còn ai hát nữa, tiếc đến đau xót!

Rồi năm tháng qua đi, những mâu thuẫn dần dà được dẹp bỏ. Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước cùng nhau chung tay khép lại những trang buồn bã ấy của pho sử cách mạng vẻ vang của hai dân tộc. Và trong các cuộc gặp cấp cao,  từ “đồng chí” được dùng lại để gọi nhau một cách trân trọng và ấm áp.

Thật vui khi đọc khẩu hiệu 16 chữ vàng làm kim chỉ nam cho quan hệ chính trị, kinh tế giữa hai nước mà đã được lãnh đạo Đảng hai nước trân trọng cam kết: “Láng giềng hữu nghị – Hợp tác toàn diện – Ổn định lâu dài – Hướng tới tương lai”.

Đúng thật, trong gần 20 năm qua, quan hệ chính trị và kinh tế hai nước đã có những bước tiến mạnh mẽ, tốt đẹp. Hình ảnh người công nhân Trung Quốc đã trở nên quen thuộc trên nhiều công trình trọng điểm của Việt Nam.

Mới đây thôi, vào đêm 30 tết, tôi đi với các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến chúc tết cán bộ công nhân viên trên công trường trọng điểm quốc gia Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau. Tôi thực sự xúc động khi những người công nhân Trung Quốc  lên hát mừng năm mới rất say sưa và vui mừng nhận phong bao mừng tuổi từ tay các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Ấy vậy mà, nay lại xảy ra vụ tàu Bình Minh 02 như hôm rồi.

Ôi, chẳng lẽ những “người lớn” của một nước lớn  mà lại làm  một  việc “bé” đến  thế ư ? Chẳng lẽ các bậc quân tử thời nay lại  “nói một đằng, làm một nẻo” vậy ư? Và chẳng lẽ, khúc hát hào hùng mà thấm đẫm tình cảm ngày xưa ấy sẽ mãi theo tác giả của nó trở thành vật thiên cổ lặng câm vùi dưới ba tấc đất lạnh lùng?

Như Thổ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc