Phải giành lại dân!

10:49 | 28/05/2013

646 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những việc làm như của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị vừa rồi đang thổi một luồng gió xua đi một phần nỗi bức bối của người dân và thổi vào một luồng sinh khí mới vào một bộ máy chính quyền vốn gần như trì trệ ở tất cả các cấp chính quyền của Hà Nội.

Như Phong (NLM số 225)

Chuyện Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị về Đường Lâm gặp gỡ nhân dân, lắng nghe người dân trình bày nguyện vọng, nghe ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý và có những kết luận minh bạch, rõ ràng, cụ thể về hướng giải quyết cho người dân được mừng. Và quan điểm của Bí thư Thành ủy cũng rất rõ ràng: Phải để cho người dân tham gia giữ gìn di sản và sống được với di sản. Đây là một thông điệp ngắn gọn nhưng rõ ràng. Và ông cũng nêu quan điểm rõ ràng: “Không chạy đua để có bằng di sản thế giới đối với Đường Lâm”.

Ôi, lâu lắm mới được nghe những lời thẳng thắn, thực tế đến vậy từ một vị bí thư.

Quả thật, chuyện người dân Đường Lâm xin trả lại bằng di sản là điều chưa từng có ở Việt Nam ta. Nếu như cách đây ít năm, người dân hoan hỉ đón nhận quyết định di sản thì cũng ngần ấy năm người dân phải sống khổ với cái “danh” di sản đó.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thị sát làng cổ Đường Lâm

Họ được hưởng cái danh di sản là cái danh hão nhưng nỗi khổ thì lại là nỗi khổ thật. Người thì đẻ ra nhưng diện tích nhà cửa thì lại chẳng được đẻ, nhà cửa hư hỏng dột nát cũng không được xây dựng, sửa chữa, tiền bán vé để vào thăm di sản thì không biết chạy đi đâu và người dân có được hưởng đồng nào…

Vậy nên người dân đòi trả lại bằng di sản ngẫm ra cũng là phải…

Nhưng điều đáng nói nhất là khi báo chí nêu lên, dù đang bận họp Quốc hội nhưng Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã về Đường Lâm ngay. Khỏi phải nói người dân Đường Lâm phấn khởi như thế nào khi được gặp trực tiếp Bí thư để dãi bày. Và cũng phải nói thêm rằng, gần đây dường như “chịu không nổi” với cung cách làm của bộ máy công quyền Hà Nội mà Bí thư Phạm Quang Nghị  đã có những nhận xét đánh giá hết sức thẳng thắn, nào là chuyện “có bôi mà không trơn” ở Hà Nội, rồi chuyện chống dột, chống thấm… cho chùa Diên Hựu khi nhiều cấp chính quyền thành phố đã tổ chức hết hội thảo nọ, hội nghị kia mà mấy năm không giải quyết được…

Chính vì vậy, những lời phát biểu của Bí thư Phạm Quang Nghị đã khiến người dân thấy yên lòng và vững tâm hơn.

Bấy lâu nay, cứ nói Đảng ta là Đảng của dân, tất cả lợi ích của Đảng là của nhân dân nhưng xem ra nhiều cấp ủy Đảng lại ngày càng xa rời lợi ích của dân. Hình ảnh những vị bí thư xắn quần lội ruộng đến với người nông dân, chui vào các hầm lò, đến nhà máy công xưởng với người công nhân ngày càng ít. Một câu quen thuộc chúng ta thường gặp trong các báo cáo là thắng lợi của việc A, việc B là do sự lãnh đạo sáng suốt của cấp ủy Đảng nhưng khi những việc đó không thực hiện được thì lại bảo khuyết điểm này là do “chúng ta”. Ô hay, “chúng ta” là ai nhỉ? Tại sao không nói rằng, thất bại này là do tôi!

Không ít vị bí thư cũng có xuất thân cơ hàn nhưng khi có chức, có quyền chẳng những xa dân mà còn vô cảm với nỗi khổ của dân!

Chính sự vô cảm này cộng với năng lực trình độ lãnh đạo yếu kém đã dẫn tới tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng vi phạm quyền dân chủ của người dân hết sức nặng nề, dẫn tới lộn xộn trong việc quản lý Nhà nước ở nhiều cấp chính quyền hiện nay. Tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp chẳng giảm là bao nhiêu. Trong khi đó những vụ tham nhũng, ức hiếp dân xem ra lại có chiều gia tăng. Hiện tượng đó xảy ra là do cái gì, đó chính là do người đứng đầu các cấp ủy Đảng đã quan liêu, xa dân. Mà một khi Đảng của dân mà lại xa dân thì chắc chắn người dân cũng chẳng coi trọng Đảng nữa.

Gần đây có tình trạng tại nhiều địa phương không kết nạp được đảng viên mới; rồi người đứng đầu các tổ chức chính trị như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc… mặc dù trước đó, khi bầu đã có cấp ủy Đảng ra nghị quyết bầu đảng viên này, đảng viên kia vào vị trí đó, nhưng người dân đã không bầu. Điều đó chứng tỏ rằng, người dân đã không còn tin vào cấp ủy Đảng ở địa phương mình.

Vừa rồi, người viết bài này được tham gia vào Hội đồng Sơ khảo giải Báo chí toàn quốc và chấm cho thể loại phóng sự, điều tra, ghi chép…, tổng số lượng bài là hơn 300. Nhưng than ôi, hình như chỉ có vài ba bài là nói về một đồng chí bí thư gương mẫu, một bí thư được dân quý mến, rồi có vài bài nói về cấp ủy Đảng nơi nọ, nơi kia làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng… Còn đến 3/4 là bài chống tiêu cực, đủ các loại tham ô, tham nhũng, hối lộ, đủ các loại cán bộ ức hiếp dân lành và đủ các mánh khóe trộm cắp, cướp giật, chống người thi hành công vụ… Đọc xong số bài dự thi  này mà thấy ngao ngán nhân tình thế thái và thấy xã hội chúng ta đang “tối” quá.

Mấy năm trước tôi đi về viết bài ở một vùng người Khmer thuộc tỉnh Trà Vinh và thấy có  một thực tế là: ở vùng này, 2 người có uy quyền tuyệt đối là sư cả trụ trì chùa và bí thư đảng ủy xã. Người dân ở đây có câu rất hay: “Chùa có sư cả, xã có bí thư”. Nghe thì có vẻ không “ăn nhập” với nhau lắm nhưng thực tế lại là như vậy. Những việc trong gia đình, nội tộc, chuyện làng xóm, người dân có gì khúc mắc, cần giãi bày thì đến nói với sư cả. Sư cả chính là vị thủ lĩnh, là chỗ dựa tinh thần cho người dân. Còn những chuyện làm ăn kinh tế, làm sao xóa đói giảm nghèo thì họ đến hỏi bí thư và bí thư nói gì, họ nghe răm rắp.

Thật ra các nhà báo rất muốn viết về những gương đảng viên một lòng một dạ vì dân, hết lòng vì công việc… nhưng tìm điển hình như vậy bây giờ quả là khó bởi chúng ta đã có quá nhiều bí thư nói chung chung, cái gì cũng phải thế nọ, phải thế kia… Nhưng thử hỏi, có bao nhiêu bí thư dám xông xuống điểm nóng, lắng nghe dân, đối thoại với dân và từ đó có những quyết sách, những biện pháp để giải quyết quyền lợi cho người dân.

Những việc làm như của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị vừa rồi đang thổi một luồng gió xua đi một phần nỗi bức bối của người dân và thổi vào một luồng sinh khí mới vào một bộ máy chính quyền vốn gần như trì trệ ở tất cả các cấp chính quyền của Hà Nội. Vấn đề bây giờ là khi bí thư đã nhìn thấy những điều bất ổn, bất an, bất bình thường, bất hợp lý ở bộ máy chính quyền các cấp Hà Nội thì cũng cần phải có những biện pháp quyết liệt, cấp bách để đưa ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo thành phố những người nói giỏi hơn làm, quen dựa dẫm và không dám chịu trách nhiệm trước bất kỳ việc gì.

Đơn giản như vụ sửa chữa chùa Diên Hựu mà mấy năm không xử lý xong thì rõ ràng bộ máy chính quyền quận Ba Đình rất kém. Những người lãnh đạo ở quận này như vậy có nên để lại không. Cũng như năm vừa rồi, khi bàn về xây dựng chỉnh đốn Đảng có nói về một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, tham nhũng, xa rời quân chúng nhân dân, người dân đều cảm thấy rằng quá đúng. Nhưng đã hơn 1 năm trôi qua đã có bao nhiêu đảng viên, cán bộ trong cái “bộ phận không nhỏ ấy” bị cách chức, bị xử lý bằng kỷ luật Đảng và bằng pháp luật…

Cho nên lãnh đạo các cấp ủy Đảng phải gần dân, lắng nghe dân là việc hết sức cần thiết và đòi hỏi phải có sự dũng cảm của người đứng đầu các cấp ủy Đảng. Nhưng bên cạnh đó phải có những biện pháp quyết liệt, thẳng tay hơn nữa nhằm loại trừ ra bộ máy công quyền những kẻ vô tích sự. Có như vậy người dân mới tin Đảng và coi Đảng là của mình.

N.P

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc