PGS.TS Phan An: Chúng ta đang quản lý di sản, di tích quá kém

06:00 | 03/03/2014

1,946 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đất nước ta luôn tự hào là có bề dày 4.000 năm lịch sử nhưng hầu như ở thời điểm hiện tại không có di tích trăm năm nào được bảo tồn nguyên vẹn cả. Chùa Trăm Gian bị phá để xây mới; một đô thị cổ 36 phố nghề mà bây giờ có lẽ chỉ có truyền thống mấy chục năm làm giò chả của nhà Quốc Hương là bền nhất... Còn các di sản phi vật thể là các lễ hội văn hóa hàng năm thì lại biến tướng, bát nháo. Phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với PGS.TS Phan An về bản sắc thật sự của văn hóa Việt Nam.

PGS.TS Phan An, Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ

Quản lý di tích, di sản văn hóa quá kém!

PV: Một đất nước có 4.000 năm lịch sử nhưng khi hỏi bản sắc thật sự của một nền văn hóa là cái gì thì câu trả lời vẫn còn rất mông lung. Từ đó câu hỏi đặt ra là liệu ý thức kế thừa di sản và bảo lưu văn hóa lịch sử liệu đã từng tồn tại trong dòng chảy chung của văn hóa người Việt hay chưa, thưa PGS?

PGS.TS Phan An: Đúng là trong thời gian vừa qua, bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản của chúng ta có vấn đề. Chẳng hạn như về cầu Long Biên đang gây nên một sự tranh cãi, rằng phải giữ như thế nào, xây mới hay không?... Trước đây ở Hà Nội cũng từng có chuyện về việc người ta muốn xây cầu đi qua một di tích lịch sử. Có rất nhiều ý kiến về vụ việc này, người thì nói không sao, người thì lại nói phát triển kinh tế giao thông là quan trọng hơn. Rồi còn chưa kể về việc quản lý lễ hội sau tết, người ta đi lễ chen chúc nhau hoặc làm những hành động chưa đẹp như cầu xin rồi nhét tiền vào tay Phật... Đó là những vấn đề đặt ra cho người làm văn hóa như tôi rất trăn trở và bức xúc! Những chuyện đó không phải đơn lẻ mà ảnh hưởng đến nhiều chuyện khác khiến xã hội phải quan tâm. Quan tâm về vấn đề quản lý của Nhà nước như thế nào với lễ hội, về ý thức của người dân, về cuộc sống của họ.

Di sản gồm có hai loại là di sản vật thể và phi vật thể. Ví dụ như đền đài, cầu là di sản vật thể, còn lễ hội là di sản mang tính chất tâm linh. Lễ hội là văn hóa nhưng nhiều khi di sản đó lại không phù hợp nữa. Ví dụ như chuyện bây giờ chúng ta tổ chức chọi trâu. Trước là tâm linh, nhưng bây giờ trong thời buổi hiện đại hóa mọi người lại hùa vào để làm thịt con trâu chọi ăn lấy cái may. Có lẽ chúng ta nên nhận thức, chỉnh lý tư duy, thay đổi hành động đối với những di sản văn hóa phi vật thể như thế.

Nhưng để làm được điều đó cần cả hai phía. Phía Nhà nước quản lý về hành chính, pháp luật, về văn hóa phải có quy định rõ ràng. Thứ nữa họ cần có trách nhiệm và am hiểu đối với lĩnh vực này để có thể giữ được và không xâm hại di sản. Ví dụ bây giờ có một số đình chùa, tự tiện đưa thêm vào pho tượng nhập từ Trung Quốc về không hợp với cảnh quan ngôi chùa, thậm chí còn làm hình ảnh ngôi chùa trở nên méo mó. Chuyện tiến cúng tượng là tập quán từ xưa đến nay nhưng chuyện nguồn gốc, xuất xứ và cách đặt nó như thế nào là các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Để bảo tồn văn hóa vật chất là các cơ quan cần quản lý chặt chứ không phải suốt ngày lôi ra để trùng tu.

PV: Thưa PGS, thế còn chuyện quản lý các di sản phi vật thể, các lễ hội văn hóa hiện nay thì có những bất cập như thế nào?

PGS.TS Phan An: Chuyện quản lý văn hóa phi vật thể là rất phức tạp, nó đòi hỏi người quản lý phải có hiểu biết. Lễ hội là nhu cầu tâm linh của người dân, người ta phải hiểu văn hóa Việt Nam là văn hóa lúa nước, nghề trồng lúa là chính nên lệ thuộc rất nhiều vào những yếu tố thiên nhiên, thế giới siêu nhiên. Vì thế người ta mới tìm đến thờ cúng bởi suy nghĩ của họ là thực dụng, muốn gì là cầu nấy.

Tuy nhiên lễ hội miền Bắc và miền Nam không hoàn toàn giống nhau. Tôi có thời gian sống ở cả hai vùng miền nên tôi mới thấy rõ rằng ở miền Nam, đi lễ chùa, ai có tiền sẽ bỏ vào thùng công đức chứ không ai mang nhét vào tay Phật cả, có chăng là thắp hương rồi xin hương về. Những lễ hội dân gian chẳng hạn những cuộc đua trâu, bò người ta cũng không bao giờ mổ thịt cả.

Vì thế chuyện này liên quan đến việc quản lý lễ hội ở các địa phương. Không phải chỉ quản lý bằng luật pháp, bằng quy định mà quan trọng là phải biết quản lý bằng nhận thức, tuyên truyền cho người dân hiểu; nghĩa là phải nâng cao trình độ dân trí, nhận thức về các lễ hội, di sản văn hóa. Việc Unesco công nhận di sản phi vật thể hay vật thể là điều đáng mừng nhưng nhiều khi các di sản đó lại trở nên biến dạng đi. Ví dụ như hát Quan họ, bỗng dưng bị biến thành hát để kiếm tiền.

Phải thẳng thắn đánh giá rằng, các nhà quản lý di tích, di sản văn hóa đang quản lý quá kém. Có sự lạm dụng trong việc tổ chức lễ hội hay tìm cách trục lợi. Với những hiện tượng phi văn hóa trên, có lẽ chúng ta nên uốn nắn kịp thời chứ đừng quá bi quan. Vừa rồi tôi thấy có một số người khá bi quan về vấn đề văn hóa, đạo đức xã hội. Họ căn cứ vào những chuyện như hôi bia, đánh nhau và đánh giá đạo đức đang bị suy thoái. Tôi nghĩ đừng bàn đến chuyện đó, vì đạo đức người Việt Nam được hình thành cả ngàn năm, thành văn hóa rồi nên những hiện tượng như kể trên là không có văn hóa nhưng không phải vì nó mà nói đạo đức suy thoái.

Chúng ta nên nhìn lại, bên cạnh cái xấu có nhiều cái tốt chứ. Chẳng hạn có những người đi lượm rác bán phế liệu kiếm sống thôi nhưng họ sẵn sàng trả lại hàng chục cây vàng nhặt được, có người cưu mang đồng loại lúc khó khăn, những hoạt động từ thiện lớn bé. Nếu so sánh, tôi nghĩ những chuyện tốt vẫn hơn chuyện xấu. Điều đó nói lên xã hội chúng ta cần khắc phục làm cho đạo đức tốt hơn, văn hóa phát triển hơn.

Những hình ảnh này nói lên điều gì về ý thức kế thừa di sản và bảo lưu văn hóa lịch sử?!

PV: Nói đến việc quản lý, người ta chỉ mới nghĩ đến bảo tồn khi các di sản đã bắt đầu tiếp tục xuống cấp và hư hại, còn trước đó thì nó hầu như bị lãng quên theo bề dày của năm tháng. Nghĩa là, các nhà quản lý chưa hề có ý thức tốt về việc kế thừa và bảo lưu di sản văn hóa?

PGS.TS Phan An: Điều đó thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý không hoàn thành nhiệm vụ, chức năng mà Nhà nước giao cho. Các vấn đề về văn hóa trong thời gian qua tôi nghĩ nó là các khó khăn đặt ra cho sự phát triển đất nước hiện nay. Trong quá trình hội nhập, phát triển bao giờ cũng phải trả giá cho nó, các vụ việc vừa xảy ra chính là sự trả cho quản lý văn hóa, sự hiểu biết về văn hóa chúng ta. Đôi khi cái giá đó rất đắt. Như chuyện Nhà Lang cháy, đó là việc cần phải cảnh báo. Cả chuyện cây cầu Long Biên cũng thế, không có gì có thể thay thế được, cây cầu đã gắn với lịch sử hình thành, phát triển của thành phố Hà Nội, kể cả những đoạn cầu đã bị mấy lần bom phá bay đi. Chúng ta nên giữ lại, trước mắt là phục vụ chức năng giao thông, thứ hai là chức năng bảo tồn lịch sử, gợi nhắc cho thế hệ sau biết.

Chúng ta chỉ giỏi lựa chọn điều phù hợp?!

PV: Có thể nói, lễ hội văn hóa những năm gần đây để lại cho dư luận nhiều bận tâm. Một số lễ hội không còn mang nét văn hóa truyền thống mà biến tướng thành những hoạt động mê tín, phi văn hóa. Đơn cử như Lễ khai ấn đền Trần biến thành cuộc tranh cướp ấn phục vụ cho giấc mơ thăng quan của nhiều người. Theo PGS thì nguyên nhân nào dẫn đến những biến tướng đó?

PGS.TS Phan An: Không phải tất cả lễ hội bị biến tướng. Bây giờ người ta đang băn khoăn về chuyện mọi người hiểu như thế nào là phát ấn. Khai ấn có nghĩa là mở ấn làm việc chứ không phải đi đóng ấn ban phát cho người ta. Vì thế, ngay việc đó đã là biến tướng. Thứ hai là về phần tâm linh, nhiều người tin rằng, ấn là của nhà vua nên linh thiêng, với vua nhà Trần lại càng linh thiêng hơn. Mang nó về nhà mình sẽ may mắn, phát tài phát lộc. Đó là yếu tố tư duy con người.

Vấn đề ở đây còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan truyền thông giới thiệu như thế nào về lễ khai ấn, lễ phát ấn đó. Đôi khi chỉ là do những chuyện đồn đại thôi, người nông dân thì lại dễ tin. Nhiều người nói cái ấn nhà Trần là linh thiêng lắm nên họ sẽ tranh đấu để lấy được. Chẳng hạn đi hành hương, mọi người đồn nhau nói rằng chỗ đó thiêng là khách hành hương ùn ùn kéo đến. Vì thế nhà quản lý phải có trách nhiệm trong nâng cao mặt bằng dân trí, trách nhiệm làm thế nào để người dân hiểu rõ về các lễ hội văn hóa đó. Và báo chí nhiều khi lại vô tình quảng bá cho những trò đó. Đó là một sự lệch lạc và truyền thông phải chịu trách nhiệm.

PV: Lịch sử đã để lại cho chúng ta thủ đô Hà Nội - một đô thị cổ với 36 phố nghề, nhưng mà bây giờ có lẽ chỉ còn truyền thống mấy chục năm làm giò chả của nhà Quốc Hương là bền nhất! Đó cũng là một vấn đề đáng bàn trong công tác kế thừa di sản và bảo lưu văn hóa lịch sử, thưa PGS?

PGS.TS Phan An: 36 phố phường ngày xưa được hình thành từ các phường nghề nhưng sau này thay đổi nhiều rồi. Bây giờ đang có kế hoạch bảo tồn khu phố cổ Hà Nội nhưng thật ra chuyện bảo tồn này rất phức tạp, còn liên quan đến đời sống người dân, chưa kể đến chuyện dân Hà Nội bây giờ không phải dân gốc nhiều. Trong thời kỳ phát triển hiện nay, sự giao lưu văn hóa với nước ngoài mạnh nên mọi chuyện khó duy trì như trước được. Trẻ con bây giờ có thể nói với bố mẹ chúng là “Ok” thay vì “vâng, dạ” và tôi nghĩ không sao cả. Điều đó cũng chẳng thể thể hiện là trẻ con ngày nay mất gốc hay thiếu lễ độ. Đã có những thời kỳ người ta cho là văn hóa chúng ta bị lai căng đi. Nhưng ngày xưa các cụ chỉ có khăn đống áo dài, còn bây giờ mà mặc trang phục ấy ra đường thì nó lại trở thành khá kỳ cục.

Cuộc sống luôn vận động và phát triển và tôi tin chúng ta rất giỏi trong sự chọn lựa cái phù hợp nhất với mình.

Cái gì là “đậm đà bản sắc dân tộc”?

PV: Thưa PGS, với câu hỏi đâu là bản sắc thật sự của một nền văn hóa nước ta, ông sẽ trả lời như thế nào?

PGS.TS Phan An: Về vấn đề bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, trong những văn kiện của Đảng và Nhà nước luôn nhấn. Quan điểm của Đảng mình, văn hóa là nguồn lực để phát triển nhưng trong phát triển hôm nay, giữa văn hóa và kinh tế chưa có sự tương thích với nhau. Kinh tế có thể phát triển nhanh nhưng văn hóa luôn “lúng túng”. Đảng ta đề ra vấn đề bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc,  chứ hoàn toàn không phải là phát huy lễ hội!

Nhiều người đặt vấn đề rằng vậy thế nào là đậm đà bản sắc dân tộc? Thú thật, đối với các nhà khoa học nghiên cứu về văn hóa thì đây cũng là một câu hỏi rất khó để trả lời.

Cũng nói thêm rằng ở đây có hai khái niệm là bản lĩnh và bản sắc văn hóa dân tộc. Bản lĩnh là sức mạnh của văn hóa còn bản sắc là sắc thái riêng của văn hóa. Bây giờ hỏi bản sắc văn hóa Việt Nam là gì thì các nhà khoa học vẫn còn băn khoăn. Chúng ta không thể nói rằng dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng, dân tộc dũng cảm bởi dân tộc nào mà không dũng cảm, không yêu nước. Nhưng rõ ràng dân tộc ta là một dân tộc bất khuất, mấy nghìn năm chống giặc đô hộ của phương Bắc, phương Tây mà vẫn chiến thắng. Còn tính nhân văn của dân tộc ta thể hiện ở tình yêu giữa con người với con người. Đến giờ những tình cảm đó vẫn phát huy được trong cuộc sống hôm nay. Trong tất cả những điều đó, cái gì là cơ bản của người Việt Nam thì nó thể hiện văn hóa người Việt. Nhưng để trả lời một cách đầy đủ bản sắc văn hóa Việt Nam là gì thì rất khó.

Bản sắc văn hóa người Việt là một đề tài Nhà nước đặt ra cho các nhà nghiên cứu, chúng tôi đang cố gắng để tìm ra câu trả lời. Người Việt Nam là người thông minh, rất giỏi về gia công chế biến, ở nước ngoài mang về cái gì không dùng được là làm lại cho phù hợp. Chẳng hạn người Nhật Bản phát minh ra cái xe máy chỉ chở được hai người, mang về Việt Nam người ta làm thêm cái rơ-mooc để nó có thể chở lên tới 10 người chẳng hạn. Mặc dù không phát hiện ra nhưng lại có khả năng chế biến. Kể cả về những hệ tư tưởng cũng vậy, không phải là người nghĩ ra hệ tư tưởng Mác - Lênin nhưng họ sử dụng và phát triển nó rất tốt. Đó cũng là gia công chế biến, nhưng là gia công tư tưởng.

Bản lĩnh là sức sống. Dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm nay là nhờ có sức mạnh, bao gồm cả sức mạnh văn hóa và sức mạnh khác nữa. Tôi vẫn muốn nói rằng chúng ta đừng lo lắng quá nhiều văn hóa sẽ suy thoái, xuống cấp mà nó chỉ đang trong quá trình lựa chọn, đôi khi có những lựa chọn không phù hợp lắm nhưng cuối cùng nó vẫn thành công thôi!

PV: Là một nhà khoa học nghiên cứu văn hóa truyền thống, xin PGS cho biết chúng ta cần có những biện pháp nào để việc kế thừa di sản và bảo lưu văn hóa lịch sử trở thành một dòng chủ lưu trong dòng chảy chung của văn hóa người Việt?

PGS.TS Phan An: Truyền thống văn hóa của chúng ta có nhiều thứ cần bảo tồn, cần phát huy những giá trị. Phát huy là phù hợp với sự tiến bộ chứ không phải cứ phát huy việc nghĩ lại những chuyện xa xưa. Có những văn hóa vật thể và phi vật thể cần tôn thờ. Tính bất khuất, nhân văn, cần cù, sáng tạo là những giá trị chúng ta cần phát huy. Không phải chúng ta nói bảo tồn di sản là giữ nguyên như cũ, tương tự như vậy tính bất khuất của người Việt chúng ta hiện nay là vượt qua khó khăn gian khổ trong quá trình phát triển.

Có những cái hôm qua là phù hợp nhưng hôm nay thì không còn phù hợp nữa. Và cái gì không phù hợp thì chúng ta bỏ đi. Vì vậy tôi mới nói người Việt Nam có sự lựa chọn và cũng có những sự loại trừ rất phù hợp.

PV: Xin cảm ơn giáo sư!

 

Trúc Vân (thực hiện)