Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói về quy định cấm xưng "chú cháu" nơi công sở

07:05 | 03/07/2014

5,017 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một trong những dự thảo nghị định về văn hóa công sở mới được Bộ Nội vụ đưa ra khiến dư luận quan tâm nhất là sẽ bỏ xưng hô “chú - cháu”, “bác - cháu” nơi công sở. Nhiều ý kiến cho rằng, ai sẽ là người giám sát việc thực thi hay lại một quy định đưa ra cho vui?

Bàn về những dự thảo thông tư, nghị định do Bộ Nội vụ xây dựng đang gây xôn xao dư luận trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc hội thảo về “Văn hóa công sở” để có một nghị định về vấn đề này, bởi đối với công chức ở công sở, có những vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là văn hóa.

Ví dụ như khi phát biểu trong một cuộc họp thì phải đứng lên, không nên ngồi; bắt tay chào hỏi giữa mọi người với nhau như thế nào; xưng hô trong quan hệ công tác sao cho hợp lý, chứ cứ “chú cháu, bác cháu” nơi công sở là không phù hợp; hay phụ nữ có được mặc váy không, váy dài đến đâu... Nói chung, các hoạt động công vụ diễn ra nơi công sở được thực hiện một cách có văn hóa cũng là phản ánh chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức.

Trao đổi với PetroTimes, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng để văn hóa công sở được chấp hành một cách nghiêm túc, đi vào tổng thể thì nên có một Nghị định quy định rõ về cách xưng hô, ứng xử của viên chức, công chức để đem ra thảo luận rộng rãi trong dư luận.

Ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Trong điều kiện của nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hội nhập, việc tạo ra cách ứng xử mới của công chức sao cho phù hợp với tình hình phát triển cũng như phục vụ tốt nhân dân là đòi hỏi cần thiết.

Từ điều nhỏ nhặt nhất trong văn hóa giao tiếp là xưng hô cũng phải tạo ra cách gọi sao cho phù hợp, thể hiện được quan hệ trách nhiệm giữa các công chức với nhau, chứ không thể xưng hô như một gia đình “chú - cháu", "bác - con”.

“Cái quan trọng nhất là quy chế trên phải đưa ra một chuẩn mực xưng hô sao cho phù hợp. Sau khi áp dụng sẽ chuẩn hóa thành Nghị định cho hợp với yêu cầu thống nhất trong cách xưng hô của ngành công vụ. Mặt khác, cần bàn đến việc thực thi thế nào. Theo tôi, trước mắt cần quy trách nhiệm đối với lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan nếu nhân viên không chấp hành khi Nghị định có hiệu lực”, ông Thang Văn Phúc nói.

Còn PGS. TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) thì cho rằng: “Đây là đề án hướng tới tương lai nhưng cần phải triển khai từng bước, có giải pháp phù hợp chứ nếu lấy các quy chuẩn bắt buộc một cách cứng nhắc quá thì sẽ khó thành công”.

PGS. TS Phạm Văn Tình, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam

Theo lời PGS.TS Tình, việc xưng hô trong xã giao đã được bàn đến từ rất lâu nhưng gần đây lại được bàn đến nhiều hơn. Bởi người ta thấy xưng hô theo kiểu gia tộc hóa vẫn còn khá phổ biến, khi vào công sở hay ở những hoạt động có tính cộng đồng mà vẫn đem những điều này vào thì nghe thật không ổn. Đây là một dự định nên làm và theo tôi có lẽ sẽ được nhiều người tán thành.

Tuy nhiên, có thực thi được hay không là cả một vấn đề, không hề đơn giản. Bởi cái xưng hô không chỉ liên quan đến ngôn ngữ giao tiếp mà còn liên quan tới văn hóa ứng xử. Cho nên, việc áp dụng nó theo một quy chuẩn cứng nhắc quả không dễ.

“Theo tôi, xưng “anh-tôi” trong công việc là thể hiện văn hóa chính quy nơi công sở. Nếu thực hiện được dần dần sẽ thành thói quen của mỗi cán bộ, công chức”, PGS.TS Phạm Văn Tình nói.

PGS. TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam 

Cùng bàn về vấn đề này, PGS. TS Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam) nhấn mạnh: Nguyên do của việc xưng hô “bác-cháu”, “chú - cháu” ở trong các cơ quan ngoài chênh lệch tuổi tác. Tôi hoàn toàn ủng hộ cho ngôn ngữ hành chính ở trong cơ quan công quyền, trong cộng đồng xã hội và đồng ý với sự chuẩn bị của Bộ Nội vụ. Rõ ràng trong các cơ quan, chúng ta không thể để cách xưng hô “bác-cháu”, “chú-cháu” được.

Quan trọng là ngữ điệu của người giao tiếp chứ không phải là ở cái vỏ ngôn ngữ. Cái tôi đấy không phải cái tôi hầm hố, quát nạt, bởi tiếng Việt giàu cung bậc, ngôi thứ nhưng đồng thời cũng giàu cách thức trong việc biểu đạt tình cảm. Cho nên việc thể hiện sự kính trọng hoàn toàn có thể quyết định ở ngữ điệu.

“Xét cho cùng, tôi cho rằng, nếu chúng ta kiên trì thực hiện và cốt là chủ trương và sự gương mẫu chấp hành của người đứng đầu các đơn vị thì đề án này hoàn toàn khả thi”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho biết thêm.

Thảo Phượng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc