Muốn làm người tốt cũng khó

13:45 | 18/03/2014

23,561 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Muốn làm người tốt bây giờ đã không đơn giản, nhưng tuyên truyền về người tốt bây giờ sao cũng khó lắm thay!

Năng lượng Mới số 305

Trong một lần đàm luận về nhân tình thế thái, tôi và mấy anh bạn nói với nhau đủ thứ chuyện, từ thái độ vô cảm của nhiều quan chức với dân, thái độ vô cảm của  đồng bào với nhau, rồi chuyện người ngay sợ kẻ gian, thầy giáo sợ học trò, lính sợ quan…

Một anh bạn là giám đốc một công ty thở dài và kể một câu chuyện của anh từ mấy năm trước.

Chuyện là vào một buổi tối, anh đang lái xe ôtô trên đường, đến một quãng khá vắng, thấy một người nằm bên chiếc xe máy, anh dừng lại. Thấy người đó bị thương rất nặng, anh vội vàng chạy vào mấy nhà dân gần đó, nhờ mọi người khênh người bị nạn lên ôtô, rồi mang chiếc xe bẹp rúm đi gửi. Vào đến viện, sau khi các bác sĩ cấp cứu người bị nạn thì lập tức anh bị giữ lại. Các bác sĩ cấp cứu yêu cầu anh phải làm các thủ tục, khai họ tên, nộp tiền cho người bị nạn. Nhưng rủi một nỗi, người bị nạn có nói được gì đâu, trong người cũng chẳng có giấy tờ gì. Mặc cho anh giãi bày thế nào, nhân viên phòng cấp cứu cũng không nghe và gọi luôn công an đến.

Một lát sau, hai cán bộ công an đến và yêu cầu anh trình bày lại sự việc. Sau khi anh trình bày, công an cũng chẳng tin. Anh lại phải lái xe đưa 2 cán bộ này đến nơi xảy ra tai nạn, gặp mấy người đã ra khênh người bị nạn lên xe và xem lại chiếc xe.

Khi lấy lời khai của người dân, họ cũng chỉ có thể nói được là thấy anh này vào gọi thì chạy ra giúp, chứ chẳng biết sự tình ra sao. Tiếp theo, công an yêu cầu anh phải đưa xe về đội để kiểm tra xem có vết tích va quệt hay không.

Rất may cho anh, chỉ nửa ngày sau, người bị nạn đã tỉnh lại và anh ta nói tên tuổi, địa chỉ, kể lại việc bị một chiếc xe công nông đâm vào ra sao.

Vậy là anh bạn tôi đang từ người “làm phúc”, trở thành “phải tội” và phải mất thêm một ngày nữa để lấy được giấy tờ xe, bằng lái. Trong khi đó, anh đã phải nộp cho bệnh viện mấy triệu đồng để chạy chữa cho người kia.

Đến khi người nhà người bị nạn đến, họ cũng chỉ cảm ơn anh. Còn số tiền anh đã ứng ra thì họ nói: “Bác thương chúng em! Nhà chúng em nghèo quá”.

Kể xong câu chuyện, anh nói: “Từ sau cái đận ấy, hễ thấy chỗ nào có tai nạn hoặc những việc cần có sự giúp đỡ thì tôi tránh xa. Chẳng hơi đâu mà giúp”.

Nhân câu chuyện ấy, tôi lại nhớ đến một câu chuyện khác.

Có một ông Cục trưởng mới được đề bạt. Theo thông lệ ở đơn vị, hằng ngày ông được ôtô đưa đón đi làm, mặc dù theo quy định của Nhà nước thì cấp Cục trưởng không được xe đưa xe đón. Nhà ông lại cách cơ quan chỉ khoảng 2km. Thế là ông bèn đạp xe đi làm.

Cái lý của ông thì cũng đơn giản.

Thứ nhất là có được 2km tập thể dục bằng cách đạp xe.

Thứ hai là vì anh chàng lái xe ở cách cơ quan đến mười mấy cây số, mà ông thì lại đi làm sớm nên nếu phục vụ ông thì lái xe phải dậy từ… 5h30 sáng.

Chuyện đơn giản chỉ có vậy. Nhưng rồi, người ta đàm tiếu rằng ông là loại “rắn đóng giả lươn” khi không sử dụng xe công, rồi là “tỏ ra liêm khiết, trong sạch”. Đầu tiên thì ông cũng mặc kệ vì biết thừa rằng, ở cơ quan nào chẳng có lối cấp dưới nói xấu cấp trên.

Rồi chuyện ông không đi ôtô được lan truyền và được một đồng chí lãnh đạo cấp cao biểu dương. Thật họa cho ông, từ đó ông bị những người đồng cấp ở các đơn vị khác nhìn bằng con mắt xa lạ. Nhiều người đã bắn tin với ông rằng, ông nhà gần thì còn đi xe đạp được, chứ chúng tôi nhà cách dăm bảy cây số thì đi thế nào? Rồi là ông định “nhoi” lên nữa nên cố vẽ cho mình một “chân dung người cán bộ lãnh đạo cần kiệm, giản dị…”. Chưa hết, ở ngay trong chính gia đình, bà vợ cũng ấm ức vì thứ Bảy, Chủ nhật, muốn “nhờ chuyến xe cũng khó”.

Người dân tốt bụng đưa người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu

Chịu không nổi những ánh mắt mỉa mai, chịu không nổi những lời nói dè bỉu, móc máy, ông đành phải bỏ xe đạp để đi ôtô.

Qua những câu chuyện nhỏ ở trên mới thấy rằng, ở xã hội chúng ta hiện nay, muốn làm người tốt xem ra cũng không đơn giản.

Một điều dễ nhận thấy nhất là trên báo chí, càng ngày càng thiếu những gương người tốt, việc tốt.

Thật ra, trong xã hội chúng ta hiện nay, có rất nhiều tấm gương lao động giỏi, sáng tạo, rất nhiều những gương dũng cảm trong nhiều lĩnh vực. Nhưng nhà báo, nhà văn muốn viết về những tấm gương này thật là khó. Đặc biệt là viết về những nhà quản lý, những nhà lãnh đạo. Viết về tập thể tốt thì còn tương đối dễ, nhưng viết về cá nhân tốt thì cực kỳ khó, đặc biệt là những người đang việc làm trong các cơ quan Nhà nước.

Trước, tôi nhớ mãi một lần khi tôi đi viết về Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Anh hùng Lực lượng Vũ trang. Khi đó ông còn là Phó giám đốc Công an tỉnh Nam Định. Chiến công của ông từ khi còn là cảnh sát hình sự, rồi là Phó trưởng Công an TP Nam Định rất nhiều. Tư liệu viết không thiếu và hơn nữa, ông và tôi là chỗ đồng niên nên dễ trò chuyện, tâm sự. Vì vậy tôi có rất nhiều tài liệu về các chuyên án mà ông trực tiếp chỉ huy, đặc biệt là nhiều chi tiết mang “cá tính Phan Văn Vĩnh”. Và thế là tôi đã viết một phóng sự dài kỳ về Phan Văn Vĩnh.

Khi biết tôi viết, ông tức tốc phóng xe từ Nam Định lên và năn nỉ rằng, tôi đừng viết gì lúc này. Tôi rất ngạc nhiên vì sao ông lại hãi báo chí đến như vậy. Chuyện phá các vụ án lớn thì ông cũng đã kể ở nhiều nơi, đã báo cáo thành tích ở nhiều hội nghị. Vậy mà bây giờ tại sao lại “bế quan tỏa cảng” với báo chí thế này?

Gặng hỏi mãi ông mới nói rằng, giám đốc sắp chuyển công tác khác, lại chuẩn bị bầu Hội đồng Nhân dân, Đại hội Đảng, rồi chuẩn bị cơ cấu chọn giám đốc mới. Bây giờ chỉ cần có một bài báo về mình, người ta lại cho rằng “thuê mướn báo chí” để đánh bóng tên tuổi. Vậy nên, tốt nhất là không viết lách gì vào thời gian này; bao giờ việc tổ chức xong, muốn viết gì thì viết.

Nể lời, tôi cũng đành cất bản thảo. Và đến khi ông được đề bạt là Giám đốc Công an tỉnh, tôi định đăng thì cũng lại can: “Tôi vừa làm Giám đốc, mà viết thế này thì người ta lại nghĩ khác…”. Tất nhiên là sau đó, phóng sự cũng được đăng trên Báo An ninh thế giới.

Về sau này, tôi cũng viết nhiều gương người tốt việc tốt và các phóng sự chân dung nhưng quả thực là rất nhức đầu, bởi khi viết xong, không những người viết đòi xem lại, mà còn phải trình duyệt ở đủ các cấp. Rồi mỗi một bài khi được đăng, lại phải “nín thở” chờ đợi xem có phản ứng gì không. Chỉ cần một chi tiết chưa chính xác lắm, thậm chí chỉ cần quên nhắc đến tên một cá nhân nào đó mà có hình ảnh trong sự kiện… thì không khéo là sinh chuyện. Rồi khi viết bài, câu muôn thuở bao giờ cũng là: “Được sự quan tâm chỉ đạo của…”. Thiếu câu này, không chừng cũng sinh chuyện. Và lần sau, xuống đơn vị đó, không chừng bị đuổi thẳng. Ngẫm lại thật là buồn!

Đúng là muốn làm người tốt bây giờ đã không đơn giản, nhưng tuyên truyền về người tốt bây giờ sao cũng khó lắm thay!

Như Thổ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc