Từ vụ "quan tòa chạy án”:

Đến người cầm "cán cân công lý" cũng bị mua chuộc!

09:00 | 05/07/2014

3,004 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ việc vị Chánh án TAND huyện Thanh Liêm, Hà Nam nhận tiền hối lộ để “chạy án” mục đích đổi trắng sang đen khiến dư luận không khỏi rùng mình. Câu hỏi lớn được đặt ra là: Khi chính những người bảo vệ pháp luật, làm công tác truy tố, xét xử và thi hành án cũng làm méo mó cán cân công lý thì người dân biết tin vào ai?

>> Bắt khẩn cấp một thẩm phán tòa án vì xâm phạm hoạt động tư pháp

Trong ngành nghề nào cũng phát sinh những tiêu cực mà người ta phải che dấu, mua chuộc nên gọi chung là “chạy án”. Thế nhưng ở ngành tư pháp, việc “chạy án” đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Việc này dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc chính tội phạm tìm cách vận dụng pháp luật nhằm giảm nhẹ hình phạt. Khi những người cầm cán cân công lý mà không có cái tâm, cái tài thì những hệ lụy sẽ kéo dài cả thế hệ.

 

Nguyễn Duy Hiệp.

 

Gần đây nhất, ngày 3/7/2014, VKSND Tối cao đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Duy Hiệp (39 tuổi, Quyền Chánh án TAND huyện Thanh Liêm, Hà Nam) về hành vi nhận hối lộ.

Theo đó, năm 2008, trong quá trình kiểm kê, đền bù đối với một số hạng mục của công trình đường B2B tại thôn Thanh Bồng (xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm), Đỗ Đức Tuân có hành vi móc ngoặc với một số người để kê khai khống số giếng khoan, chiếm đoạt của Nhà nước 25 triệu đồng. Vụ việc bị Công an huyện Thanh Liêm phát hiện, Tuân bị khởi tố và đưa ra xét xử.

Để “chạy án”, Đỗ Đức Tuân cùng bố là ông Đỗ Minh Tý đã đến gặp gỡ và chi 235 triệu đồng cho Nguyễn Duy Hiệp để xin cho hưởng án treo. Đến ngày 12/6/2014, TAND huyện Thanh Liêm xét xử tuyên phạt Đỗ Đức Tuân 12 tháng tù giam.

Do không đạt được như thỏa thuận nên hai bố con Tuân đã gặp Nguyễn Duy Hiệp để đòi lại tiền. Hiệp nói chỉ trả 155 triệu đồng vì số tiền còn lại đã chi phí để lo cho Tuân. Bức xúc, hai bố con Tuân đã làm đơn tố cáo hành vi của Nguyễn Duy Hiệp đến cơ quan chức năng.

Bùi Anh Đức - nguyên Thẩm phán TAND huyện Yên Thành mới bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù giam về tội nhận hối lộ để “chạy án”.

Cách đây không lâu, ông Phan Văn Quang, Chánh án TAND huyện Nam Đàn (Nghệ An) bị bắt giữ khi đang nhận tiền chạy án. Với lời hứa sẽ xử một mức án nhé cho bị can bị truy tố về tội đánh bạc, ông Quang đã nhận của thân nhân bị can 20 triệu đồng. Bởi thế, theo người dân địa phương, mặc dù mới về làm chánh án TAND huyện Nam Đàn 5 năm nhưng ông Quang đã có ôtô riêng và sống cùng gia đình tại thị trấn Nghĩa Đàn.

Trước đó, cũng tại Nghệ An, một thẩm phán của TAND huyện Yên Thành bị bắt giữ trong một vụ cầm đầu đường dây “chạy án”. Theo đó, ông Bùi Anh Đức là thẩm phán TAND huyện Yên Thành, được giao nhiệm vụ chủ tọa xét xử phiên tòa hình sự về vụ án “tham ô tài sản” vào ngày 25/4/2012. Điều đáng nói là bản thân ông Đức đã gợi ý gia đình bị cáo chi từ 40 triệu đến 60 triệu đồng để lo việc giảm án. Sau khi sự việc bị tố cáo, Đức cũng đã khai nhận toàn bộ sự việc phạm tội của mình.

Trước hàng loạt thực trạng trên, nhiều người tỏ ra bức xúc vì niềm tin của người dân vào pháp luật, lẽ công bằng xã hội vốn đang bị tổn thương. Phân tích nguyên nhân trên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng đây là sự yếu kém về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật, công tác truy tố, xét xử và thi hành án.

Bên cạnh đó là bệnh quan liêu, thành tích vẫn còn nặng nề nên không ít người đứng đầu vẫn còn bao che, dung túng cho hành vi tham nhũng của cán bộ do mình quản lý. Vẫn còn có biểu hiện xử lý không nghiêm minh, nương nhẹ và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm như lợi dụng kẽ hở của pháp luật để xử lý hành vi vi phạm pháp luật bằng biện pháp kỷ luật, hành chính.

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Trao đổi với PV vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến - Trưởng Văn phòng luật sư Đức Thịnh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Tâm lý của tội phạm thì luôn muốn trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật hoặc được giảm nhẹ nên luôn tìm cách “chạy án”. Tuy nhiên nếu như các cán bộ ngành tư pháp cũng tiếp tay cho việc này thì không thể chấp nhận được. Phẩm giá cao quý của người “cầm cân” đã bị lợi dụng để mưu cầu lợi ích vật chất không chính đáng cho riêng mình, vi phạm pháp luật, kỷ luật của nghành tòa án.

“Chỉ vì tiền mà đến người “cầm cân” cho sự công bằng của xã hội cũng bị mua chuộc thì đáng lên án. Đây là điều lý giải cho việc tại sao còn tồn tại nhiều vụ án oan sai, nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng như vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bác Giang gần đây. Bản thân tôi cũng như người dân không chấp nhận được việc đòi hỏi về tiền bạc trái pháp luật của những người có thẩm quyền giải quyết vụ án”, luật sư Tiến nói.

Nhiều ý kiến khác cho rằng với việc xảy ra tình trạng cán bộ ngành tòa án ăn hối lộ, chạy án và tỉ lệ án sửa, hủy án do phán quyết còn cao thì thì trách nhiệm thuộc về ai?

Chính vì vậy, tình trạng người dân tự xử tội phạm, bắt giữ người trái pháp luật, khiếu kiện đông người… trong thời gian qua cho thấy niềm tin vào các cơ quan điều tra, tố tụng, xét xử đã giảm sút nghiêm trọng.

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

 

Trao đổi thêm với PV xoay quanh vấn đề này, ông Lê Văn Cuông, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bức xúc về những vụ việc”chạy án” trong chính ngành tư pháp. Cũng theo lời ông Cuông, không loại trừ có những vụ án mà cả ba cơ quan tố tụng là công an, viện kiểm sát và tòa án bắt tay với nhau “chạy án”.

Ông Cuông cho rằng: Có những vụ việc lúc đầu như to con voi nhưng khi xử thì chỉ bằng con chuột. Trong quá trình điều tra để kéo dài thời gian cũng là điều kiện để người ta “chạy án”. Tuy nhiên, chúng ta không phát hiện ra nên mọi chuyện tưởng rất tốt đẹp.

Nhiều người trong ngành tư pháp giàu lên nhanh chóng thì chúng ta cũng nên đặt ra hỏi tiền từ đâu mà nhiều vậy. Có người cho rằng trong quá trình phạm tội, người nhà bị can phải bỏ tiền chạy khắp nơi. Từ án nặng chạy thành nhẹ, từ cái nhẹ thành không có gì. Đó là tệ nạn lớn, nhất là án kinh tế thường xuất hiện sự "chạy" rất phổ biến. Bởi vì tham nhũng về kinh tế nên họ có kinh tế để chạy. Kể cả các án hình sự như ma túy họ vẫn chạy, đặc biệt, cụ thể nhất là họ mua chuộc cơ quan tố tụng từ những khung hình sự rất rộng 2 đến 7 năm nên họ sẽ vận dụng để hưởng mức thấp nhất. Thậm chí còn những vụ tuyên án khiến dư luận bất ngờ.

Ông Lê Văn Cuông nhấn mạnh: “Phải có thiết chế, hoặc cơ quan độc lập nào đó ngoài tòa án để giám sát. Cơ quan này sẽ giám sát, phát hiện và vào cuộc ngăn chặn sự bao che nội bộ cho nhau. Nếu cứ để hệ thống trên dưới bao che cho nhau sẽ làm méo mó sai lệch. Cơ quan tư pháp vẫn mang suy nghĩ “xấu chàng hổ ai”, ngại đụng chạm nên cuối cùng chỉ người dân là khổ.

Tôi nhấn mạnh lại, phải có cơ quan tư pháp độc lập để dân kêu oan lâu, tạo điều kiện để cơ quan này chuyên sâu thì mới phát hiện được tiêu cực. Chứ như hiện nay nhiều người cầm cán cân công lý không thấy sợ và như thế dễ nảy sinh việc “chạy án”.

>> Bắt khẩn cấp một thẩm phán tòa án vì xâm phạm hoạt động tư pháp

Thảo Phượng