Cần loại bỏ nạn ăn cắp thông tin!

10:23 | 11/03/2013

1,687 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chặn đứng nạn ăn cắp thông tin không còn là việc riêng của các báo bị xâm hại mà phải là việc của các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà báo và bạn đọc mà trước hết là tẩy chay các trang mạng chuyên chôm chỉa thông tin!

>> 'Cây tầm gửi' mang tên Vietbao.vn

>> Yêu cầu Vietbao.vn chấm dứt việc lấy tin bài của Petrotimes

Vấn nạn ăn cắp thông tin của một số trang mạng được ghi nhận đã trở nên nghiêm trọng sau khi Petrotimes "nổ phát súng" đầu tiên. Cùng với các nhà báo, bạn đọc cũng đã  tổng hợp và làm rõ các thủ đoạn ăn cắp thông tin của nhưng trang mạng theo các dạng như sau:

- Ăn cắp trọn gói là hình thức ăn cắp phổ biến nhất của nhiều trang mạng hiện nay. Họ chỉ cần lướt qua các báo điện tử hoặc báo giấy thấy tin bài nào hay là copy thủ công hoặc tự động rồi đăng lên trang của mình nguyên xi cả tít lẫn nội dung bài. Tác giả tin bài gốc thường ghi rất nhỏ hoặc viết tắt.

- Ăn cắp chế biến là copy tin bài từ báo khác về, sau đó đặt lại tít, cắt bớt nội dung rồi đăng dù có ghi là theo tờ báo có tin bài gốc. Có mạng dùng kỹ thuật rút tin tự động có chọn lọc tin bài gốc khi độc giả bấm vào thì mở ra trang báo gốc. Lượt xem (pageview) trong trường hợp này tính về các trang báo gốc.

- Ăn cắp tổng hợp là xào nấu thông tin từ rất nhiều trang tin và báo điện tử hiện  rồi viết lại hoặc tóm gọn lại, sau đó tự ghi tên mình là tác giả.

Từ việc nhận diện phương thức trên, không khó khăn gì để bạn đọc nhận ra mạng Việt Báo cũng trộm cắp và trắng trợn vi phạm bản  quyền báo chí mà nói đúng ra là ăn cắp thông tin đáng bị lên án và chắc chắn bạn đọc cũng đồng tình ủng hộ việc lên án mạng này.

Tuy nhiên nếu như Báo Mới, sau khi bị khiếu nại đã có động thái tiếp thu như gỡ bỏ toàn bộ các tin bài lấy của Petrotimes và  xin lỗi Năng lượng Mới thì Việt Báo ứng xử khác. Đây là kiêu ứng xử vừa ăn cắp vừa la làng. Trên trang Việt Báo ngày 8/3 lại có bài Đăng lại tin tức có vi phạm sở hữu trí tuệ? Bài báo này trích dẫn Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 100/2006/NĐ-CP để biện minh rằng “các thông tin báo chí hằng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin không có tính sáng tạo sẽ không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả.  Liên quan tới quy định này, gần đây đã có việc báo P.  (Petrotimes) gửi công văn đến Báo Mới yêu cầu đơn vị này chấm dứt việc lấy thông tin từ báo P. để đăng tải lại.

Theo những quy định đã trích dẫn ở trên, việc lấy lại tin, bài của Báo Mới không xin phép hay thỏa thuận bằng văn bản với những trang thông tin, báo điện tử sản xuất tin chưa hẳn đã vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.

Để chứng minh rằng Báo Mới vi phạm thì phải chứng minh được tính sáng tạo trong các bài báo được đăng lại. Tuy nhiên, như thế nào là có chứa “tính sáng tạo” thì không được làm rõ và rất khó xác định.

Dẫu rằng Báo Mới có chọn lọc những tin bài “nóng”, “độc” để đăng tải thì cũng không có gì vi phạm, vì đó cũng là tin tức thuần túy phản ánh sự thật khách quan. Nếu cho rằng tin tức đó có tính sáng tạo thì tính sáng tạo ở đây là gì? Sự sáng tạo có làm khác đi sự thật không?

Các báo cho rằng việc đăng tải lại bài của Báo Mới là hành vi “ăn cắp”, vi phạm luật sở hữu trí tuệ  chỉ là sự cảm nhận không cơ sở pháp lý.

Mặt khác, Báo Mới đăng lại tin, bài của họ có trích dẫn nguồn cụ thể, và có dẫn link về trang gốc, như vậy về mặt cảm quan thì đây cũng là sự tôn trọng với chủ sở hữu bài viết. Tuy tại Điều 23 Nghị định 47/2009/NĐ-CP có quy định hành vi sao chép tác phẩm trái phép có thể bị phạt hành chính lên tới 500 triệu đồng, tuy nhiên nghĩa vụ chứng minh hành vi vi phạm này thuộc về cơ quan Nhà nước”.

Không chỉ thanh minh thanh nga việc ăn cắp thông tin của mình, Việt Báo còn đòi hỏi Petrotimes “có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại của mình và được Tòa án chấp nhận”.

Việt Báo còn lấp lửng rằng: “Thực tế, việc chứng minh thiệt hại trong trường hợp này vô cùng khó khăn và cũng không có nhiều quy định liên quan để Tòa án có thể chấp nhận việc chứng minh này. Đứng trên góc độ pháp luật, việc ai đúng ai sai có lẽ còn là việc cần tranh cãi nhiều. Tuy nhiên, đứng trên góc độ người đọc báo, việc có được một nguồn thông tin tổng hợp là một điều ai cũng mong muốn…”.

Luận điệu của Việt Báo có cái gì nhang nhác như kẻ móc túi trộm tiền bạc giấy tờ  rồi bắt nạn nhân bỏ tiền ra chuộc lại!

Ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập báo Thanh Niên cho biết baomoi.com chỉ là một trong hàng chục trang điện tử, website thường xuyên lấy thông tin từ báo điện tử của Thanh Niên mà không được phép của báo. Ông Thông cho biết ban biên tập đang chuẩn bị công văn đề nghị baomoi.com chấm dứt sử dụng thông tin trên báo Thanh Niên

Giải pháp chống vi phạm bản quyền không đơn giản là câu chuyện pháp luật, kiện cáo ra tòa. Về pháp luật, hiện cũng có Luật Sở hữu trí tuệ điều chỉnh vấn đề bản quyền tác phẩm báo chí nhưng vẫn còn thiếu những hướng dẫn cụ thể, cần kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn rõ ràng hơn. Về quy trình để khởi kiện ra tòa hiện tốn rất nhiều thời gian, trong khi thông tin báo chí đăng tải liên tục, bị xâm phạm liên tục, nếu cứ mỗi khi phát hiện vi phạm phải gửi đơn đến tòa thì mỗi ngày chúng tôi phải gửi tới vài chục đơn kiện.

Vấn đề hết sức quan trọng là phải có sự tương tác của hội nghề nghiệp đối với tình trạng này. Hội Nhà báo cần đứng ra tổ chức các cuộc hội thảo, mời các chuyên gia về báo chí trong nước, ngoài nước, chuyên gia về thông tin mạng, luật gia... để cùng bàn về giải pháp cho việc này. Các báo có thể cùng bàn thảo, chia sẻ và từ đó có thể đặt ra thành hệ thống, thống nhất được quy định về hoạt động nghề nghiệp, tiến tới hình thành những quy ước chung cho vấn đề sử dụng thông tin mạng.

Tổng biên tập báo điện tử Dân Trí Phạm Huy Hoàn cho biết, báo Dân Trí đã đề nghị luật sư vào cuộc và qua rà soát của luật sư cho thấy có rất nhiều trang thông tin điện tử sử dụng thông tin của báo chí nói chung và báo Dân Trí mà không xin phép. Luật sư của Dân Trí đã thống kê được khoảng chục trang tin tổng hợp và sẽ chính thức làm việc với các đơn vị đó cũng như thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề này. Quan điểm của Dân Trí là các cơ quan đó phải thực hiện đúng Luật Báo chí.

Thiệt hại thì chúng ta nhìn thấy cái thứ nhất là vi phạm về bản quyền, đây là điều rõ ràng không phải tranh cãi. Thứ hai, nó nguy hại ở chỗ những sản phẩm báo chí, tác phẩm báo chí đó do cơ quan xuất bản phải chịu trách nhiệm. Việt Nam không có quy định cho tư nhân làm báo nhưng những trang thông tin này họ cứ lấy tin của các báo, sử dụng trên trang thông tin của mình như một tờ báo của mình làm ra. Ai cho phép họ làm việc đó, luật nào cho phép họ làm việc đó? Điều này Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trả lời, thanh tra bộ sẽ phải vào cuộc để xử lý vì lâu nay không ai xử lý cả, vẫn cứ để như vậy.

Chặn đứng nạn ăn cắp thông tin không còn là việc riêng của các báo bị xâm hại mà phải là việc của các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà báo và bạn đọc mà trước hết là tẩy chay các trang mạng chuyên chôm chỉa thông tin!

Thọ Vinh

>> Nhà báo, đừng 'quên' lẽ phải của chính mình!  

>> Yêu cầu Báo Mới ngừng lấy tin bài của Petrotimes

>> Một chút sự thật về Báo Mới

>> Độc giả ủng hộ việc gạt bỏ 'ký sinh làng báo'

>> Báo Mới công khai xin lỗi Petrotimes và các báo điện tử

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc