Kinh tế báo chí: Cởi bỏ “vòng kim cô” để phát triển

08:20 | 24/06/2024

582 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi nói về về vai trò của kinh tế đối với các cơ quan báo chí trong nước, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng khẳng định, đây là yếu tố rất quan trọng góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí Cách mạng Việt Nam.

Nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có một cơ quan báo chí mạnh. Đã tới lúc cần trực diện cởi bỏ những nút thắt như phụ thuộc vào quảng cáo, kìm hãm của chính sách... để đưa ra các cách thức đa dạng nguồn thu cho các tờ báo.

Nguồn thu bị đe dọa

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, nguy cơ về kinh tế mà các cơ quan báo chí đang phải đối mặt là rất lớn. Tính đến hết năm 2023, đối với báo, tạp chí, tỷ lệ tự bảo đảm chi thường xuyên chiếm 39%, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên chiếm 36%, ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên chiếm 25%.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải với các đại biểu tại Diễn đàn “Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” năm 2024 do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức ngày 31/5. Ảnh: Thanh Hải
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải với các đại biểu tại Diễn đàn “Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” năm 2024 do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức ngày 31/5. Ảnh: Thanh Hải

Đối với phát thanh - truyền hình, tỷ lệ bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư chiếm 6,94%, tự bảo đảm chi thường xuyên chiếm 26,39%, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên chiếm 66,67%. Không chỉ vậy, doanh thu của các báo, tạp chí 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Còn tổng nguồn thu năm 2023 của các đài phát thanh, truyền hình giảm tới 23% so với năm 2022. Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo/ngày trên kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo. Thậm chí có đài, thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút/ngày.

Dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh - truyền hình vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, bên cạnh sự cạnh tranh từ quốc tế, ngay trong nước cũng có sức ép đáng kể đối với các cơ quan báo chí. Đó là những khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí cần tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí.

Hiện nay, hàng năm chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách trong khi nhiệm vụ chính trị vẫn phải thực hiện thường xuyên.

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Chí Trung (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) cho rằng, vấn đề kinh tế báo chí Việt Nam chưa bao giờ nóng bỏng, phức tạp và nan giải như những năm gần đây. Cả giới báo chí cùng các nhà thiết kế chính sách đã bàn luận về nhiều định hướng, mô hình và phương thức tháo gỡ.

Tuy nhiên, bài toán khó dường như vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Những kết quả đạt được mới chỉ tiến đến một vài khía cạnh của cơ chế chính sách, những ý kiến đề xuất dường như mới tóm lược một số mô hình tham khảo bên ngoài.

Ông Bùi Chí Trung cho rằng, việc phát triển kinh tế báo chí truyền thông không chỉ cần nhìn từ một vài trường hợp cụ thể, từ riêng một lĩnh vực hay loại hình riêng biệt mà cần được nhìn nhận ở quy mô tổng thể, chiến lược và toàn diện của hệ thống báo chí quốc gia, gắn với bối cảnh phát triển kinh tế số mạnh mẽ hiện nay, từ đó có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng, của hệ thống truyền thông Việt Nam.

Đa dạng hóa nguồn thu

Về việc giải bài toán kinh tế cho các cơ quan báo chí, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho rằng, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới báo chí đang đối đầu với thách thức ấn phẩm in giảm cả về số lượng lẫn doanh thu tuy nhiên phần tăng của ấn phẩm số không thể bù đắp cho phần mất đi của báo in.

Do đó, các cơ quan báo chí bắt buộc phải đa dạng hóa nguồn thu. Hiện, nhiều đơn vị báo chí lớn trên thế giới đã và đang làm rất tốt việc đa dạng hóa nguồn thu. Có thể kể đến như: thu phí bạn đọc; làm truyền thông, tổ chức sự kiện; thương mại điện tử; cấp phép thương hiệu; cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin; tổ chức nghiên cứu;...

Kinh tế báo chí: Cởi bỏ “vòng kim cô” để phát triển
Ảnh minh họa: Internet

Theo ông Lê Quốc Minh, mặc dù báo chí có thể có nhiều nguồn thu nhưng tìm kiếm doanh thu từ độc giả vẫn là nguồn thu an toàn nhất. Đơn cử như doanh thu quảng cáo, mặc dù Google và Facebook đang chiếm khoảng 70% thị phần quảng cáo trong nước nhưng mảng này vẫn đem về cho các cơ quan báo chí 40 - 50% doanh thu, đây là con số rất quan trọng và vấn đề là phải làm sao để cho chúng tăng trưởng.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cũng nhấn mạnh, việc làm truyền thông - tổ chức sự kiện đã được các đơn vị báo chí quốc tế làm rất chuyên nghiệp và Việt Nam cũng cần học hỏi hướng đi này để có thêm nguồn thu nhờ vào chuyên môn của chính mình.

Còn theo TS. Đỗ Anh Đức - Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), mô hình thu phí là hướng đi khả quan đối với các cơ quan báo chí trong nước. Tuy nhiên muốn người dùng trả phí thì trước hết phải có nội dung chất lượng và nội dung chất lượng ở đây không nhất thiết phải luôn luôn là nội dung chuyên sâu.

“Điều cốt lõi về chiến lược nội dung không phải là chạy theo lượt xem, hoặc cố gắng sản xuất thật nhiều bài vở chuyên sâu - điều vượt quá khả năng của nhiều tòa soạn, cơ quan báo chí và đó cũng không hẳn là “khẩu vị” hàng ngày của độc giả. Ngược lại, những nội dung độc đáo, giá trị, có tính đặc thù của cơ quan báo chí mới là quan trọng. Các cơ quan báo chí Việt Nam có thể thử nghiệm thu phí một phần, tức là tiến hành thu phí sau khi cho phép người đọc truy cập một số bài miễn phí”, TS. Đỗ Anh Đức chia sẻ.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, trong năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Chính phủ sửa đổi Luật Báo chí, trong đó đưa vào một số thể chế về mô hình, quy mô, vị trí pháp lý của cơ quan báo chí trong bối cảnh công nghệ biến động, các mô hình kinh doanh biến động.

Trong đó, sẽ phải đưa vào Luật Báo chí (sửa đổi) những khái niệm mới, những tiền đề mới để có thể giúp đỡ cho báo chí phát triển, trong đó có câu chuyện giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế báo chí. Báo chí hướng đến độc giả thì nguồn thu chính vẫn là từ độc giả. Tuy nhiên, những thực thể khác trong xã hội như cộng đồng doanh nghiệp cũng rất cần sự đồng hành có trách nhiệm của báo chí.

Trong quá trình tìm cách đi và tìm nguồn thu chính đáng cho báo chí, cơ quan báo chí không nên bỏ qua bất cứ nguồn lực xã hội nào. Đây cũng là quá trình các cơ quan báo chí định vị lại sứ mệnh của mình, định vị lại cách đi của mình để thực sự đóng góp vào sự phát triển chung.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm

Theo Báo điện tử Kinh tế & Đô thị

Miếng bánh triệu USD vốn quá nhỏ, kinh tế báo chí lại sắp đối mặt thất thuMiếng bánh triệu USD vốn quá nhỏ, kinh tế báo chí lại sắp đối mặt thất thu
Quy định quảng cáo Quy định quảng cáo "gây khó": Vì sao nước ngoài vẫn làm, Việt Nam lại siết?
Phát triển kinh tế báo chí ổn định, bền vững trong kỷ nguyên sốPhát triển kinh tế báo chí ổn định, bền vững trong kỷ nguyên số

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc