Bàn về văn hóa ứng xử ở bệnh viện

07:00 | 27/02/2014

5,653 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lâu nay, dư luận vẫn liên tục phê phán về thái độ của những người làm ngành y tế như hách dịch, cửa quyền hay những vấn nạn trong bệnh viện. Chính điều đó đã làm bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân mang sẵn định kiến trong đầu, để rồi từ đó có nhiều cách ứng xử chưa được văn hóa.

Nếu cứ mang định kiến như vậy thì chẳng ai dám sang Hương Cảng làm việc hoặc du lịch bởi xem phim, xứ cảng thơm ấy chỉ toàn băng đảng và chém giết. Chắc cũng chẳng ai dám tới Thái Lan bởi suốt ngày trên tivi chiếu toàn cảnh biểu tình hay bạo động.
      
Trước khi bàn đến chuyện văn hóa ứng xử trong bệnh viện, phải khẳng định rằng, những vụ việc gây xôn xao trong dư luận về ngành y là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”. Và trong thực tế, ngành nào cũng có những quy tắc không được vi phạm. Ngành y có những quy định nghiêm ngặt về y đức. Nhưng nhiều người vốn hay suy luận và quy kết, sẽ mặc định rằng, cứ bác sỹ là ăn tiền bệnh nhân hay vô trách nhiệm; nghệ sỹ là nay bỏ chồng, mai bỏ vợ; nhà khoa học là gầy gò, mắt lồi do suốt ngày ngồi đọc sách; nhà thơ là phải đầu bù tóc rối, ngơ ngác nhìn đời. Tư tưởng đúng thì hành động đúng, nếu bỏ qua những định kiến đó, mọi người mới có cách cư xử đúng mực.

Phê phán, lên án y, bác sĩ và bệnh viện nếu có những việc làm vi phạm y đức là chuyện tất nhiên. Song ngược lại, về phía người bệnh và người nhà bệnh nhân thì sao? Đã ai đặt mình vào địa vị người phục vụ để nhìn nhận cho công bằng chưa?

Tất nhiên, khi phải đến bệnh viện thì tâm trạng lo lắng, thậm chí sợ hãi là đúng. Thế nhưng, không phải vì thế mà gào thét, vật vã, khóc lóc, hay mạnh hơn nữa là đòi bác sĩ phải ưu tiên mình trước. Sự mất trật tự ấy gây ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của những bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng viên đang làm việc. Bởi lúc đó họ đang rất cần sự tập trung. Và với chuyên môn của mình, họ biết ca nào là nghiêm trọng, ca nào chưa đến nỗi gây ra tử vong. Cho nên, nếu mọi người bình tĩnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bác sỹ, nhân viên y tế làm việc. Bởi vì, có nóng vội, có sốt ruột thì việc cũng không thể nhanh hơn được. Tất nhiên, chuyện này luôn được các nhân viên y tế thông cảm bởi nó không sai, xét theo phương diện cảm xúc con người. Thế nhưng, nếu ai cũng kìm chế được cảm xúc, dành sự lo lắng quan tâm cho những việc có ích hơn thì sẽ tốt hơn nhiều.

Một điều tuy nhỏ nhưng cũng đáng để bàn là nhiều người vào viện rất ít khi đọc các biển chỉ dẫn ngay từ cổng. Nếu như khi tham gia giao thông, hành vi đó sẽ gây ra nhiều phiền toái như vi phạm luật, gây tai nạn thì ở bệnh viện, hành vi ấy sẽ ảnh hưởng đến người khác. Có người, để tìm phòng khám, phòng điều trị, sẵn sàng mở toang cửa các phòng mà trong đó, bệnh nhân đang cần sự yên tĩnh. Và còn đáng trách hơn nữa, khi biết là nhầm phòng, họ còn không hề có cử chỉ cũng như thái độ nào để xin lỗi. Họ đi hỏi hết người này người khác rằng phòng nọ, khoa kia ở đâu. Rồi khi đã được chỉ dẫn nhiệt tình, họ lại vội vã đi tìm nơi cần đến mà quên nói lời cảm ơn.

Chuyện xếp hàng trong bệnh viện thì có khác gì ở siêu thị hay những nơi công cộng khác. Nếu không có lực lượng bảo vệ thì bệnh nhân chắc chắn sẽ nhốn nháo tranh chỗ. Tất nhiên, lý do để họ biện minh cho việc đó là sự bận rộn. Ai mà chẳng bận, kể cả người tỏ ra bận. Thế nhưng, trong bệnh viện, luôn luôn có phòng cấp cứu để giải quyết những ca cần thiết. Còn việc khám chữa bệnh, đương nhiên là một loại dịch vụ, ai đến trước được giải quyết trước. Sự chen lấn, xô đẩy ở đâu cũng đáng bị chỉ trích. Đôi khi, nhiều người thừa thời gian để ngồi lì ở quán cà phê suốt buổi sáng nhưng lại tỏ ra sốt ruột khi phải xếp hàng khoảng một giờ đồng hồ. Thế rồi lại ca cẩm vì sự quá tải của bệnh viện. Đúng là ở thời hiện đại hóa, sự ô nhiễm đã song hành cùng cuộc sống con người ở khắp mọi nơi, phát sinh nhiều loại bệnh tật thì sự quá tải của bệnh viện là hoàn toàn dễ hiểu. Và nếu ai cũng sẵn sàng xếp hàng thì đó là cách gián tiếp giúp cho công việc của bệnh viện trở nên trôi chảy hơn nhiều.

Có một thực tế là rất nhiều bệnh nhân, biết một chút kiến thức đọc qua sách, báo, thậm chí truyền miệng đã nằng nặc phản đối khi bác sỹ kết luận bệnh của mình. Rồi sau đó họ tự chữa bằng thuốc này thuốc khác, đến khi bệnh trầm trọng thì vẫn không chịu nói thật những triệu chứng vì xấu hổ, khiến bác sỹ rất vất vả trong việc chẩn đoán. Nếu bác sỹ biết được bệnh nhân đã ăn món gì, uống thức gì thì việc tìm ra bệnh đã đơn giản hơn nhiều. Và càng buồn cười hơn ở chỗ, khi bác sỹ không tìm ra bệnh bởi chính sự che giấu của bệnh nhân thì người bệnh quay sang chỉ trích, coi thường chuyên môn của thầy thuốc.

Có một quan niệm sai lầm của nhiều người bệnh rằng, bác sỹ là vạn năng, cái gì cũng biết. Tất nhiên, đào tạo được một bác sỹ là cả một quá trình dài, cho nên khi nhận tấm bằng, họ đều phải có trình độ chuyên môn nhất định. Thế nhưng, học là một chuyện, còn thực tế lại là chuyện khác. Mỗi người bệnh có một cơ địa khác nhau, cho nên, mỗi lần tìm ra bệnh là một thử thách mới với bác sĩ. Việc thành thật với các nhân viên y tế là thành thật với sức khỏe cũng như tính mạng của chính mình.

Một điều nữa là rất ít khi người bệnh làm theo các quy tắc do bệnh viện đề ra. Đơn giản là họ thấy không phù hợp với bản thân mình. Thực ra, sự vô ý thức của nhiều người thường dễ thấy ở mọi nơi chứ không riêng gì ở bệnh viện. Chẳng hạn như có người ngang nhiên đi ngược chiều một đoạn vì ngại phải vòng xe hay thậm chí vì phía trái đường mát hơn do nhiều cây; có người tùy tiện dừng xe giữa đường nói chuyện điện thoại, mặc cho dòng xe phía sau đang ùn ùn nối đuôi đợi và đang bóp còi inh ỏi. Tuy nhiên, môi trường y tế là nơi đòi hỏi sự nghiêm ngặt bởi những quy chuẩn về vệ sinh cũng như an toàn, bởi nó liên quan đến sức khỏe và tính mạng của con người. Những người bệnh đã không ý thức được rằng, quy định trong bệnh viện được đặt ra chính là để bảo vệ cho bệnh nhân một cách tốt nhất có thể. Nếu không vì sức khỏe và sự an toàn của người bệnh thì bệnh viện chẳng đề ra những quy tắc, quy định ấy làm gì. Tâm lý người bệnh là nếu khuất mắt trông coi, sẽ sẵn sàng lờ đi các quy định bắt buộc. Thực ra, đó là tâm lý chung của nhiều người nhưng ở bệnh viện thì không thể làm khác, dù ai đó cảm thấy khác thường. Đó chính là sự thiếu hiểu biết về ngành y.

Văn hóa ứng xử trong bệnh viện là cả một câu chuyện dài. Vấn đề là bệnh nhân và người nhà đi theo phục vụ lâu nay luôn tự cho mình cái quyền được phê bình, được lên án người khác mà quên mất phần việc phải làm của mình. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, khi người bệnh ứng xử lịch sự, có văn hóa trong bệnh viện thì chắc chắn, bản thân họ cũng thấy thoải mái. Đồng thời, các bác sỹ cũng rất vui lòng khi được phục vụ những bệnh nhân có văn hóa.                        

Anh Thư