Bài học đáng nhớ

07:00 | 31/05/2015

4,463 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn một tháng nay, dư luận xôn xao về sự bất khả thi của Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội mới được Quốc hội thông qua cuối năm 2014 và sẽ có hiệu lực thi hành vào 1-1-2016. Sự bất bình của đông đảo người lao động xuất phát từ những thiệt thòi sau khi nghỉ việc muốn nhận một khoản tiền bảo hiểm xã hội mà không đợi hưởng chế độ hưu trí. Tất nhiên, có một bộ phận người lao động không có điều kiện làm việc tiếp, trong khi hoàn cảnh hầu hết là gia đình quá khó khăn. Họ đã đồng ý nhận tiền “một cục” để lo cuộc sống trước mắt.

Năng lượng Mới số 426

Chính vì lẽ đó mà lãnh đạo công đoàn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND TP HCM đã phải vào cuộc để bàn thảo lại vấn đề này và đề nghị Quốc hội sửa Điều 60 của luật. Và cuối cùng thì kỳ họp này của Quốc hội cũng phải đưa lên bàn nghị sự để thảo luận lại và sửa đổi Điều 60.

Bài học đáng nhớ

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Chủ tịch HĐND TP HCM)

Luật vừa thông qua, chưa đi vào cuộc sống đã phải sửa đổi là sự kiện hiếm có từ trước tới nay. Nhưng bởi sự bất hợp lý của điều luật, trước sự bức xúc của người lao động thì việc sửa ngay khi luật chưa đến thời điểm có hiệu lực lại trở thành chuyện tất yếu. Vấn đề đặt ra ở đây là các cơ quan tham gia xây dựng luật, các chuyên gia tham mưu cho Quốc hội cần phải nhìn nhận lại quy trình soạn thảo, lấy ý kiến và cuối cùng là các đại biểu đi đến biểu quyết thông qua.

Lúc đầu, Quốc hội cho rằng, lỗi do công tác tuyên truyền luật chưa thấu đáo. Nhưng không hẳn như vậy. Đại biểu Trần Thanh Hải (Phó chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) bác bỏ hướng phân tích cho rằng, quy định mới gặp phản ứng vì tuyên truyền chưa tốt nên người lao động không hiểu được ý nghĩa của việc thụ hưởng lâu dài khi đóng bảo hiểm đủ 20 năm để được nhận lương hưu khi hết tuổi làm việc. Báo cáo đề xuất sửa điều luật chưa có hiệu lực thi hành của Chính phủ, chưa nêu đủ hết các lý do mà người lao động phản ứng. Thực tế là có nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động ngắn hạn nên rất nhiều người lao động mong muốn làm việc lâu dài nhưng rất khó. Chính sách tiền lương hưu cho người lao động hiện cũng quá thấp, chưa trở thành động lực cố đóng bảo hiểm để mấy chục năm sau cũng chỉ nhận được khoản tiền không đủ sống mỗi tháng.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Chủ tịch HĐND TP HCM) cho biết, khi tiếp xúc cử tri, bà con đặt vấn đề vì sao một số điều, luật tính khả thi không cao, dễ gặp phản ứng, đó là ý kiến rất đáng nghe. Nói lý do người lao động phản ứng do công tác tuyên truyền chưa tốt, công đoàn chưa vận động công nhân kịp thời… chỉ là một phần nhỏ. Cơ bản là làm sao tuyên truyền được khi người lao động không thể sống với đồng lương hưu nhận được khi nghỉ làm. Sao mà thuyết phục được khi cơ chế chính sách không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Nếu nói do tuyên truyền vận động thì người công nhân nghe thấy họ càng buồn hơn, thể hiện đánh giá hiểu biết của công nhân chưa đúng. Điều luật không khả thi là do chưa thấu hiểu đời sống công nhân quá khó khăn. Bản chất vấn đề là chính sách không tốt, không nên “đổ lỗi” cho tuyên truyền.

Khi biết chuyện Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội không mang tính khả thi, cần sửa lại, dư luận cử tri cả nước đặt câu hỏi, tại sao các vị là người đại diện cho cử tri, có trí tuệ và tầm hiểu biết lại đồng ý bấm nút thông qua một điều luật như thế?

Đại biểu Võ Thị Dung (TP HCM) đã thừa nhận: “Khi công nhân phản ứng về điều luật này, bản thân tôi là một đại biểu Quốc hội, bấm nút thông qua điều luật cũng cảm thấy có lỗi và xấu hổ. Bên cạnh việc sửa đổi thì Quốc hội cũng cần có một lời xin lỗi với người dân để thể hiện sự cầu thị, thực tâm trong việc sửa đổi, chứ không phải chỉ sửa là xong”. Cũng thẳng thắn nhận lỗi, đại biểu Trần Hoàng Ngân chân thành nói lên điều trăn trở của mình: “Làm luật như vậy tôi thấy buồn, với tư cách đại biểu Quốc hội, tôi xấu hổ, thấy mình có phần trách nhiệm trong việc ấn nút thông qua một điều luật chưa có hiệu lực đã bị cử tri phản ứng”.

Bây giờ không phải lúc để các cơ quan chức năng đổ lỗi cho nhau mà nên cùng ngồi lại, lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng chính đáng của người lao động để sửa đổi Điều 60 cho thỏa đáng. Quốc hội coi đây là bài học kinh nghiệm để điều chỉnh lại quy trình xây dựng luật. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) cho rằng, cần xem lại cách lấy ý kiến trong xây dựng luật xem tính phổ quát và thực chất của việc lắng nghe dân đã tốt chưa, cách lấy ý kiến, đưa ra để lắng nghe người bị tác động có sâu sát, có thực sự muốn nghe hay không; nghe rồi, ghi nhận ý kiến nhưng tiếp thu cầu thị đã tốt chưa.

Chắc tại kỳ họp này, nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng đều cảm thấy xấu hổ như bà Dung, bà Tâm, ông Ngân nêu trên nhưng ngại không nói ra. Vậy thì từ nay, các chuyên gia được giao nhiệm vụ biên soạn luật cần phải thận trọng hơn, sâu sát thực tế hơn khi đưa ra trình trước Quốc hội những dự án luật. Còn với các đại biểu Quốc hội cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, có chính kiến rõ ràng mỗi khi bấm nút thông qua luật.

Có như vậy mới tránh lặp lại việc sửa luật khi chưa thi hành!

Đức Toàn