Thiếu tướng Phan Khắc Hy và đường Hồ Chí Minh huyền thoại

10:18 | 19/05/2014

1,558 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhân kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Trường Sơn, tôi đến gặp Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên là Phó tư lệnh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn tại căn nhà nhỏ của ông nằm trên đường Trường Sơn, quận Tân Bình. Ở tuổi 87, ông còn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Bằng giọng nói mạch lạc, từ tốn ông cuốn hút tôi vào câu chuyện về một thời gian khổ, hào hùng trên con đường Trường Sơn huyền thoại.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy sinh năm 1927, tại Quảng Bình, trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình ông từng tham gia rất nhiều binh chủng như: bộ binh, không quân, hậu cần… Năm 1971, khi đang là Chính ủy Bộ tư lệnh Không quân ông được cấp trên điều về làm Phó tư lệnh Bộ tư lệnh Trường Sơn để tăng cường cho mặt trận này, cùng với các cán bộ thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn chỉ huy tuyến chi viện chiến lược của ta, đường Trường Sơn.

Khi về đây ông tham gia chỉ huy mở chiến dịch vận tải đầu mùa khô 1971 - 1972 chi viện cho chiến trường miền Nam. Khi đó, bộ đội Trường Sơn hoạt động theo phương thức các hợp đồng binh chủng, tức là phối hợp các lực lượng: công binh bảo đảm cầu đường, phòng không bảo đảm đánh máy bay địch, bộ binh chống bọn biệt kích, thám báo, cứu thương cấp cứu thương binh... Khi đã chuẩn bị tất cả thì mới ra lệnh cho các sư đoàn, trung đoàn xe chuyển quân và vận chuyển hàng hóa xuất phát. Xe đi dưới sự yểm trợ của các lực lượng trong hợp đồng binh chủng.

 Thiếu tướng Phan Khắc Hy kể về thời gian làm Phó tư lệnh Đoàn 559

Thiếu tướng Phan Khắc Hy cho biết: Đế quốc Mỹ nhận thấy đường Trường Sơn là tuyến vận tải chiến lược của ta, là mạch máu nối liền miền Bắc với miền Nam, ngăn chặn cắt đứt được con đường đó sẽ cắt đứt sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam. Do đó, đường Trường Sơn là mục tiêu đánh phá hàng đầu của Mỹ. Mỹ chủ yếu sử dụng không quân tấn công từ bên trên, kết hợp với các cuộc hành quân trên bộ, sử dụng các loại vũ khí điện tử, tự động hóa, chất độc hóa, kể cả việc gây mưa nhân tạo để cản phá ta. Suốt con đường Trường Sơn dày đặt các loại bom mìn hỗn hợp mà Mỹ cài đặt như: bom nổ chậm, bom từ trường, bom phá, bom khoan, bom napan... Trước sự đánh phá ác liệt của Mỹ, bộ đội Trường Sơn mới nghĩ ra cách tổ chức thành các hợp đồng binh chủng để đi, chứ nếu đi riêng lẻ không có sự bảo vệ, hỗ trợ chắc chắn sẽ không qua được.

Không chỉ sử dụng các loại vũ khí hiện đại để đánh phá, Mỹ còn thường xuyên cải tiến công nghệ, bởi mỗi khi quân đội Mỹ sử dụng một loại vũ khí mới, bộ đội kỹ thuật của ta lại tìm cách “vô hiệu hóa” chúng. Thiếu tướng Phan Khắc Hy còn nhớ vào tháng 10-1971 trong chuyến đi kiểm tra công tác chuẩn bị của các đơn vị ông suýt chết vì trúng bom cải tiến của địch. Đó là hôm đến kiểm tra tại binh trạm 12 trên đường 12. Trước khi cho xe đi kiểm tra, lực lượng công binh rà soát đường và phát hiện có một quả bom khoan sâu xuống đất, các đơn vị công binh cho xe phóng từ đi qua thì quả bom không phát nổ nên đoán là bom nổ chậm. Vì vậy, đoàn kiểm tra quyết định cho xe đi qua nhanh để tránh bom. Tuy nhiên, khi xe vừa đi qua thì quả bom phát nổ, ông Hy bị thương nặng, bất tỉnh nhân sự còn đồng chí binh trạm trưởng hi sinh. Sau này mới biết, đó là bom từ trường Mỹ đã cải tiến lần 3 có cài chương trình hẹn giờ của ngòi nổ, lúc tắt, lúc mở, khi xe phóng từ đi qua đúng lúc ngòi nổ đang trong chế độ tắt nên bom không phát nổ, không phát hiện ra được.

Ông Hy kể tiếp, năm 1971 – 1972 ông làm chỉ huy tuyến tây Trường Sơn cũng là giai đoạn khó khăn nhất của bộ đội Trường Sơn, bởi lúc này Mỹ đưa máy bay AC130 vào bắn phá ta. Đây là loại máy bay vận tải cải tiến thành máy bay chiến đấu, trên đó có cài hệ thống tự động phát hiện mục tiêu bằng khuyếch đại ánh sáng mờ vào ban đêm và bằng tia hồng ngoại. Khi xe nổ máy có tia hồng ngoại thì ngay lập tức bị phát hiện và bị xạ kích tự động. Ở những khu vực trọng điểm, máy bay AC130 của địch liên tục lượn vòng ở độ cao trên 3.000 m. Trong khi đó súng cao xạ của ta chỉ bắn được ở độ cao tối đa 3.000 m, không có cách gì để đối phó được. Do đó, trong giai đoạn đầu xe ta bị tổn thất rất nặng.

Trước tình hình này, Bộ tư lệnh Trường Sơn đưa ra phương án cho xe chuyển sang chạy vào ban ngày để tránh AC130 vì máy bay này chủ yếu phát hiện mục tiêu vào ban đêm. Để có thể chuyển sang chạy ngày bộ đội Trường Sơn đã nghĩ ra cách lợi dụng tán rừng để đi, chỗ nào trống thì bộ đội ta làm giàn cây ngụy trang che mắt địch. Như vậy là hình thành một con đường kín dưới tán rừng gần 1.000 km chạy dọc từ Bắc vào Nam và toàn bộ xe chuyển sang chạy vào ban ngày. Từ khi chuyển sang chạy ngày, sức chi viện của ta cho chiến trường cũng tăng lên. Nếu lúc trước một đêm chạy tối đa chỉ 130 km nhưng khi chạy ngày thì một ngày có thể chạy đến 400 km.

Trên đường Trường Sơn mỗi cung đường đều trở thành một mặt trận, đặc biệt ở các cửa khẩu, điểm vượt sông suối, các đoạn đèo, nơi địa hình trống trải, dễ bị chia cắt là những trọng điểm bị đánh phá ác liệt. Những khu vực này thường xuyên bị địch thả bom phá nát bờ, ngăn cản xe đi. Do đó, phương châm chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đường Trường Sơn là “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy còn nhớ năm 1972, khi chúng ta tiến công giải phóng Quảng Trị, uy hiếp Huế thì cung đường đông Trường Sơn phía tây Huế, đoạn A Sầu, A Lưới bị địch đánh phá ác liệt, B52 của địch “rải thảm” tại đây nhằm ngăn cản quân ta vào tiếp tế cho chiến trường Huế. Lúc này lại vào trúng mùa mưa, đường trở nên lầy lội kinh khủng, 1 km đường có đến 800 m lầy, xe không thể nào qua được. Trước tình hình cấp bách, Thiếu tướng Hy được cử vào trực tiếp chỉ huy điểm nóng này. Với quyết tâm “máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”, các lực lượng bộ đội Trường Sơn đã kiên quyết bám trụ, giành giật từng thước đường. Bộ đội ta sử dụng tên lửa vác vai, đứng trên đỉnh núi 800 m lợi dụng độ cao, trăng sáng bắn máy bay AC130 của địch. Lực lượng công binh lấy đá, chặt cây chống lầy trên đường... tiếp tục tạo nên hợp đồng binh chủng, đảm bảo giao thông thông suốt, yểm trợ xe đi vào tiếp tế cho chiến trường và đưa thương binh đi cấp cứu.

Theo Thiếu tướng Phan Khắc Hy, trong chiến tranh có nhiều con đường nhưng con đường có ý nghĩa quyết định nhất là đường Trường Sơn. Con đường được vinh dự mang tên đường Hồ Chí Minh. Do địch đánh phá ác liệt, đường đi cũng không để độc đạo mà phải có nhiều trục, có đường vòng, đường tránh, đường nghi binh... Vì thế hình thành nên một hệ thống giao thông vĩ đại. Chiều dài đất nước Việt Nam hơn 1.000 km nhưng chiều dài đường Trường Sơn đến hơn 20.000 km, được thế giới mệnh danh là “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”. Trên con đường này bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hóa tuyến Trường Sơn lấy mặt đường làm trận địa, vận dụng sáng tạo nghệ thuật Việt Nam vào đánh địch, mở đường, vận chuyển, đảm bảo giao thông thông suốt, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Mai Phương