Chương mới trong quan hệ Việt - Mỹ được mở ra như thế nào?

06:51 | 27/07/2013

2,237 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tất nhiên đó là một quá trình đầy nỗ lực của cả hai bên trong tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao sau năm 1975 nhưng nói đến lịch sử quan hệ Việt - Mỹ thời hậu chiến mà không nhắc đến hai nhân vật đóng góp đặc biệt đưa đến sự bãi bỏ cấm vận rồi tiến đến bang giao bình thường là một thiếu sót. Đó là hai thượng nghị sĩ John McCain và John Kerry.

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ từng được thiết lập lâu đời hơn bạn tưởng. Từ năm 1787, Thomas Jefferson, người luôn cổ xúy tự do cũng là nhà nghiên cứu khoa học, đã lấy thóc giống từ Việt Nam và trồng tại nông trại của mình ở Virginia. 15 năm sau, khi Jefferson trở thành Tổng thống Mỹ, con tàu buôn Mỹ đầu tiên đã cập vào một hải cảng Việt Nam. Gần 150 năm sau, cụm từ “tất cả mọi người đều được sinh ra bình đẳng” của Jefferson đã vang vọng trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam...

Cách đây 1 tháng, Tổng thống (Bill Clinton) quyết định đã đến lúc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ… Tổng thống tin rằng sự thắt chặt hơn nữa sẽ có lợi cho cả hai nước chúng ta. Quan hệ ngoại giao mà chúng ta khởi động hôm qua sẽ giúp chúng ta cùng nhau làm việc vì an ninh và thịnh vượng khu vực… Như đại thi hào Nguyễn Trãi từng viết cách đây 500 năm: “Sau nhiều năm chiến tranh, chỉ cuộc sống là còn lại” - đó là trích đoạn diễn văn của Ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher tại Học viện Quan hệ quốc tế ở Hà Nội ngày 6/8/1995 (dẫn từ chuyên san Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Dispatch, vol. 6, no. 33, 14/8/1995)…

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong chuyến công du Hoa Kỳ (năm 2007)

Năm 1987, Tổng thống Ronald Reagan chỉ định John Vessey (cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ) làm công sứ đặc biệt đặc trách vấn đề tù binh chiến tranh và lính Mỹ mất tích (POW/MIA), trong bối cảnh chính trường Mỹ còn chưa quên mối hận thất trận và đương nhiên nhiều người muốn tiếp tục kéo dài “cuộc chiến” để “trả thù”, bằng cách này hoặc cách kia - như lời kể của Giáo sư Harvard Thomas Vallely (dẫn lại từ The New Yorker). Khi POW/MIA còn là vấn đề nhạy cảm và được quan tâm đặc biệt trong công chúng Mỹ, sự kéo dài “cuộc chiến” có lúc được thực hiện cụ thể bằng việc dựng đứng bức ảnh “ba tù binh Mỹ” còn sống bị nhốt tại Việt Nam. “Bố tôi đó!” - con gái một đại tá không quân Mỹ thậm chí khẳng định như vậy, trong chương trình “Good Morning America” và sự việc không biết còn dẫn đến đâu nếu người ta không phát hiện đó là bức ảnh chụp ba nông dân Nga cũ mốc meo đến 70 năm! Tuy nhiên, vấn đề POW/MIA tiếp tục được chính trị hóa.

Trong quyển “Prisoners of Hope”, tác giả Susan Katz Keating cho biết cuộc thăm dò thực hiện đầu thập niên 90 của thế kỷ trước cho thấy, có đến 70% người Mỹ tin rằng, tù binh Mỹ vẫn còn bị giam ở Đông Nam Á. Thượng nghị sĩ Bob Smith kêu gọi mở cuộc điều tra và Ủy ban Đặc biệt thượng viện về vấn đề POW/MIA được chỉ định thực hiện, với John Kerry là chủ tịch và John McCain làm thành viên. Theo yêu cầu Tổng thống George H. Bush, McCain và Kerry đến Việt Nam nhiều lần. John Kerry lật lại hàng ngàn tài liệu - ảnh, phỏng vấn nhiều gia đình Mỹ có con tử trận cũng như các tổ chức cựu binh, viên chức tình báo và các nhà ngoại giao từng tham gia thương nghị đàm phán hòa bình tại Paris (có cả Henry Kissinger). Cuối cùng, báo cáo 223 trang của Ủy ban Đặc biệt thượng viện về vấn đề POW/MIA kết luận: Không có chứng cứ cho thấy còn tù binh Mỹ ở Đông Nam Á.

Một “mặt trận” chống John McCain và John Kerry hình thành. Người ta nói rằng McCain đã bị Hà Nội tẩy não và John McCain cũng bị một số thượng nghị sĩ chỉ trích. Cuộc điều tra thứ hai được yêu cầu. Một lần nữa, báo cáo Ủy ban Đặc biệt thượng viện về vấn đề POW/MIA ngày 13/1/1993 kết luận không còn tù binh Mỹ ở Việt Nam. Báo cáo hoàn thành ở thời điểm Bill Clinton vừa bước vào Nhà Trắng. Trong cuộc gặp quan trọng tại Nhà Trắng ngày 11/6/1993, không đầy 2 tuần sau khi McCain và Kerry thăm lại Hỏa Lò, hai thượng nghị sĩ bắt đầu thuyết phục Clinton bãi bỏ cấm vận Việt Nam, đưa ra loạt lý do về kinh tế cũng như địa chính trị và đặc biệt nhấn mạnh đó là “vấn đề danh dự quốc gia, bởi Việt Nam đã làm tất cả những gì mà chúng ta yêu cầu (liên quan POW/MIA)”. Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Cộng hòa Bob Smith (Phó chủ tịch Ủy ban Đặc biệt thượng viện về vấn đề POW/MIA) cảnh báo Clinton “đừng dễ bị mắc lừa”. 1 tuần sau, ngày 19/6, khi Clinton đến Đại học Northeastern, Kerry và McCain cũng tháp tùng, với mục đích liên tiếp đề cập vấn đề Việt Nam trong chương trình nghị sự của Clinton.

Tháng 1/1994, Nghị quyết Thượng viện về việc xóa lệnh cấm vận Việt Nam do Kerry và McCain soạn được chính thức bàn thảo tại Quốc hội. McCain thuyết phục 20 nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ. Nghị quyết được thông qua, với tỷ lệ 62 thuận/38 chống. Với sự xuất hiện nghị quyết thượng viện, Clinton lúc này có thể dễ ăn dễ nói hơn và không còn ngại Quốc hội chống đối. Cuối cùng, ngày 4/2/1994, trên tờ New York Times, người ta thấy hàng tít “Clinton bãi bỏ lệnh cấm vận 19 năm cho Việt Nam”. Trên hàng tít là tấm ảnh (bé gái) Kim Phúc bị bỏng bom napalm của Nick Út.

Bob Dole - lúc đó là thủ lĩnh phe Cộng hòa - nói rằng, việc xóa cấm vận Việt Nam là “quyết định sai lầm ở thời điểm sai lầm trong nguyên cớ sai lầm”. Chưa hết, đầu năm 1995, Bob Dole và thượng nghị sĩ Phil Gramm tung ra dự luật yêu cầu Clinton không tái lập quan hệ ngoại giao bình thường với Việt Nam, nhắc lại việc 619 người Mỹ còn mất tích ở Việt Nam. Ngày 23/5/1995, Kerry và McCain gặp Clinton trong Phòng bầu dục. Một lần nữa, hai thượng nghị sĩ trình bày lý do và biện giải cho sự cần thiết tái lập ngoại giao với Việt Nam. McCain nói: “Đối với tôi chẳng có ý nghĩa gì cả, thưa Tổng thống, khi đề cập về những ai ủng hộ hoặc phản chiến. Tôi quá mệt mỏi nhìn lại quá khứ bằng sự oán giận. Điều quan trọng bây giờ là chúng ta phải tiến về phía trước”.

Từng dùng từ “kinh tởm” khi nói về cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam, Tổng thống Bill Clinton bây giờ đang được hai cựu binh Mỹ yêu cầu kết thúc cuộc chiến bằng hành động cụ thể. Tuy nhiên, lúc đó Clinton chỉ cám ơn McCain và không nói thêm gì. Thế rồi, ngày 11/7/1995, Clinton triệu tập thành viên Nội các, viên chức quân sự cấp cao, các nhân vật chủ chốt Quốc hội, lãnh đạo tổ chức cựu chiến binh… đến Nhà Trắng. Đứng trước bục, Clinton tuyên bố: “Hôm nay, tôi tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam”. Sau diễn văn ngắn, Tổng thống Clinton kết luận: “Thời khắc này giúp chúng ta có cơ hội băng lại vết thương của chính mình. Chúng ta đã chống lại thời gian quá lâu. Bây giờ chúng ta có thể tiến đến phía trước trên nền tảng chung. Tất cả những gì ngăn chia chúng ta trước kia, hãy để lại cho quá khứ. Hãy để thời khắc này, nói theo Kinh Thánh, là lúc để hàn gắn, là lúc để xây dựng”. Kế đó, Tổng thống Bill Clinton quay sang người đứng sát bên, John McCain. Họ bắt tay và ôm nhau. Rồi Clinton quay sang John Kerry…

“Vấn đề danh dự quốc gia” của nước Mỹ cuối cùng đã được gút lại và không chỉ vậy, nó cũng “bắt đầu một chương mới trong lịch sử mà chúng ta cùng chia sẻ...”, với “nền tảng cho một tương lai tốt hơn” - như phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher khi đến Hà Nội trong lễ ký thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường Việt Nam - Hoa Kỳ ngày 5/8/1995. Nền tảng đó bây giờ được mở rộng với quan hệ kinh tế song phương đem lại quyền lợi cho cả hai bên...

MỘT SỐ MỐC ĐÁNG NHỚ TRONG QUAN HỆ VIỆT NAM - HOA KỲ

• 10 - 11/7/2012: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton thăm Việt Nam.

• 3 - 4/6/2012: Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta thăm Việt Nam.

• 29 - 30/10/2010: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton thăm Việt Nam.

• 11 - 12/10/2010: Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates thăm Việt Nam.

• 22 - 23/7/2010: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton thăm Việt Nam.

• 10 - 15/12/2009: Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh thăm Hoa Kỳ

• 1 - 2/10/2009: Ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm thăm Hoa Kỳ.

• 12 - 21/4/2009: Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh thăm Hoa Kỳ.

• 23 - 26/6/2008: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Hoa Kỳ.

• 18 - 23/6/2007: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Hoa Kỳ.

• 8/12/2006: Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Luật dành quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam.

• 17 - 20/11/2006: Tổng thống Hoa Kỳ George W.Bush dự Hội nghị APEC 2006 và lần đầu tiên thăm Việt Nam.

• 31/5/2006: Ký kết hiệp định thương mại song phương về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

• 21/4/2006: Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Dennis Haster thăm Việt Nam.

• 19 - 25/6/2005: Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ.

• 9/12/2004: Hãng hàng không United Airlines (Hoa Kỳ) có chuyến bay trực tiếp đầu tiên từ Hoa Kỳ tới Việt Nam.

• 23/6/2004: Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đưa Việt Nam vào danh sách các nước nhận khoản trợ giúp phòng chống dịch bệnh AIDS trị giá 15 tỉ USD.

• 9 - 12/11/2003: Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà thăm Hoa Kỳ.

• 23/6/2002: Hạ viện Hoa Kỳ bỏ phiếu chấp thuận quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ gia hạn việc bãi bỏ điều khoản Jackson Vanik áp dụng với Việt Nam.

• 10 - 12/12/2001: Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng thăm Hoa Kỳ.

• 24/11/2001: Quốc hội Việt Nam thông qua Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.

• 18/10/2001: Tổng thống George W. Bush ký nghị quyết thông qua Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.

• 8/10/2001: Thượng viện Hoa kỳ thông qua Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.

• 24 - 27/7/2001: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell tham dự các cuộc họp ASEAN tại Hà Nội.

• 1/6/2001: Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush quyết định bãi bỏ áp dụng điều khoản Jackson - Vanik đối với Việt Nam

• 16 - 19/11/2000: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton thăm Việt Nam.

• 21 - 24/9/2000: Ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên thăm Hoa Kỳ.

• 13/7/2000: Hai nước ký kết Hiệp định thương mại song phương sau 25 năm kết thúc cuộc chiến.

• 19/6/2000: Hoa Kỳ cam kết viện trợ nhân đạo trị giá 1,7 triệu USD giúp Việt Nam tìm kiếm và phá hủy bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

• 13/3/2000: Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ William Cohen thăm Việt Nam.

• 25/7/1999: Việt Nam - Hoa Kỳ ký thỏa thuận về nguyên tắc Hiệp định thương mại song phương tại Hà Nội.

• 11/3/1998: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton lần đầu tiên quyết định bãi bỏ áp dụng điều khoản Jackson - Vanik đối với Việt Nam.

• 26 - 27/6/1997: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright thăm Việt Nam.

• 5/1997: Hai nước trao đổi đại sứ: ông Lê Văn Bàng trở thành đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ và ông Douglas Peterson trở thành đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam.

• 5/8/1995: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Warren Christopher khánh thành Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một ngoại trưởng Hoa Kỳ.

• 11/7/1995: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

• 28/1/1995: Hai nước mở văn phòng liên lạc.

• 3/2/1994: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton thông báo quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam.

• 14/9/1993: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton cho phép các công ty Hoa Kỳ tham dự vào một số dự án phát triển được quốc tế tài trợ tại Việt Nam.

• 25/4/1993: Công ty Tư vấn Vatico, Công ty Hoa Kỳ đầu tiên mở văn phòng tại Việt Nam.

• 14/12/1992: Tổng thống Hoa Kỳ George H. Bush cho phép các công ty Hoa Kỳ có thể mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và ký các hợp đồng sau khi lệnh cấm vận thương mại được bãi bỏ.

• 11/11/1991: Chính phủ Hoa Kỳ chính thức cho phép khách du lịch, cựu chiến binh, nhà báo, doanh nhân Hoa Kỳ thăm Việt Nam.

• 29/9/1990: Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch gặp gỡ Ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker tại New York.

• 1 - 3/8/1987: Đặc phái viên tổng thống Hoa Kỳ, Tướng John Vessey lần đầu tiên thăm Việt Nam để trao đổi các vấn đề nhân đạo mà hai bên cùng quan tâm.

(Nguồn: Tòa đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ)


Mạnh Kim

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc