Mỗi bức ảnh là 1 câu chuyện của thiên nhiên hoang dã

18:51 | 25/10/2012

1,651 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - 48 năm tổ chức, thu hút hơn 48.000 tác phẩm đến từ hơn 98 quốc gia, cuộc thi Nhiếp ảnh gia Môi trường thiên nhiên hoang dã Veolia thường niên được tạp chí BBC Wildlife tổ chức từ năm 1965. Đến năm 1984, Bảo tàng lịch sử tự nhiên London đồng hành tổ chức cùng tạp chí cho đến tận bây giờ.

Các tác phẩm đoạt giải của cuộc thi năm 2012 đã được công bố tại buổi lễ Gala trao giải tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên ở London. Bắt đầu từ 10/12/2012, ban tổ chức sẽ tiếp tục nhận các tác phẩm tham dự cuộc thi năm 2013.

Dưới đây là bộ sưu tập nhỏ những tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi năm nay. Xin được chúc mừng các nhiếp ảnh gia vì công việc tuyệt vời mà họ đã làm trong suốt 1 năm qua.

 

Một ngày cuối tháng 5, khoảng 250.000 con ngỗng tuyết đến từ Bắc Mỹ bay về làm tổ trên đảo Wrangel, vùng đông bắc nước Nga. Chúng tạo thành một quần thể ngỗng tuyết lớn nhất trên thế giới. Sergey Gorshkov đã dành 2 tháng đằng đẵng trên đảo để ghi lại hình ảnh về hiện tượng kỳ thú này. Và trong khoảng thời gian này cáo Arctic hoạt động mạnh mẽ hơn rất nhiều để tận dụng nguồn thức ăn dồi dào. Thế nhưng có một sự thật là có rất ít cáo Arctic thành công trong việc ăn trộm trứng của ngỗng tuyết. Thêm một đặc trưng nữa của loài này đó là tinh thần liên kết cộng đồng rất yếu biểu hiện ở việc chúng gần như không có phản ứng gì khi cáo Arctic tấn công một tổ ngỗng tuyết bên cạnh.

 

Có vẻ như con sư tử đực này đang có một giấc ngủ ngon lành và chẳng thèm bận tâm đến sấm sét đang nổ trên bầu trời Kalahari. Hannes Lochner đã thực hiện những bức ảnh đêm tại công viên Kgalagadi Transfrontier, Nam Phi kể lại: "Con sư tử này có tỉnh dậy vài lần, nhìn chằm chằm vào tôi nhưng dường như nó chẳng hề mảy may quan tâm đến sự có mặt của tôi hay sấm sét đang nổ ra sau lưng".

 

Trong bức ảnh là hoa pasque còn được gọi là hoa Phục sinh, cỏ chân ngỗng Meadow, cây nghệ dại… có nguồn gốc và phân bố ở châu Âu và khắp Bắc Mỹ. Cây mọc hoang trên đồng cỏ khô và các khu đất khô cằn. Tác giả bức ảnh là Daniel Eggert có một niềm đam mê với loài hoa này. Chính vì lý do đó là Daniel muốn có được khoảnh khắc thật đặc biệt khi chụp hoa Phục sinh. Daniel chọn thời điểm sáng sớm, khi những bông hoa còn đọng sương giá nhưng xa xa là màu nền ấm áp của bình minh đang ló rạng. Sự tương phản hiếm hoi và cũng là phần thưởng xứng đáng cho những người kiên nhẫn và có mắt quan sát.
Dơi chó là loài động vật dễ bị tổn thương nhất. Hiện nay chỉ còn khoảng 300.000 cá thể sinh sống khắp nơi trên thế giới. Nguyên nhân dẫn đến suy giảm số lượng loài này do mất môi trường sống, hiện tượng nóng lên toàn cầu và sự giết hại của con người. Ofer Levy đã phải túc trực nhiều ngày tại công viên Parramatta, New South Wales để có thể ghi lại được hình ảnh uống nước đặc biệt của loài dơi này. Chúng bay là là để chạm ngực và bụng xuống nước rồi vỗ cánh bay lên để uống những giọt nước rơi xuống. Ba giờ 1 ngày dưới nhiệt độ 400C trong 1 tuần để chộp được khoảnh khắc  hiếm hoi này.
 
Cặp ruồi chân dài neriid dường như đang trao nhau nụ hôn. Tuy nhiên, thực tế là chúng đang so tài nhảy múa trước khi bay tới giao phối với những con ruồi cái gần đó.
Khi tuyết bắt đầu tan, sương mù dày đặc bao quanh khu rừng gần nhà của nhiếp ảnh gia Sandra Bartocha tại Potsdam, Đức. Linh cảm mách bảo, cô cầm máy ảnh và bước vào rừng. Quả nhiên, cảnh đẹp lộng lẫy của khu rừng đã không phụ lòng người nghệ sỹ. Cảnh đẹp hiện ra trước mắt độc giả này là phần thưởng xứng đáng cho những nhiếp ảnh gia có trách nhiệm và niềm đam mê với nghề nghiệp như Sandra.  
Một đêm tuyết rơi phủ trắng trang trại Bedfordshire. Chú thỏ rừng áp sát mình dưới đụm tuyết và nghĩ rằng mình đã có chỗ trốn an toàn. Thế nhưng chú vẫn lọt vào ống kính của nhiếp ảnh gia Owen Hearn. Tác giả tin rằng để có được tác phẩm này, thần may mắn đã mỉm cười với anh ngày hôm đó.

 

 
Đây là bức ảnh mang lại chiến thắng cuộc thi Nhiếp ảnh gia Môi trường thiên nhiên hoang dã Veolia năm 2012 cho tác giả Eve Tucker. Một con mòng biển đầu đen lang thang trong thành phố. Hình ảnh phản chiếu của những tòa nhà cao tầng ở London xuống mặt hồ tạo nên hiệu ứng đặc biệt. Giống như các nhiếp ảnh gia, Eve linh cảm được rằng góc nhìn tưởng chừng như bình thường trong mắt bao người lại ẩn dấu một vẻ đẹp đậm tính nghệ thuật khi lên hình. Và Eve đã được trả công xứng đáng khi nhận được giải thưởng cao nhất của cuộc thi.  
 
Trong công viên  quốc gia Yellowstone, Wyoming, Mỹ,  Richard ngồi trong xe hơi và theo dõi những con cáo săn mồi. Vào mùa tuyết rơi trắng mặt đất những con cáo lắng nghe tiếng loài gặm nhấm vọng lên từ mặt đất và nhẩy lên xuống đánh động xua con mồi lên. Theo dõi rất lâu mà Richard chưa có được một bức ảnh ưng ý. Ngay cả bức ảnh này có được cũng là một sự tình cờ bấm máy. Thế nhưng đó lại là tác phẩm thành công nhất, cho thấy khả năng của loài này có thể nhảy cao đến nhường nào.
Đây cũng là một tác phẩm giành chiến thắng trong cuộc thi. Anna Henly đang trên con thuyền ở Svalbard, một quần đảo nằm giữa Trung Na Uy và Bắc Cực. Cô nhìn thấy chú gấu này vào lúc 4h sáng. Anna sử dụng ống kính mắt cá để biến con vật khổng lồ trở nên nhỏ bé, những tảng băng xoay tròn tạo cảm giác như thế giới của loài gấu Bắc Cực bị phá vỡ. Sự ấm lên toàn cầu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của loài gấu Bắc Cực.

Thu Hà

Báo nước ngoài