Hạn chế ôtô trong thành phố

Liệu pháp “sốc” của Singapore

09:03 | 27/11/2017

1,699 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để hạn chế xe ôtô lưu thông trong thành phố, Singapore từ lâu đã áp dụng một loại giấy phép lưu hành xe độc nhất vô nhị trên thế giới. Để có được giấy phép này, chủ phương tiện phải trả cái giá “cắt cổ”. Tuy nhiên, biện pháp mạnh đó vẫn chưa hiệu quả và chính quyền Singapore đang xem xét ngừng cấp loại giấy phép này.

Singapore là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ 3 thế giới (7.615 người/km²), nhưng lại có diện tích rất hạn chế (718,3km²). Do dân số của đảo quốc này ngày càng gia tăng và nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân quá lớn, từ năm 1990, Chính phủ Singapore áp dụng Giấy phép sử dụng xe ôtô (Certificate of Entitlement - COE) nhằm kiểm soát lượng người sở hữu xe ôtô chỉ ở phạm vi 15% trong tổng số người dân, thông qua đó giúp đường phố giảm bớt lượng khí thải, hạn chế ách tắc giao thông.

Để có được một giấy phép COE, người dân phải tham gia vào buổi đấu thầu được tổ chức trong khoảng từ ngày 1 đến ngày 7 hằng tháng. Hệ thống COE bao gồm 7 hạng mục cho các loại xe ôtô nhỏ, trung bình, hạng sang và xe máy. Hầu hết các COE đều là loại không thể chuyển nhượng.

lieu phap soc cua singapore
Giao thông trên một tuyến đường ở Singapore

Hiện tại, giá trung bình một giấy phép lái xe ôtô con ở Singapore tới gần 50.000 đôla Singapore (tương đương 31.000 euro). Điều này có nghĩa là một người muốn lái chiếc Toyota Corolla trên đường phải có ít nhất 114.000 đôla Singapore (72.000 euro). Đây là mức giá cao hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Nhưng đó chưa phải là mức giá cao nhất tại Singapore. Giá xe có thể tăng hơn nữa vì giá của COE thay đổi theo nhu cầu. Chẳng hạn năm 2013, giá một COE đã lên đến đỉnh điểm với mức 95.000 đôla Singapore (tức 60.000 euro), điều này đẩy giá của một chiếc xe Toyota Corolla lên 159.000 đôla Singapore (100.000 euro) - cao gấp 6 lần so với Mỹ tại cùng thời điểm.

Một giấy phép COE có giá trị trong 10 năm, sau đó phải được gia hạn nếu không xe bị cấm lưu thông. Mặc dù chi phí để sở hữu một chiếc xe hơi rất cao nhưng nhiều người dân ở Singapore vẫn tìm cách mua cho được một cái. Singapore là quốc gia có nhiều người nước ngoài giàu có đến sinh sống. Hiện có khoảng 600.000 chiếc xe ôtô cá nhân đang lưu thông trên quốc đảo này, một con số quá cao đối với một mạng lưới đường bộ hạn chế.

Ngoài chi phí giấy phép, lệ phí cầu đường trên một số tuyến đường cũng được áp dụng vào các khung giờ cao điểm.

Tuy nhiên, mô hình giấy phép lưu hành xe độc đáo này ngày càng bị chỉ trích vì vẫn để xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông vào giờ cao điểm và vì giá xe tăng cao sau khi chính quyền hạn chế số lượng xe được phép lưu thông. Thêm vào đó là các vụ hỏng hóc thường xảy ra với phương tiện vận tải công cộng.

Joel Lee, một kỹ thuật viên 28 tuổi, cho biết: Các nhà chức trách Singapore cần phải "phân biệt những người cần một chiếc xe hơi để cho công việc và gia đình với những người chỉ đơn giản muốn có xe để khẳng định địa vị xã hội", từ đó có cách đánh thuế sao cho công bằng hơn.

Khi làm người dân nản lòng với xe ôtô cá nhân, Singapore có một mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, bao gồm các tuyến tàu điện ngầm, tàu hỏa và xe buýt. Và chính phủ quốc đảo này gần đây đã công bố kế hoạch chi 28 tỉ đôla Singapore (18 tỉ euro) để hiện đại hóa mạng lưới giao thông để khuyến khích mọi người chọn phương tiện giao thông công cộng, đi xe đạp hoặc đi bộ.

Nhưng một số người dân Singapore không thấy bị thuyết phục. Jason Lin, một người về hưu 66 tuổi nói: “Chính phủ đang cố gắng giảm số xe ôtô trong thành phố, nhưng chúng ta có một mạng lưới đường sắt không đáng tin cậy. Nếu đi xe buýt, tôi mất rất nhiều thời gian vì có rất nhiều xe hơi, xe buýt đi chậm khiến tôi mỗi lần sử dụng có cảm giác rất bực bội”.

Cuối tháng 10-2017, Cục Giao thông Đường bộ (LTA) Singapore cho biết, nước này sẽ không cho phép số lượng xe hơi trên đầu người tăng lên từ tháng 2-2018 do đất đai khan hiếm và kế hoạch đầu tư hàng tỉ USD cho giao thông công cộng. Singapore kiểm soát chặt chẽ số phương tiện giao thông trên đầu người bằng cách thiết lập tỷ lệ tăng trưởng hằng năm và hệ thống đấu thầu quyền sở hữu và sử dụng phương tiện hạn chế.

Đúng là biện pháp “sốc” của chính quyền Singapore trong việc hạn chế xe ôtô lưu thông trong thành phố đã giúp tình hình giao thông ở đây tốt hơn các thành phố lớn khác trong khu vực châu Á như Jakarta hay Manila. Tuy nhiên, mô hình giấy phép COE rất khó hoặc không thể nhân rộng ra các nước khác.

Sở dĩ Singapore áp dụng được COE vì người dân nước này đã quen với việc thi hành luật pháp nghiêm ngặt. Các phương tiện truyền thông được kiểm soát chặt chẽ và các hành vi vi phạm sẽ bị nghiêm trị, bao gồm cả những hành vi vô ý thức như ném một tờ giấy xuống đất hay vẽ graffiti.

Nhiều thành phố lớn trên thế giới có cách tiếp cận gần giống với Singapore để giảm số lượng xe ôtô cá nhân chạy trong thành phố, chẳng hạn như London với hệ thống thu phí và Paris với kiểu lưu thông xen kẽ trong những ngày ô nhiễm không khí cao.

Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, rất khó áp dụng kiểu COE ra một quốc gia nào khác như ở Singapore, bởi vì đây là một biện pháp quá rủi ro về mặt chính trị. Vivek Vaidya, chuyên gia vận tải của Công ty tư vấn Frost và Sullivan, nói với AFP: "COE không phổ biến và bất kỳ chính phủ nào áp dụng biện pháp này có thể bị mất phiếu bầu trong các cuộc bầu cử".

S.Phương