Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên trước giờ G

09:23 | 24/04/2018

722 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên dự kiến sẽ diễn ra cuối tháng 5-2018. Hiện giờ các bên đang chuẩn bị nội dung và chọn địa điểm tổ chức sự kiện quan trọng này.

Ngày 18-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại bang Florida. Ngoài vấn đề trao đổi mậu dịch song phương, lãnh đạo hai nước chủ yếu bàn về vấn đề Triều Tiên. Theo Hãng tin AFP, Chính phủ Nhật Bản đã bị hụt hẫng khi vị tổng thống thứ 45 của Mỹ bất ngờ thông báo nhận lời mời gặp lãnh đạo Triều Tiên. Khi hội kiến Tổng thống Donald Trump, ông Shinzo Abe muốn đưa Nhật Bản trở lại vị trí của mình trong các cuộc thảo luận về Triều Tiên. Tokyo muốn được bảo đảm là Hoa Kỳ sẽ giữ nguyên cam kết bảo vệ các đồng minh ở Đông Bắc Á.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định duy trì áp lực lên Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Đối với hai lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ, sẽ không thể có một cuộc “đối thoại có ý nghĩa” nào nếu Triều Tiên không chấp nhận một tiến trình “phi hạt nhân hóa toàn bộ, có thể xác minh và không thể đảo ngược”.

hoi nghi thuong dinh my trieu tien truoc gio g
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Abe ngày 18-4 tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở Florida, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Tôi hy vọng có một cuộc gặp thành công”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo ông sẽ hủy bỏ cuộc gặp nếu nhận thấy cuộc gặp không đem lại kết quả. Theo Tổng thống Trump, chi tiết về cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên đang được xây dựng. Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định lập trường nhất quán của Mỹ là tiếp tục gia tăng sức ép tối đa cho đến khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa.

Cùng ngày, trong một thông báo trên Twitter, ông Trump cho biết, các cuộc hội đàm cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên đã diễn ra. Tổng thống cũng xác nhận thông tin rằng, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo đã gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Triều Tiên. “Mike Pompeo đã gặp ông Kim Jong-un tại Triều Tiên tuần trước. Cuộc gặp diễn ra rất suôn sẻ và một mối quan hệ tốt đã được hình thành. Thông tin chi tiết về hội nghị thượng đỉnh đang được chuẩn bị. Việc phi hạt nhân hóa sẽ là điều tốt đẹp cho cả thế giới nói chung và Triều Tiên nói riêng”, ông Trump viết trên Twitter.

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định lập trường nhất quán của Mỹ là tiếp tục gia tăng sức ép tối đa cho đến khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa.

Ông Trump còn cho biết, ông ủng hộ nỗ lực của Seoul đàm phán với Bình Nhưỡng về việc kết thúc cuộc Cuộc chiến tranh Triều Tiên thập niên 50 của thế kỷ trước. “Hàn Quốc được tôi ủng hộ cho nỗ lực chấm dứt cuộc chiến tranh”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên khi ông đứng cạnh Thủ tướng Shinzo Abe trước khi bước vào cuộc họp. “Nhiều người không biết rằng, Cuộc chiến tranh Triều Tiên chưa kết thúc. Nó sẽ kết thúc ngay bây giờ. Hai bên đang bàn thảo việc kết thúc cuộc chiến tranh”. Đây được xem là diễn biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên có lợi cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều cuối tháng này cũng như cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới.

Một quan chức thuộc Phủ tổng thống Hàn Quốc ngày 18-4 thông báo, Hàn Quốc và Triều Tiên đã đạt được một thỏa thuận về hầu hết các vấn đề lớn liên quan tới cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, trong đó có việc phát sóng trực tiếp cuộc gặp dự kiến diễn ra vào ngày 27-4 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm bên phía Hàn Quốc. Giới chức này nói rằng, đàm phán hòa bình có thể là một nội dung, nhưng thương thảo việc chính thức kết thúc cuộc chiến tranh còn cần phải có các bên liên quan tham gia. Giới quan sát cho rằng, ít có khả năng Hàn Quốc sẽ xem việc rút quân Mỹ đồn trú tại nước này là một trong những điều kiện đàm phán tại cuộc gặp thượng đỉnh vào cuối tháng này.

hoi nghi thuong dinh my trieu tien truoc gio g
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Về phía mình, Triều Tiên cũng đang thăm dò qua các đồng minh về những đề nghị đàm phán với Tổng thống Mỹ. Ngày 10-4, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho công du Nga để tìm kiếm sự hậu thuẫn của Moskva trước các cuộc đối thoại thượng đỉnh với Seoul và Washington. Nga kêu gọi cộng đồng quốc tế có các bảo đảm chắc chắn về an ninh đối với chính quyền Bình Nhưỡng, trong quá trình phi hạt nhân hóa. Hồi tháng trước, lãnh đạo Triều Tiên đã có chuyến thăm Trung Quốc để thảo luận với Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011. Trước mắt, Bình Nhưỡng muốn Hoa Kỳ bỏ thỏa thuận liên minh quân sự với Hàn Quốc và rút 35 nghìn quân ra khỏi khu vực bán đảo Triều Tiên. Trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Trump tới đây, có thể ông Kim Jong-un sẽ đồng ý đề cập đến vấn đề giải trừ hạt nhân nhưng cũng đừng bao giờ mong Bình Nhưỡng hủy hết kho vũ khí hạt nhân, mà theo họ đó là sự bảo đảm cho sự tồn vong của đất nước. Nhưng xem ra đây là điều mà Washington khó có thể chấp nhận được. Có một điều mà các chuyên gia khẳng định, dù sẵn sàng đàm phán nhưng Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ bom hạt nhân. Từ thời lãnh đạo Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng vẫn gắn vấn đề ngừng chương trình hạt nhân với một hiệp ước hòa bình ký với Washington.

Ngoài ra, vấn đề chọn địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh cũng là một vấn đề nhạy cảm và đau đầu trên phương diện ngoại giao cũng như an ninh. Trong bữa ăn tối với Thủ tướng Nhật Bản ngày 18-4, Tổng thống Trump nói 5 địa điểm đang được xem xét để tổ chức cuộc họp của ông với lãnh đạo Triều Tiên, song không nói tên cụ thể, nhưng một nguồn tin về việc chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh này nói rằng, Geneva và một số địa điểm khác ở châu Á và Ðông Nam Á có khả năng đang được xem xét. Hãng Bloomberg trích nguồn tin này nói rằng các địa điểm đó không có Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, Seoul và Bàn Môn Ðiếm. 5 địa điểm đang được chú ý bao gồm: Bangkok (Thái Lan), Geneva (Thụy Sĩ), thủ đô Helsinki (Phần Lan), Singapore, Thủ đô Oslo (Na Uy), Prague (Cộng hòa Séc), Warsaw (Ba Lan) và thủ đô Mông Cổ Ulan Bator.

Tất cả đều có lý do riêng để được chọn. Ðại sứ quán Mỹ tại Thái Lan là một trong những tòa đại sứ lớn nhất của Mỹ. Thái Lan là một trong số rất ít các nước châu Á có Ðại sứ quán Triều Tiên. Geneva là thành phố của Thụy Sĩ, đất nước trung lập, từng tổ chức nhiều cuộc họp ngoại giao cấp cao, nổi bật nhất là Hội nghị Thượng đỉnh Geneva giữa lãnh đạo các nước Mỹ, Liên Xô, Anh và Pháp. Ông Kim Jong-un từng du học ở Thụy Sĩ. Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho đã đến thủ đô Helsinki của Phần Lan hồi tháng 3-2018 để họp với phái đoàn Mỹ và phái đoàn Hàn Quốc ngay sau khi Tổng thống Trump nhận lời gặp gỡ với Chủ tịch Kim. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chọn Singapore làm địa điểm của cuộc gặp gỡ lịch sử với người đứng đầu chính quyền Ðài Loan Mã Anh Cửu. Singapore bang giao với cả Mỹ lẫn Triều Tiên. Thủ đô Oslo của Na Uy đã tổ chức cuộc họp giữa các giới chức Mỹ và Triều Tiên hồi tháng 5-2017 để thảo luận chi tiết về việc thả Otto Warmbier, sinh viên Mỹ bị Bình Nhưỡng bắt giam vì bị cáo buộc đã lấy một bích chương tuyên truyền khi đi thăm Bình Nhưỡng. Kim Pyong-il, chú của ông Kim Jong-un, đang làm Đại sứ của Triều Tiên tại Cộng hòa Séc. Triều Tiên có một đại sứ quán lớn ở thủ đô của Ba Lan. Hồi tháng 7-2017, chính tại đây Tổng thống Trump đã đọc bài diễn văn trước công chúng châu Âu lần đầu tiên. Mông Cổ giáp với Nga và Trung Quốc bang giao với cả Mỹ lẫn Triều Tiên. Thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ là địa điểm tiện cho việc di chuyển bằng xe lửa của ông Kim Jong-un, vì ông không quen đi máy bay.

Ngày 21-4, Triều Tiên tuyên bố chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa liên lục địa, cũng như đóng cửa cơ sở thử nghiệm hạt nhân. Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc đã hoan nghênh quyết định ngoạn mục này, trong khi Nhật Bản đón nhận một cách thận trọng. “Quyết định của Bình Nhưỡng là một tiến bộ đáng kể đến việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, điều mà cả thế giới đều mong muốn”, tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc.

S.P