Giảm chi phí cho doanh nghiệp

05:57 | 25/11/2017

1,024 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) trong báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018, Việt Nam được xếp lên hạng 55 trên tổng số 137 nền kinh tế, tăng 5 bậc so với năm ngoái và tăng 20 bậc so với cách đây 5 năm.

Việt Nam được đánh giá có những cải thiện đáng chú ý trong mức độ sẵn sàng về công nghệ, tính hiệu quả của thị trường lao động. Ngoài ra, giao thương là một yếu tố lớn khác giúp Việt Nam tiến lên phía trước, khi đứng thứ 7 về tỉ lệ nhập khẩu so với GDP và thứ 11 về tỷ lệ xuất khẩu.

Có được kết quả trên là do những nỗ lực không ngơi nghỉ của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên cả nước. Trong cuộc gặp gỡ với các DN gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ: “Tính bình quân, không có ngày nào Chính phủ và Thủ tướng không làm việc với DN, từ đó một loạt cải cách thể chế, chính sách pháp luật được ban hành, những hạn chế được nhận diện và xử lý, như nợ xấu, thoái vốn DNNN, chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra, môi trường đầu tư kinh doanh... đã cho thấy xu hướng cải thiện rõ nét”.

Tuy nhiên, sự tiến bộ ấy vẫn còn khá hạn hẹp so với mong muốn, bởi lẽ nhiều nước láng giềng vẫn đang vượt lên với khoảng cách khá xa, ví dụ như Singapore xếp thứ 3; Malaysia thứ 23; Thái Lan thứ 32; Indonesia thứ 36...

giam chi phi cho doanh nghiep

Ấy là nói về năng lực cạnh tranh, còn nếu nói về năng suất lao động thì Việt Nam ta cũng còn phải phấn đấu nhiều. Chẳng hạn theo con số thống kê gần đây, năng suất lao động của người Việt cũng chỉ bằng 17,4% của Malaysia, 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Philippines và 48,8% của Indonesia. Còn mỗi người Singapore làm việc có năng suất bằng... 23 người Việt cộng lại!

Vậy điều gì đang khiến Việt Nam còn “thua bạn kém bè” nhiều như vậy?

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện DN Việt Nam phải đóng mức thuế chiếm tới 39,1% lợi nhuận kiếm được, cao hơn 2 lần của Singapore.

Tại một hội nghị với DN, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong 39,1% lợi nhuận phải đóng thuế của DN Việt, chỉ có 20% là thuế thu nhập DN đóng vào ngân sách Nhà nước, còn hơn 19% là các khoản đóng góp cho các khoản bảo hiểm xã hội. Trong khi bình quân đóng góp thuế (cả thuế thu nhập DN và bảo hiểm) của các nước ASEAN là 33,6%, trong đó thuế thu nhập DN 21,8% (cao hơn Việt Nam 1,8%), nhưng các khoản đóng bảo hiểm lại thấp hơn nhiều, chỉ 11,6% (thấp hơn Việt Nam 7,3%).

Nhiều loại chi phí khác của DN Việt cũng cao hơn so với các nước. Chẳng hạn bình luận về chi phí vốn, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Trong khi vốn vay bình quân của DN các nước chỉ chịu lãi suất 2-4% thì DN Việt Nam phải đi vay với lãi suất bình quân 7,9%. So với năm trước, chi phí vốn đã giảm nhưng đây vẫn là điểm bất lợi cho DN Việt Nam”.

Một trong những gánh nặng đè lên vai các DN lại là những chi phí không chính thức. Cũng theo một báo cáo gần đây của VCCI, so với tổng thể môi trường đầu tư được cải thiện thì các chi phí không chính thức ở khu vực DN trong nước đang ở tình trạng ngày càng nặng nề hơn. Theo đó, trung bình có khoảng 66% số DN cho biết thường xuyên chi trả các khoản không chính thức (tức cao hơn 12 đến 15 điểm phần trăm so với giai đoạn 2008-2013) và chúng chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của DN (cao hơn hẳn mức 6 đến 8% giai đoạn 5 năm kể từ 2014 trở về trước).

Điều đáng lo lắng là hiện tượng DN tự nguyện “tra dầu bôi trơn” lớn hơn hẳn so DN bị đòi hỏi phải chi “bôi trơn”. Trong số 45% số DN đã đưa quà và các chi phí không chính thức trong đợt thanh tra, kiểm tra trong năm 2016, chỉ 8% số DN là bị cán bộ thanh tra, kiểm tra đòi hỏi, ít hơn 5 lần so với tỷ lệ DN chủ động đưa biếu. Đáng chú ý, 59% số DN tin rằng, hành vi chủ động đưa quà cáp dù không bị đòi hỏi này là phổ biến, trở thành “luật bất thành văn”. Hơn nữa, gần 80% số DN trả lời việc đưa quà là nhằm tạo lập mối quan hệ, như một “hợp đồng bảo hiểm” cho những rắc rối và được tạo thuận lợi giải quyết các vụ việc nảy sinh trong tương lai. Thậm chí, có tới 88% số DN gặp bất lợi khi tham gia đấu thầu các hợp đồng với cơ quan Nhà nước do không “bôi trơn”, như bị kéo dài thời gian làm thủ tục, chịu thái độ không lịch sự của công chức thuế...

Vì thế, con đường hội nhập quốc tế của các DN Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm.

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 30-8-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét: “Mặc dù thời gian qua các cấp, các ngành đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên, “giấy phép con, giấy phép cháu” vẫn còn nhiều. Nhiều DN phản ánh chu kỳ sản phẩm sản xuất ra đã vất vả rồi nhưng thủ tục để đưa vào tiêu thụ, xuất khẩu còn phức tạp hơn”. Về gánh nặng thuế, phí đối với DN, Thủ tướng nói: “Theo thống kê, tổng phí vận tải DN phải đóng lên tới 70 loại. Các bộ, ngành phải tập trung tháo gỡ. Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải lưu ý các quy định hiện hành về phí BOT để có giải pháp giải quyết, tạo điều kiện cho sự phát triển của DN”.

Nguyễn Long Vân