Giai thoại nhà văn tuổi Ất Mùi Nguyễn Như Phong

07:00 | 18/02/2015

12,503 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhà văn Nguyễn Như Phong sinh vào mùa đông năm 1955 - năm Ất Mùi. Là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng nên rất nhiều người đã biết đến sự nghiệp văn chương, báo chí của Đại tá công an, nhà văn Nguyễn Như Phong, nguyên Phó TBT Báo CAND và TBT Báo Năng lượng Mới - PetroTimes hiện nay. Nhưng những chuyện “hậu trường” của nhà văn tên tuổi này thì không phải ai cũng biết:

Chú nhà quê lắm!

Từ báo Công binh của Bộ tư lệnh Công binh, Nguyễn Như Phong chuyển ngành về  Báo CAND vào năm 1982.

Năm 1983 Nguyễn Như Phong đã 28 tuổi nhưng vẫn lông bông. Cha anh, nhà văn Hoài An, rất sốt ruột, muốn cho con trai sớm có vợ, để làm hậu phương cho anh yên tâm làm nghề.

Một hôm, ông Hoài An liền nhờ nhà văn Hữu Ước, khi đó là Phó Trưởng phòng Thời sự Báo CAND tới nhà.

Sau vài câu chuyện nghề, ông bảo:  “Tôi mời anh đến đây, cũng là muốn nhờ anh một việc. Anh giúp tôi tìm cho thằng Phong một con vợ.”

Nghe bậc trưởng lão đề cập một cách nghiêm túc, nhà văn Hữu Ước bèn hỏi lại: “Tiêu chuẩn của bác là thế nào ạ?”

Nhà văn Hoài An thủng thẳng: "Có hai tiêu chuẩn: Thứ nhất là ít chữ nhưng có văn hóa. Thứ hai là có nghề nghiệp tử tế".

Nhà văn Hữu Ước ngạc nhiên:

- Ít chữ thì làm sao biết họ có văn hóa hả ông?

- À, anh cứ nhìn đứa nào xới cơm và đưa cho bố mẹ bằng 2 tay, là đứa có văn hóa.

Là người chữ nghĩa, nhà văn Hoài An quan niệm rõ ràng, người có chữ và  người có văn hóa khác nhau rất xa. Rất nhiều người có người học thức cao nhưng lại kém văn hóa.

Thế rồi, nhà văn Hữu Ước về và bảo vợ là chị Nguyễn Thị Lý: "Em kiếm cho thằng Phong một con vợ..?" Và khi chị Lý hỏi "tiêu chuẩn", thì Hữu Ước truyền đạt lại nguyên văn lời ông Hoài An: "Thứ nhất, ít chữ nhưng có văn hóa. Thứ hai, có nghề nghiệp tử tế".

Vài hôm sau, chị Lý đạp xe qua báo Công an nhân dân bảo Nguyễn Như Phong đi theo chị ra chợ Hôm để xem mặt một cô bán thịt mà chị đã “dấm” sẵn. Cũng phải nói thêm là thời bao cấp, con gái bán thịt lợn, bán gạo… là "có giá" lắm.

Nguyễn Như Phong vội tất tả đi theo, “đánh” nguyên bộ đồ lính bạc thếch và đôi dép cao su đúc, đi “xem mặt”.

Đến chợ Hôm, chị Lý dẫn  Nguyễn Như Phong vào quầy bán thịt lợn. Cô bán hàng đang tay dao tay thớt nhòm qua ô cửa tò vò bán thịt nhìn anh soi mói, như thể đánh giá một …con lợn nhiều nạc, hay ít nạc…! Rồi cô nở một nụ cười khó hiểu và cúi xuống tiếp tục thái thịt.

Hai ngày sau, Nguyễn Như Phong sốt ruột, rụt rè hỏi chị Lý: "Chị ơi, cô ấy nhận xét về em thế nào?".

Chị Lý lắc đầu: "Nó bảo trông chú nhà quê lắm".

Ba năm sau, anh Nguyễn Văn Quyết (bạn cùng học D8 Đại học An ninh với Thiếu tướng Phạm Miên, TBT Báo CAND hiện nay), tổ chức lễ ăn hỏi.

Lễ lạt xong thì Quyết mời mấy anh em ở báo về ăn cơm. Bữa ăn có nhiều món ngon, đặc biệt là đĩa xôi vò. Nguyễn Như Phong cầm đĩa xôi, cười cười: "Ai làm món xôi vò ngon thế này, tôi sẽ lấy làm vợ". Mọi người cười ồ lên và chỉ cho anh cô gái đã làm nên món xôi vò đó.”

Thế là anh làm quen với cô - một dược sĩ ở Nhà máy Cao su Đường sắt. Với món xôi vò là “cầu nối”, một năm sau, họ nên duyên vợ chồng! Cô gái khéo tay năm ấy chính là chị Loan, mẹ của 2 cậu con trai anh hiện nay.

Ứng trước tiền phúng

Mồng 4 tết năm 2007, Nguyễn Như Phong họp với Ban ANTG mà anh phụ trách.

Sau khi chúc Tết, mừng tuổi mọi người, anh thủng thẳng: "Năm nay, tôi 53 tuổi, mà các cụ  dạy “49 chưa qua, 53 đã tới”, nên chắc khó… qua được. Vì vậy tôi cũng đã chuẩn bị sẵn "hậu sự" cho mình. Điếu văn, thì tự tôi viết lấy, không nhờ vả thằng nào cả. Nhạc tang lễ, tôi chọn Chương 7, bản giao hưởng Bức tranh trong phong triển lãm của Mussorgsky…Tôi đã nhờ anh Hiếu kỹ thuật lưu giúp bản nhạc đó. Còn việc nữa, chúng ta bây giờ, nên thực tế. Vì thế, anh chị em nào có tấm lòng với tôi thì xin cho tiền …phúng viếng trước. Để tôi có tiền… ăn chơi. Tôi xin ghi sổ cẩn thận. Nếu chẳng may tôi không qua khỏi, thì những người đã phúng tôi rồi, cứ chìa cuốn sổ cho vợ tôi biết, và bảo "Lão ấy xơi tiền phúng từ lâu rồi, có biên nhận hẳn hoi đây nhé…"!

Anh chị em Ban ANTG ngơ ngác, và cũng …im lặng.

Rồi, Nguyễn Như Phong giao cho chị Đỗ Hoàng Anh, Phó ban ANTG… thu tiền phúng hộ. Nhưng, mãi chả có ai chịu phúng trước lấy một cắc!

Mấy hôm sau, vào Văn phòng Báo CAND ở phía Nam, Nguyễn Như Phong tiếp tục thông báo “thể lệ phúng trước”. Thậm chí, chị  Nga, kế toán của Báo cũng viết thông báo lên bảng tin: “Ai phúng viếng trước Phó TBT Nguyễn Như Phong thì nộp cho tài vụ”.  Nhưng rồi cũng chả có xu nào!

Chắc vì anh chị em không ai chịu phúng trước, nên năm ấy, nhà văn Nguyễn Như Phong không chỉ khỏe mạnh, mà năm nào cũng có tiểu thuyết, kịch bản phim ra đời, lại còn ẵm cả giải thưởng về tiểu thuyết!

Giai thoại nhà văn tuổi Ất Mùi Nguyễn Như Phong

Nhà báo Nguyễn Như Phong cùng phóng viên Hoàng Sang, báo VietNamNet ở vùng biển Hoàng Sa.

Người hâm mộ?

Vào những năm 1998-1999, sau hàng loạt phóng sự trên tờ An ninh Thế giới, tên tuổi của Nguyễn Như Phong nổi như cồn.

Trong nhiều lá  thư gửi về tòa soạn bày tỏ sự yêu quý tờ An ninh Thế giới, có một có gái gửi lá thư, chữ viết rất đẹp. Cô bày tỏ lòng hâm mộ nhà văn Nguyễn Như Phong vì những bài báo, đồng thời, mơ ước được… làm người yêu?

Nguyễn Như Phong mang bức “thư tình” đó nhờ chị Đỗ Hoàng Anh “truy tìm” địa chỉ tác giả, để biết “người yêu mình” là ai.

Sau nhiều ngày tìm kiếm công phu và phải nhờ cả công an giúp, Đỗ Hoàng Anh tìm ra được tung tích cô gái.

Đó là một bệnh nhân tâm thần, đang được điều trị tại Khoa Thần kinh, BV Bạch Mai!

Viết kịch bản bằng… đọc

Các biên kịch, nhà văn, nhà báo đều phải viết tác phẩm bằng bút, hoặc đánh máy vi tính. Ấy nhưng nhà văn Nguyễn Như Phong thì hầu hết là viết tay, vì anh đánh máy cực kỳ kém.

Viết tay, bằng bút máy bơm mực, chứ không viết bằng bút bi. Và chủ yếu là bút máy Parke

Nguyễn Như Phong viết khá nhanh. Như phim "Cổ cồn trắng", có ngày, anh viết tới 40 trang giấy khổ A4, và chữ thì như… kiến bò.

Nguyễn Như Phong viết tiểu thuyết, kịch bản phim, hoặc phóng sự dài kỳ nhưng tuyệt nhiên không biết làm đề cương. Có lần, nhà văn Thùy Linh, bảo anh làm đề cương phim "Cổ cồn trắng" để nộp trước cho hãng phim Truyền hình, Nguyễn Như Phong "nặn" mãi mới được hơn chục trang. Nhưng khi viết thì đề cương một đằng, nội dung viết một nẻo.

Từ đó, không bao giờ Phong làm đề cương nộp trước, mà cứ nộp luôn cả bản thảo. Và Hãng phim Truyền hình cũng chẳng đòi hỏi anh phải nộp đề cương.

Một lần, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ gợi ý: "Em thấy anh viết nhanh, có trí nhớ, Anh thử đọc vào máy ghi âm, rồi nhờ người gỡ băng cho nhanh!"

Thế là nhà văn Nguyễn Như Phong làm theo. Ai dè, rất hiệu quả.

Với cách “viết” kịch bản mới này, tốc độ sáng tác của anh tăng vọt: Trước một tháng chỉ được 3 tập kịch bản, nay có ngày anh “viết” được 3 tập. Các kịch bản "Chạy án 1" và "Chạy án 2",  "Bí mật tam giác vàng", “Quỷ ám”, “Chạy án 3”, “Hồng nhan đa truân”… đều ra đời bằng cách “viết” ghi âm.

Khi ở An ninh thế giới thì có hai người chuyên gỡ băng cho anh, là kỹ thuật viên Nguyễn Văn Hiếu, và chị Như Lan, em gái Như Phong.

Nhưng đến khi sang báo Năng lượng Mới, thì phải mất hơn hai năm, Nguyễn Như Phong mới tìm được một cô gái đủ sức đánh máy kịch bản cho anh.

Một bộ phim như "Chạy Án 3" 42 tập, Nguyễn Như Phong viết chỉ có hơn 5 tháng, hoặc như "Quỷ ám" 30 tập, chỉ viết 3 tháng…

Dĩ nhiên, làm được điều này, đòi hỏi phải có một trí nhớ tuyệt vời, để không lẫn lộn nhân vật nọ sang nhân vật kia, nhất là khi anh chẳng có đề cương hay lý lịch nhân vật bao giờ. Có lẽ, đây là khả năng trời cho nhà văn Nguyễn Như Phong. Không chỉ viết kịch bản bằng "ghi âm", mà phóng sự, hoặc các bài báo anh cũng viết… như vậy.

Đi lấy tài liệu viết báo, Nguyễn Như Phong không bao giờ dùng máy ghi âm, mà chỉ ghi tốc ký… Anh ghi chép rất tỷ mỉ, chi tiết.

Nhưng khi viết bài, hầu như không bao giờ anh phải giở lại sổ ghi chép.

Anh chị em báo An ninh Thế giới từng chứng kiến Nguyễn Như Phong đọc cho 2 nhân viên đánh máy 2 bài báo hoàn toàn khác nhau, trong cùng một lúc… mà không cần sổ sách gì.

Để nhớ được tên nhân vật, anh cứ “lôi” hết tên của anh chị em trong cơ quan ra đặt. Khi gỡ băng đánh máy, mọi người cứ cười lăn ra vì thấy mình bỗng trở thành những nhân vật trong sáng tác của sếp. Có lần, một cán bộ của của báo An ninh Thế giới tên là  Mai đề nghị: “Cái chết của cô Mai trong kịch bản kinh khủng quá, anh cho em “chết” nhẹ nhàng hơn được không?”

Chính vì tốc độ “viết” kịch bản “khủng” như thế mà nhiều người cho rằng, nhà văn Nguyễn Như Phong có một nhóm người viết theo ý tưởng anh vạch ra. Một nhóm phóng viên truyền hình cũng nghi ngờ nên đến làm việc với anh, khi anh trưng ra bằng chứng là những trang bản thảo, những cuốn băng đọc kịch bản,  họ mới ngỡ ngàng trước sự lao động nghệ thuật "chẳng giống ai" của anh.

Thanh Hằng (Báo CAND )

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc